Công nghệ có thể tạo ra hoặc phá hủy nhiều thứ, ngay cả mạng sống con người, nhưng nó không thể tạo ra hoặc phá hủy người tốt.

Đồ cổ luôn bền – Nguồn: cafef.vn  

  1. Điện thoại “cục gạch” và máy nhắn tin

Điện thoại “cục gạch” là tên gọi quen thuộc của các mẫu điện thoại với thiết kế đơn giản, sử dụng bàn phím vật lý và chỉ bao gồm chức năng chính là nghe, gọi điện, nhắn tin, nghe đài radio. Loại điện thoại này được gọi là “cục gạch” vì nó bền, lỡ va đập hay rớt xuống đất hoặc… chọi người ta, tưởng là bể khi pin văng đường pin vỏ đi đường vỏ nhưng thật ra thì chủ nhân chỉ cần lượm mọi thứ lên gắn vô xài tiếp tục.

Tin buồn là từ giữa tháng 9-2024, nhiều hãng điện thoại “cục gạch” chỉ sử dụng công nghệ 2G ở Việt Nam đã thật sự trở thành cục gạch, vì chỉ còn chức năng “chọi”. Việt Nam chính thức tắt sóng 2G. Mạng 2G là công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2, đây là thế hệ mạng di động đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu. Mạng 2G được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Giờ đây, mạng 2G trở nên lỗi thời và dần được thay thế bởi công nghệ 3G, 4G, 5G… Mỹ đã bắt đầu tắt sóng 2G từ năm 2017, Nhật Bản tắt sóng 2G từ năm 2010, Hàn Quốc tắt sóng 2G từ năm 2011, Singapore tắt sóng 2G từ năm 2017, Thái Lan tắt sóng 2G từ năm 2019…

Giới trẻ thì luôn háo hức với những điều mới, nhưng những người lớn tuổi, những người có thu nhập thấp hoặc những người không thích thế giới internet ồn ào thì đây là một sự thay đổi lớn. Chuyện quan trọng nhất chắc chắn là phải mua điện thoại mới với một số tiền không nhỏ với người cao niên hoặc người có thu nhập thấp (vì đa số người xài điện thoại “cục gạch” là người có thu nhập thấp). Ngoài ra, do rất nhiều người đổ xô đi mua điện thoại mới, đa số vẫn duy trì thói quen cũ là tìm mua điện thoại “cục gạch” khác nhưng có hỗ trợ mạng 4G khiến thị trường điện thoại “cục gạch” trở nên sôi nổi, dẫn tới thiếu hàng và tăng giá các loại điện thoại cổ lỗ sĩ này. Vì vậy, nhiều người lớn tuổi, đa số thời gian ở nhà chứ không đi đâu đã quyết định là quay lại xài điện thoại bàn ở nhà, món đồ hầu như bị “thất sủng” kể từ lúc muôn ngàn thứ điện thoại di động ra đời.

Mảnh vỡ của máy nhắn tin sau khi nổ – Nguồn: Twitter

Không biết sao mà trùng hợp, khi chỉ cô 5 bà 7 chú 9 xóm tôi xôn xao vì ba cái đồ cổ điện thoại “cục gạch” hay điện thoại bàn như trên, ở nơi xa xôi bên kia địa cầu cũng hoảng loạn vì cái gọi là “máy nhắn tin” – thứ mà tới đời của tôi đã không còn thông dụng, được ra đời từ những năm 1950 của thế kỷ trước.

Xem thêm:   Một ngày thường...

Tôi cứ tưởng thời nay không ai còn xài loại máy này, nhưng nhờ tin tức thời sự tôi mới biết mình thiếu hiểu biết. Máy nhắn tin vẫn còn rất được việc. Theo Google, trong bệnh viện ở một số quốc gia vẫn sử dụng máy nhắn tin, sử dụng hệ thống liên lạc riêng và có thể đáng tin cậy hơn trong trường hợp khẩn cấp hoặc nếu mạng WiFi hoặc điện thoại bị lỗi. Spok, công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin cho bệnh viện, cho biết các thiết bị này chạy bằng pin và tín hiệu của chúng có thể “đi qua bê tông và thép khi tín hiệu điện thoại thông minh không thể đi qua”. Ngoài ra, máy nhắn tin vẫn được các lực lượng ứng cứu sử dụng trong những năm gần đây. Ở Úc, chúng được sử dụng trong các mỏ và nhà máy hóa chất, nơi tia lửa phát ra từ sóng điện thoại có thể gây nguy hiểm. Máy nhắn tin cũng được sử dụng bởi nhân viên tại các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các nhà máy điện và hạt nhân, và tại các nhà thầu quốc phòng. Do sóng vô tuyến phổ biến hơn mạng di động. Chúng có sẵn ngay cả ở những khu vực không có mạng di động (Mobile network), và do ít chức năng mà máy nhắn tin có thể hoạt động trong nhiều tháng chỉ với một cục pin, đây lại là một lợi thế lớn ở những vùng xa xôi nơi nguồn cung cấp điện là vấn đề.

