1. Tôi đi chợ, thấy trên tường của một căn nhà có treo một tờ giấy, trên tờ giấy có dòng chữ viết tay: “Khu vực cấm đổ rác, có camera”. Không biết sao mà phản xạ đầu tiên của tôi là nhìn xuống chân bức tường (có dán tờ giấy) tìm… rác. Và, nguyên một đống rác bự nằm đó.

Rác tại VN hình như hơi “thích” nằm dưới bảng “cấm xả rác”     

2. Tôi lên mạng, thấy người ta rần rần chia sẻ, tán thưởng, hạnh phúc với một tấm giấy dán trên xe bus chở học sinh. Nội dung tấm giấy là chỉ dạy các em học sinh – sinh viên đã hơn 15 tuổi (mới được tự đi xe bus) cách làm một người lễ phép, những chỉ dẫn tỉ mỉ vốn dành cho học sinh tiểu học, mầm non. Xin copy câu cuối:

* Khi muốn xuống trạm: Mọi lời nói mà khó nghe, mất lịch sự là người thiếu văn hóa.”

Những điều căn bản lại khiến người ta “thần thánh” hóa, vì nó ngày càng hiếm hoi (Facebook)

3. Gần đây, dân mạng đang chộn rộn vì hai câu chuyện “lượm được của rơi trả cho người mất” của 4 bạn học sinh lớp sáu (khoảng 12 tuổi).

Hai bạn thứ nhất lượm được 10,000 VND (gần 0.5 USD) và đem lên phòng giám thị nộp lại. Hai em học sinh thật thà này bỗng được cả nước biết tới vì được nhà trường rầm rộ quay phim, chụp ảnh khen ngợi, báo chí đăng khắp cõi mạng để cổ vũ. Cư dân mạng thấy vậy thì cười mai mỉa, nói có 10,000 VND – không đủ nửa tô bánh canh mà cũng đem đi nộp, làm rần rần. Không biết nếu lượm được gấp nhiều lần con số đó, hai em có đem đi nộp phòng giám thị không? Có người còn cho rằng: “Khổ thân, chỉ vì nhặt được 1 tờ tiền mệnh giá bé tí mà mất mấy buổi học để làm tường trình, thực nghiệm, tuyên dương và quay phim, chụp ảnh…”

Hai bạn thứ hai thì lượm được 20 triệu VND (gần $1,000 USD) và đem lên phòng giám thị nộp lại. Hai bạn cũng được cả nước biết tới vì được nhà trường rầm rộ quay phim, chụp ảnh khen ngợi, báo chí đăng khắp cõi mạng để cổ vũ, ngoài ra còn được “thưởng nóng” 2 cuốn tập cho hành động tốt. Lần này thì cư dân mạng không chê trách về hành động trả lại tiền của hai em hay cách đăng bài cổ vũ của nhà trường hoặc báo chí. Mà họ cho là phần quà 2 cuốn tập đó quá nhỏ bé so với 20 triệu VND mà các em đã không tham lam. Họ nói thưởng ít quá, mốt ai làm việc tốt nữa…

Chuyện “lượm được của rơi trả cho người mất” thì tôi đã được học từ mẫu giáo. Tuy chưa bao giờ lượm được tiền của ai, nhưng nếu lượm được thì tôi tin mình sẽ không giữ lại xài. Tôi tin hành động của 4 bạn học sinh trên là đúng, là tốt, là rất bình thường như sống là phải thở vậy. Nó không đáng để trở thành việc “chấn động” để báo chí đăng tin, xã hội trầm trồ… Trừ khi nơi việc bình thường đó xảy ra tại một đất nước đã trở nên quá bất an và xấu xí, cần các tấm gương tốt đẹp để đánh thức được nhân tánh.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Đã là trung thực thì lượm được 10 ngàn VND hay 20 triệu VND cũng nên trả lại người mất. Điều này đôi khi học trò lại rành hơn thầy cô giáo (Facebook)

4. Do các biến động thời cuộc, xăng và vàng đang được dân Việt quan tâm hơn bình thường – vì giá trị thị trường lên xuống thất thường. Vì vậy mà các tin tức về hai món này cũng được người ta quan tâm hơn. Ví dụ như hình ảnh một tiệm vàng được dựng tạm bợ giữa một khu chợ tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Lý do là cái tiệm vàng này là túp lều đơn sơ không có cửa chính, bốn cái cột là cây gỗ và tường của tiệm vàng là tấm bạt nilon, tủ vàng chỏng chơ giữa tiệm, xung quanh không có bất kỳ camera giám sát hay người bảo vệ như các tiệm vàng thông thường khác.

