Chúng ta đã quá quen với câu “của ít lòng nhiều” trong kho tàng chữ nghĩa Việt: phẩm chất của một món quà không nằm ở giá trị vật chất mà là giá trị tinh thần. Dầu là cái áo cũ, nhưng người tặng cho với nụ cười ấm áp còn quý hơn cái áo gấm mới tinh được tặng bởi ánh mắt dè bỉu, khinh khi.

Của ít lòng nhiều giữa Sài Gòn nắng nóng – Nguồn: Facebook
- Của ít lòng nhiều
Có nhiều câu chuyện thể hiện vẻ đẹp của câu nói trên, nhưng tôi thích câu chuyện này: Có một cô gái trẻ đã tới thuê 1 căn nhà nhỏ trong một con hẻm cụt. Thời gian đầu khi cô mới chuyển tới thì không có vấn đề gì ngoài việc vì quá bận rộn mà chuyển đến đây vài tháng rồi nhưng cô không làm quen với ai cả. Mọi chuyện cứ diễn ra như vậy cho tới vài ngày gần đây luôn có một vài đôi giày da cũ bị bỏ ở trước cửa nhà mình. Đoán là của hàng xóm để nhầm nên cô lại để lại trước cửa nhà họ. Tuy nhiên, những ngày sau đó liên tục có những đôi giày cũ kỹ được đặt trước cửa nhà cô. Sau một ngày đi làm mệt mỏi, về nhà thấy những đôi giày rách bị hàng xóm vứt trước cửa nhà mình khiến cô vô cùng khó chịu.
Tới một ngày không chịu nổi nữa, cô gái qua gõ cửa thì thấy người phụ nữ lớn tuổi ra mở cửa. Vì quá tức giận nên cô đã lớn tiếng mắng nhà hàng xóm rằng: “Tại sao ngày nào bác cũng ném mấy đôi giày rách sang cửa nhà tôi vậy, không dùng nữa thì vứt ra thùng rác, cửa nhà tôi không phải thùng rác nên đừng ném rác sang đây nữa.”

Khắp Việt Nam nóng cháy da, hạn mặn xâm chiếm – Nguồn: Facebook
Trước lời chỉ trích của cô, người phụ nữ lớn tuổi nhà hàng xóm ấp úng mãi không biết nói gì. Thấy người mở cửa là bác gái lớn tuổi nên cô gái cũng không muốn làm ầm lên. Sau khi nói xong thì cô cũng bỏ về nhà và không nói gì thêm.
Tối hôm đó, khi đi làm về thì cô lại phát hiện đôi giày da ở trước cửa, cô phát điên, định cầm đôi giày bỏ vào thùng rác thì thấy lần này có thêm 1 mảnh giấy ở dưới đế giày. Trên tờ giấy viết rằng: “Chào dì, cháu là hàng xóm phía đối diện đây. Vì dì hay đi làm về trễ nên mọi người chưa có dịp gặp gỡ nói chuyện. Hôm nay bà nội cháu có kể lại chuyện của dì. Có lẽ là có chút hiểu nhầm, ông bà cháu vì lo dì ở nhà một mình không an toàn nên cố ý đặt giày nam trước cửa nhà bên đó. Đôi giày đó tuy cũ nhưng không phải rác đâu, đôi đấy ông nội cháu vẫn đang dùng dì ơi. Đèn trong hẻm mấy bữa nay bị hư, nhưng dì yên tâm nhé, nay ông cháu đã sửa lại rồi.”
Sau khi hiểu ra toàn bộ sự thật, cô gái lặng mình hồi lâu sau đó bật khóc nức nở. Giai đoạn này, cô gặp nhiều khó khăn và áp lực, nhưng có mệt và khổ tới đâu cũng không kêu than hay rơi một giọt nước mắt nào. Ấy vậy mà tối đó, cổ lại bật khóc nức nở …
- Của ít lòng vòng
Bên cạnh “của ít lòng nhiều” thì cũng có người “của ít lòng ít” – ngược lại với những tấm lòng vàng thì cũng có những tấm vàng bạc, tấm lòng sắt, tấm lòng bê tông … trong số những người tặng quà, có rất nhiều người tặng món quà tượng trưng (của ít) nhưng nhầm mục đích mượn thân phận khổ sở của người nhận quà mà quảng cáo bản thân (lòng ít). Câu “của ít lòng ít” nghe không được thông màng nhĩ, nên cư dân mạng Việt Nam chế ra câu “của ít lòng vòng”.

