“Thông minh quá cũng không tốt. Ngu quá cũng không tốt. Nửa nạc nửa mỡ cũng không tốt. Nói chung, trên đời này không có gì… tốt.” – Đây là một câu tôi biên hồi 2014 trên trang cá nhân, ở các bình luận bên dưới, có người cho là tiêu cực, có người lại cho là tôi vui tính, có người lại cho là tôi “hâm hâm”. Ai nói gì tôi thấy cũng… đúng.

  1. Lạc quan

Cuộc sống luôn cần những điều tốt đẹp, tử tế để dành cho nhau, thật may mắn khi tôi được ở một nơi mà mọi “trào lưu” về hành động tốt đều được bắt đầu tại đây: áo mưa, thức ăn, bánh mì, cơm, những cái ôm… miễn phí. Như hổm rày, khi người người, nhà nhà đau khổ bởi có tiền cũng khó mua xăng. Hình ảnh mang tính thời sự nhất hiện nay là cảnh các cây xăng đông nghẹt, xăng trở nên quý và hiếm, giá lên đều mà người ta phải sắp hàng cả nửa tiếng mới đến phiên để mua được nhưng chỉ mua được 1 ít (30 ngàn VND), thậm chí là không có xăng để mua. Trên báo đăng những cảnh đánh nhau giữa người mua xăng và nhân viên cây xăng nữa! Có ông Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM thị sát cây xăng, không biết bật lửa soi bình xăng của người dân để kiểm tra hay gì mà tuyên bố xanh rờn trên báo: “Có người, xe còn nửa bình xăng, vẫn chen vào đổ”.

Trong khi đó, khắp nẻo ở Sài Gòn vẫn có những người nhín cho nhau chút xăng để có thể đi tiếp đoạn đường tìm chỗ đổ xăng. Video một thanh niên dẫn bộ hàng cây số nhưng không đổ được xăng bất ngờ gặp anh làm nghề “shipper” nhường cho chút xăng  làm cuộc sống trở nên thật đáng yêu. Hay hôm rồi, trời mưa tầm tã, có cô kia đi lơn tơn ngoài đường nhìn như bị lẫn, được một người chú chạy xe ngược chiều dừng lại cởi áo mưa cho cô, lát lại có thêm vài người dừng lại hỏi han. Có thể không giúp cổ hết… lẫn, hoặc sống ấm áp cho mùa mưa lang thang, nhưng họ đã sưởi ấm được tâm hồn của cổ, của tôi trong nhiều phút giây lạnh lẽo của cuộc đời này.

Báo chí trong nước rất hay “thao túng tâm lý” độc giả bằng những bài báo “lạc quan tếu” như vầy – Facebook

Hồi chiều, cũng mới có cái clip ghi lại cảnh hai nhóm thanh niên “giang hồ hẻm” cầm theo “hàng” (dao dài) rượt nhau vào tận hẻm đông trẻ em đang chơi. Một cảnh tượng thường thấy ở thời điểm “loạn lạc” này, khi người Việt cứ sơ hở chút là đòi “xử” nhau, nên buồn thì thở dài một chút rồi cho qua, “lạc quan” thì đi “hóng hớt” coi nguyên do gì mà hai bên “cơm không lành canh không ngọt”, còn không cảm xúc thì thôi – lướt ngón tay trên màn hình, coi cái clip tiếp theo… Như thường lệ, tôi ở lại coi câu chuyện tới đâu, tiện đó đọc luôn bình luận coi nguyên nhân thế nào, để coi có gì kể lại cho độc giả nghe hay không.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Trời đãi kẻ… nhiều chuyện, cảnh tượng sau đó không phải là màn bắn “rap” tục tĩu hay cảnh máu me đâm chém, cảnh con nít khóc người lớn la… mà là cảnh hai nhóm “giang hồ hẻm” ngừng lại trước chỗ con nít trong xóm đang chơi. Một thanh niên tay cầm “hàng”, một tay “lùa” các em bé vào nhà, miệng thì nói giọng miền Nam thân thương “Ði dzô nhà đi con!”. Thanh niên khác thuộc hai nhóm này cũng quay lại quát nạt phụ huynh: “Ðóng cửa dzô, bồng con dzô nhà”. Ngoài ra, còn có một chị gái mạnh dạn đề nghị “Ðể tui dắt xe dzô nhà đã…”

