Chắc ở Việt Nam chỉ có khái niệm “phim cúng cụ”, nếu loại phim này nổi tiếng ra toàn cầu, có thể từ điển Oxford sẽ có từ “phim cung cu” như đã từng với áo dài, bánh mì, phở … Vậy “phim cúng cụ” là gì?

Hết website sập rồi đến máy in hư vì phim quá “hot”, khán giả coi phim bằng vé viết tay – Nguồn: kenh14.vn  

Phim cúng cụ” chính xác là “phim nhà nước”: Phim do nhà nước đặt hàng, bỏ tiền (thuế) ra đầu tư. Mục đích chính của loại phim này ở Việt Nam là để tuyên truyền cho nhà cầm quyền chứ không phải để dân coi và giải trí hay học hỏi. Bởi nặng tính tuyên truyền mà dầu được đầu tư lớn nhưng đa số “phim cúng cụ” chủ yếu được sản xuất xong, chiếu trong một số sự kiện tuyên truyền hoặc kỷ niệm rồi “cất kho”. Khán giả như người chết, “phim cúng cụ” như “gà khỏa thân” trên bàn thờ, ngắm cho vui mắt chứ không ăn nổi, ăn cũng thấy không có mùi vị gì, vì loại phim này xưa giờ nổi tiếng dở. Dở từ nội dung tới kỹ xảo, thậm chí là diễn viên đóng cũng dở. Dầu không ít “phim cúng cụ” được đầu tư hàng triệu đô la Mỹ, chứ không phải là ít …

20 năm trước, năm 2004, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng lên tiếng về “Lời ai điếu cho một nền điện ảnh công chức”, trong đó ông viết: “Xã hội VN bước vào cơ chế thị trường đã gần 20 năm mà điện ảnh VN thực chất vẫn là một nền điện ảnh bao cấp, những người làm việc trong ngành điện ảnh, kể cả đội ngũ sáng tác đều là những công chức ăn lương nhà nước. Họ làm được phim hay thì Nhà nước được nhờ, nền điện ảnh được nhờ, mà làm không tốt, không hay thì đành chịu; đã là người trong biên chế nhà nước thì đến 60 tuổi họ mới về hưu, còn không thì cứ phải giao phim cho họ làm”. – Hết trích.

“Người nhà nước” luôn có góc nhìn và lý lẽ riêng của họ, khác biệt với số đông nhân loài, bởi vậy mà “phim nhà nước” cũng khác biệt, thậm chí là dị biệt, tới nỗi đa số “phim cúng cụ” âm thầm ra rạp rồi lặng lẽ rút lui, chẳng màng tới chuyện quảng bá. Chính những người làm ra những bộ phim này cũng không tự tin với sản phẩm của họ. Vậy mà gần đây, một bộ “phim nhà nước” bỗng nổi rần rần do “khán giả Hà Nội khóc từ đầu phim tới cuối phim”, “cháy vé liên tục, khán giả Sài Gòn đặt vé hoài không được”, “nhu cầu đặt vé tăng cao khiến web của rạp phim bị sập”… đó là phim “Đào, phở và piano”. Theo báo trong nước: “Đào, phở và piano” lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Nội dung xoay quanh mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), qua đó tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa …”

Tuy rần rần và có vẻ “hot”, nhưng rất đông người tôi quen biết đang ở Hà Nội lẫn Sài Gòn đều tuyên bố không coi phim trên, bởi lý do là coi xong mà rủi có dở cũng không dám… chê, sợ bị cho là “phản động”. Tương tự như những người tôi quen biết, nhiều người tôi không quen biết cũng có suy nghĩ đó. Chủ một “fanpage” dành cho giới trẻ trên mạng xã hội Facebook, sau khi đi coi phim về cũng hoang mang lên bài hỏi: “Xem Đào, Phở và Piano xong giờ chê thì có bị chửi không mọi người?” Sau câu hỏi rất e dè trên, người này nói thêm: “Yêu nước thì có thừa! Nhưng không cho chê thì thôi chứ để nói khen phim này thì không. Ở đây không bàn về nội dung phim vì mình tôn trọng lịch sử dân tộc. Nhưng về diễn viên, cách quay, góc máy, mạch phim, kỹ xảo, thoại… thì không khen nổi ý.” Đã rào trước đón sau rất “kỹ” như vậy mà chủ câu hỏi trên vẫn bị nhiều người tấn công, cho là “không yêu nước’. Có lẽ, ở Việt Nam, yêu nước là “yêu nhà nước” và yêu luôn “phim nhà nước”.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Bị o ép đủ đường, nhưng tiếng nói chân thật cũng ngoi ngóp thở giữa muôn vàn “họng súng”. Tôi tìm đỏ mắt, cũng thấy được vài bài review không khen quá đáng bộ phim trên, tuy chê cũng rất rụt rè. Đây là bài review phim Đào, Phở và Piano làm tôi cảm thấy hay và tin nhất:
“Tác giả Lê Võ Châu Anh – Đào, Phở và Piano: Chê thì thương, mà tán dương thì giả dối.