Người ta tranh cãi về việc “của ít lòng nhiều” hay “của ít lòng vòng” – Nguồn: chụp màn hình
Câu này phổ biến từ 2023, khi có một người dùng mạng xã hội liên tục đăng các video quay lại cảnh anh ta chặn đường những phụ nữ lớn tuổi, cụ bà nghèo khó, vô gia cư hoặc buôn gánh bán bưng … giữa trưa nắng, rồi hỏi về gia cảnh của họ. Sau đó dưới ánh mắt rưng rưng sắp khóc của họ, người này buông ra những lời chúc văn vẻ và dài dòng (xin trích): “…Con chúc cho bà đời đời bà sống an lành trong ánh sáng hào quang của mười phương chư Phật, Xin đức Phật A Di Đà từ bi gia hộ độ trì bà muôn đời phước an. Một câu niệm Phật để tâm chúng sanh trở thành tâm Phật. Một câu niệm Phật ao nước đục trở thành ao nước trong. Một câu niệm Phật để tăng trưởng phước duyên và tiêu trừ nghiệp chướng… Nam Mô A Di Đà Phật. Xin Phật ban phước lành cho bà muôn đời bình an nha bà. Hôm nay đủ nhân duyên lành con xin chia sẻ tình thương của con cho bà nha…” Cuối cùng, người thanh niên này “phát” cho bà cụ 5,000 VND. Ngoài những gạch đá, bất bình của cư dân mạng thì tiền quảng cáo thu lại từ các video trên cũng đủ cho thanh niên này xây biệt phủ và mua một cái khóa thật to, nhốt bản thân vô trỏng, đừng ra ngoài làm khó cho những mảnh đời đang khó … Nhưng thanh niên trên không chịu, anh ta cho rằng do anh ta có ít tiền nên cho ít, còn lý do chặn đường người ta mưu sanh, quay video lại những lời chúc dài dòng dưới trưa nắng để tạo ra ý nghĩa gì thì anh ta không nói. Nếu thật sự “của ít lòng vàng”, thì anh chỉ cần đưa tờ 5,000 VN bằng hai tay cho những người vô gia cư, người buôn gánh bán bưng giữa trưa nắng là đủ thấy giá trị cao, không cần níu giữ người ta quay từng video làm “bằng chứng trước cư dân mạng” làm gì.
Hay mới đây, khi nhiều tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do nắng nóng kéo dài kèm ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, nước mặn xâm nhập. Những chuyến “xe nước nghĩa tình” từ khắp nơi được chở tới “tưới mát” lòng dân những ngày nắng hạn. Từ đó, tạo ra cuộc đua ngầm giữa các “nhà tài trợ” trên mạng, coi ai có “của ít lòng nhiều” hơn, ai “của ít lòng vòng” hơn. Tuy trên lý thuyết, cho một xô nước cũng là tấm lòng vàng rồi, nhưng càng cho nhiều nước thì cư dân mạng càng khen nhiều, nên các nhà tài trợ đều rất “phấn đấu”. Nổi bật nhất trong đám đônglà một nhà tài trợ tên Dương, anh này quyên tặng 2 xe tải nước cho bà con ở vùng bị hạn mặn, thiếu nước. Điều này vô cùng quý giá, được tôn vinh nếu anh không kèm theo 2 xe tải nước là 20 xe 4 chỗ chở ekip hùng hậu xuống quay phim, chụp ảnh, tiện thể khoe xe luôn (theo lời cư dân mạng). Cũng có cư dân mạng đồn là anh này đem theo 20 xe hơi người xuống để xài phụ… nước cứu trợ với người dân vùng thiếu nước. Từ đó, câu “của ít lòng vòng” trở nên nổi bật trở lại, gắn theo tên vị mạnh thường quân này …

