Du Uyên đang ủ mưu mở một tiệm “bún riêu gia truyền”, với câu giới thiệu thêm là “nhà tôi ba đời bán bún riêu, tôi là đời thứ nhất”.

Cháo sườn gia truyền, đặc biệt (sườn) người lớn & (sườn) trẻ em – Nguồn: Facebook     

Tại sao là “bún riêu gia truyền”? Vì đó giờ bún riêu là ít bị dính vào chữ “gia truyền” hơn món phở, cứ 10 quán phở thì có tới 8 quán bị gắn chữ “gia truyền”. Hai chữ “gia truyền” cũng là một “chiêu” quyến rũ khách. Xã hội càng hiện đại thì con người càng hoài cổ, đó là lý do các quán cà phê trang trí kiểu bao cấp hoặc trang trí bằng đồ sưu tầm có trước 1975 luôn hút khách trẻ ở Sài Gòn.

Chỉ cần mở YouTube sẽ thấy, hở chút là gặp một vị “thần y” mặc nguyên bộ đồ cựu chiến binh, nói có bài thuốc gia truyền 3 đời trị dứt điểm bệnh trĩ trong 3 ngày… Buôn bán thì ai cũng thích có… lời, muốn có lời phải có khách, nhưng đôi khi không có đủ duyên để khách “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” – thì chơi chiêu. Gắn thêm cái bảng «gia truyền» vào sau tên quán cho có vẻ «uy tín nhà may Tèo», câu chuyện về hai chữ «gia truyền» có thể sáng tác sau. Ðây là tuyệt chiêu mà rất nhiều người Việt xài khi mở quán, đến nỗi một người bạn tôi lập câu thề: “Thề là thấy quán nào có chữ “gia truyền” là né liền”. Có hai lý do: nếu là gia truyền, lâu năm thiệt thì thường bán mắc. Còn gia truyền dỏm thì vừa mắc vừa dở. Ðôi khi là quán gia truyền thiệt tình, nhưng mà dở, vì tiền bối nấu dở truyền cho hậu duệ… Nói chung, quảng cáo thường không giống thiệt. Như Facebooker Ðàm Hà Phú mới biên: “Hồi xưa có chuỗi nhà hàng tên Món Huế, ở đó bán nhiều món, có món ngon món dở, tuy nhiên các món dở là mấy món… Huế. Còn ở chuỗi nhà hàng “gói và cuốn” (Wrap & Roll) cũng bán nhiều món, mà món dở nhứt, kỳ diệu thay, chính là gỏi cuốn.” Một người khác bình luận dưới bài viết: “Thật trùng hợp, The Coffee House, dở nhất là cà phê!” Một người khác thêm: “Công thức đó cũng có thể dùng cho ngành giáo dục ở VN!”

Tiệm đàn guitar gia truyền – Nguồn: Du Uyên

Quay lại cái quán, tại sao tôi chọn bún riêu chứ không phải món khác, như là món ăn quốc dân – phở, bánh mì? Ðúng là cư dân mạng Việt Nam hay cãi nhau về món phở, giành giật phở Bắc “chuẩn vị” hơn phở Nam, phở Nam ít “mì chính”, đậm đà hơn phở Bắc, đơn giản vì món phở… nổi tiếng, vào tháng 9-2007, “pho” chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary). Nhưng bản thân tôi thì mê món bún riêu hơn. Món bún riêu cũng phức tạp, rất xứng đáng để gây… tranh cãi, tôi đi mỗi miền ở Việt Nam thì thấy người ta nấu bún riêu khác nhau, ngay cả ở Sài Gòn cũng có hàng loạt kiểu nấu bún riêu: bún riêu người Bắc nấu khác, bún riêu người Ðà Lạt/Buôn Mê Thuột nấu khác, bún riêu người Quảng nấu khác, bún riêu người miền Nam nấu khác… (không đủ giấy để mô tả). Người ăn bún riêu cũng đủ kiểu: có người không ăn được vị mắm tôm nặng mùi, có người lại ghét cay đắng mùi tôm khô xay ra nấu lẫn với đậu hũ và gạch cua (thành món chả cua bỏ vào tô bún riêu), có người lại ghét ốc luộc trong tô bún riêu cua-ốc, có người lại thấy tô bún riêu không ốc không tôm khô không giò heo là đơn điệu, có người lại thích trong bún riêu có chút bò tái hoặc bạch tuộc… Cái gì đa dạng, cái đó thú vị, cái gì thú vị cái đó nổi tiếng, cái gì nổi tiếng cái đó gây tranh luận, vậy mà bún riêu vẫn lép vế so với phở – cái món không nhiều khác biệt dầu «lưu lạc» Bắc-Trung-Nam trong nước hay Bắc-Trung-Nam bên Mỹ.

