Tuy đã có quá nhiều lời khuyên về việc chúng ta đừng nên so sánh, mọi sự so sánh đều khập khiễng, so sánh giết chết niềm vui… Nhưng có so sánh mới có ganh đua, có ganh đua mới có cố gắng có cố gắng mới có phát triển… đó là mặt tốt của sự so sánh. Và, đây là vài so sánh thường ngày…
- Xe ôm công nghệ – xe ôm truyền thống
Xe ôm công nghệ – xe ôm truyền thống luôn là vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội lẫn ngoài đời tại Việt Nam. Bản thân tôi, sau nhiều nỗ lực “mần người tốt”, tôi đã từ bỏ việc “ủng hộ” những người lớn tuổi chạy xe ôm truyền thống. Đa số các tài xế xe ôm truyền thống đều nói thách giá cao, chạy ẩu, hay kỳ kèo giá cả, than thở để đòi thêm tiền từ khách (dầu đã thỏa thuận giá từ trước). Ở những nơi có nhiều tài xế xe ôm truyền thống làm việc như xóm, hẻm, bến xe, nhà ga, sân bay… thì xe ôm công nghệ sẽ bị cấm hành nghề, điều này không ghi lên bảng cấm hay luật mà thể hiện bằng những cuộc ẩu đả, hăm dọa khi khách hàng vô tình tìm tài xế xe ôm công nghệ chở mình về nhà. Còn rất nhiều lý do để người dân quay lưng với xe ôm truyền thống, ví dụ như khách hàng đặt xe ôm công nghệ không cần phải kỳ kèo giá cả cũng không sợ bị vòi vĩnh. Ngoài ra, tuy cũng có khi bạn sẽ gặp các tài xế xe ôm công nghệ tệ, nhưng tỷ lệ này ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ bạn sẽ gặp các bác xe ôm truyền thống không tốt, chưa kể đi nhằm xe của người lừa đảo hoặc trộm cướp. (Một trong những lý do khiến xe ôm truyền thống không thể gia nhập xe ôm công nghệ là ở phần xét duyệt lý lịch). Bởi những người làm nghề xe ôm công nghệ bị công ty nắm rõ sơ yếu lý lịch, tiền gối đầu, trên app hiện rõ “tuổi nghề” của tài xế, mức độ hài lòng của khách hàng với anh tài xế này như thế nào (qua việc những người khách cũ đã chấm điểm cho tài xế). Một người quen của tôi vừa trải qua một câu chuyện nhỏ về xe ôm truyền thống:
“Phạm Thành Nhân – Ai giết xe ôm truyền thống?
Sáng sớm, chuyến xe đò đưa gã về với yêu thương vào bến xe Miền Đông. Gã hì hụi bợ thùng bầu, bí, bơ… xuống bến xe buýt. Grabcar hay Grabbike (và mọi loại xe công nghệ khác) đều không được vào bến xe đón khách. Muốn được xe công nghệ đón phải cõng thùng trái cây ra ngoài xa xa. Thôi thì đành, gã kêu xe ôm truyền thống. Thỏa thuận là 50k và câu chuyện bắt đầu.
Khiêng thùng trái cây với gã – cái thùng ban nãy gã tự khiêng mình ên – bác tài xe ôm than như bộng: “Nặng quá! Nặng quá, cái này phải cho thêm 10k chứ nặng quá mà.” Thôi cũng được. Nếu 10k có thể mang lại chút niềm vui đầu ngày cho bác thì cũng ổn thôi. Gã đồng ý.
Lên xe, gã nhắc: “Nón” (bảo hiểm). Bác tài kêu khỏi, giờ này (5 giờ sáng) chưa có công an đâu và không đưa nón bảo hiểm cho gã (nhưng bác có đội). Rồi lỡ xui bị tai nạn, tui bể gáo dừa sao bác? Gã nhất định đòi nón bảo hiểm, cuối cùng bác tài xế cũng chịu đưa, miệng lèm bèm: “Đội chi mắc công?” Dạ, hơi mắc công chút, nhưng an toàn và đúng luật bác ơi.
Trên xe, bác tài xế vẫn lèm bèm: “Kiếm đồng tiền chua lắm. Sáng uống ly cà phê là hết 30k rồi mà chạy cuốc xe được có 60k. Khó lắm”. Ủa bác, bác lấy thêm 10k rồi vẫn chưa đủ vui sao? Gã im lặng, không nói nữa, trong lúc bác tài vẫn lèm bèm kiểu “Chạy xe về Gò Vấp xa lắm, đồ nặng lắm…”
Nhưng cái chính nằm ở chỗ này: Xe cứ chạy khoảng 200-300m là bác quay sang trái nhổ nước miếng cái phẹt. Rồi lỡ phun trúng ai sao bác? Chơi dzơ dzị!!!
Gã ráng trân mình chịu đựng, quyết tâm không nói gì nữa, bất chấp việc bác tài cố bắt chuyện (mà chủ yếu là để… lèm bèm, để xin thêm tiền) kiểu: “Chắc ông nhỏ tuổi hơn tui hả ông già?”, “Ông Gia Lai về hả ông già? Tui nhìn xe tui biết mà…” blah blah…
Thốt nhiên não gã bật lên câu hỏi tu từ: Ai giết xe ôm truyền thống? Ai?” – Hết trích.