Lu trữ nước của một gia đình ở Trà Vinh – Nguồn: Biện Thị Hồng Nhung
- Kết
Người Việt Nam luôn có lòng yêu thương đồng bào dân tộc, thấy bà con ở bất cứ vùng miền nào gặp nạn cũng sẵn sàng tương trợ. Bởi vậy, cứ mùa lụt miền Trung là hàng hàng lớp lớp xe chở quà cứu trợ nối gót từ Sài Gòn đi miền Trung. Cứ hạn mặn xảy ra ở Miền Tây là hàng hàng lớp lớp xe chở nước, xe chở bồn chứa nước, dụng cụ tạo hồ trữ nước nối gót tới Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngay cả khi Sài Gòn, Hà Nội – hai thành phố bự, giàu nhất Việt Nam bị Cúm Tàu gõ cửa, giao thương ngắt quãng, những xe rau cứu trợ đến từ vùng quê, nông thôn cũng nối gót đem tình đồng bào tới “cứu giá”. Dầu không biết tới tay người thật sự cần hay không, nhưng lòng tương trợ đó thật đáng trân trọng. Nhưng đó cũng là điểm yếu, góp sức cho kẻ xấu lợi dụng, coi từ thiện là một nghề “kiếm ăn” ngon lành, coi người nghèo khổ là công cụ. Đôi khi chính sự giúp đỡ quá tận tình cũng khiến người ta ỷ lại, mất đi sự chủ động trong việc đối phó thiên tai, nhân tai. Có người kể lại, dân vùng lũ thấy lũ tới thì rầu chứ cũng không đến nỗi sợ chết sợ chóc, bởi họ từ muôn đời đã thấy lũ, trừ khi gặp cái bọn thủy điện xả lũ bất ngờ như mấy năm gần đây, người ta mới hãi hùng. Còn dân miền Tây thì kể: “Hồi thập niên 80, mùa nóng là ghe bầu đi chở nước từ Sài Gòn về miền Tây đổi từng đôi, từng khạp cho từng nhà. Ông già tui khi cất nhà đã làm luôn 2 hồ ống, mỗi cái 2 ống cặp đôi để trữ nước mưa. Nhà 5 nhân khẩu không lo thiếu nước uống. Sau này làm lại nhà bà má dzến thêm 2 cái hồ âm nữa là con cháu tha hồ xài. Giờ con người ta lệ thuộc nước máy nên họ quên trữ nước mưa? Nói đi cũng phải nói lại, nước mưa bây giờ cũng ô nhiễm, muốn trữ chắc chỉ để tưới cây chứ không ăn uống được. Nước máy giờ dân lại phải mua thêm máy lọc nước … Hiện đại mà sao khổ quá!” Quan trọng hơn, vì cái gì dân cũng giành làm, những kẻ có trách nhiệm thấy bản thân không cần phải “ra tay” nữa, họ hứa mần mưa nhân tạo từ hồi 2005-2010, tới nay 2024 vẫn chưa thấy. Họ chặt trụi cây Sài Gòn mần Metro 1 gần 20 năm chưa thấy xong, gần đây, giữa trời nóng chảy mỡ, họ lại tuyên án tử cho hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2 …
Ngày này năm sau, đi dưới những cái cổng chào ghép bằng hoa nhựa, giữa thành phố Sài Gòn, chắc phải sắm thêm cho mình cặp kính râm chà bá lửa … vừa che nắng, vừa che bớt nhan sắc mau lão hóa bởi cái nắng thị thành! Sông Sài Gòn ơi, đừng khô cạn …

Gì cũng có lý do – Nguồn: RED Comic/nld.com.vn
DU
Bà Tám ở Sài Gòn