Xem thêm:   Hệ thống phòng thủ Golden Dome

Ở thời buổi công nghệ cao, máy nhắn tin được coi là thiết bị công nghệ thấp, và rất nhiều người dùng loại máy này chính vì “công nghệ thấp” của nó. Bởi vì chỉ nhận được tin nhắn qua tần số vô tuyến, nên máy nhắn tin không thể bị theo dõi hoặc truy tìm, trong khi điện thoại di động lại phát ra tín hiệu thời gian thực rất dễ bị lần theo. Một loạt vụ tấn công nhằm vào thành viên cấp cao đã khiến tổ chức vũ trang thân Iran – Hezbollah ra quy định hạn chế dùng điện thoại di động, chủ yếu sử dụng máy nhắn tin nhằm tránh bị theo dõi. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tổ chức này đón nhận tin dữ khi hàng ngàn máy nhắn tin, máy bộ đàm phát nổ đồng loạt, làm hàng ngàn người bị thương và nhiều người chết. Không biết sắp tới, tổ chức này có nghĩ tới cách gửi thư bằng bồ câu hay không?

Nếu tôi là con dân Liban, chắc tôi sẽ kinh sợ mọi máy móc quanh mình lúc này. Nhưng do tôi chỉ đọc câu chuyện từ xa, có thể ngồi phân tích và suy ngẫm, tôi thấy thứ mà chúng ta nên sợ nhất vẫn là con người. Chính con người đã tạo ra công nghệ, chính con người đã dùng công nghệ để giết con người…

Những người dùng công nghệ (mạng xã hội) để làm điều tốt đẹp – Nguồn: Phan Vĩnh Kha

  1. Kích nổ đồng loạt

Tôi không biết người ta đã làm thế nào họ có thể kích nổ cùng lúc hàng ngàn công cụ liên lạc, nhưng việc “kích nổ cùng lúc” hàng ngàn, thậm chí hàng triệu kẻ xấu thì ai chơi mạng xã hội ở Việt Nam sẽ rất dễ thấy. Đi vào các nhóm, trang tin tức đông người, lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận ra hàng ngàn người có cùng “tư tưởng” với nhau, bình luận na ná nhau, tất cả đều được dùng để tôn vinh chính quyền và trù dập những ai có cái nhìn trái chiều về xã hội Việt Nam. Đây là những trái boom luôn tồn tại, luôn nổ lốp bốp mỗi ngày ở trong điện thoại bất kỳ ai.

Xem thêm:   Ngai...

Thật đáng tiếc, phải chi việc tốt được “kích nổ đồng loạt” như vậy thì xã hội mỗi bữa đều có cầu vồng, pháo bông và dân cư mạng Việt Nam không bị xếp vào nhóm có văn hóa thấp trên mạng. Điều này có thể đổ thừa cho công nghệ chăng? Rõ ràng là không.

Công nghệ có thể tạo ra hoặc phá hủy nhiều thứ, ngay cả mạng sống con người, nhưng nó không thể tạo ra hoặc phá hủy người tốt. Vì làm người tốt là một sự lựa chọn, rất nhiều người làm chuyện tốt mà họ chưa từng biết internet là gì, cũng có rất nhiều người dùng công nghệ để lan tỏa điều tốt lành và tình thương yêu. Xin kết bài bởi một quan sát nhỏ về cuộc sống của anh Phan Vĩnh Kha:

“Buồn, vui và tức cười

Có một nhóm Facebook tên là Bạn cần – tôi tặng (SAIGONGIVE), mình vừa lạc vào và đọc được 3 bài đăng đúng như tiêu đề ở trên. Một người tặng 3 kg gạo cũ, “để cho gà hoặc nấu cho động vật ăn”, nhưng có người vào xin để về ăn vì nhà hết gạo, con nhỏ, bán vé số bị giật, buồn!

Một bà vợ chuẩn bị bữa cơm tối khá ngon cho chồng nhưng chồng mắc “đi chơi trung thu” (với cô nào khác?) nên bà vợ rao tặng bữa cơm đó. Ủa không biết chồng cổ còn không sử dụng cái gì khác không? Vui.

Một bạn tặng tấm nệm, bạn khác nhanh nhẹn xin. Sau đó, người đi xin nệm đăng lên trang khác rao bán 400K (nick khác, nhóm khác). Lập tức có đứa đi méc với bạn tặng nệm và bạn hủy tặng ngay (bạn kia chưa kịp lấy đã tận dụng rao bán). Tức cười.

Buồn vui lẫn lộn, nhưng thấy yêu Sài Gòn hơn từ những mẩu chuyện như thế này.”

Người Sài Gòn không cần công nghệ cũng có thể làm điều tốt đẹp – Nguồn: Facebook

DU