Xem thêm:   Hòa bình cho Gaza

Ngoài ra, còn một lý do quan trọng nữa, tôi chỉ biết nấu bún riêu, không biết nấu phở!

Hai “quán gốc” bán sữa từ 33 tới 35 năm, chắc cũng sữa… gia truyền – Nguồn: Du Uyên

Ðể chiều chuộng những vị khách khó tánh nhất, tiệm «bún riêu gia truyền» của Du Uyên sẽ  mở theo dạng buffet, nước lèo sẽ có nấu ba nồi theo ba khẩu vị Bắc – Trung – Nam. Các món ăn kèm nước lèo và bún sẽ có đủ loại, được giữ ấm trên các khay inox. Khách thích món gì thì bỏ món đó vô tô của mình, tha hồ «mix» một tô bún riêu có nước lèo vị miền Bắc kèm «topping» miền Trung và rau ăn kèm miền Nam… Ai cũng có thể thiết kế riêng cho mình một tô bún riêu «chuẩn vị» bản thân, chắc khó mà thấy dở. Nếu đến đó mà còn thấy tô bún riêu của mình không ngon thì cũng còn cô chủ… ngon, cầm – kỳ – thi – họa biết đủ. Lưu ý, “cầm” ở đây là đàn guitar (đã đi học được 4 buổi), “kỳ” ở đây là cờ ca-rô (từ nhỏ chơi kín vở học trò), “thi” – rất may Du Uyên biết làm thi hơn chục năm nay, và “hoạ” trong gây hoạ. May mắn cho các thực khách, đây chỉ mới là “bản nháp”, khi nào tôi có vốn, sẽ tiếp tục câu chuyện “bún riêu gia truyền”.

Xem thêm:   Liên minh quân sự Nga-Iran

Quay lại hai chữ “gia truyền” ở tựa bài, ở Sài Gòn, không khó để gặp một xe kẹo kéo gia truyền, một tiệm đàn guitar gia truyền hoặc một chỗ bán móc khóa gia truyền, nếu nhìn bằng con mắt bao dung, bạn sẽ phì cười vì sự hóm hỉnh của các chủ tiệm. Sự thật thì ở Sài Gòn (hoặc Việt Nam) không thiếu quán “gia truyền” chánh tông, có điều họ không cần tự xưng “gia truyền” ở bảng hiệu, người ta chỉ cần… google là biết cái quán này đứng đó bao nhiêu niên, bao nhiêu đời chủ, chủ thứ nhất có mấy cái răng sún. Một quán muốn tồn tại, không chỉ dựa dẫm vào công thức của tiền nhân mà còn phải bắt kịp xu hướng thị trường của hậu thế.