Khán giả Hà Nội khóc lụt rạp khi coi phim “Đào, phở và piano”  – Nguồn: baomoi.com

Mình đã mua được suất vé 19h40 ngày 19-02 trước đó mấy ngày, trước khi trang web của NCC sập, mình đã háo hức, đã chờ đợi, đã đọc 7749 bài báo tán dương phim trên mạng và có một niềm thắc mắc, sao báo nào cũng chỉ có mấy cái hình poster và 2 ông trai với 2 cô (chắc là ả đào) mà tuyệt nhiên không có thêm hình nào khác (khi mình nghe đồ rằng phim phục dựng bối cảnh chiến tranh) thì phải đẹp lắm, phải có nhiều thứ để show ra lắm, sao lại chẳng có gì, cho đến khi thực sự coi phim …

Đúng là nó chẳng có gì để show ra thật. Không chỉ thế, nó còn là nỗi thất vọng chán chường của mìnhk khi ra khỏi rạp. Mình bảo với các bạn: phim như một bát phở bò thập cẩm các thể loại, như một màn cosplay (hóa trang) của các diễn viên trong một quán cafe phục dựng đổ nát và kể những câu chuyện của người thứ 3 chứ không phải câu chuyện của chính họ.

Mình đã phải ôm đầu, và phải bật lên thành tiếng “cái gì nữa vậy” mỗi khi bát phở và thứ âm thanh cùng ánh sáng ám ảnh đó vang lên. Mình cảm thấy đau đớn không phải vì nhân vật, vì câu chuyện, mình đau đớn vì phải chịu đựng trong suốt thời lượng phim, vì nhìn thấy những đồng tiền trôi đi thật vô nghĩa. Từ từ, mình sẽ kể về nỗi ám ảnh của mình đã trải qua.

– Theo mô tả trước khi xem, phim lấy bối cảnh trận chiến Đông-Xuân 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947. Khi xem mới vỡ lẽ, phim lấy bối cảnh chứ không phải kể về, phim chỉ kể về cái ngày cuối cùng trong 60 ngày đó mà thôi – 17-02-1947. Ngơ ngác bật ngửa lần 1.

– Thứ 2, lúc vừa vào rạp, mình được chứng kiến cảnh bắn nhau oanh tạc 2 bên, súng bắn ầm ầm. Trong khoảng 3s đầu tiên mình thực sự kiểu: wow, đầu tư ghê, đã ghê. Và chỉ có 3s ngắn ngủi đó thôi, cảm xúc của mình tụt dần cho đến các giai đoạn chán nản mệt mỏi các thể loại. Mình đã xem rất nhiều cảnh bắn nhau của nhiều phim, và một cảnh bắn nhau đúng nghĩa nó không chỉ đơn thuần là máu, là đổ nát, là đạn, nó phải có câu chuyện. Tức là, như 1 trận bóng, người xem họ phải có thể đoán định được tỷ số, được tình hình, được câu chuyện đang căng lên hay dãn ra. Nhưng không, người xem chỉ thấy các diễn viên chạy đi chạy lại “pằng chíu”, ngói đổ ầm ầm, khói lửa tan hoang. Giây phút đó mình đã cảm thấy chẳng lành khi nhớ lại lời của bạn mình: phim có tất cả nhưng lại chẳng có gì.

Khán giả trên mạng không dám chê vì sợ bị chửi, sợ bị cho là phản động – Nguồn: Facebook

– Thứ 3, bối cảnh. Bối cảnh trông giả trân đến mức mình ko thể cảm nhận được bất kỳ không gian nào là thật, kể cả cảnh bãi hoang ở Nghi Tàm. Thực lòng mình thấy bối cảnh y hệt mấy cái phim trường chụp ảnh cưới nhưng nó theo concept đổ nát ý. Mình nghĩ đoàn phim có thể tận dụng nó làm địa điểm check-in cũng có vẻ hợp lý, chứ không nên đưa lên phim nữa. Bối cảnh bất hợp lý đến mức mình cảm nhận nó còn không đúng tỷ lệ thực tế, các nhân vật trông hoàn toàn to lớn trước khung hình và cảnh vật chung quanh.

