“Thông minh là thiên phú, tử tế là lựa chọn.”

Bảo Huân     

Cuộc sống mà, ai cũng có suy nghĩ và lựa chọn riêng mình. Ngày xưa tôi cứ nghĩ, khi được quyền chọn lựa, sẽ không ai chọn cái tệ nhất cả, nhưng càng lớn, tôi càng hiểu là, không phải ai cũng chọn cái tốt nhất, nhất là khi cái tốt nhất đó làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Bởi vậy, vẫn có một số người Việt ủng hộ Tàu cộng “đánh thuốc” người Việt, ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, ủng hộ các chính sách không tốt cho chính dân Việt. Cũng may, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người Việt tử tế.

  1. Nay và… xưa

Như khi một số người Việt đang nhìn qua Anh quốc mà cười mỉa mai chính trường xứ “giãy chết” cũng bất ổn như ai. Thì một số người Việt lại bắt thèm khi bà Liz Truss – Thủ tướng Anh đã thông báo từ chức chỉ sau 44 ngày tại vị. Lý do từ chức mà bà nói trước cửa văn phòng và tư dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing: “Tôi nhìn nhận rằng tôi không thể thực hiện được nhiệm vụ mà tôi đã được giao phó khi đảng Bảo thủ bầu tôi. Do đó, tôi đã nói chuyện với Bệ hạ để thông báo với Ngài rằng tôi sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ.”

Cũng không biết bà Liz Truss lựa chọn từ chức là vì lòng tự trọng của cá nhân hay bị đè nặng áp lực từ các phe cánh, nhưng đây quả tình là một hành động vô cùng dũng cảm và đáng trân trọng. Phần nào cũng cho thấy, tại mấy xứ tư bổn, lãnh đạo cũng chỉ là một cái nghề bình thường. – Ai không làm được thì nghỉ. Chứ ở nhiều nơi, nghề lãnh đạo không chỉ là nghề “gia truyền” mà còn là nghề thiếu tự trọng nhất.

Không làm được gì, thậm chí phá hoại banh-ta-lông đất nước vẫn ráng “giữ ghế” cho tới khi bị bắt, có đau bệnh già yếu cũng phải làm “vì tập thể”, “vì đã được tín nhiệm”. Như tại quốc gia “dân chủ thế là cùng” – Việt Nam: 10 năm qua, có hàng trăm quan chức cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật – trong đó có hơn 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, vô số Bộ trưởng lẫn binh tôm tướng tép vào tù vì tham nhũng, vì “đất vàng, đất kim cương”, nhiều lý do khác. Ðặc biệt, trước khi bị kỷ luật/bắt giữ, không một cha nội nào từ chức, cũng không có ai trực tiếp quản lý họ đứng ra xin lỗi nhân dân. Mỗi lần nhìn Thủ tướng Nhật cúi đầu xin lỗi dân, Thủ tướng Anh từ chức, Tổng thống Mỹ bị dân chửi không ngóc đầu lên được… là nhiều dân Việt chảy nước miếng ròng ròng, vừa bắt thèm, vừa gato (ghen ăn tức ở).

Nơi “đáng sống” hiện ra “đống sán” – Nguồn ảnh: thanhtra.com.vn

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, bởi vì quan tham nhũng ở trên không có ai ra vẻ hối lỗi khi làm sai, nên quan ở dưới cũng tưởng xui lắm mới bị chứ làm sai là chuyện thường ở huyện, cùng lắm ra tòa xin lỗi Ðảng, xin lỗi “bác”. Bởi vậy, trong nền văn chương dân gian sanh ra câu vè mới: “Nơi “đáng sống” hiện ra “đống sán”. Nhiều “dinh quan” nên lắm “quang vinh”.” Trong khi quan tham nhũng thì dân bị buộc phải im, không có quyền phản đối. Bởi vậy, dân từ từ lựa chọn gian theo quan luôn, chứ không gian sẽ không sống nổi với quan. Từ đó lòi ra nhiều tệ nạn được bình thường hóa, tiêu biểu như quan niệm mọi thứ dính tới cửa quyền đều phải có “thủ tục đầu tiên là tiền đâu”, có việc phải tới các cơ quan nhà nước phải chuẩn bị tinh thần (bị) hành (là) chính. Cả xã hội cùng nương nhau mà sống… sai.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Người ta cứ nói thời xưa phong kiến, con người không có văn minh, tôn trọng pháp luật như giờ. Vậy mà hôm rồi, vô tình tôi được bạn chia sẻ hình ảnh một lá đơn kiện vào năm 1897 viết bằng chữ Quốc ngữ, do một người tên Quách Ấu sống ở tổng Thạnh An, thôn Xa Man (nay là Sóc Trăng) biên. Thấy luật xưa có vẻ như nghiêm minh và bài bản lắm, một người dân thường cũng rành rẽ: Vay tới hạn thì trả => không trả thì báo quan kêu “con nợ” trả => “con nợ” không trả hoặc không có khả năng trả thì nhờ quan phát mãi tài sản => không có tài sản thì bắt “con nợ” bỏ tù! Xin ghi lại nguyên văn đơn ra đây để cùng đọc cho… vui (vì tôi không “xuyên không” về kiểm chứng được):

