Sau một ngày dài mệt mỏi, bạn tự nấu cho mình một bữa ăn thịnh soạn. Sau khi dọn ra, bạn đi rửa tay, tô miếng son rồi ngồi vào bàn ăn. Bạn nhìn thấy một vị khách bất ngờ xuất hiện trong… nồi cơm của mình. Đó là một con gián – kẻ thù “quốc dân”. Như một thói quen, bạn cầm ngay bình thuốc diệt gián lên, nghiêng tay 45 độ, xịt vài (chục) nhát vào con gián.

Tranh minh họa “Chiếc giường của Procuste”. (Nguồn: Internet)     

Con gián chết, sau đó, bạn cũng mém chết vì… đói ! Bởi lúc này, nồi cơm của bạn đã “được” an táng theo xác con gián và nửa bình thuốc xịt gián!

Chuyện Cái Ví

Cách đây một năm, tháng 9/2018, tài xế taxi Hoàng Gia Thái chở hai người khách nước ngoài. Bạn biết đó, Saigon là một thành phố lớn nhất nhì VN cả về dân số lẫn khách du lịch. Cho nên lượng khách chọn taxi của anh Thái mỗi ngày không hề ít, và trong đó đa số là khách nước ngoài. Vì vậy, để được anh Thái “khắc cốt ghi tâm” thì hai vị khách này tốn “phí” không hề nhẹ. Khi xuống xe, họ đã để lại cho anh Thái chiếc ví của mình, theo báo VN thì bên trong có 56 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác. Sau khi đắn đo (không biết lâu hay không), anh Thái đã báo công ty và “giao nộp” số tiền cho Công an phường Bến Nghé, Quận 1. Qua hơn 1 năm, hai vị khách kia vẫn biệt tung biệt tích. Nên 26/9/2019, anh Thái được lên… báo. Trong bài báo nói, anh được “nhận lại” 49 triệu đồng sau khi Công an phường Bến Nghé trừ đi các khoản thuế, phí (gì đó) trên tổng số tiền “56 triệu và các tài sản khác” nằm trong cái ví kia.

Rất nhiều người cảm thấy… sốc xen lẫn khó hiểu khi đọc bài báo này. Không phải tại anh tài xế không tham của rơi. Ðừng quá mất niềm tin vào cuộc sống này, ngoài những bác tài thích lừa đảo du khách, tham lam và xấu tính thì Saigon không hề thiếu người tốt. Cũng không phải vì hai vị khách kia mất số tiền lớn như vậy mà không đi tìm.

Chắc chắn họ có tìm, nhưng có lẽ họ không biết cách hoặc họ không biết chắc cái ví kia rớt ở đâu. Cũng có thể họ tìm đúng nơi nhưng không đúng người và thời điểm. Tìm lại đồ đã mất tại cơ quan công quyền nó cũng cam go và khó khăn y như tìm người… yêu giữa gần 8 tỷ người trên địa cầu vậy ! Bởi vậy, hai vị khách này nhận được ví mới là chuyện lạ, chớ không tìm được âu cũng là chuyện thường. Nếu tìm được ví, họ đã được lên báo từ một năm trước. Công an VN đâu chừa bất cứ dịp nào để… khoe mình liêm minh, công chính, “thương dân như con” đâu? Cứ nhìn hình ảnh anh công an lặn xuống biển cứu người mà đầu tóc vẫn còn khô queo trong các tờ báo VN là hiểu.

Đứa con muốn “đẽo chân” mẹ cho vừa giày tuyên giáo (Từ Facebook)

Lý do “sốc”, thứ nhất, dân Việt Nam không tin được việc người nhặt của rơi có thể được nhận món đồ đó khi “chủ nhân” nó không xuất hiện sau một năm, tuy rằng đây là một việc được coi là tất nhiên và hợp pháp. Thậm chí, khi đưa “của rơi” vào tay các cơ quan công quyền, không mấy ai tin vào việc chủ nhân nó sẽ được nhận lại tất cả nguyên vẹn.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nguyên nhân, như tôi đã nói ở trên, khi bạn mất đồ ở Việt Nam, đừng kỳ vọng quá nhiều tới việc tìm lại được. Ngay cả việc báo công an về “sự cố” mình gặp phải cũng đã được “cả thế giới” coi là một hành động “bốc đồng”, thừa thãi rồi. Tôi nghĩ đã có nhiều người nói/viết, chắc không cần nhắc lại. Mới cách đây vài hôm thôi, cả đàn chó quý nhà bạn tôi bị hàng xóm ganh ghét mà bỏ thuốc, chết sạch. Bạn tôi lên công an khai báo, được trả lời: “Chết có mấy con chó mà làm gì dữ vậy?”.