– Thứ 4, mọi thứ cứ được làm quá lên một cách không cần thiết. Mình không thể tả được cảm giác khi nhìn thấy ông họa sĩ trong dáng vẻ phiêu diêu để vẽ lá cờ, và lá cờ ấy để cuộn các chiến sĩ hy sinh. Mình cảm thấy mình như có thù với chú Trần Lực khi lại một lần nữa đặt dấu hỏi chấm nét diễn đấy để diễn tả cái gì? Sự lạc quan trong cuộc chiến? Trước những cái xác? Xong rồi một đoàn người đứng ngay ngắn xếp hàng trong dáng vẻ mặc niệm, âm thanh bi tráng vang lên không lôi được một cái cảm xúc nào. Mình cảm thấy không gian y hệt cảnh hội nghị cuối năm, thực sự. Mình nên bật khóc khi đã bật cười trước cảnh đó? Và, làm quá lên không phải 1, 2 lần đâu, mà là toàn bộ bộ phim.

– Thứ 5, bát phở bò ám ảnh. Nói thế nào nhỉ, bát phở bò xuất hiện tầm 4, 5 lần gì đó, mỗi lần nó xuất hiện y hệt như quảng cáo Phở Hà Nội gói ăn liền ý, bát phở phát ra ánh sáng trắng như từ thiên đường, kèm thứ âm nhạc khó hiểu. Được cái mỗi lần nổi nhạc cả rạp lại cười. Nó có lẽ là cái gây ức chế nhất đối với mình. Nó không những không ổn, mà mình thấy nó hời hợt, nó khó hiểu, nó như một cái mớ thập cẩm hỗn độn ai muốn quẳng vào thì quẳng, ai xem được thì xem.

– Thứ 6, nhân vật năm 1946 (sau nạn đói năm 1945) nhưng béo hơn cả mình. Cân nặng của diễn viên luôn là cái gây bàn tán nhất, và mình cảm tưởng diễn viên nước nhà chưa bao giờ chịu giảm cân để đi diễn. Lại quay lại câu nói ở trên, diễn viên cosplay trong bối cảnh một quán cafe phục dựng đổ nát.

– Thứ 7, các cảnh nói tiếng Pháp không có vietsub, làm mình hoang mang tự hỏi người Hà Nội giờ đây biết tiếng Pháp hết à? Còn Pháp thuộc nữa đâu mà nói tiếng Pháp không sub?

– Thứ 8, xây dựng nhân vật. Đọc 7749 bài review thì bảo là nhân vật không có tên, rằng là chàng trai, cô gái, là ông họa sĩ, là cha xứ, là cậu bé đánh giày, là ông bà bán phở, là họ đại diện cho người Hà Nội. Làm sao có tên được khi nhân vật còn không có một cuộc đời được đặt trong bối cảnh xã hội ý? Nhân vật trong phim cứ đi đi lại lại mà không có câu chuyện gì, hoặc câu chuyện không để làm gì. Họ cứ nói mấy lời sáo rỗng yêu nước y hệt một cuộc hội nghị. Chiến sự mù mịt tự dưng cô gái quay lại lấy đàn, rồi đàn, rồi các anh tự vệ hạ đàn, rồi bị lính Tây bắn vỡ đàn, rồi đau khổ vì cây đàn đã chết (tại sao lính Tây bắn, là 1 cuộc phục kích, hay 1 cuộc bắn chơi cũng không rõ, mấy anh Tây xuất hiện chỉ để cho cây đàn vỡ). Cha xứ rạch tay lấy máu để cho ông họa sĩ vẽ cờ lên tường chẳng để làm gì (không phải khích lệ lòng dân, không phải an ủi chiến sĩ, không phải lá cờ để cắm lên mốc ranh giới, chỉ là lá cờ trong tổng thể bức tranh của ông họa sĩ).

Mình nhớ có một đoạn đối thoại trong phim “Hồng Hà nữ sĩ”: “Ngọc thể này cũng là của thiếp và các con, chàng phải giữ gìn cẩn thận”. Vâng, nhưng trong “Đào, Phở và Piano” thì cái thân xác không màng đó không phải để giành độc lập, chỉ là để thỏa mãn lý tưởng. Là một người lớn lên trong gia đình liệt sĩ – mình nghĩ hẳn người làm phim này chưa từng có người thân tham gia chiến tranh. Một lần nữa, sự làm quá và cố tỏ chất nghệ thuật trong phim khiến mình cảm thấy chán nản và chịu đựng.

Cuối cùng thì, thứ đọng lại lớn nhất trong mình có lẽ cảnh hát ả đào quay lưng, nhìn ra bầu trời mù mịt là cái khung cảnh đẹp đẽ nhất mình có đối với bộ phim này… Điều khiến mình quan ngại nhất, đó chính là khi “Đào, Phở và Piano” được chiếu rộng rãi toàn quốc sau các sự kiện cháy vé và các thông tin bên lề như một sự kiện đáng chú ý kia, liệu khán giả xem xong có bị thất vọng, chán nản và mất hẳn niềm tin vào thể loại phim “cúng cụ” này không? Và liệu nếu phim không làm đủ tốt với lý do thiếu kinh phí, thì biết trước sẽ không tốt làm ra để làm gì?

Hanoi, 20-02-2024”

DU