Hôm rồi, tôi có đến một quán cà phê của một ông chủ thích lưu trữ đồ cổ (những quán cà phê kiểu này rất nhiều ở Sài Gòn), có một bài báo được in ra, lộng kiếng, dán lên tường ghi tựa là “quán cà phê của vua đồ cổ…”. Tôi tò mò gõ chữ “vua đồ cổ” lên công cụ tìm kiếm của google, kết quả cho ra cỡ mấy chục ông “vua đồ cổ” luôn. Được cái, ông nào cũng… giàu!

Lê Dương Bảo Lâm nói “Mình nghĩ là 300 năm hoặc xa hơn nữa là 400 năm mới có 1 Trấn Thành thứ 2.” Trấn Thành (A Xìn) “Đẻ 10 kiếp không bằng Đàm Vĩnh Hưng.” Đàm Vĩnh Hưng: “Hãy luôn nhớ, Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm.” – Nguồn: Google.com       

Lắm khi tôi nghĩ, nên đặt cho xứ Việt danh xưng “Xứ của các vị vua”, vì đi đâu, nhìn đâu, đọc đâu cũng thấy vua… nào là vua đầu bếp, vua nhạc sến, vua nhạc bolero, vua nhạc vàng, vua nhạc Việt, vua tiếng Việt, vua rác, vua nhạc rap… rồi tới nữ hoàng quảng cáo, nữ hoàng nội y, nữ hoàng thị phi, nữ hoàng dao kéo… những vị vua/nữ hoàng chỉ “trị vì” trong vài bài báo. Ðôi khi, họ là nạn nhân của truyền thông Việt, một thứ truyền thông thích “lên gân”, mê lạm dụng từ “vua” khi nói đến ai đó hoặc đặt tên cho chương trình nào đó. Tưởng vậy là sang trọng! Nhưng đôi khi, cũng có những người thích tự may long bào, tự đội vương miện, tự làm “ngai vàng” (hoặc ngai đồng, ngai sắt…) cho chính mình, rồi xưng vua xưng chúa…

  1. Ông hoàng nhạc Việt

Trước Ðàm Vĩnh Hưng không có Ðàm Vĩnh Hưng hiện giờ, sau Ðàm Vĩnh Hưng sẽ không có Ðàm Vĩnh Hưng như Ðàm Vĩnh Hưng hiện giờ, có thể tin Ðàm Vĩnh Hưng là duy nhất, Ðàm Vĩnh Hưng là vua trong cái đáy giếng Ðàm Vĩnh Hưng. Ðáy giếng của Ðàm Vĩnh Hưng có Trấn Thành, người tuyên bố: “Ðẻ 10 kiếp không bằng Ðàm Vĩnh Hưng”. Còn đáy giếng của Trấn Thành thì có Lê Dương Bảo Lâm, người tuyên bố: “Mình nghĩ là 300 năm hoặc xa hơn nữa là 400 năm mới có 1 Trấn Thành thứ 2” Họ có quyền nói như vậy, tôi không phản đối chút nào, chỉ thấy mắc cười… Nhưng nhạc Việt thì khác!

Trước Ðàm Vĩnh Hưng có hàng hàng lớp lớp nghệ sĩ/danh ca hát hay hơn Ðàm Vĩnh Hưng, sau Ðàm Vĩnh Hưng cũng có hàng hàng lớp lớp nghệ sĩ/danh ca hát hay hơn Ðàm Vĩnh Hưng, lúc Ðàm Vĩnh Hưng đang thời hoàng kim nhất thì anh ta cũng không phải cái tên duy nhất khiến người ta ngưỡng mộ. Vậy mà Ðàm Vĩnh Hưng từ lâu tự cho mình là “ông hoàng nhạc Việt”, tự tay răn đe thế giới “Hãy luôn nhớ, Ðàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm». Cách đây không lâu, Ðàm Vĩnh Hưng công bố phim điện ảnh về cuộc đời mình mang tên «Hào quang rực rỡ – The King» – chính anh ta tự miệng xướng lên chữ «The King» đầy tự hào, tròn vành, rõ chữ, như lâu nay luôn tự hào bản thân là «ông hoàng nhạc Việt». Ngoài ra, phần chú thích trên poster phim cũng ghi «Dựa trên câu chuyện thật của “Ông hoàng nhạc Việt” Ðàm Vĩnh Hưng».

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Vậy mà, khi «Ông hoàng nhạc Việt» từng rất hung hãn kia bị dân tình, báo chí công kích lẫn đàm tiếu chê bai vì tự nhận «the king», thì ngay lập tức «the king» liền chối bỏ tất cả, nói là bản thân chưa bao giờ muốn xưng «the king», tất cả là do khán giả phong tặng và các cộng sự của Hưng… xúi.