Còn nữa, hãy nhìn vào cách làm ăn “nhất quán” theo mô hình “lấy… lỗ làm lời” (đào vàng-lỗ, giữ xe-lỗ, kinh doanh-lỗ, xây dựng-đội vốn…) của các doanh nghiệp nhà nước để tự trả lời: bạn là một người không “lan quyên” với món “của rơi” kia, bạn có bao nhiêu phần trăm khả năng được thông báo lên công an nhận lại tiền mình đã nhặt được? Ðưa cho bạn số tiền kia thì nhà nước mất toi một khoản tiền bù… lỗ còn gì!

Mai Linh taxi hân hạnh tài trợ chương trình này (Từ báo VN)

Thứ hai, người ta thắc mắc về việc công an phường Bến Nghé dựa vào điều luật nào mà đánh thuế rồi trừ trực tiếp lên số tiền mà anh Thái nhặt được? Loại thuế này có tên là gì?

Vì nhiều thắc mắc, nghi ngờ ở trên, nhiều người cũng tự hỏi, đây có phải là một “show” quảng cáo của hãng xe “hợp tác” với cơ quan công an quận 1 hay không? Vì khi câu chuyện này được lên báo: Trên những dòng chữ đầu tiên của bài báo kể lại sự việc, trên tấm bảng biên số tiền mà bên công an trao cho anh Thái, trên “background” lẫn khung cảnh trong tấm hình ghi lại lúc anh tài xế này nhận 49 triệu đều có in tên hãng xe mà anh này đang làm việc (và in rất bự). Còn cái logo của công an phường Bến Nghé quận 1 được in nhỏ nhắn, khiêm tốn một góc mà thôi.

Tại sao người ta có lắm thắc mắc và nghi ngờ đến vậy? Ðơn giản vì mọi hành động, cách làm, phát ngôn… của các cơ quan công quyền lẫn truyền thông “chính thống” Việt Nam bao lâu nay luôn được cắt gọt công phu theo một nguyên mẫu nhất định. Nên mỗi lần có chuyện gì xảy ra, gây ồn ào, nhiều người dân nhìn dzô cái “ngửi” thấy luôn cái mùi mang tên “mờ ám”! Còn họ cắt gọt như thế nào, xin mời đọc tiếp…

“Chiếc giường của Procuste”

Trong thần thoại Hy Lạp, có điển tích mang tên “Chiếc giường của Procuste” (Le lit de Procuste). Chuyện là tên cướp Procuste “hành nghề” dọc theo con đường từ Athens đến Éleusis. “Con mồi” của hắn thường sẽ là du khách thập phương đi qua con đường này. Sau khi lột sạch tài sản, hắn tra tấn những nạn nhân bằng cách trói họ vào chiếc giường, chặt bớt hoặc kéo dãn chân của nạn nhân cho vừa với chiếc giường đó.

Xem thêm:   Chó...

Có dị bản kể rằng Procuste có hai chiếc giường, một nhỏ, một lớn. Hễ nạn nhân nào to xác thì hắn đặt lên chiếc giường nhỏ rồi chặt những phần thừa ra. Hễ nạn nhân nào nhỏ con thì hắn đặt lên chiếc giường to rồi kéo tứ chi ra cho dài bằng (chiếc giường). Về sau, Procuste đã bị Thêseús bắt phải đền tội cũng bằng chính cực hình này.

Chuyến bay định mệnh (Hình từ Facebook)

Người ta thường dùng lối nói “Chiếc giường của Procuste” để chỉ một chuẩn mẫu, một nguyên tắc cứng nhắc, phi thực tế nhưng lại được xem là khuôn vàng thước ngọc đem áp dụng trong xã hội. Câu này cũng dùng để ám chỉ những con người có lối suy nghĩ/hành động độc đoán, muốn quy mọi người/mọi thứ, thậm chí chính bản thân họ vô một “khuôn khổ”, một kiểu tư duy duy nhất, một kiểu hành động duy nhất, theo một “đường lối và chính sách” nào đó một cách răm rắp, không thắc mắc/ không trình bày… bất kể đúng hay sai. Việt Nam ta cũng có thành ngữ với nghĩa tương đương, dễ “cắt nghĩa” hơn là: “Ðẽo chân cho vừa giày”.

Ðiều ngộ là, khi bạn gõ “Chiếc giường của Procuste” hay “Ðẽo chân cho vừa giày” lên Google thì đều nhận được nhiều bài viết từ các báo (trong và ngoài nước, lề trái lẫn lề phải) nói về tính quan liêu, phát xít, độc tài và những sai sót của những người thuộc cơ quan công quyền Việt Nam. Sai sót một cách “đúng quy trình” và tương tự như nhau, kiểu như họ sai theo thói quen được “lập trình” sẵn. Từ môi trường giáo dục, pháp luật đến truyền thông, y dược, mạng xã hội… Nhận ra họ không hề khó, chỉ cần nhìn cách làm, cách phát ngôn “nhất quán” và máy móc của họ.

Những người đó là những “công thần” biến đất nước Việt Nam từ một “hòn ngọc Viễn Ðông” thành lão “trưởng giả học làm sang”. Cố “đẽo” đi cái quê mùa cục mịch của mình để xỏ vừa chân vào đôi giày quyền quý, theo khuôn mẫu mà những tên quý tộc kiểu cách, rởm đời, xảo trá, tham lam bên hàng xóm bày biện, vẽ vời.

