Một bữa, ngồi với một nhà thơ cao niên, ông nói: Người làm thơ hay thì không thể nào làm người xấu được, tôi tin, vì tôi cũng mần thơ (có lẽ hay). Tôi còn tin là, một người yêu thơ hoặc yêu kẻ mần thơ như tôi sẽ không bao giờ xấu được…

Bảo Huân     

Và thời gian cho tôi biết, điều chắc chắn nhất trên đời là trên đời này không có gì chắc chắn hết. Người yêu thơ ròng rã nhiều năm như tôi rồi một bữa cũng chai sạn cảm xúc bởi những chuyện xung quanh, nhà thơ mà cũng chán thơ thì trách chi chàng thơ chán nàng thơ… Trong cuộc đời, có quá nhiều thứ thay đổi nhanh chóng mà không bỏ nhỏ trước lời nào, cũng có nhiều thứ thay đổi dần dần khiến con người như con ếch bị luộc từ từ trong nồi nước lạnh, bỗng một ngày chết ngắc mà không biết tại sao… Một bữa đẹp trời, người từng cãi cha cãi mẹ cãi bạn cãi bè để chạy theo tình yêu của bạn, người mà bạn nghĩ chỉ cái chết có thể chia lìa lại trở thành cái gai trong mắt bạn và họ cũng coi bạn là cái dằm trong thịt. Hai người từng nồng nàn ân ái có thể tuyên bố không đội trời chung. Lý do, không hề có lý do cụ thể, chỉ có thể trách đời hay đổi thay… Bởi vậy, khi chưa có kinh nghiệm sống, tôi hay thương Thu buồn Đông khi nhìn các cuộc tình, cuộc hôn nhân tan vỡ, nghĩ sao mà tiếc cho một chuyện tình đẹp đẽ, một cặp đôi hoàn hảo phải chia lìa. Nhưng tôi nào biết, họ đã thay đổi từ lâu, do sự thay đổi, vụn vỡ đó xảy ra từ từ, chậm rãi quá, khiến người ta không dễ dàng nhận ra …  Thỉnh thoảng trên báo chí người ta có nói đến những cặp đôi cao niên, tuổi trên thất thập mà vẫn muốn ly thân hay đưa đơn ra tòa xin ly hôn, ly dị. Sự kết thúc có thể tới nhanh hoặc chậm hoặc không chịu tới, nhưng nó đem tới sự tổn thương vĩnh hằng.

Đại biểu Quốc Hội Phan Thị Mỹ Dung – kinh nghiệm đầy mình – Nguồn: dantri.com.vn

Là một cô gái ở độ tuổi xuân thì chúm chím, tôi cũng mơ mộng nhiều về một chàng thơ của riêng mình, cũng có nhiều trăn trở về cuộc sống hôn nhân, tôi nghĩ mình cần tham khảo kinh nghiệm người đi trước. Người lớn, có kinh nghiệm xung quanh tôi thật sự không nhiều, nên tôi chọn tham khảo những người xa lạ. Tuy xa lạ nhưng đó là những người bằng xương bằng thịt, không phải những nhân vật trong chuyện. Không những bằng xương bằng thịt, họ còn có bằng cấp lẫn bằng …  lòng, họ mới có thể được dưới vài đồng chí, nhưng trên vạn người dân để được đứng giữa chốn Quốc Hội linh thiêng để thảo luận chuyện muôn dân. Và đây là vài kinh nghiệm hôn nhân mà tôi thu thập được từ các vị Đại biểu Quốc hội VN:

Nhà vị Bộ trưởng này chắc cỡ 5,000 mét vuông – Nguồn: vtc.vn

Nếu là kinh nghiệm từ bản thân thì Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chắc hẳn có ông chồng cực kỳ …   “khẩu nghiệp”: “Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng miết, không nói gì cả; hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi “giận cá chém thớt”; giận dỗi vô cớ cũng là các hành vi bạo lực gia đình. Do những hành động trên tác động vào người vợ, gây khủng hoảng về mặt tâm lý. Hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết, nhất là văn hóa người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng thì hổ thiếp …”  Bản thân tôi, có ông chồng như vầy thì thà tôi lấy … vợ, hèn chi người ta hay nói “Hôn nhân là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng.”

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang – ông Lê Minh Nam chắc hẳn là một người rất “hi-tech”, nên: “Vợ chồng kiểm tra tin nhắn của nhau có thể là bạo lực gia đình.” Bởi tôi từng đọc ở đâu đó: “Người ta mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi kiểm tra điện thoại của nhau.”

