Nói về nụ cười nổi tiếng nhất nhân loài, chắc không ai qua “Nàng Mona Lisa”.

Nàng Mona Lisa nhìn hàng triệu người chen chúc ngắm mình cười – Nguồn: Google.com    

Năm 1503, Leonardo da Vinci bắt đầu đặt cọ, vẽ bức chân dung “Nàng Mona Lisa”. Leonardo da Vinci mất nhiều năm hoàn thành bức họa, nhưng có lẽ ông không ngờ là hậu bối mất tới mấy trăm năm để phân tích bức họa của mình, chỉ bởi nụ cười như có như không trên bờ môi nàng Mona Lisa!

Tới nay đã hơn 500 năm, vẫn không ai dám chắc về biểu cảm của (giờ đã là cụ bà?) Mona Lisa qua đôi tay thần kỳ của đại danh họa. Hàng triệu cuộc nghiên cứu được các nhà khoa học và các họa sĩ lớn bày ra, nhưng tất cả đều vô ích – vì Mona Lisa lẫn Leonardo da Vinci đã… chết, không ai có thể kiểm chứng sự thật. Có lẽ nhờ vậy mà “Nàng Mona Lisa” ngày càng có giá, hàng triệu du khách tới thăm viếng Viện bảo tàng Louvre mỗi năm chỉ để được ngắm nụ cười của Mona Lisa gần nhất có thể (sau hàng hàng lớp lớp người chen chúc và các vòng rào bảo vệ tranh). Có người còn cười đám đông bỏ tiền bỏ của đi xem tranh, họ cho rằng đó chỉ là bản sao, bản thật đã được giấu kỹ… Một người bạn của tôi, chia sẻ kỷ niệm một lần “gặp” tận mặt “Nàng Mona Lisa”:

Mona Lisa cười với người “mời” mình ăn bánh kem hồi tháng 5-2022 – Nguồn: vietnamplus.vn

“Mình đã tới Louvre, cũng chen chúc chỗ này, chỉ thấy cái tranh đen đen bé tẹo, xa xa qua vô số cái đầu của những kẻ hiếu kỳ như mình, kiễng mãi mới thấy được 1 chút trán của nàng ấy thôi. Ngoài cái lan can ngăn cách thì 2 bên bức tranh còn có 2 ông bảo vệ đứng, nhìn 2 anh chàng khá căng thẳng chắc do bị nhiều người không ngắm được nàng Mona Lisa quay sang ngắm 2 anh chàng…”

Không biết khi còn là họa sư vô danh, Leonardo da Vinci đã phải nhận bao nhiêu ấm ức mà ông có thể vẽ đường cong bình tĩnh, phảng phất trên môi Mona Lisa, nụ cười này thật là hợp cảnh với những đổi thay, phôi pha của thời cuộc. Nhờ nụ cười này mà Mona Lisa trở thành “nàng thơ” đối với nhiều danh nhân thế giới, “nàng” được nhắc đầu tiên trong danh sách những bức họa nổi tiếng nhất thế giới qua mọi thời đại, nàng đi vào thơ ca nhạc họa của các bậc huyền thoại trên đời. Nhưng tới nay, chưa ai biết tại sao nàng nổi tiếng, vì nếu chỉ là do nụ cười hay ánh mắt không lông mi, không chân mày thì hơi phi lý. Hồi 2018, CNN có bài báo cho rằng, bức tranh Mona Lisa trở nên nổi tiếng khắp thế giới là nhờ một vụ trộm táo bạo, diễn ra từ 1911 do Vincenzo Peruggia (một nhân viên của bảo tàng Louvre, Pháp làm). Tin tức về vụ trộm xuất hiện trên mọi trang báo khắp thế giới. Hình ảnh của bức tranh vì thế cũng bùng nổ, ai ai cũng biết đến nó. Người ta bắt đầu chế giễu chính quyền Paris không có khả năng quản lý Louvre. Lần đầu tiên trong lịch sử bảo tàng Louvre, người ta xếp hàng dài chỉ để vào xem khoảng trống nơi bức tranh bị đánh cắp. “Vụ trộm đã khiến Mona Lisa được biết đến rộng rãi, ngay cả những du khách chưa từng đến Châu Âu hay những người không để ý tới nghệ thuật. Và nó tiếp tục nổi tiếng từ đó”, Noah Charney, giáo sư bộ môn lịch sử nghệ thuật và là tác giả của cuốn sách The Thefts of the Mona Lisa cho biết. Và chính Vincenzo Peruggia chắc cũng không ngờ là sau khi trộm bức tranh Mona Lisa, ông không chỉ bị giam 7 tháng và còn bị “bêu đầu” khắp cõi suốt cả hàng trăm, hàng ngàn năm sau….

Hai thành viên của Just Stop Oil đang ném sốt cà chua vào bức tượng “Hoa hướng dương” của Van Gogh – Nguồn: 1thegioi.vn

Chỉ ngồi không và… cười, nhưng có lẽ do quá nổi tiếng, nhiều “fan” đồng nghĩa với việc nhiều “anti-fan”, nên không chỉ bị trộm, lâu lâu “nàng Mona Lisa” lại bị hành hung bằng mọi cách thô bạo, gần đây nhất là tháng 5-2022, không cần đợi tới sinh nhật, mới đây nàng Mona Lisa 505 tuổi đã được một vị nam nhân giả trang làm phụ nữ ngồi trên xe lăn “tặng” bánh kem và hoa hồng vào mặt, may mắn là lớp kính chống đạn cực dày và các “cận vệ” xung quanh kịp thời bảo vệ nhan sắc của nàng. Người phá hoại tác phẩm này nói là làm việc trên để gây chú ý, nhằm kêu gọi thế giới nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, như nhiều hành động tương tự đang diễn ra đối với các tác phẩm nổi tiếng khác: Bức tranh Hoa hướng dương (Sunflowers) của Van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia Anh quốc bị tạt nước sốt cà chua bởi 2 người phụ nữ với cùng lý do “bảo vệ môi trường”. Tôi thì phản đối cách làm này, vì kêu gọi bảo vệ môi trường mà bản thân các vị này hành động mất vệ sinh quá, họ có thể khỏa thân như các người mẫu ở Việt Nam hay làm thay vì phá hoại những tác phẩm được lưu giữ hàng trăm năm qua!