Xe kẹo kéo gia truyền – Nguồn: Facebook Ngoc Huong

Ở xóm tôi có hai tiệm «gia truyền» chánh tông, một tiệm bún riêu nổi tiếng đã từng nổi tiếng và đông khách, khi cha mẹ qua đời vì COVID-19, người con đứng bán, tiệm ế dần, ế dần… Một tiệm khác, người bà ban đầu bán quầy khoai lang luộc nhỏ xíu ở góc chợ, đến đời người mẹ thì nâng cấp lên chiếc xe đẩy cà tàng, bán khoai luộc và khoai sống. Tới đời thứ 3, nhà nghèo nên cô bé bỏ học, xoay sở từ đâu mà mua một chiếc tủ kính cũ, bé tự trang trí lên tủ, vẫn bán khoai lang luộc nhưng cùng với đó là khoai tây chiên, khoai lắc phô mai, lắc xí muội, chuối chiên, trà sữa… Nay hai mẹ con có cái tiệm ăn hàng nho nhỏ, ngày nào đi ngang cũng thấy đông khách tuổi teen, có khi không đủ chỗ ngồi… Tuy chưa là gì to tát, nhưng đây đúng là hình mẫu tiệm ăn gia truyền mà tôi đánh giá cao. Biết đâu, khi “bún riêu gia truyền” Du Uyên tới đời thứ 3, chúng tôi sẽ có “bún riêu gia truyền” đóng gói và xuất cảng đi Mỹ, Canada và khắp thế giới !.

Xem thêm:   Nhiều chuyện về hoa hậu

Ngoài các lang băm gắn mác “thuốc gia truyền”, tôi nghĩ việc gắn hai chữ “gia truyền” lên bảng hiệu để hút khách (và lừa khách) tuy không đẹp đẽ gì, nhưng vẫn còn lương thiện. Bởi ở xã hội ngày nay, hai chữ lương thiện khó kiếm hơn là đãi cát tìm vàng. Có câu chuyện gần đây xảy ra ở chợ Bến Thành, đọc qua tôi xấu hổ quá trời, mong thất truyền mà nó cứ “gia truyền”:

Sâu răng cũng… gia truyền   – Nguồn:  Facebook

KiKi – một YouTuber người Nhật Bản thông thạo tiếng Việt, mới đây đăng lên mạng xã hội nhiều video về kinh nghiệm đi chợ Bến Thành sắm đồ. Ví dụ như khi KiKi hỏi mua 3 đôi vớ màu đen. Người phụ nữ nói một đôi 250,000 VND, ba đôi chỉ tính 700,000 VND. Anh thảng thốt hỏi đi hỏi lại người bán, có phải thật sự 700,000 VND cho ba đôi vớ dỏm? Ngay sau đó, KiKi sử dụng tiếng Việt “700,000 đồng thì đắt quá” – anh ghi chú thích trên video rằng muốn “chuồn” đi khỏi chợ này ngay. Người bán kéo tay anh lại, hỏi muốn giá bao nhiêu thì cứ trả. “60,000 VND thôi!”, Kiki trả lời. Nghe vậy, người bán giảm xuống còn 150,000 VND cho ba đôi. Tuy nhiên, khi Kiki quả quyết quay đi thì người bán đồng ý với giá 60,000 VND (thấp hơn 1/10 lần giá ban đầu). «Trốn thôi», anh viết trên video.

Ðôi khi người ta quên luôn việc có khách sẽ có lời, nên người ta chơi trò hét giá để bán một lần rồi thôi. Chắc họ tin, hiện ít nhất trong 8 tỷ người trên thế giới, họ cũng có thể bán được 1 triệu món cho một triệu người lạ bước ngang quầy. Có lẽ đó là lý do chợ Bến Thành ngày càng hiu hắt, mặt các tiểu thương ngày càng héo hon…

Ban đầu, tôi không định đề tên tiệm của mình là “bún riêu gia truyền”, tôi thích cái tên “bún riêu thất truyền” hơn. Nhưng khi thử gõ lên ô tìm kiếm trên Google, tôi biết được ở Hà Nội có quán “phở Thất truyền”, theo chủ quán thì tên này nhiều ý nghĩa. “Thất truyền tức là một công thức cũ, bị lưu lạc. Nó còn có nghĩa là đã lĩnh hội “bí quyết” từ 7 vị sư phụ và một ý nữa rất quan trọng là đến hết đời tôi, “gánh phở” này cũng đứt bóng. Chẳng biết cái nào đáng tin!

Phở bò… thất truyền  – Nguồn: kenh14.vn

DU