Người ta nói, gặp được nhau thì đã là duyên số. Còn đó là phúc duyên hay là duyên lành… ít dữ nhiều thì phải nhờ thời gian chứng minh. Tuy nhiên, trên đời này, có những thứ thời gian không kịp chen chân vô. Vì đôi khi, chỉ bằng một ánh nhìn từ xa, chúng ta có thể hiểu ngay, đó là một chuyện tình buồn… Ví dụ như tôi và thằng Tâm – con cưng của ông bà hàng xóm.

Người dân hết hồn vì cảnh sát giao thông ra giữa đường chặn xe để… phát nước cho người dân (?) hồi Tết – Nguồn ảnh: Báo Tin tức    

Thằng Tâm được gia đình hàng xóm nhận nuôi lúc nó được mấy ngày tuổi. Có thể vì xa cha xa mẹ từ nhỏ nên tâm lý của nó có đôi phần “vặn vẹo” so với những đứa trẻ khác trong xóm.

Nó cau có với tất cả mọi người (trừ cha mẹ nó).  Nó lớn tiếng với bất kỳ ai, chỉ cần thấy họ còn… thở và đi ngang nhà nó. Bất kể con nít tung tăng hay cụ già chống gậy. Nó la làng oang oang bất kể giờ giấc, nơi chốn, chỉ cần thấy thỏa lòng hả dạ. Khi thì ở cửa nhà, dưới ánh nắng mùa Hè tươi đẹp. Lúc thì ở trên ban công tầng một, tầng hai, tầng ba nhà nó, vào một buổi tối thanh tân. Ðôi khi, nó còn có cái tật là lợi dụng thân hình nhỏ nhắn, thon thả để núp sau lưng cây cột nhà, canh ai đi qua, vô ngay tầm ngắm là nhảy xổ ra “mồm năm miệng mười” với người ta.

Những người trong xóm, có thể vì đã quen thuộc, có thể vì yêu thương bởi đã nhìn nó lớn lên mỗi ngày mà tha thứ. Mặc dầu lâu lâu cũng giựt mình hoặc bực bội đôi chút, nhưng cũng lấy đó làm vui. Con nít mà, ai chấp làm gì. Cũng có người cho rằng nó bị bệnh tâm lý hoặc thần kinh không bình thường. Tóm lại, dù thế nào, thì vẫn chừa một chút kẽ hở trong trái tim người lớn, để bao dung nó. Bởi căn bản, ngoài hơi ồn ào thì nó không gây hại cho ai. Cha mẹ nó cũng là những người tử tế trong xóm, được mọi người tin tưởng, “yêu nhau yêu cả đường đi” luôn.

Cựu trưởng phòng khảo thí nói nâng điểm vì ‘ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật’ – Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ

Nhưng với người lạ (hoặc không lạ nhưng chẳng ưa nó hoặc cha mẹ nó) thì khác, họ ghét bỏ, kỳ thị thằng Tâm ra mặt và cũng khinh bỉ vóc người nhỏ bé của nó, đôi khi ghét lây sự che chở của cha mẹ nó với nó. Rỉ tai nhau phải cho nó vài “bài học”. Bởi vậy, lâu lâu lại có tin thằng Tâm lại bị hành hung. Lúc thì chiếc dép vô đầu khi đang tản bộ ngoài sân, lúc thì “ăn” trọn cục đá nhỏ/cành cây khô vô mông khi đang nhiệt tình “chửi gió chửi trăng” trên sân thượng, ban công. Ðôi bận bị thương ở cái giò, cái lưng, cái mỏ vì lao ra chửi người lạ ngay lúc không có vệ sĩ (là cha mẹ) sau lưng kéo trở về. Sau mỗi lần đó, thằng Tâm bị nhốt lại mấy tuần, vừa dưỡng thương, vừa dưỡng… giọng. Chờ ngày trở lại, lợi hại hơn xưa…

Xem thêm:   Chuyến du lịch ngắn ngày trên xứ Phù Tang

Ngoài chuyện hỗn, thằng Tâm cũng rất tọc mạch, khi quởn hay đi “vi hành” hóng chuyện nhà người này một chút, rình nhà người kia một chút. Nếu có khả năng viết lách, tôi nghĩ chuyện trong nhà của tất cả mọi người trong xóm đều bị bóc mẽ dưới ngòi bút của nó. Ai lại đề phòng một đứa con nít có vấn đề về thần kinh cơ chứ.