«Mềm nắn, rắn buông», thiệt là một đức tánh chung của nhiều nghệ sĩ Việt. Như có (nhiều) vị nghệ sĩ nổi tiếng kia, bị khán giả chê, lợi dụng vị thế và tiền bạc mà đem luật sư/công an tới nhà dọa khán giả, quay clip đăng lên mạng khoe đã dọa thành công người ta ra sao. Tới khi con số người chê quá nhiều, các vị này lại trở mu bàn tay xoa dịu khán giả bằng lời xin lỗi dịu ngọt, hình ảnh… nhập viện, hình ảnh đi… chùa, đi làm từ thiện… Khán giả Việt dễ mủi lòng lại mau quên, vài bữa lại cho qua, như đã từng «buông bỏ» những lời chửi tục tằn của «vùng đất cấm» mà đi nghe hắn hát từ Việt Nam tới hải ngoại.

Tôi hỏi người bạn: «Ở Mỹ, Phương Tây có nhiều ông hoàng, bà chúa… tự xưng như ở Việt Nam không?»

Bạn tôi nói: «Anh chỉ mới ở mấy chục năm nên thấy chưa nhiều, chỉ thấy người ta gọi ai đó là «king» chứ không ai dám mặt dày đi xưng. Như bên giải trí thì Michael Jackson được phong là King of Pop, Elvis Presley được phong là King of Rock n Roll v.v. Em sẽ thấy những thiên tài xuất chúng như Steve Jobs, Elon Musk, Bill Gates, luôn nói rất phơn phớt về mình, và thường không ai vỗ ngực xưng tên bất kỳ chuyện gì cả. Nếu có, họ thường «ban phát» cho sự may mắn, Chúa, hoặc đồng sự…»

Tôi cũng chỉ là con ếch dưới đáy giếng của mình, thật may là trong đáy giếng của tôi không có Ðàm Vĩnh Hưng, không có Trấn Thành, không có Lê Dương Bảo  Lâm…

Xem thêm:   Biden & Trump

Từ được cho là đúng trong “Vua Tiếng Việt”: Chậm chễ, nghiên ngửa… (dầu “host” của chương trình luôn cầm khư khư cuốn từ điển Tiếng Việt rất bự)  – Nguồn: Facebook Hoàng Tuấn Công.

  1. Vua tiếng Việt

Khi Mỹ học tiếng Việt:

Ma -> Ghost
Má -> Mother
Mà -> That
Mã -> Horse
Mả -> Tomb
Mạ -> Young rice

Cái gì thân thuộc cũng dễ trở nên thân yêu và đẹp đẽ nhất, từ giọt mồ hôi rớt từ cằm Ba hay cọng tóc bết trên má Mẹ hoặc cái mông lép xẹp của người yêu. Bởi vậy, là người Việt Nam ở Việt Nam, xài chữ Việt Nam từ khi chưa cầm được viết thì thấy tiếng Việt Nam đẹp và nhiều ý nghĩa là điều đương nhiên. Giống người Anh thấy tiếng Anh đẹp, người Tàu tự hào về Hán Tự vậy. Mà càng yêu thương, trân trọng thì càng để ý, càng muốn bảo vệ, nhất là khi tiếng Việt Nam bị uy hiếp bởi những kẻ thiếu kiến thức và những người thích sáng tạo chữ mới hoặc giới trẻ (lẫn không trẻ) lên mạng suốt ngày gõ teen code. Tuy nhiên, đôi khi cũng không biết “giải cứu tiếng Việt” ra sao, khi xung quanh toàn là sai, như Du Uyên được thầy “xịn” sửa từ ngữ gần chục năm nay còn chưa lấy lại vốn tiếng Việt đúng đắn do từ nhỏ học sách giáo khoa dưới mái trường XHCN vốn dùng nhiều từ sai sai, lớn chút đọc sách/đọc báo cũng quá trời chữ sai do ai đó muốn đổi luôn ngôn ngữ miền Nam. Rồi coi các chương trình dạy ngôn ngữ của đài truyền hình Quốc gia VTV (được hậu thuẫn bởi nhà nước, có hai tiến sĩ cố vấn) như “Vua tiếng Việt” mà cũng đầy lỗi căn bản như: Chậm chễ, nghiên ngửa… (dầu “host” của chương trình luôn cầm khư khư cuốn từ điển Tiếng Việt rất bự). Bị cư dân mạng và các chuyên gia ngôn ngữ công khai chỉ trích từ ngày này qua tháng nọ, VTV vẫn chưa cương quyết tạm dừng để sửa đổi hoặc có lời xin lỗi công khai tới khán giả.