- “Những tình tiết giảm nhẹ” chỉ dành cho người tội nặng
“Thái Bình Ngô – Mọi sự so sánh đều khập khiễng
+ TTS (sanh năm 2003) làm nghề giao hàng, anh giếm tiền hàng của công ty vận chuyển 17.3 triệu VND. S bị tòa cấp sơ thẩm và tòa cấp phúc thẩm xử tội tham ô tài sản, bị phạt 7 năm tù.
Cha S nói: “Tôi là người động viên, chở con trai mình tới đầu thú tại cơ quan công an. Con trai tôi thành khẩn khai báo, ăn năn lỗi lầm, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Gia đình cũng trả đủ số tiền 17.3 triệu VND cho phía công ty. Và con tôi không hề có ý định bỏ trốn. Nó không tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, nó nghĩ đơn giản mọi việc quá nên mới có hành vi dại dột như vậy…”.
++ Cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến bị cáo buộc nhận hối lộ 4.1 tỉ VND từ AIC và nhận phong bì cảm ơn 10 tỷ VND từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC). Ông Chiến bị truy tố khoản 4 Điều 354 BLHS, khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng ông Chiến chỉ bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 4-5 năm tù và tòa tuyên 4.5 năm tù. Vậy là ông được xem xét xử phạt tuột đến 3 khung, từ khung 4 xuống khung 1. 3.
+++ Hai tội tham ô tài sản và nhận hối lộ đều nặng bằng nhau, đều có khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Tham ô là nguy hiểm cho xã hội, huống chi tham ô 17.3 triệu VND. Nhận hối lộ là nguy hiểm cho xã hội, huống chi nhận hối lộ 4.1 tỷ VND và còn nhận cảm ơn đến 10 tỷ VND, góp phần gây thiệt hại cho ngân sách hơn 48.6 tỷ VND. Đó là chưa nói, hành vi phạm tội kiểu tham nhũng này còn góp phần làm xói mòn lòng tin của nhân dân nữa. Bonus: Bị cáo buộc nhận hối lộ 14.5 tỷ VND, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành từng lãnh án 11 năm tù.
++++ Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng mà nếu không so sánh thì thật là khập cái đầu biết suy nghĩ.” – Hết trích.
- Người tù – người tu
Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam) ngoài là phu nhân ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam) còn nổi tiếng là một “streamer” ồn ào, ăn nói bạt mạng nhất mạng xã hội trong nước vài năm gần đây. Do mê làm “streamer” mà bà Hằng đã đi tù hơn 2 năm vì bị nhiều người kiện và chướng tai gai mắt trước những lời nói của bà. Sau khi thụ án về đời, bà Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần livestream để tuyên bố sẽ mãi mãi không… livestream trên tất cả các phương tiện truyền thông nữa, sau đó bà Hằng lại livestream.
“Livestream” sau khi ra tù, bà Hằng không còn nói nhiều về “cựu thù” Võ Hoàng Yên (lang băm lừa đảo) nữa, bà Hằng có những mục tiêu mới hơn. Thứ nhất là khoe của, những viên kim cương, những bộ trang sức kim cương.. nghe đâu giá hàng ngàn tỷ VND khiến dư luận mấy phen “lé mắt” dầu chỉ nhìn qua màn hình điện thoại. Thứ nhì là tiếp tục “chiến đấu” với những người đối đầu với bà trên mạng xã hội và những người được dư luận quan tâm hơn bà… Vì vậy mà chỉ sau thời gian ngắn được tự do, bà Hằng 3 lần đòi “quất” sư Minh Tuệ – người ôm nồi cơm điện không nắp, đi chân trần khất thực từ Nam chí Bắc gần đây.
Dĩ nhiên là bà Hằng chỉ quất ông Minh Tuệ bằng những lời lẽ bạt mạng trôi qua đôi môi hung dữ của bà, chứ không quất bằng roi hay chọi bằng kim cương. Và Du Uyên tin là ông Minh Tuệ chắc cũng không quan tâm bả nói gì, bởi con đường của ông chọn khác biệt (dầu đường đó đang có nhiều trắc trở, chông gai). Nhưng đa số người có lương tri, thích bênh vực kẻ yếu người ngay đều cảm thấy chướng tai gai mắt trước những lộng ngôn của bà Hằng, nhiều người còn mong bà vô tù ở tiếp cho người ta yên tu… Cũng có nhiều lời lẽ nặng nề hơn nữa, nhưng tôi đồng tình với sự so sánh của vị nhà báo dưới đây, ngắn gọn mà đầy đủ:
“Nguyễn Tiến Tường – Điểm chung
Có một điểm chung giữa thầy Minh Tuệ và chị Phương Hằng là họ giúp chúng ta thấy hạnh phúc vì có quá nhiều thứ so với họ.
Với thầy Minh Tuệ, ta hạnh phúc vì có nhiều hơn ông ấy vật chất, sự an nhàn, sung sướng.
Với chị Phương Hằng, cho dù giàu nghèo hạnh phúc hay khổ đau, dù sao đi nữa chúng ta vẫn luôn có nhiều hơn chị ấy hai chữ “con người”! – Hết trích.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn