Từ nhỏ đến giờ, câu mà tôi nghe nhiều người dùng nhất để nói về việc kinh doanh/buôn bán của mình là “lấy công làm lời”.

Sài Gòn lúc nắng – Nguồn: Hoàng Bảo Khoa    

Nhất là những người mới “khởi nghiệp”, còn chông chênh trên con đường khẳng định thương hiệu, “làm quen” với khách hàng – Họ cần hạ thấp giá cả, “vừa bán vừa tặng” để “chào hàng”. Hoặc là những người buôn bán nhỏ, họ thường nói với khách qua đường: “Lời lãi gì cô/chú ơi, buôn bán lặt vặt, chỉ lấy công làm lời thôi!” Khi ai đó hỏi: “Sao cái này rẻ vậy?” “Bán vầy rồi lấy gì sống!” Cũng có khi, câu “thần chú” «lấy công làm lời» lại trở thành một chiêu bài kinh doanh, người ta dùng để «dụ khị» khách hàng: «Trời ơi, món này tôi bán giá vốn, lấy công làm lời thôi!” Nhưng đôi khi, cái giá “vốn” của họ đã gấp 8 lần tiền nhập hàng. Mấy năm gần đây, Sài Gòn bỗng “nhập cảnh” nhiều tiệm chơi “chiêu” là lúc nào cũng giăng cái băng-rôn bự chảng, để trước cửa, đề: “hết hợp đồng thuê nhà, thanh lý toàn cửa hàng”, “nay bán, mai nghỉ, mốt đi Mỹ, giảm giá 99% toàn cửa hàng”. – nhằm “kích thích” máu mua sắm của những bà con ham rẻ, ham lời.

Có mấy lần tôi cũng mém bị lừa, nghĩ bụng bữa nào ghé coi thử. Nhưng rồi mỗi ngày tôi đều đi ngang, ngóng hoài ngóng miết, quanh năm suốt tháng, từ niên này qua năm nọ, cũng chủ đó, cũng mặt hàng đó, cũng băng-rôn đó…

Nhiều năm gần đây, với khả năng “chế biến” của nhân loài, rất nhiều ca dao/tục ngữ/câu nói “huyền thoại” có “anh em” dị bản “Lấy công làm lời” cũng có “người anh em” tên “lấy lỗ làm… lời”. (Tôi cũng không rành, “ai” là anh, “ai” là em).

“Lấy lỗ làm lời” cũng có nhiều nghĩa, theo ý tốt thì: Lấy sự thua lỗ, thất bát (của mình hoặc của người ta) để từ đó làm bài học kinh nghiệm, đạt được thành công sau đó. Hoặc gần đây, những người viết về hiện thực xã hội hay dùng “lấy lỗ làm lời” giải thích cho “hiện tượng” doanh nghiệp nhà nước mãi thua lỗ nhưng vẫn còn sống, mấy người chủ các doanh nghiệp này thì ngày càng giàu lên, từ những con số thua lỗ đó. Ngộ một cái, vốn mà họ “lấy” để kinh doanh rồi sanh ra… lỗ là thuế của dân và “cái lời” (từ cái lỗ) mà họ nhận được sau đó, cũng là tiền thuế của dân. Bởi vậy, chúng ta có hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp/công trình bạc tỷ, bạc triệu Mỹ kim đổ sụp. Ví như 12 “đại dự án” của Bộ Công Thương được tuyên bố “mất khả năng chi trả” một cách đường hoàng trên báo. Ví như những dự án chống ngập hàng chục hàng trăm ngàn tỷ trôi đi như nước đổ lá môn, mà số con đường bị ngập sau một cơn tức tưởi của ông trời ngày càng nhiều v.v. Rứa mà, chúng ta cũng có hàng trăm, hàng ngàn “biệt phủ”, biệt thự “mọc lên” nhờ “buôn chổi đót”, “chăn lợn”, tiền bà con gửi tặng…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nói… thiệt về “ai kia”, ta có thể nói hoài, nhưng chẳng có gì bổ béo. Nên hôm nay, tôi sẽ nói về một cách “lấy lỗ làm lời” khác mà tôi được chứng kiến/học hỏi, bắt chước xung quanh mình từ nhỏ. Ðó là cách “lấy lỗ làm lời” của Sài Gòn, của người Sài Gòn.

Sài Gòn lúc mưa – Nguồn: Thanh Hoàng

“Lấy lỗ làm lời” của Sài Gòn bắt đầu từ khi, vừa bị buộc phải “tự nguyện” cống nạp 82% ngân sách để “bù lỗ” cho cả nước. Vừa phải “tự nguyện” dang tay dung chứa tất cả “người dưng nước lã” từ mọi miền đất nước “đổ” về. Dù trong số đó, không phải ai cũng muốn xây dựng bồi đắp mảnh đất này. Ða phần, kẻ đến Sài Gòn vì lợi. Kẻ “lên” Sài Gòn để tìm danh. Kẻ coi Sài Gòn như bàn đạp để vươn ra khỏi cái ao làng xứ “Ðông Lào” (VN nằm phía Ðông nước Lào), chạm đến một cuộc sống khác, rồi nhìn về Sài Gòn với ánh mắt nhìn cô vợ vừa cũ vừa già sọm, hốc hác. Có những kẻ chỉ muốn phá nát Sài Gòn, xóa sạch ký ức của Sài Gòn. Như để thị dân hiểu, thế nào là: “đào Nam đắp Bắc”.

Thiệt ra, Sài Gòn cũng biết mình lỗ, lỗ từ khi mất cái tên rồi. Vì “lỗ”, ngày qua ngày, thị dân phải tập quen dần với mùi rác, với những con… sông bỗng trào lên giữa lộ, với những con đường thiếu bóng những hàng cây, với những khu nhà đang yên đang lành bỗng rợp trời tiếng khóc của bất công/mất mát… Giữa những giấc mơ trưa, thị dân tập trở mình rồi ngủ tiếp với tiếng la thất thanh của ai đó bị giựt đồ. Ðêm đêm, cũng tập dần với tiếng rồ ga của các “tay lái lụa” thích chạy xe với tốc độ bàn… thờ. Ra đường, tập nhìn kỹ bảng giá của mấy xe bán hàng – nhìn xa 30 ngàn một ký, lại gần mới biết, 30 ngàn một… trái.

Lâu lâu, cỡ vài giờ, lại có một vụ án mạng với lý do không khổng thể tưởng. Ngồi quán cóc, tập nghe chú nói giọng miền Trung chê Sài Gòn chặt chém, tập nghe bà cô nói giọng Bắc chê phở Sài Gòn không “chuẩn vị”, tập nghe anh miền Tây trách là Sài Gòn xô bồ quá, làm ảnh nhớ quê ảnh da diết… Nhưng mà hễ anh miền Tây, chú miền Trung, cô miền Bắc mà nghe người Sài Gòn lỡ miệng nói nhớ “quê” mình hồi… Tết, khi mấy người kia mạnh ai nấy về quê của họ hết, trả lại một Sài Gòn vắng vẻ, sạch sẽ… Là họ hét thất thanh “người Sài Gòn ích kỷ”, chê người Sài Gòn không có tình ngay!

Sài Gòn chịu lỗ, nên vừa phải im lặng chịu đựng, vừa phải xí xóa cho đám người “không biết điều”, mặc kệ họ rút ruột, cào da mình. Vì người Sài Gòn tin, cuộc sống có nhân có quả. Họ tin có thể “lấy lỗ làm lời”. Như hồi xưa, ngoại nuôi tôi hay vừa uy hiếp vừa khuyên răn: “Kệ đi con. Mình ăn thì hết, người ta ăn còn hoài…” mỗi lần biểu tôi cho ai cái gì đó, mà tôi dùng dằng không chịu – tại (theo tôi thì) “mình còn chưa được ăn, sao cho người ta gần hết rồi!” hay “Họ có cho mình gì đâu, tối ngày cứ xin xỏ thôi!”. Chắc nhờ vậy, tôi hay bị kêu là “trùm giữ của” từ nhỏ, tới bây giờ vẫn không biết là chê hay khen.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Hoặc như trong một câu chuyện ngắn, có ông “ba Tàu” bán cháo Tiều mấy đời trả lời phóng viên khi được hỏi: “Bây giờ tôi muốn ăn một tô, nhưng tôi chưa có tiền mai thanh toán được không, thưa ông?”

Sài Gòn lúc khát cũng yêu, mà lúc đói, càng yêu Sài Gòn – Du Uyên 

Ông “ba Tàu”: “Dạ không phải là ngày mai mà 20 năm sau cũng được”.

Phóng viên: “Nhưng hai mươi năm sau lãi suất thế nào?”

Ông “ba Tàu”: “Dạ, lãi là ông luôn nghĩ tới hàng cháo này, đấy mới là lãi to”.

Thiệt vậy, nếu “tính toán” theo ngoại nuôi của tôi hay theo ông “ba Tàu” kia, thì bỏ qua cái lỗ thì cái lời của Sài Gòn cũng rất khẳm. Cái lời đó chính là cái tình, là thứ sâu trong trái tim của con người. Thứ mà đôi khi, nhiều tiền không mua được. Ðối với nhiều người, cái đó rẻ mạt, không đáng tiền. Nhưng đối với những người mất niềm tin vào cuộc sống, đó là những ấm áp duy nhất, là ánh lửa cuối đường hầm tối thui.

Bởi vậy, Sài Gòn lỗ gì lỗ chứ không lỗ sự nhân bản. Tuy mang danh là thành phố bự nhất nước, nhưng nhìn đâu cũng thấy miễn phí: Ði một đoạn là thấy nước uống miễn phí. Ði một khúc là thấy bánh mì miễn phí. Lâu lâu lại thấy cắt tóc miễn phí cho người nghèo. Xa xa có thùng sửa giày miễn phí cho người nghèo. Gần gần có shop quần áo «ai cần đến lấy, ai thừa bỏ dzô». «Nhìn cái bảng đi, chỉ kỹ rồi đó nha, hỏi quài, mệt quá!» «Hết xăng hả? Ðổ vào đi, rồi chạy kiếm cây xăng nha mại!”, “Xe bị sao dzậy? Leo lên ngồi đi tao đẩy cho nè!”

Những cái “miễn phí” trên, theo thời gian, không chỉ mình người Sài Gòn tạo ra và “lưu truyền” nữa. Mà nhờ dân tứ xứ góp mỗi người một tay. Ðó là những người đã hết coi thành phố này là cõi tạm, mà thật tình muốn xây đắp hoặc trả ơn cho nó. Như những người trong bài viết dưới đây, mà tác giả Trần Hải đã “gom lại”, thay tôi, thay thị dân Sài Gòn:

“Sài Gòn chập mạch! Chập thiệt chứ hổng giỡn. Ai đời đi thay pin cái máy, ghé tiệm hỏi. Chị chủ kêu: “Pin có 2 loại, loại thường 60 ngàn, loại khác nhãn của Thụy Sỹ thì 150 ngàn. Em lấy loại 60 ngàn nè, chất lượng gần như nhau, khác cái mác thôi!”

Ði mua con cá chép chợ hẻm, giá 90 ngàn, trong bóp còn mỗi 60 ngàn. Anh bán cá không quen biết nói: thôi em đưa 60 ngàn cũng được, hôm nào ghé gửi anh 30 ngàn sau. Quen biết gì đâu, tui xù thì răng?

Xem thêm:   Chó...

– Sáng đi bộ, gặp anh Hai từ miền Tây lên bán rau. Thấy rau xanh tươi, mua luôn 50 ngàn. Lúc tính tiền mới nhớ mình mặc đồ đi bộ, đâu có mang bóp. Anh Hai miền Tây cười tươi thiệt tươi: “Thôi khỏi, chừng nào anh gặp tui lại, trả sau cũng được mà”. Quen biết gì đâu. Báo hại tui suốt một tuần phải đi bộ đúng đường đó, đúng giờ đó mới gặp lại anh Hai rau. Sài Gòn gài bẫy tui chăng?