Nhờ vậy mà chẳng bao nhiêu năm sau khi họ cầm quyền, Việt Nam trở thành một trong những “cường quốc” nổi tiếng về bỏ trốn ra nước ngoài, tham nhũng, rác thải, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, lạm phát, người dân Việt bị cả thế giới xem là thấp kém, hèn nhát và không hiểu biết về chủ quyền đất nước…

Nếu cách đây 10 năm, chuyện này còn là bí mật, không phải ai cũng có thể nhận thức được. Nhưng bây chừ, cho dầu yêu đất nước này bao nhiêu thì hầu như ai cũng nên nhìn nhận cái nhìn của thế giới dành cho VN. Và nên tự hỏi, dân VN có xứng đáng bị những điều đó hay không?

Xem thêm:   Ham & hố

“Hạt Giống Đỏ”

Khi cái quan điểm của bạn đã quá lạc hậu, lòi ra lắm chỗ phi lý, đã sai be bét rồi mà bạn cứ khư khư bảo vệ nó, dùng nó o ép người khác chấp nhận, lấy nó làm khuôn mẫu để đánh giá người khác, khi ấy nó đúng là “cái giường của Procuste” hoặc cái đôi giày chật ních chôn chặt tư tưởng của bạn! Ðó là điều ai cũng biết, cũng hiểu nhưng không phải ai cũng ý thức được. Giống như người ta nói: Khi bạn chết, bạn sẽ không nhận thức được cái chết của mình. Chỉ có những người xung quanh cảm nhận được và đau khổ vì điều đó, còn bạn thì không. Và, khi bạn ngu cũng vậy!

Một số phụ nữ trên thế giới đã “đẽo chân cho vừa giày” theo nghĩa đen vì không tự tin với đôi chân to của mình (Từ internet)

Chính vì vậy mà tầng tầng lớp lớp “hạt giống đỏ” vẫn được sinh sôi, nhân bản với khuôn mẫu mặc định qua các “lò” đào tạo dựa trên chất xúc tác là: lợi ích nhóm! Chúng thay nhau luôn mồm khẳng định Việt Nam luôn là số một, “đường lối chính sách” của Ðảng và nhà nước là số một. Ai phản đối thì được mặc định là “phản động”, được là bia ngắm miễn phí cho những đợt súng mắng mỏ, sách nhiễu, làm hại…

Mới đây, tôi đọc được trên Fanpage “Trang thông tin chống phản động” một đoạn tin nhắn của một đứa con tố mẹ mình “phản động”, nhờ mọi người chỉ cách “trị”:

“Mọi người cho em lời khuyên được không ạ? Sai lầm lớn nhất của em là dạy cho mẹ dùng mạng xã hội facebook. Cách đây 7 năm mẹ em có bao giờ như vậy đâu, nhà em gốc bắc, ai cũng yêu và tôn thờ bác hồ. Thế mà từ hồi dạy cho mẹ em xài facebook, mẹ em chơi rồi vô tình kết bạn với tụi xấu rồi bị tụi nó xuyên tạc, bỏ bùa mê thuốc lú gì rồi mà giờ mẹ em như một con người khác. Ngày nào cũng lên facebook viết bài nói xấu chế độ và lãnh tụ. Nhất là khoảng 2 năm gần đấy! Gia đình em và em khuyên can đủ kiểu, ngon ngọt có và mắng cũng có mà vô phương cứu chữa rồi,  ai có cách nào không giúp nhà em với? Em buồn kinh khủng…”

Vì là “Trang thông tin chống phản động”, nên bên dưới bài viết dĩ nhiên tràn đầy những bình luận tung hô người con “vì nghĩa diệt thân” và miệt thị người mẹ “đi theo bóng tối”, bên cạnh đó là những cái kế quen thuộc được bày ra:

“Kêu mẹ mày ghét VN thì cút qua Mỹ sống đi!”

“Hack facebook mẹ bạn đi !”

“Ðưa lên phường vài lần là hết ngay!”

“Ủng hộ cấm facebook tại Việt Nam!”

“Cắt internet, quán triệt tư tưởng, tối mở các mẫu truyện về các anh hùng dân tộc đã hy sinh để có cuộc sống ngày hôm nay… “.

“Hỏi mẹ bạn xem đã làm gì cho đất nước chưa mà chê bai?”

Với bản tính nhiều chuyện, thấy chỗ đông vui không thể nào từ bỏ. Thế là nhân dịp, tôi cũng chen vô trả lời câu hỏi cuối trong loạt bình luận được trích ra ở trên:

“Hồi năm ngoái lúc đi qua Hàn Quốc dự hội nghị, trên máy bay bà Ngân cũng hỏi câu y vậy làm cho 9 ông hổ thẹn quá, trốn luôn !”

DU

Saigon