Hôm rồi, có người viết: “Ở xã hội này, bác sĩ có lợi khi bạn bệnh. Nha sĩ có lợi khi răng bạn sâu. Luật sư, cảnh sát có lợi khi bạn phạm luật. Thợ xây nhà có lợi khi nhà bạn sập/hư. Chỉ có ăn trộm mới thành tâm mong bạn giàu sang, sung túc. Vậy mà tại sao bác sĩ, nha sĩ, luật sư, cảnh sát, thợ xây nhà được kính trọng, còn ăn trộm bị bắt bớ/ghét bỏ? Bị nói là nhục?”

Vậy ăn trộm có nhục không? – Từ luatminhkhue.vn   

Không biết người viết mấy câu trên có làm… ăn trộm không mà “bất bình” dữ vậy, nhưng khi đọc lướt qua, ai “nhẹ dạ” (như tôi) là “thương” những người làm nghề ăn trộm ngay, vì cái “thành tâm” của họ.

Từ lúc biết chữ tới giờ, tôi đã đọc hàng tỷ bài viết cố minh chứng “ranh giới giữa đúng-sai, thật-giả trong lòng người rất mỏng manh và mơ hồ.” Bài trên cũng có thể được xem là một ví dụ, nhưng hơi gượng ép, vì xã hội này, người làm ăn trộm không nhiều. Vậy thử lấy một ví dụ khác xem sao. Như hôm rồi, có một người đàn ông đăng bức ảnh những người phụ nữ làm nghề mua/bán ve chai, đang chạy xe đạp nép bên đường làng, kèm theo mấy dòng cảm nghĩ:

“Thanh Hoá, 13giờ48 phút chiều nay 24-02-2021.

Xe đang chạy nhanh tôi đã phải dừng lại khi thấy cảnh này. 5 chị phụ nữ người gầy guộc không có tí mỡ nào ở một huyện cách thành phố Thanh Hoá 32km, trời nắng chang chang mà vẫn cặm cụi đạp xe. Các chị đi nhặt ve chai, đồng nát . Các chị đều đã lập gia đình. Ðây là hình ảnh của lớp chị em lớn tuổi. Tôi lấy sữa dành tặng cho bà con ở Cố đô Huế để biếu cho họ, mỗi chị 2 hộp, họ rất vui, tất cả 5 người đều không có điện thoại thông minh, họ chỉ xài điện thoại «cục gạch». Trò chuyện một lát rồi chia tay họ.

Tôi mà để vợ như thế này thì chắc ra đường cứ cúi mặt mà lầm lũi đi chứ chẳng dám nhìn mặt ai nữa. 5 chị này lớn tuổi ở thời đã qua lâu tôi không bàn luận, tôi chỉ nói thời này. Các bạn trai trẻ thời bây giờ nhớ đừng bao giờ để vợ như thế này, để vợ khổ là nhục lắm, nhưng nhớ đừng bao giờ phạm tội để có tiền!”

Bài viết của ông Đoàn Ngọc Hải – Chụp màn hình

Một chia sẻ, một lời khuyên tưởng chừng rất bình thường của một người đàn ông đang có tiền, có tuổi và có… vợ gửi tới những người bạn trẻ. Bình thường, có lẽ ông sẽ nhận được nhiều sự đồng ý từ phái nữ, một số ít bất mãn từ phái nam. Nhưng rất tiếc, ông này có một «thân phận» không bình thường, nên ông nhận được từ cộng đồng mạng VN hàng chục ngàn ý kiến khác nhau, đa số là phản bác. Một phần cũng do quá khứ của ổng.

Người viết những cảm nghĩ trên là Ðoàn Ngọc Hải, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, người từng nổi tiếng với biệt danh “Hải cẩu” vì dùng xe cẩu/búa và các biện pháp mạnh cưỡng chế/phá bỏ mặt tiền của nhiều cửa tiệm/khách sạn/nhà dân với danh nghĩa: “dọn sạch vỉa hè” ở Sài Gòn. Hai năm nay, sau khi “cởi áo từ quan”, ông Hải lại nổi tiếng lần nữa vì không “lên non tìm động hoa vàng” mà đi khắp nơi làm và kêu gọi làm từ thiện. Nhiều người từng có khúc mắc với ông về vụ đập vỉa hè trước kia cũng dần có thiện cảm với ông vì việc từ thiện này. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ vẻ không ưa, đặt ra câu hỏi là “tiền ở đâu mà ông Hải làm từ thiện hàng chục tỷ đồng như vậy?”. Ví dụ như Facebooker Dương Quốc Chính (xin trích một đoạn vì bài viết khá dài):