Xem thêm:   Huyền thoại Lý Tiểu Long

Con người thì cái gì cũng làm giả được, kể cả cảm xúc của bản thân, bởi vậy mà trong 10 lần cười, chắc cũng có 7-8 lần là người ta cười giả để thể hiện cảm xúc, hoàn thành mục đích truyền tải cảm xúc cho người đối diện. Có hằng hà sa số kiểu cười, tôi đã ngồi cả buổi, nghĩ được bây nhiêu cách mà con người cười, bản thân tôi cũng tập “diễn” thử: Cười vui vẻ, cười buồn, cười đồng thuận, cười khuyến khích, cười nguy hiểm, cười sợ hãi, cười phòng thủ, cười gượng, cười khinh, cười tiếp thị, cười “công nghiệp”, cười đắc chí, cười quyến rũ, cười chân thành, cười cho qua, cười như không cười… Do quá nhiều sắc thái, nụ cười cũng được định nghĩa tùm… lum. François Rabelais – đại văn hào Pháp ở thế kỷ XVI đã từng viết: “Tiếng cười là đặc trưng của con người, là một yếu tố của sức khoẻ, một phương pháp trị bệnh”. Nhưng Mark Twain – tiểu thuyết gia và là nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ lại cho là: “Loài người chỉ có một thứ vũ khí thực sự hiệu quả, đó là nụ cười”. Có lẽ, nụ cười “chữa lành” tâm hồn con người nhất là nụ cười rạng rỡ của vị bác sĩ bước ra từ phòng mổ thay vì lời an ủi “Chúng tôi đã cố gắng hết sức!”. Còn nụ cười nguy hiểm mà tôi nhớ nhất, có lẽ là nụ cười mỉm chi của người thầy giám thị coi thi khi lướt qua bàn tôi ngồi ngày tôi thi tốt nghiệp lớp 12 năm nào…

Chú cóc lạc vào thành thị tạo nên nụ cười thú vị và bao dung cho thị dân – Nguồn: Le Vu Bao

Trong các nụ cười, theo tôi thì những nụ cười bất chợt mới đáng yêu, vì nó hồn nhiên và không toan tính, hoàn toàn là một nụ cười được điều khiển từ não bộ, như khi môi tôi bất chợt cong lên khi thấy một cụ già đạp xe giữa phố đông, trên giỏ xe là con chó nhỏ mặc quần áo sặc sỡ, họ đang hạnh phúc và bình yên làm sao giữa những gương mặt căng thẳng khi vừa hết giờ làm, vật lộn với kẹt xe để đi đón con hoặc về nhà chuẩn bị cho kịp bữa cơm chiều. Một bữa khác, khi đang tưới cây ở ban công, tôi hết hồn khi nghe tiếng dế kêu ở trong lùm cây nguyệt quế (hổm mua 100 ngàn VND, trồng hoài không ra bông) một lát sau có hai bóng dáng của vị “đại tướng quân” nhà dế lú ra, tôi bỗng bất chợt cười sung sướng không rõ lý do, ở giữa nhà lầu cao ở Sài Gòn mà đêm đêm mất ngủ bởi tiếng dế kêu rỉ rả, nói ra khó ai tin. Hôm rồi, một người bạn Facebook của tôi – nickname Le Vu Bao cũng bất ngờ khi thấy “cậu ông trời” đi lòng vòng trong nhà, khi viết những dòng chữ này có lẽ anh cũng cười mỉm chi: “Sài Gòn mưa to và sau mấy chục năm mới lại thấy “Cậu Ông Trời” giữa lòng phố nóng nực, bức bối và bị che lấp bởi bê tông, bởi nhựa đường này. Thật ra, không gian đại địa này đâu chỉ có mỗi một mình con người được độc quyền ở, độc quyền làm chủ đâu. Nó là của chung của muôn loài và sự tôn trọng lẫn nhau đã mất vì lòng tham của chúng ta. Phát hiện “nẫu” sanh sống dưới chậu cây mai chiếu thủy trước cửa nhà; cầu mong “nẫu” yên lành và sống lâu…”

Xem thêm:   Tử tế không cần...

Tôi thì không có nụ cười bình tĩnh và bí ẩn như “Nàng Mona Lisa”, cũng không có nụ cười rạng rỡ như Angelina Jolie, nụ cười đẹp “nghiêng thành đổ nước” như các mỹ nhân xưa trong tích Tàu thì tôi càng không có, nhưng tôi hay cười vì những điều dễ thương khi mình được nhìn và nghe thấy như trên. Tuy nhiên, tôi hay được khen có nụ cười bí hiểm và u ám tương đương “Nàng Mona Lisa” khi ngồi đọc báo trong nước, nhất là những bài đăng các phát ngôn của quan chức Việt Nam!

Du Uyên ở trung tâm Sài Gòn từ nhỏ, lần đầu thấy dế ở ban công cũng cười như bắt được… chồng – Nguồn: Du Uyên 

DU