Tôi và thằng Tâm gặp nhau sau cả tháng “nghe danh” nhưng chưa (có phước?) thấy “hình” của nó. Khi đó, tôi tưởng đứa trẻ trước mặt là một bé gái con nhà… lành vì đôi mắt to, bộ đầm xinh xắn, chỉn chu trên người nó. “Nhờ” vậy, tôi được nó “dìu” đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khi chưa kịp chuẩn bị ánh mắt tràn đầy trìu mến, lục tìm một cây xúc xích tặng nó thì tôi đã bị nó sấn tới, liều mạng đập… đầu vô chân tôi (may quá, không phải đập… răng) một cách “quyết tâm” như oán phụ thấy chồng ngoại tình với… trai trẻ. Sau đó là hàng loạt lời chanh chua từ cái miệng nhỏ nhắn kia. Rất may, cha nó chạy ra ngay sau đó, vác nó lên và xin lỗi tôi rối rít trong ánh nhìn hình viên đạn của nó. Từ miệng bà Bảy bán nước ngọt (không phải nước mặn ngoài biển Ðông), tôi biết nó là thằng Tâm. Từ đó, tôi không từ dịp nào để… chọc điên nó.

Tuyên truyền dối trá – truyền thống của những kẻ “gù lưng” – Nguồn ảnh: internet

Số phận khá ngộ, khi bạn để ý điều gì, thì chợt có những điều ngẫu nhiên xảy ra. Ngay hôm sau, tôi phát hiện, từ ban công nhà mình, tôi có thể thấy thằng Tâm và nó rất thính tai. Bằng chứng là khi tôi đứng ở ban công, nhìn thấy nó, hét lên tên nó, dù khá xa nhưng nó vẫn đáp lời, mặc dù hơi hằn học vì ngó quanh không thấy kẻ gây chuyện ở đâu. Từ đó, bất cứ khi nào rảnh, tôi lại chạy ra ban công kêu tên nó, nạt nộ nó. Rồi tủm tỉm nhìn nó chạy vòng vòng, ngó quanh quanh tìm mình. Tôi còn đầu tư một cái kèn, lâu lâu chĩa về phía nhà thằng Tâm thổi một cái cho đỡ… khan tiếng, rồi trốn xuống lan can của ban công (để không bị nó lẫn cha mẹ nó nhìn thấy).

Cũng từ đó, bất cứ khi nào ra đường, đi ngang nhà thằng Tâm. Tôi lại làm mọi động tác gây sự chú ý của nó, để nhìn nó lồng lộn, la lên tức tối sau khung cửa cổng kiên cố được khóa kín. Mỗi lần như vậy, tôi cũng phải ngó trước ngó sau coi có cha mẹ nó gần đó hay không.

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, rồi một tháng sau, có thể vì chán, vì mệt. Thằng Tâm không thèm quan tâm tôi nữa. Mỗi lần nhìn thấy tôi, nó hậm hực quay mặt đi, không thèm để ý. Mỗi lần nghe tiếng tôi, nó liếc mắt khinh bỉ đảo quanh, rồi mặc kệ. Mấy bữa đầu, tôi tưởng nó bị bệnh, tự xông vô lòng… địch mà hỏi cha mẹ nó về tình hình sức khỏe của nó. Sau khi nghe lý do thăm hỏi của tôi, họ cũng nhìn tôi một cách… khinh bỉ như cách nó nhìn tôi vậy. (đúng là cha mẹ nào thì có con nấy?) Họ nói do tôi “nhây” (giỡn dai) quá, nên nó đã biết rút… kinh nghiệm.

Không biết người ta thế nào chứ bản thân tôi, mỗi khi nghe ba chữ “rút kinh nghiệm” là rùng mình sợ hãi. Tại mỗi lần đọc báo, coi tivi thấy ba chữ đó là tôi lại được nhìn thấy một ví dụ chứng minh sự thối nát của những kẻ điều hành đất nước tôi và thằng Tâm đang sống. Ðặc biệt, mỗi lần nghe ba chữ “rút kinh nghiệm” đồng nghĩa với việc, những người dân phải ủi sẵn tâm hồn mà chờ nghe tiếp ba chữ này vài bữa/vài tháng sau (cũng từ miệng những kẻ đang nói). Trong cái rủi có cái may, lần này nghe ba chữ “rút kinh nghiệm” từ cha mẹ thằng Tâm, tôi lại… mừng. Vì nghĩ nó chắc cũng như mấy ông “cán bộ”, “rút” vài bữa rồi quên.

Khi ai cũng bận đồng phục, kẻ không bận là… phản động? – Nguồn ảnh: Facebook

Và sự thật chứng minh, không nên đánh đồng mọi người khi bạn chưa thật sự hiểu họ. Thằng Tâm không mặt dày bằng mấy ông cán bộ. Cả năm trời, nó không thèm nghĩ lại, nó không thèm cau có với tôi. Có bữa tôi đi du lịch hơn tuần mới về, nó còn ỏn ẻn từ trong nhà đi ra ban phát cho tôi một cái… vẫy đuôi, coi như là… mừng. Rồi ngậm cây xúc xích trên tay tôi, đi vô nhà.