Sài Gòn, chuyện xấu bao la nhưng chuyện đẹp nhiều vô kể, gần đây có bức ảnh đang rất được chia sẻ nồng nhiệt, chụp ngày 07-10-2022, hình ảnh ghi lại nụ cười sáng rỡ dưới ánh nắng của một em trai bán xôi khi đang mời một người vô gia cư một phần nước với đồ ăn sáng (mà chú chỉ xin nhận phần đồ ăn, chú không quên cảm ơn rồi mới đi tiếp). Thật hạnh phúc cho người kịp thời ghi lại khoảnh khắc đẹp đó, vì trên đường đời tấp nập, chỉ cần sơ hở một chút là chúng ta có thể bỏ qua muôn ngàn điều tốt đẹp rồi…

Một người đi đường chụp được cảnh cậu bé bán xôi cười ấm áp với người vô gia cư – Facebook Phạm Thế Hiển

  1. “Lạc quan tếu”

“Lạc quan tếu” là tựa tiếng Việt của cuốn sách Irrational Exuberance, tác giả là nhà kinh tế học người Mỹ Robert J. Shiller (ông sanh năm 1946, Giáo sư Kinh tế tại Ðại học Yale. Từng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ năm 2005…) Cuốn sách nói về nền kinh tế Mỹ, về sự lạc quan không giới hạn của các nhà đầu tư kém hiểu biết đối với thị trường, mà không để ý đến giá trị căn bản của nó – sau đó họ thua lỗ vì sự chủ quan, lạc quan tếu của mình.

Tôi thì không rành về kinh tế nên tôi sẽ không giành với các chuyên gia, nhưng tôi thích cái tựa đề tiếng Việt của cuốn sách – “Lạc quan tếu”. “Lạc quan tếu” theo tôi hiểu là sự lạc quan quá đáng, nực cười, khiến nhân loài đánh giá không đúng vấn đề. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi thấy sự “Lạc quan tếu” ở khắp nơi, ở mọi lãnh vực, ở mọi người – trong đó có tôi… Ðôi khi là vô tình, đôi khi là cố ý.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Nhiều khi đọc báo trong nước, chúng ta sẽ thấy “lạc quan tếu” còn là một loại vũ khí để tuyên truyền. Ví dụ khi dân Việt Nam xếp hàng rồng rắn nhưng vẫn không mua được xăng, thì y như rằng, sẽ có các tựa bài báo kiểu “Dân Pháp này xếp hàng nhiều giờ đợi đổ xăng, có người 2 ngày mới có thể đi làm”, “Dân Châu Âu đổ 17,000 tấn dầu ăn vào xe mỗi ngày (để thay cho dầu Diesel) – tựa báo vietnamnet.vn. Hay khi dân Việt Nam thét gào vì lạm phát, vì đồng lương ít ỏi và giá mọi thứ tăng từng giờ, thì báo trong nước lại có các bài như “Nhiều gia đình Mỹ đã phải chuyển sang chế độ ăn chay trường chỉ vì giá thịt quá đắt đỏ” – tựa báo cafef.vn, “Khủng hoảng lạm phát Mỹ: Bố mẹ bỏ bữa cho con có cái ăn, cân đo đong đếm từng lát bánh mì vì sợ suy thoái kinh tế” – tựa báo soha.vn. Trong khi đó, ở Việt Nam thì “Với huê hồng được hưởng là 1,100 VND thì thu nhập của người bán vé số tàn tật mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu VND!” – ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang. Phát biểu với báo chí tại buổi họp báo kinh tế xã hội năm 2015. “Ði khắp nơi cắt cỏ nuôi bò, anh nông dân thu 65 tỷ VND (cỡ hai triệu USD)/năm” (hơn cả lợi nhuận dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Ðông sau 10 tháng khai trương – hơn 46 tỷ – với hơn 700 người vận hành) – tựa vietnamnet.vn…

“Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: ‘Có người, xe còn nửa bình xăng, vẫn chen vào đổ’.” – Tựa bài và ảnh từ thanhnien.vn

Một người bị giam ở Ðịa ngục, sắp được đầu thai, tâu với Diêm Vương: Thưa ngài, nếu ngài muốn cho tôi trở về dương gian, thì tôi xin có vài điều kiện.

Diêm Vương hỏi: Ðiều kiện gì?