“Thạnh an tổng. Xa man Thôn.

Dân ban Triều Châu: Quách Ấu

Bẩm quan lớn đặng hiểu: hồi ngày mùng 2 tháng 2 năm Bính Thân. Tên Hỉa Ý, tên Thiên Bửu và tên Phụng Tống cùng ngụ làng Xa man có vay của tôi 120 đồng. Giao mãn năm thì trả 460 giạ lúa, sẽ trừ hết số bạc ấy. Có tên Kiên Ðại làm giấy cho tôi. Mà nay, 3 tên ấy không chịu trả lúa đó cho tôi. Nên tôi đến xin quan lớn đòi 3 tên đó tới Toà, dạy nó trả 460 giạ lúa. Bằng nó không có trả xin phát mãi tài sản chúng. Nếu không có gia sản thì xin quan lớn bỏ tù nó!

Nay bẩm. Ngày 13 tháng 2 năm 1897. Quách Ấu.” – Hết đơn.

Nhiều “dinh quan” nên lắm “quang vinh” – dinh thự của ông Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, mới bị bắt)  – Nguồn ảnh: tienphong.vn

  1. Tree Hugs

Free Hugs hay Tree Hugs đều là những lựa chọn tử tế của những con người tử tế dành cho nhau, cho môi trường sống của họ. Nhưng, rồi cũng có những người xấu ngăn cản những sự tử tế đó!

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trào lưu “Free Hugs” được khởi xướng hồi 2004, bởi Juan Mann – một người Úc – khi anh cảm thấy quá cô đơn, mệt mỏi bởi cuộc sống. Juan Mann đã cầm tấm bảng có dòng chữ Free Hugs đứng trên đường phố Sydney hối hả chờ một cái ôm. Sau rất nhiều lần kiên nhẫn chờ đợi mà không có ai ôm mình, anh đã gặp được một bà cụ kể về cái chết của chú chó sáng nay cùng ngày kỷ niệm của con gái cụ, người đã mất sau một vụ tai nạn xe hơi. Anh sụp người và ôm chặt lấy người phụ nữ. Nhiều tháng sau đó Juan Mann cho đi vô số cái ôm tự nguyện như thế, những cái ôm không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Trải qua nhiều khó khăn, trong đó có cả những vướng mắc pháp luật, anh thành công lan tỏa được ý nghĩa của việc làm của mình thông qua các mạng xã hội, giới trẻ ở nhiều nước đã thi nhau học theo các hành động của Mann. Nhiều quốc gia cũng thống nhất chọn ngày Chủ Nhật trong tuần thứ ba của tháng 7 mỗi năm làm Ngày hội Ôm quốc tế – International Free Hugs Day. Việt Nam, như thường lệ, luôn cập nhật các trào lưu quốc tế, vì vậy mà lâu lâu lại có những câu chuyện về trào lưu “Free Hugs” này. Như mới đây, có câu chuyện về cô bé Kơ Puih Thoan (sinh năm 2002, ở Gia Lai) – bị phỏng toàn thân từ nhỏ, tự tin đứng ở một khu tập trung giới trẻ ở quận 1 – Sài Gòn để chủ động cho đi những cái ôm miễn phí của mình. Em được đám đông nhìn thấy và mọi người xếp hàng dài chỉ để ôm em một cái, nói những lời khích lệ chân tình, tặng em những món quà nhỏ.