Thằng Tâm là một con chó, tộc Poodle. Nó được đặt tên theo tên thằng… con “chính chủ” đang đi du học của “cha mẹ” nó hiện tại. Ông bà nói ban đầu định đặt như vậy để đỡ nhớ con, nhưng nhờ nó mà đôi khi cũng quên… nhớ luôn đứa con tội nghiệp đang miệt mài đi học đi làm ở xa vì “thằng khỉ này quậy quá” (???)

“Tuy nhiều lần cũng muốn đổi tên cho nó vì bị mắng vốn hoài, nghe hơi “nhột” giùm thằng con trai ruột”, nhưng “quen miệng rồi”. Mỗi lần nghe họ tâm tình, tôi hiểu mặc kệ trong mắt người dưng, kẻ qua đường, thằng Tâm có như thế nào thì trong mắt ông bà, nó vẫn là một thiên thần bốn chân chưa trải sự đời. Dầu đôi khi, chính nó đã khiến ông bà bị “giao hợp mẫu thân” rất nhiều lần vì làm ồn, hung hãn với thiên hạ. “Ðôi khi cũng bực lắm. May nó là con chó, chứ con người, chắc tôi bóp… mũi chết!” – Cha thằng Tâm vừa vuốt ve nó, vừa tâm sự (trong sự bất mãn của nó).

Xem thêm:   Roma - La Mã

Cũng… đúng, con người, là sinh vật cao cấp (trong mắt con người). Con người có suy nghĩ, có tư duy, có những phát minh vĩ đại, những bài giảng sâu sắc. Họ được đi học, có cha sinh, mẹ dạy, thầy cô dìu dắt mà gặp ai cũng kiếm chuyện như thằng Tâm, khiến cha mẹ bị người ta “giao hợp” riết thì ai mà chịu được? Nhưng buồn thay, những kẻ như vậy hoặc hơn trong xã hội này nhiều lắm. Ngoài gây sự với đời, họ còn biết rút kinh nghiệm… nhiều lần. Họ luôn chứng minh một điều, lẽ phải là tô cháo, còn họ là cái… nĩa. Tệ hại hơn, dẫu biết họ xấu xa, biết họ chẳng ra gì, nhưng tập thể những người “ra gì” vẫn phải nuôi họ, cung phụng họ, hốt… phân cho họ và gánh chịu những lời gièm pha của thế giới giùm họ. Túm lại, tuy họ là con người, nhưng chúng ta phải đối xử với họ như… thằng Tâm. Không phải vì họ vô tri, không phải vì yêu thương họ, mà vì họ là “cán bộ”. Là những kẻ “chăn dắt”.

Thằng Tâm trong bộ đồ “nam tính” 

Có lần, tôi nói với ba thằng Tâm: “Không hiểu sao, có những người mà suốt hơn 12 năm ngồi ghế nhà trường, mấy chục năm được xã hội, gia đình giáo dưỡng của họ không bằng một tháng quen… mặt của thằng Tâm. Họ đối xử với thiên hạ luôn như kẻ thù, mặc dầu người ta chẳng làm gì họ!”

Cha thằng Tâm lắc đầu: “Dễ hiểu lắm, cô có nghe bà Diệp Thị Hồng Liên (hiệu trưởng Trường chuyên, cựu trưởng phòng khảo thí) nói nâng điểm vì “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” chưa? Xã hội này nó buộc con người ta phải vậy cô à!”

Ông nhắc lại câu nói của vị “cán bộ” ngành giáo dục đang làm “dậy sóng” dư luận khiến tôi giật mình, vì nó đúng mà buồn quá. Cũng thật trùng hợp vì phiên tòa của bà hiệu trưởng Liên được xử sau khi 17/17 thẩm phán “chung tay” đồng ý bác bỏ kháng nghị điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải không lâu. Nó như một cách minh chứng rằng thể chế này là một thể chế rất chặt chẽ và cố chấp cho sự… gù lưng của những người điều hành nó. Ai không gù, kẻ đó là quái thai, là virut, cần được loại bỏ. Thế nên người ta hay có những câu trào phúng tréo ngoe: “Tuy là đảng viên nhưng là người tốt”.

Bởi vậy, người ta tuy ghét bỏ cái tật đanh đá của thằng Tâm, nhưng khi thấy nó vẫy đuôi, người ta tin ngay là nó đã thêm một lần chấp nhận loài người, không thèm kỳ thị kẻ đó nữa. Chứ mỗi lần người ta đọc báo, thấy “chú công an” đưa cụ già qua đường, cô cán bộ đi lượm rác, anh cảnh sát giao thông tặng nước suối cho người đi đường thì người ta lại nổi da gà, hay ông Ðảng viên nào đó “quay đầu là bờ”…vân vân… là mạnh ai nấy chỉ vô mấy cái… đuôi đang… vẫy đó mà nhắc thầm nhau.

DU

Saigon