Rất nhiều người cảm thấy không thể tin tưởng khi tiệm vàng đó đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm (mà chưa bị cướp ghé “thăm”). Vì Việt Nam vốn không an toàn trong tâm thức của người Việt. Làm sao coi nơi rác ở ngay bảng cấm đổ rác, nơi học sanh lượm tiền xong đem lên phòng giám thị để tìm cách trả người làm rớt được coi như chuyện “chấn động”, nơi mỗi ngày đều có hàng trăm vụ án cướp-giết xảy ra vì những món lợi nhỏ… là một nơi an toàn được? Nhưng tiệm vàng đó đã ở đó, chủ  nó vẫn còn… sống, sáng mang vàng ra bán, chiều rinh vàng về.

Vậy, điều bất thường ở đây là tiệm vàng hớ hênh kia hay tâm sinh lý người dân Việt? Khi cướp dần trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống của họ…

Chàng diễn viên sửa lại bài viết, để “fan” Bộ dục và ông Nin hói không phật ý

5. Dạo này, khi có ngày càng nhiều trẻ tự tử vì bị ép học bởi “bệnh thành tích” của người lớn (bao gồm cả nhà trường và phụ huynh). Nhiều người đã bất bình khuyên nhau không nên ép con học nữa. Có ông diễn viên ngoài Hà Nội khiến nhiều người bàn luận vì viết trên trang cá nhân: “Ðã đến lúc ngành Dục nên loại bỏ câu: “Học, học nữa, học mãi” của lão Nin hói ra khỏi sách giáo khoa học đường được rồi đấy. Ðau lòng!!”

Không nghi ngờ gì nữa, chàng diễn viên trên đã bị cư dân mạng Việt Nam mắng quá trời, một phần là dám đụng tới “ông Nin hói”, dám đụng gọi Bộ Giáo Dục Việt Nam là “bộ Dục”, một phần là anh ta cố tình chỉ nói tới nghĩa đen của câu “Học, học nữa, học mãi” của “lão Nin hói”.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Người ta nói phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam tôi tin rằng câu này đúng với ngữ pháp Việt Nam, ngữ pháp Mỹ, ngữ pháp Anh, ngữ pháp Trung Quốc, ngữ pháp châu Phi, ngữ pháp của muôn loài. Vì tôi đọc sách, coi phim thấy nước nào cũng có người biết chơi chữ, cũng có người biết dùng ngôn từ dịu dàng sát thương người khác… nơi nào cũng có những câu thành ngữ có nghĩa đen, nghĩa bóng như câu “Học, học nữa, học mãi” của “lão Nin hói”.

Nếu nghiêm chỉnh mà… cãi, thì đúng là cái suy luận về câu trên không đúng với ý nghĩa được dạy ở nhà trường – Vì theo tôi học ở dưới mái trường XHCN thì “Học, học nữa, học mãi” có nghĩa bể học là vô bờ, đừng ngưng học hỏi. Ví dụ như nhỏ học chữ, lớn học kinh nghiệm sống, già học dưỡng sinh, học bao dung, học có cái chết đẹp, không bị đào mồ cuốc mả lên mắng chửi, chê bai vì những sai lầm khi còn sống…

Nhưng thành thật mà nói, tôi tin dân Việt đang bị cuốn theo cái nghĩa đen thui của câu “Học, học nữa, học mãi” như cách chàng diễn viên kia nghĩ. Bằng chứng rõ ràng nhất: sự kiện khiến chàng diễn viên trên bất bình là việc một nam sinh học trường chuyên Amsterdam (Hà Nội) bị cha mẹ ép học tới hơn 3 giờ sáng, nên đã để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử trước mặt cha mình. Việc đua học để lấy thành tích dần dà trở thành truyền thống ở Việt Nam rồi, hình ảnh này tuy đau lòng nhưng không hề hiếm. “Học, học nữa, học mãi, mệt nghỉ” là cách nói của học sinh Việt bao nhiêu năm nay để thể hiện sự chán chường đối với việc học, với nhà trường, với phụ huynh, với ngành giáo dục, nhưng không ai chịu để ý cả. Dầu họ biết hết mọi nỗi chán chường đó. Có một Giáo sư nói với tôi: “Giờ đổi tiền lấy chữ cho qua ngày đoạn tháng, chứ làm gì có học, học nữa học mãi nữa em. Em nhìn coi bao nhiêu sinh viên ra trường được làm đúng nghề, đúng chuyên môn khi không có mối quan hệ, không có tiền “mua ghế”?”. Mới nghe thì hơi sốc, nhưng ngẫm thực tế thì thấy đúng quá chừng!