Còn đây là cách “ai kia” dùng để “lấy lỗ làm lời”: doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, công trình nhà nước nâng vốn/kéo dài tiến độ thời hạn… – Nguồn: Zingnews.vn

– Tết nhất, bát bún ốc, bún dọc mùng xứ này xứ kia tăng giá rầm trời. Miệt Thủ đô có khi 150 ngàn/bát tỉnh rụi. Sài Gòn lơ ngơ viết lên tờ A4: “Vì dịp Tết, quán phải thuê nhân công giá mắc hơn, nên giá mỗi tô xin phụ thu thêm 5k, thành 30k”.

– Ông anh Sài Gòn ra Hà Nội, ghé quán trà đá vỉa hè. Lúc tính tiền ly trà đá, kêu 20 ngàn. “Sao mắc dữ vậy?”. Ðáp tỉnh rụi hà: “Ối dồi! Trà Thái nó đắt lắm. Mà dân Sài Gòn thiếu gì tiền”. Dân Sài Gòn thừa tiền nên uống ly cà phê 12k, ngồi đồng cả ngày với wifi, với trà đá miễn phí châm liên tục.

Vâng, Sài Gòn thiếu gì tiền. Sài Gòn chắt bóp từng đồng thôi. Như ở Tô Hiến Thành, quận 10, các y bác sĩ góp tiền lại, đổi ra tiền lẻ 5k, bỏ vô thùng mica trưng ngoài đường với dòng chữ: “Nếu bạn gặp khó khăn hãy lấy 3 tờ”. 3 tờ vị chi là 15 ngàn, đủ một suất cơm bé mọn cho người cơ nhỡ. Rẻ hơn ly trà đá Thủ đô.

Sài Gòn không thiếu tiền. Vậy nên mới có anh Lâm Văn Cuộc, bảo vệ ở quán cà phê trên đường Mạc Thị Bưởi, Quận 1. Thấy ai hư xe hoặc hết xăng anh đều giúp đỡ. Ai móc tiền ra gửi biếu, anh đều thẳng thừng từ chối và nói: “Khỏi mà!”. Xe nào hết xăng thì anh lấy xăng xe mình chiết ra cho. Những người được cho ai cũng thấy cũng lạ, hỏi sao anh giúp nhiệt tình vậy. Anh chỉ đáp: “Trời ơi, tiền bạc gì. Xe tôi lúc nào cũng đầy bình, cho xị rưỡi, hai xị có đáng là bao”.

Lại có anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, quê Tiền Giang). Lên Sài Gòn làm bảo vệ cho một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu (quận 4). Sau giờ làm anh ra vỉa hè ngủ và trưng cái biển lạ đời: “Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Ðừng ngại, kêu vá liền. 24/24”.

Hay lâu lâu, bạn ghé cây xăng đổ, tự nhiên thấy một bác già cầm tờ 10 ngàn đi xin thêm những người đổ xăng ở cạnh: “Xe tui hết xăng, xin cho tui 10 ngàn để đổ cho tròn 20”. Ðừng ngạc nhiên khi những người đó lặng lẽ móc bóp, phụ thêm cho bác dăm mười ngàn để bác đổ đầy bình mà về Củ Chi.

“Sài Gòn không thiếu tiền”, nói xuôi hay nói ngược đều được. Bởi nói xuôi thì rằng Sài Gòn là đầu tàu kinh tế cả nước. Nói ngược là bởi Sài Gòn còn rất nhiều phận đời lầm lũi. Nhưng Sài Gòn có cái tình, cái tình ngu ngơ, đơn sơ hồn hậu. Phải nói là thương quá chừng thương. Sài Gòn ơi!”

Cách người Sài Gòn “lấy lỗ làm lời”: nước miễn phí, vá xe miễn phí, áo mưa/bánhmì/hỏi đường/quán ăn… miễn phí – Facebook

DU