Người đó đáp: Tôi xin được làm con một vị tể tướng, làm cha một vị Trạng nguyên; tôi xin được một ngôi nhà ở giữa khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có đủ các loại cây trái… Lại xin có một người vợ rất đẹp và nhiều tì thiếp diễm lệ, hết thảy đều ngoan ngoãn chiều chuộng tôi, lại xin châu báu chất đầy phòng, lúa thóc chất đầy lẫm, tiền bạc chất đầy rương, mà tôi thì được làm quan lớn, một đời vinh hoa phú quý, sống lâu trăm tuổi.

Diêm Vương nghe xong cười đáp: Trên dương gian mà có được con người như vậy thì ta đây đã đầu thai thay ngươi rồi!

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Cuộc sống mà, đâu phải lúc nào cũng có hoa với lá, chúng ta còn có kẽm gai, sâu lông, rắn độc… sơ hở một chút thôi là nỗi buồn ập tới – mạnh mẽ và dữ dội hơn niềm vui rất nhiều. Hôm rồi, lúc đang vui thì tôi đọc được tin Trường Marie Curie (Sài Gòn) thu tiền nghỉ trưa của học sinh, nhiều em không có tiền đóng thì trưa phải đi lang thang vật vờ ngoài sân trường – mặc kệ nắng mưa. Rồi ở trong buổi họp phụ huynh ở trường tiểu học An Hội (Gò Vấp-Sài Gòn) – nhiều phụ huynh đã bị xài xể vì nghèo mà còn cho con đi học. Ðó là bà Phạm Thị Kim Tuyến (có “chức” là phó ban đại diện phụ huynh học sinh lớp 2/7 – nay là lớp 3/10) đã đứng trên bục giảng thẳng thừng tuyên bố: “Nếu phụ huynh nào khó khăn thì đừng theo chung với cái lớp này nữa, vì không đóng nổi quỹ lớp”. Tuyến còn chỉ thẳng vào mặt những phụ huynh và nêu đích tên  của các cháu học sinh không đóng quỹ lớp trước mặt hiệu trưởng trường An Hội mà hiệu trưởng và cô chủ nhiệm không hề lên tiếng. Và Tuyến yêu cầu một phụ huynh đứng lên thừa nhận rằng: Tuyến có đến gặp phụ huynh này và nói đừng cho con theo học lớp 3/10 này nữa vì không đóng nổi tiền quỹ lớp. Tuyến còn xúc phạm đến vài phụ huynh là đi chiếc xe đạp cà tàng… Ngoài ra, sau khi clip ghi lại cảnh trên được lan truyền trên mạng xã hội, nhà của phụ huynh đăng clip trên đã bị tạt sơn.

Vậy thì đổ xăng online? 

Không biết trong vấn đề này, người ta có thể “lạc quan tếu” bằng cách nào đây? Hiện giờ chưa thấy bài báo trong nước nào cho thấy bên Mỹ, Châu Âu cũng có học trò đi lờ đờ ngoài sân trường giờ nghỉ trưa hay phụ huynh này bị phụ huynh khác xài xể, khinh rẻ trước mặt hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm của lớp. Chúng ta chào đón điều tốt đẹp thì cũng phải cư xử công bằng với điều xấu xa, hãy nhìn nhận nó và tìm cách giải quyết, thay vì “lạc quan tếu”. Việt Nam sẽ không thể phát triển khi giáo dục, y tế, kinh tế đều tệ hại, nhưng mọi tin tức về nó đều “lạc quan tếu”. Xin kết bài bằng một câu chuyện tình cảm… lạnh:

“Có ông bạn tôi kể, vợ chồng hàng xóm cãi lộn với nhau, một hồi sau anh chồng dắt xe đi, chị vợ nói với theo: Anh đi đâu?

– Ði đâu kệ tôi, tối nay tôi không về đâu đừng có mà đợi

– Anh nhớ nhé! Thế thì tối nay tôi kêu hàng xóm qua ngủ cùng!

Và đêm đó anh chồng không về thật. Còn ông bạn tôi cứ ngồi đợi từ canh 1 đến canh 2, rồi lại canh 3, muỗi chích sưng hết cả chân mà vẫn không thấy cô ấy gọi sang ngủ. Ðến khi loa phường phát nhạc thể dục buổi sáng ổng mới hết hy vọng”

DU