Anh bị sao?

– Thưa bác sĩ, chỗ này của tôi nếu ấn vào thì đau.

– Không ấn thì không đau?

– Dạ.

– Vậy anh đừng có ấn. Anh ra thanh toán giúp tiền khám 150K.

Bảo Huân

1

Cuộc sống đôi khi thật đơn giản, nhẹ nhàng, nếu là con nít đọc câu chuyện trên sẽ thấy cũng đúng, người lớn đọc xong sẽ cười và biết đó là một chuyện không có thật. Vì là người lớn, chúng ta có nhiều kinh nghiệm sống hơn con nít, vì vậy mà chúng ta suy nghĩ nhiều hơn. Một ví dụ đơn giản cho sự khác biệt của người lớn và con nít trong cùng một hành vi:

Vợ chồng ông  Lê Văn Bình ở Quảng Trị có cậu quý tử Lê Văn Minh Ð. (sanh năm 2009), cậu nổi tiếng ngoan, học giỏi trong thôn, lại còn giữ chức lớp trưởng lớp 8 trong trường, nên ông bà vừa thương yêu vừa yên tâm.

Tối ngày 29-9-2022, vợ chồng ông Lê Văn Bình vào nhà bác ruột cùng thôn chơi, 8 giờ tối về tới nhà thì không thấy quý tử Ð. đâu, gia đình tìm kiếm nhiều nơi vẫn không thấy. Tâm trạng từ bình tĩnh trở nên hốt hoảng, lo lắng, nên tới 8 giờ tối họ lật đật đi báo công an huyện.

Tới 8h37’ tối cùng ngày, tài khoản Facebook “Lê Thị Thu Hồng” của con gái ông Bình nhận được một tin nhắn từ tài khoản Facebook “Lê Bình” với nội dung: “Chuyển 50 triệu đồng vào số tài khoản 19038541802***, chủ tài khoản tên Kiều Công Kiên, nếu báo công an và không chuyển tiền thì con mày không sống nổi đâu”. Bọn bắt cóc này thật táo tợn, dám dùng Facebook để tống tiền, không biết các ông to bà lớn từ lâu đã tìm cách “kéo đám mây về Việt Nam” rồi à? (May cho bọn bắt cóc, tới giờ chưa ai “kéo đám mây về Việt Nam” được.)

Ðến 12h30 trưa 30-9, khi phía công an và gia đình phản hồi tin nhắn, đề nghị bên tống tiền chụp ảnh cháu Ð. xem có an toàn không mới thực hiện chuyển tiền. Bên phía kia đã gửi lại một tấm hình chân dung của Ð.. Nhìn xuôi, nhìn ngược tấm hình, ai nấy đều hoang mang và nghi ngờ, vì bức tường này, cái xà ngang này, màu sơn này, sao giống với nhà của… nạn nhân Ð. quá. Thế là gia đình ông Bình và công an đã lên kiểm tra trần nhà (phần dưới mái tôn), không biết nên bất ngờ hay không, quý tử Ð. đang ẩn nấp ở đây và đói meo râu vì cha mẹ lâu đóng “tiền chuộc” quá. Ð. cũng thừa nhận tự ngụy tạo việc bắt cóc để lấy tiền chơi  game điện tử. (Dạo này mấy cậu bé ở Việt Nam nổi loạn vì mê game điện tử quá nhiều. Cũng chỉ trong tuần qua, tại Sài Gòn có bé Lê Bảo Nam (13 tuổi) lấy 100,000 VND (cỡ $4 USD) rồi bỏ nhà ra đi biệt tăm luôn. Chỉ vì Nam hay bỏ học đi chơi game điện tử, bị ba mẹ rầy.)

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Không biết sau “phi vụ” đầu đời còn non kém này, số phận cậu bé Ð. (tự bắt cóc mình ở trên) sẽ ra sao? Cậu có được ai nói cho biết hậu quả nặng nề của việc làm trên hay chỉ là những đòn roi từ cha mẹ, ánh mắt dè bỉu từ người xung quanh… Phải chi có ai đó đọc cho Ð. nghe bài báo (được đưa tin cùng ngày Ð. bị “bắt cóc”) về việc một thanh niên 34 tuổi và bạn gái ở Hà Nội bị điều tra tội “tống tiền người thân”.

Chuyện là, H không có công ăn việc làm ổn định nên vay tiền mẹ ruột 50 triệu VND nói là muốn đi “xuất cảng lao động” qua Nhật Bản. Nhưng vì không tin tưởng, mẹ H. không cho mượn. Thế là H. cùng bạn gái dàn dựng bản thân bị bắt cóc, để tống tiền mẹ. Gần gấp đôi số tuổi, cũng có những suy nghĩ “chín chắn” hơn, nên cặp đôi cũng thực hiện kế hoạch bài bản hơn Ð.