Vậy “Học, học nữa, học mãi” là học gì? Học từ đâu? Học để làm gì? Chắc phải hỏi Bộ GiáoDục VN.

Tiên học lễ, hậu học làm Giám đốc Sở Giáo Dục Hà Nội (vtc.vn)

6. Ngày 13-4, ông Trần Thế Cương – giám đốc Sở Giáo Dục Hà Nội đi “vi hành” kiểm tra các trường mầm non tại Hà Nội nhân dịp sau dịch cúm Vũ Hán. Qua các bức ảnh được đăng lên báo, ghi lại cảnh ông Giám đốc Sở Giáo Dục Hà Nội cùng thành viên trong đoàn công tác của Sở này đã khệnh khạng mang luôn cả giày Tây vào phòng học/phòng nghỉ trưa (có thể là mọi phòng khác) – nơi các em bé lớp mầm non học/ăn/ngủ, nghỉ ngơi – Nơi mà các cô giáo cũng phải đi chân trần vào để chăm các bé (cũng đi chân trần). Ðã khiến không ít người dân bất bình, nghi ngờ vào trình độ giáo dục của vị giám đốc Sở Giáo Dục Hà Nội. Người ta càng nghi ngờ hơn, sau khi nghe bà Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Quỳnh Mai (nơi các bức ảnh được chụp) giải thích: “Theo tôi, giám đốc cùng một số thành viên đoàn công tác có chuyên môn khác không hiểu biết sâu về trường mầm non. Thực ra, việc đi giày vào lớp ở tiểu học hay cấp học khác rất bình thường. Riêng mầm non có đặc thù bỏ giày dép bên ngoài. Tôi tin đây chỉ là sự vô tình, giám đốc không cố ý hay quan cách”.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Thì ra, không chỉ ông giám đốc, mà cả các thành viên trong Sở Giáo Dục Hà Nội lúc đó đều không hề có một chút ý thức nào về việc cởi giày ra, đi chân trần hoặc vớ vào phạm vi cần giữ vệ sinh, trong khi chính họ đang đi khảo sát về vệ sinh của các trường mầm non hậu dịch cúm Vũ Hán. Ðạo đức, tác phong của ngành giáo dục của họ đang để ở đâu? Các chỉ dạy như “ăn coi nồi ngồi coi hướng”, “tiên học lễ hậu học văn” chỉ dành cho học trò và dân thường thôi hay sao?

Nhiều người đang cho rằng dân Việt đang “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau củ bồ hòn cũng méo” với các vị cán bộ giáo dục VN, nên soi từng ly từng tý. Nhưng hỏi lại coi Bộ Giáo Dục Việt Nam đã làm bao nhiêu chuyện đáng được thương, đáng biến củ ấu thành tròn thì hầu như không ai “moi” ra được.

Tôi có hỏi người bạn ở Mỹ: Bộ Giáo Dục Mỹ có bị người ta “kỳ thị”, ghét bỏ không? Khi ngay cả tổng thống cũng bị mắng?

Bạn trả lời: Người ta hay chửi cá nhân như là tổng thống, thống đốc… chứ không nghe chửi Bộ Giáo Dục hay cơ quan chánh phủ. Bởi đó là những cơ quan mà dân biết là để phục vụ cho dân…

Bỗng nhiên tôi cảm giác bối rối, vì theo đúng ý nghĩa và chức năng thì Bộ Giáo Dục hay các cơ quan chánh phủ vốn sanh ra để “đỡ đần” dân, khiến dân sống tốt hơn, an tâm hơn. Nhưng hãy nhìn coi, khi đa số cán bộ của ngành giáo dục VN còn không ra vẻ có giáo dục, đa số cán bộ hành pháp VN còn thỏa thích vi phạm pháp luật hơn dân, thì dân biết tin vào ai? Những câu chuyện có thật mà tôi liệt kê ở trên cũng là các ví dụ nhỏ.

Quả tình, từ lâu tôi chẳng dám mong ước cao sang rằng hàng triệu đảng viên ÐCSVN có thể hiểu nghĩa vụ của mình, để dân có thể tin là các Bộ/ngành họ lập ra cốt để bảo vệ dân. Nhưng không thể. Giờ tôi chỉ mong họ hiểu hai nghĩa của từ “đỡ đần”.

DU