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh – sợ vợ hơn sợ … rượu – Nguồn: Phạm Thắng/dantri.com.vn

Việt Nam là đất nước có tỷ lệ tiêu thụ bia rượu bậc nhất bản đồ ăn nhậu của thế giới, không thể thiếu những vị Đại biểu quốc hội như ông Nguyễn Minh Đức (Sài Gòn): “Chồng đi nhậu về bị vợ chì chiết có bị coi là hành vi bạo lực gia đình?” Tôi cũng thắc mắc lắm… Biết là “Yêu nhau vạn sự chẳng nề/Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” nhưng chồng tối ngày say xỉn, đi nhậu không … rủ vợ quả là trọng tội!

Nguyễn Phú Cường  (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách VN) thì đăm chiêu góp lời: “Ở nước ngoài, là vợ chồng nhưng việc quản lý tài chính thường tách riêng. Chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng, không thể biết, không thể kiểm soát thu nhập lẫn nhau. Còn ở Việt Nam, nhiều cặp vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ quản lý, sử dụng luôn thẻ ngân hàng của chồng. Đây có phải bạo lực gia đình không?” Không biết ông Cường có vợ chưa, sau khi phát biểu nỗi bất bình trên, cái “quỹ đen” của ông vẫn bằng an chứ?

Ông Hoàng Nam Tiến – người luôn canh cánh chuyện rửa chén – Nguồn: Facebook

Nguyễn Văn Hùng (Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch VN) – với vẻ mặt căm hờn, ông đề nghị: “Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc với nạn nhân trong khoảng cách 50m trở lên, có vật ngăn cách bảo đảm an toàn thì không áp dụng khoảng cách.” – Ông Hùng không nói thêm coi quy định trên có phân chia giờ giấc hay không? Chứ hai vợ chồng mà cả đời như Ngưu Lang-Chức Nữ coi bộ cũng khó bền. Có người nói rằng: “Chết vì người yêu còn dễ chịu hơn là sống chung với người ấy”, không biết phải ông Hùng là tác giả câu này không?

Xem thêm:   Ham & hố

Kịch tính hơn, mới đây, trong khi thảo luận về việc nên “cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe”, Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Trà Vinh) “Tác nhân gây ra hành vi yếu kém không chỉ có rượu. Thậm chí có anh đi trên đường chỉ nghĩ đến vợ là tim đập chân run rồi, không thể điều khiển được xe”, đại biểu Bế Trung Anh nói vui.

Người chồng hoặc chồng cũ của tiểu thơ nào đó ở Hà Nội thích ăn trộm vặt giữa đàng, bị người đi đường chụp lại – Nguồn: Facebook

Ngoài các đại biểu quốc hội, giới siêu giàu ở Việt Nam cũng hay cáng đáng chuyện hôn nhơn gia đình, như ông Hoàng Nam Tiến (nguyên là Chủ tịch Tập đoàn FPT, Phó chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động đào tạo sau đại học. “Những người đàn ông thường xuyên rửa bát, rửa chén sau khi ăn cho vợ, mấy ông ấy rất hay bỏ vợ. Ông giàu thứ ba thế giới là Bill Gates bỏ vợ, cũng là ông mà sau mỗi bữa ăn lại rửa bát, còn ông Jeff Bezos thì rửa thường xuyên”. Ông Tiến phân tích: “Trong môn Tâm lý học lãnh đạo, các nhà nghiên cứu phát hiện, những người đàn ông thích nhận việc rửa bát vì đó là những phút giây duy nhất bình yên khi ở nhà. Tóm lại, đàn ông rửa bát là để được yên ổn, đỡ phải nghe vợ càu nhàu.” Thornton Wilder từng nói: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc”. Còn ông Tiến phải đổi một chút: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại là thời gian rửa chén”.
Ái chà chà, nghe qua như sét đánh ngang tai. Lúc yêu ai mà nghĩ sau này anh và em ai sẽ rửa chén, ai sẽ đi nhậu, ai sẽ ngắm anh láng giềng cô hàng xóm, ai giữ tiền, ai sẽ chăm con, ai sẽ chăm má… lúc yêu thì chỉ có yêu, vì vậy mà tình yêu nó vô tư, mạnh mẽ, đẹp đẽ… Rồi hôn nhơn xảy ra, tình yêu yếu dần, yếu dần… tắt ngúm sau những tranh cãi, giận hờn, nghi ngờ, sợ hãi, thậm chí là khinh thường, căm ghét nhau. Lời yêu cũng cạn sạch, trôi xuống cống như bọt xà bông nhà mấy ông tỷ phú thích rửa chén ở trên. Cuối cùng, cả hai bên thở ra một hơi, lên giọng kết án cho hôn nhân: “Hôn nhân giống như cái toilet, người ở trong thì muốn đi ra, còn người ở ngoài thì muốn đi vào lẹ lẹ.”

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Du Uyên đóng nhẹ cửa toilet, chạy ra lùm cây sau hè…

DU