Họ mua huyết heo về phòng trọ, bôi lên người H., trói H. lại cho có vẻ như bị đánh đập dã man lắm. Sau đó, bạn gái chụp ảnh H. gửi cho mẹ người tình, nói rằng con trai bà bị bắt cóc, chủ nợ đòi 130 triệu VND. Chỉ tiếc là mẹ H. không làm theo kịch bản của con trai, bà tới Công an báo án. Cuối cùng, công an tìm thấy H. tại một phòng trọ ở Bắc Ninh trong trạng thái khỏe mạnh, tự do, không có dấu hiệu bị hành hung hay bắt giữ…

Bị ba mẹ la, bé trai 13 tuổi ở TP.HCM lấy 100,000 đồng rồi bỏ nhà đi – thanhnien.vn

2

Tuy suy nghĩ nhiều hơn con nít, nhưng người lớn cũng thích làm liều hơn con nít, và có những người lớn hên lắm mới nghĩ đúng. Nghĩ sai thì thành ra làm sai, làm sai thành ra phải lấp liếm, thỏa hiệp cái sai, từ đó mà tạo ra một… đống người lớn sai cùng nhau. Những người lớn này, khi đã sai rồi mà kêu họ chịu nhận mình sai thì khó hơn lên trời, vì đôi khi họ sai một cách hồn nhiên, không biết bản thân sai. Mà trong xã hội, những người có thể sai bền bỉ, sai lâu dài nhất mà vẫn sống tốt nhất, chỉ có thể là những kẻ độc tài và có quyền năng cao hơn những người đúng (chớ không họ bị loại bỏ ra khỏi xã hội lâu rồi). Hậu quả là, chúng ta sẽ có một… đống con nít sai, vì chúng không biết học điều đúng đắn từ đâu.

Chiều 25-9, trong lúc tuần tra, tổ tuần tra gồm 4 người của Ðội Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Công an thị xã Vĩnh Châu thấy 2 thiếu niên (16 tuổi và 15 tuổi) đi trên xe máy trên 100 phân khối nên ra hiệu lệnh dừng kiểm tra. Có thể vì biết mình sai, hoặc do sợ, thiếu niên cầm lái tăng tốc bỏ chạy, đến một nhà kho thì các cậu bị đuổi kịp. Khi biết không chạy được nữa, hai cậu bé đã tình nguyện xuống xe, khoanh tay chào các Cảnh sát giao thông, nhưng các “đồng chí” đã chứng minh là hai cậu chạy là đúng. Họ “chào” lại hai cậu bé bằng những đòn đánh dã man, bằng dùi cui, nón bảo hiểm vào nhiều chỗ yếu hại trên người hai cậu bé, đặc biệt là cậu bé cầm lái. Xưa thì: “trời biết, đất biết”. Còn nay thì: “trời biết, đất biết, và… camera biết”. Hình ảnh đó được ghi lại thông qua camera an ninh của nhà kho. Nhiều người nói là không dám xem lại lần 2 clip quay lại cảnh trên vì thấy quá dã man, riêng tôi thì không dám coi hết clip, cảm thấy rất sợ và bất nhân.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Theo báo trong nước, lý do hai em bị đánh dã man như vậy là vì: “Khi Tổ tuần tra ra tín hiệu dừng phương tiện, các đối tượng không những không chấp hành mà còn tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, chèn ép xe của Tổ tuần tra, lạng lách, đánh võng qua các tuyến đường Nam Sông Hậu (Xẻo Me) – Lê Lai – Trưng Nhị – 30/4 – Huyện lộ 43 – Nam Sông Hậu (xã Vĩnh Hải) với đoạn đường khoảng 30 km.” – trích từ báo thanhnien.vn. Và đây là thắc mắc của nhiều cư dân mạng:

Nguyễn Minh Đức: “Nói chớ mấy cô chú nên tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều khiển xe motor chuyên dụng cho mấy anh CSGT gấp gấp. Chứ trình độ CSGT lái xe kiểu gì mà chạy motor 250 phân khối mà ví hông lại em nhỏ chạy exiter 150 phân khối (rất có khả năng là máy xe nguyên thủy chớ nếu có “độ lại” thì đã ầm ĩ trên truyền thông rồi). CSGT đã được huấn luyện chạy xe motor chuyên dụng 250cc “đối đầu” với thiếu niên 16 tuổi chạy exciter 150cc mà ví gần 30km (theo báo chí) mới bắt được bởi vì em ấy “chạy xe tốc độ cao, chèn ép xe của tổ tuần tra, lạng lách, đánh võng…” Khó zậy mà mấy ảnh cũng làm được.” – Hết trích.