Từng có biến thể khác của trào lưu Free hugs tại Việt Nam, đó là phong trào Tree Hugs nhằm phản đối việc chặt bỏ cây xanh hàng loạt của chính quyền Việt Nam từ Bắc tới Nam. Rất nhiều người dân đã ra đường ôm các gốc cây chưa hoặc đã bị chặt rồi viết cảm nghĩ của mình, đăng lên mạng xã hội thể hiện cảm xúc trước hành động của chính quyền. Và rồi, các cây dân cố bảo vệ cũng thành củi như quan chức tham nhũng. Nhiều người ôm cây còn bị gọi là “phản động”. Sài Gòn bây giờ, xui lắm mới tìm được một con đường còn hàng cây loe ngoe như hàm răng sún của mấy đứa nhỏ đang thay răng. Tree Hugs thất bại, vì nó chống lại những kẻ không tử tế…

Kơ Puih Thoan tặng những cái ôm miễn phí cho người xa lạ – Nguồn ảnh: Facebook Chuyện Cái Ôm

  1. Nhìn người mà ngẫm tới ta

Là một quốc gia nhỏ bé nằm kẹp giữa Ấn Ðộ và Trung Hoa, Bhutan được tuyên truyền là nơi duy nhất trên thế giới sử dụng hạnh phúc của người dân làm kim chỉ nam cho triết lý phát triển. Jigme Singye Wangchuck – vị vua thứ tư của Bhutan, đặt ra thuật ngữ “Tổng Hạnh phúc Quốc gia” (GNH) vào năm 1972 và bắt đầu ra các chính sách bảo vệ thiên nhiên, như bảo tồn độ che phủ rừng luôn ở mức trên 70% lãnh thổ. Chính sách của ông thành công và được duy trì tới ngày nay: Bhutan là chính phủ đầu tiên trên thế giới cấm bán và hút thuốc lá từ năm 2004. Việc nhập cảng các loại phân bón hóa học hoàn toàn bị cấm ở đất nước này. Nhờ vậy mà mức độ ô nhiễm của Bhutan rất thấp và cái giá phải trả cho việc này từ năm nay là du khách ghé thăm đất nước này cần phải nộp phí Phát triển bền vững là 200 USD/đêm, tăng từ mức 65 USD/đêm mà Bhutan áp dụng trong suốt 3 thập kỷ qua. Vì số tiền trên mà việc du lịch ở Bhutan không hề đại chúng hay giá rẻ, chính đất nước này cũng tuyên bố là ngành du lịch cũng được quy hoạch để ngăn chặn tình trạng quá tải du khách, ảnh hưởng cuộc sống người dân và thiên nhiên nơi này.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Tôi không biết người dân ở đây có thực sự “hạnh phúc nhất thế giới” như truyền thông loan tin hay không? Khi cuộc sống của họ gần như được “bao bọc” khá kỹ – ít tiếp xúc với điện thoại đời mới, ít coi tin tức… Nhưng tôi chắc chắn, chính quyền nước này đã lựa chọn đúng cách quảng bá và gìn giữ đất nước. Họ đã thành công khiến Bhutan là một điểm đến trong mơ của nhiều người, trong đó có nhiều người Việt Nam. Rất nhiều người thể hiện ước muốn được tới đây một lần, chưa thấy các bình luận chì chiết – mắng mỏ khi mức thu tiền của khách du lịch 200 USD/đêm được nước này công bố hồi tháng 6 vừa rồi. Thử nghĩ xem, nếu là Việt Nam thu của khách du lịch 200 USD/đêm lệ phí Phát triển bền vững, ai sẽ chửi đầu tiên? Dĩ nhiên là dân Việt. Vì sao? Vì:

“Một anh chàng tích cóp được ít tiền mua được chiếc xe SH (hơn 100 triệu VND – cỡ 4,000 USD), quý xe lắm, lúc nào cũng dựng trước nhà, chùi rửa xe bóng loáng, không vết bẩn. Ðặc biệt, anh ta cẩn thận khóa bằng 5 cái khóa đủ loại: khóa càng, khóa cổ, khóa bánh, khóa chân chống…

Như mọi hôm, sáng nay anh ta ra mở khóa xe để đi, mở hết 5 cái khóa rồi, nó vẫn thấy còn có thêm một cái khóa nữa, chả biết ở đâu ra… Anh ta nghĩ, chắc vợ cẩn thận khóa thêm một cái nữa cho chắc?! Ðang trong lúc vội, nó bực mình lắm, chạy thẳng vào nhà quát vợ: “Em điên à, xe anh khóa 5 khóa rồi, còn cần gì thêm khóa nữa? Ðưa chìa khóa đây?”

Chị nó ngớ người ra, rồi nói: “Ðiên à? Tôi khóa làm gì?”

Anh chàng lôi vợ ra cửa thì… ôi thôi, cái xe máy yêu quý đã không cánh mà bay. Thì ra, khóa thứ 6 là của thằng ăn trộm!”

Ôm cây đợi… đốn – -Nguồn ảnh: laodong.com.vn

DU