Tiến sĩ Ðỗ Anh Vũ, cố vấn của chương trình Vua tiếng Việt còn đáp trả: “Không người Việt nào dám vỗ ngực tin rằng mình hiểu biết tất cả mọi điều về tiếng Việt. Bản thân việc tổ chức ra được một chương trình như hiện nay cũng là một nỗ lực rất lớn của ê kíp. Format này do chúng ta sáng tạo ra chứ không phải đi mua hay mô phỏng từ một chương trình nào của nước ngoài. Ðây là một chương trình có ý nghĩa tích cực về mặt giáo dục, về mặt văn hóa, giúp cho mọi người thêm yêu tiếng Việt, đặc biệt có ý nghĩa thiết thực với học sinh sinh viên, với những người Việt sống xa Tổ quốc. Tôi tin đa số khán giả không vì một số lỗi nhỏ, một số sơ suất mà phủ định toàn bộ những mặt đóng góp của chương trình này”.

Xem thêm:   Mất mạng

Biết VTV là “vùng đất cấm” rồi, nhưng xin thành thật với lòng, tôi cho đây là một cách chống chế vô văn hóa nhất của một người có kiến thức, phải chi chương trình này là “thái giám tiếng Việt” hay “Vua sai tiếng Việt”… thì đâu ai thèm chấp. Tự nhiên nhận là “Vua tiếng Việt”, tự hào rằng “Ðây là một chương trình có ý nghĩa tích cực về mặt giáo dục, về mặt văn hóa, giúp cho mọi người thêm yêu tiếng Việt, đặc biệt có ý nghĩa thiết thực với học sinh sinh viên, với những người Việt sống xa Tổ quốc”, mà sai ròng sai rã, sai từ lỗi căn bản tới lỗi rất căn bản, cuốn từ điển cũng sai nghĩa… thì chống chế cái gì đây?

Các nhà báo VN thì đúng là “Vua đặt tựa… nhảm”. – Nguồn: Chụp màn hình các báo trong nước.

  1. Vua đặt tựa

Thiệt ra, lực lượng “vua” hùng hậu nhất, những kẻ tạo ra các danh xưng vua và nữ hoàng không ai khác là giới truyền thông, hàng triệu người làm báo trong nước, họ chính là những “vua đặt tựa”, “vua giật tít” chính hiệu. Từ nghệ sĩ tới khán giả dầu có là “vùng cấm” hay không đều sợ họ. Ngôn ngữ Việt Nam cũng là nạn nhân lớn của truyền thông, báo chí Việt. Tôi cũng thường sai tiếng Việt,  lý do là mỗi ngày đều đọc báo chí VN và nhiễm luôn cái sai của họ.

Từ: “Lương Thùy Linh phanh áo khoe nội y tí hon”

“Chi Pu ngồi một mình giữa 3 chiếc ghế sắt”

“Lý Nhã Kỳ cắn lưỡi chảy máu khi ăn bánh tráng trộn”.

“Ngọc Hân dù mặc đầm lộng lẫy vẫn kéo vali ở Nhật”

“Á hậu Huyền My để mẹ đẩy hành lý ở sân bay”

Tới: “Rúng động trước vẻ đẹp của đảo Lý Sơn”

“Truyền thông thế giới rúng động trước bê bối tham nhũng ở Nghị viện Châu Âu”

Hay:

“Thủ khoa khối A tỉnh Thanh Hóa là người từng lấy nhiều tiền của quỹ khuyến học”

“Kéo cầu tiêu dùng để kích kinh tế”

Ðôi khi chỉ cần chụp màn hình một bài viết bất kỳ với các tựa bài báo như trên thôi là đủ một tràng cười “rụng nụ” luôn với các “Vua đặt tựa” luôn rồi.

Chữ Việt Nam đẹp không cần điệu đà, tô vẽ hay gây sốc, nhiều câu giỡn không hề mạnh bạo vẫn ý nhị, dễ thương. Như hôm rồi, có một cái hình trên mạng xã hội mà ai thấy cũng chia sẻ về “nhà” cho bạn bè cùng thấy, chỉ vì dòng chữ: “Bánh lọt – 10.000 VND/1 bụng”. Thật đáng yêu đúng không? Người viết tấm bảng này phải là “Vua tiếng Việt” mới đúng, dầu có ráng cho họ thì họ cũng không thèm nhận. Có người hỏi cắc cớ: “Không biết người có bụng bự thì có bị tính thêm không?” Người đăng tấm ảnh trên trả lời cũng rất “tướng quân tiếng Việt”: “Người miền Nam không… uyển chuyển như thế”.

Người sáng tác ra đơn vị đo lường này mới xứng đáng là “Vua Tiếng Việt” – Nguồn: Luong Le-Huy

DU