Con người ta sanh ra, cực khổ nuôi lớn, để các anh đánh “đã nư ” vì “tức”? – Cắt từ clip cảnh sát Sóc Trăng đánh dân

Thuan Vuong Tran: “Tôi vẫn dạy con trong tình huống nguy hiểm hãy chạy về phía người mặc cảnh phục, nhưng giờ nghĩ lại, lỡ gặp đúng lúc các anh “thiếu kiềm chế”, “không đúng mực” thì biết chuyện gì xảy ra. Ai mà biết lúc nào các anh đang đúng mực mà canh đến. Xử lý đến gốc – phổ cập trách nhiệm và sự tôn trọng người dân, pháp luật cho các anh ấy, để những đứa trẻ chạy đến chứ không phải bỏ chạy trối chết khi gặp các anh!” – Hết trích.

Nguyen Thanh Quang: “Trong vụ ở Sóc Trăng đương gây bức xúc dư luận – mặc dù không có bằng chứng xác thực như cái clip – nhưng đâu đó đã có một số Suy luận viên (nghề mới) đã suy/lập luận kiểu như cha mẹ không biết dạy con, không biết luật khi giao xe cho con, còn vị thành niên mà chạy xe trên 50cc, rồi chắc hai đứa nhỏ đã chạy quá tốc độ, lao xe thẳng vào lực lượng sắc phục để thông chốt, lạng lách đánh võng để thoát truy đuổi gây nguy hiểm cho người đi đường… để hòng biện minh, giảm nhẹ cho việc “tác động vật lí” (sic) của các bạn mặc sắc phục với hai đứa nhỏ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Ðây là một kiểu nguỵ biện khá điển hình mà người Ðông Lào hay mắc phải, nó được gọi là nguỵ biện hai sai thành đúng (Two wrongs make a right). Lỗi ngụy biện này sử dụng khi người trao đổi thay vì bàn về cái sai của sự việc đang xét, lại đưa ra một sự vật sai tương tự để biện hộ, hay giảm nhẹ, hay làm lạc hướng cho cái sai của nó. Lập luận của kiểu nguỵ biện này là: Ðối tượng B làm một điều X với A thì A cũng có quyền làm điều X đó với B. Lập luận này sai chỗ nếu một hành động sai thì có nghĩa là… sai, bất kể có bao nhiêu người làm nó đi chăng nữa. Một số ví dụ như sau:

– Tên sát nhân này đã giết người, vì thế chúng tôi có quyền thoải mái mạt sát và trừng trị hắn bằng những cách đau đớn nhất có thể

– Hắn đã ăn trộm nên chúng tôi có quyền đánh chết hắn.

Kiểu nguỵ biện nầy rất nguy hiểm ở chỗ nếu như xét ngay trong vụ việc đang bức xúc, người cha của hai đứa nhỏ có thể xách dao đi kiếm hai ông mặc sắc phục để “giải quyết” để rồi ân oán mãi không dứt hay sao?

Nói vậy để thấy rằng phải khen một trong hai người cha khi đã đâm đơn tố cáo người đánh con mình, ông ấy hẳn đã có niềm tin vào luật pháp nên mới chọn cách giải quyết như vậy. Hy vọng luật pháp xử vụ nầy đúng người đúng tội để không phụ lòng tin của ông…” – Hết trích.

Chửi Mỹ là công việc, đưa con đi Mỹ là tương lai – Facebook

3

Nhìn vào hiện thực xã hội, không phải tự nhiên mà đa phần người dân Việt Nam khi nhìn thấy Công an thì sẽ sinh ra tâm lý e dè dù họ không phạm lỗi, cũng không phải tội phạm. Phải có nguyên nhân. Ðất nước không thể phát triển chỉ bằng khẩu hiệu đạo đức suông, mà phải dựa trên một hệ thống luật pháp khắt khe, công minh. Con người cũng không thể tìm ra công lý khi chỉ cãi nhau và suy luận bậy bạ lấy được, chúng ta đâu phải con nít như Ð. Nếu cứ như vậy, tôi sợ sẽ có một ngày, Việt Nam sẽ như Iran những ngày qua, khi các vị Cảnh sát đạo đức Iran đẩy đất nước này đến bạo loạn vì giết một cô gái 22 tuổi chỉ vì cô đội khăn trùm đầu không đúng “chuẩn”.

Không biết dân Việt sao chứ, giờ tôi tin chắc nhiều dân Nga, Iran có câu hỏi: Hỡi những người lớn cầm quyền, bạn đã làm gì cho đất nước chưa? Ngoài làm nhục!

Tranh minh hoạ về cuộc biểu tình ở Iran – Họa sĩ: Marco Melgrati

DU