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

“Ở nhiều bài viết khác, bằng các biện pháp nghiệp vụ, mình đã phân tích rằng 99.99% quan lại phải tham nhũng, những ai không hoặc ít ăn tiền là do ở các vị trí không hay ít có “màu mè”. Nếu mình ở vị trí các anh thì mình cũng “ăn”, với cơ chế này thì ngu gì không ăn, không ăn thì sống bằng gì khi Tổng bí thư mới có lương cỡ 16 triệu/tháng? Thế mới nói 100% quan lại là củi dự khuyết, chẳng qua chả ai đi câu mà tận diệt hết cả cá, chỉ bắt một số con liều lĩnh và số đen nhất thôi. Thế nhưng anh “Hải cẩu” lại liều lĩnh khi ngang nhiên làm từ thiện tiền tỷ trong khi chỉ là một phó quận, lương tầm 7-8 triệu là tối đa. Tuy anh đã từ quan, nhưng ngay sau khi từ chức anh đã vung tiền làm từ thiện đến mấy tỷ, với lý do là bán đồng hồ và điện thoại do “một người thân tặng” giá 2 tỷ (!) Theo một bài báo khác, kể cả tiền đất lẫn xây nhà tình thương, anh phải bỏ ra tới 4.5 tỷ. Ðược biết anh Hải xuất thân từ chi cục thuế Quận 1, rồi leo lên phó quận. Mà ai cũng biết thuế là bộ phận ngon ăn nhất của mỗi địa phương, mà Quận 1 là quận giàu nhất SG. SG là thành phố giàu nhất cả nước. Quận 1 có lẽ thu thuế nhiều hơn một tỉnh nhà quê.

Công bằng mà nói, hành vi từ thiện, dù đến từ bất cứ ai, thì đó cũng là hành vi tốt, đáng khen. Nhưng cái áo cà sa không tạo nên thầy tu. Người xấu hay tốt, tội phạm hay thiện lành, nó không hề quyết định bởi việc làm từ thiện.”

Ông “Hải cẩu” cho đập bậc tam cấp trên đường Nguyễn Huệ hồi 2017 – Từ vietnamnet.vn

Vì những tranh luận đúng sai, bênh có, ghét bỏ có. Nên giữa những tài tử mới nổi trong làng showbiz lẫn chính trị Việt, cái tên Ðoàn Ngọc Hải chưa bao giờ là cũ.  Từ đó, mỗi lời ông nói, mỗi hành động ông làm đều bị/được người ta soi 360 độ. Như chia sẻ về những người phụ nữ bán ve chai và lời khuyên cho những người đàn ông ở trên.

Người thì đồng tình: “Nên biết xấu hổ khi là đàn ông mà để vợ mình vất vả, lam lũ, chứ không lẽ lấy điều đó là sự tự hào!? Em đồng tình với suy nghĩ của anh Hải, rất văn minh và tiến bộ. Có thể cách anh ấy diễn đạt còn hơi nôm na vì ảnh không phải là dân văn chương, viết lách. Nhưng đó là lối tư duy quá văn minh.” – Facebooker Đinh Thu Hiền.

Xem thêm:   Cấm TikTok

“Nếu hai vợ chồng cùng còng lưng kiếm sống thì không sao, nhưng đúng là ở VN nhiều bà vợ còng lưng, còn chồng thẳng lưng, đã thế còn cờ bạc, rượu chè, đánh đập vợ con!” – Facebooker Mạc Việt Hồng.

“Có những vùng ở miền ngoài mà tui từng đến. Phụ nữ quanh năm ruộng đồng, buôn thúng bán bưng lo toan mọi chuyện trong gia đình. Thằng chồng gia trưởng, vợ phải cơm bưng nước rót, rồi còn bị khinh khi nếu không sinh được con trai nối dõi. Vì thế đừng vội đánh giá bài viết của ông Hải.” – Facebooker Nguyễn Hữu Thành.

Kẻ thì phản bác: “Trên đời này có phải ai sinh ra cũng có nhà mặt phố, bố làm quan hay may mắn, thành đạt cả đâu. Ðược như anh Hải ở VN chắc chỉ là số nhỏ.

Anh thợ cắt tóc tôi hay ghé làm quần quật cả ngày cũng phải để vợ đi phụ bán cơm với người ta để vừa lo cho con vừa phụng dưỡng bố mẹ già hai bên. Còn chị ve chai người Nghệ An hay xin tôi đồ cũ, chồng cũng tối mặt chạy xe hàng mới đủ lo cho cả nhà. Tôi còn biết có chị nhìn vất vả vậy đấy nhưng họ thu nhập tốt, làm nghề khác dù nhàn hạ hơn nhưng họ không thích.

Tôi nghĩ nếu người đàn ông cũng đang còng lưng kiếm sống như thế thì có gì là nhục? Mỗi người một việc chứ có phải ai cũng làm quan rồi có điều kiện như anh đâu. Ðàn ông mà đủ sức lo cho vợ ngon lành hết, không phải nai lưng kiếm tiền nữa thì VN sánh vai với các cường quốc 5 châu rồi.

Ông Hải sau khi “cởi áo từ quan” – Từ Facebook

Thật ra cả anh và tôi, là đàn ông mà để đàn bà nước này khổ nhiều như thế tôi nghĩ chúng mình cũng nhục thật!” – Facebooker Hà Phan.

“Em nào mộng mơ quyền quý cao sang. – Trong dòng trạng thái gây tranh cãi, ông Ðoàn Ngọc Hải nói đàn ông mà để vợ buôn bán tảo tần trong cuộc mưu sinh là nhục. Rồi ông Hải bảo ban thêm đừng phạm tội để có tiền.

Ông Ðoàn Ngọc Hải không phải từ trên trời rơi xuống. Ông làm quan ở nơi mà quan trường khốc liệt như thế nào, người dân phải lỳ/liều như thế nào… mới có chỗ đứng và thu nhập hơn người. Không có chỗ cho người đàn ông bảo bọc vợ con ăn trắng mặc trơn mà an toàn ngay cả khi làm quan huống hồ là dân.

Thưa ông Ðoàn Ngọc Hải, ông làm sao vậy? Ông xạo hay giả điên đây?” – Facebooker Hoang Linh

“Những người phụ nữ lao động chính đáng, kiếm đồng tiền lương thiện thì có gì mà nhục. Nếu nhục là một dân tộc nghèo để phụ nữ ra nước ngoài làm điếm, cho đàn ông nước ngoài chọn vợ như chọn một món hàng mới gọi là nhục.” – Facebooker Thuannovo Tran.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Cũng có nhiều người “nước đôi”: “Trong một xã hội có quá nhiều diễn viên quần chúng, tôi không ghét, cũng không ưa ông Hải. Vợ khổ, chồng khổ hay vợ chồng cùng khổ là câu chuyện riêng tư. Cái khổ không ai muốn, chỉ do hoàn cảnh đẩy đưa. Cũng có khi bắt đầu từ sai lầm… họ mặc cảm không dám nhìn ai, là còn liêm sỉ. Họ còn hơn rất nhiều thằng chồng sướng, vợ sướng, nhưng từ nguồn tiền ăn cắp của đồng bào. Tôi dám chắc xứ này chưa đại gia nào dám vỗ ngực xưng tụng đồng tiền của mình “sạch” 100%. Cái hay của họ, là biết im lặng. Vì tiếng “nhục” không chỉ ở người nghèo!” – Facebooker Võ Trọng Huê

Khi nhân loài tranh luận – Từ Facebook

“Em có thằng bạn đồng nghiệp cũ, ba má nó đều mua bán đồng nát, ve chai. Kỳ rồi em về quê nó đi ăn cưới, thấy cái nhà 3 tầng to chình ình, cưới xong ba má nó mua hẳn cho nó một căn chung cư ở Sài Gòn. Nên ta nói, nhiều cái mắt thấy tay sờ chưa chắc đã thật. Nhìn lam lũ thế thôi, đầy người giàu ú ụ… Còn về chuyện để vợ thế nào, em chưa lấy vợ, chưa biết!” – Facebooker Nguyễn Thị Lựu

Sau khi nhận được quá nhiều phản ứng, ông Hải đã ẩn hoặc xóa mất cái chia sẻ trên. Tính ra, ổng cũng biết… nhục, biết cắn rứt lương tâm, biết buồn trước những trách cứ từ dân đen. Không như những cựu “đồng nghiệp” (đồng chí?) của ổng, ai nói gì nói, cứ trơ trơ ra đó, chẳng quan tâm.

Riêng tôi, sau khi đọc/hóng hớt khắp nơi, từ những lời chê lẫn khen đến những ý kiến “nước đôi”, tôi thấy ai cũng… đúng hết trơn. Mỗi người đều có góc nhìn, cảm thụ lẫn những ngụy biện của riêng họ. Như tôi, với góc nhìn của người phụ nữ nghèo, phải “tần tảo” sớm hôm, nhưng (may cho những người đàn ông) tôi chưa có gia đình (để đổ thừa), quan trọng là tôi còn trẻ… thì tôi thấy sống ở xã hội này, ai cũng… nhục. Cái nhục không tự sanh ra và mất đi mà nó truyền từ người này sang người khác, nhất là những người có kiến thức và liêm sỉ.

Nhục khi không thể thay đổi cuộc sống, xã hội quanh mình, để thế hệ nối tiếp lại lọt thỏm vào “top” những nước “không chịu phát triển”. Mười năm sau, những người phụ nữ gầy gò tần tảo hay những người đàn ông bất lực chắc vẫn còn! Nhục khi không dám nói lên cái mình nghĩ, dầu đó là sự thật. Nhục khi học một đống kiến thức nhưng chẳng biết xài vô việc gì cho hiệu quả, đi xe ôm của anh tài xế vừa đậu cử nhân/kiết trúc sư, nhưng phải gọi mấy ông mua bằng tiến sĩ là quan/là thầy. Nhục nhiều thứ lắm, nhục quá trời, không biết để đâu cho hết! Ðâu chỉ nhục vì nghèo, vì để vợ nghèo, con nghèo không đâu, đôi khi, còn phải biết nhục khi lấy tiền của mấy người nghèo, mấy người để vợ nghèo, con nghèo để làm mình giàu, vợ mình giàu, con mình giàu, xong đi làm “từ thiện” nữa!

DU