Kiếm tiền, có lẽ không nghề nào không cực, ngay cả cái nghề “ăn trên xương máu” thiên hạ. Bởi vậy mà “Cái nghề này bạc lắm!”, “Cái nghề này như làm dâu trăm họ…”
Chợ Gò Vấp, 10g đêm. Bà chủ tiệm tạp hóa loay hoay dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa thì có cặp sinh viên hỏi mua 2,000 VND nước đá. Bả buông cây chổi xuống đất cái phạch, hì hục kéo thùng xúc đá giao khách. Tụi nhóc móc điện thoại ra bấm bấm: Cô cho con quét mã ngân hàng để trả tiền.
Bả sửng cồ: “Chời” ơi, có 2 ngàn cũng quét mã. Thôi cô cho tụi bây đó, xách dzề uống đi con. Thích quét mã thì dzề quê tao dắt ra nghĩa địa cho quét… mả.
Hai đứa nhỏ nhìn nhau cười gượng gạo, lí nhí cám ơn rồi lủi đi một nước, bà chủ tiệm tạp hóa lượm cây chổi lên lầm bầm: Buôn bán đã ế rồi mà còn mồ với mả. Tội cái thân già này không?
Kiếm tiền, có lẽ không nghề nào không cực, ngay cả cái nghề “ăn trên xương máu” thiên hạ. Bởi vậy mà “Cái nghề này bạc lắm!”, “Cái nghề này như làm dâu trăm họ…” – như câu cửa miệng của hầu hết mọi người phải vất vả kiếm tiền mỗi ngày. Từ tài xế lái xe tới kỹ sư, nhà báo, giáo viên, bác sĩ tới gom rác, mua-bán ve chai, bán tạp hóa lẫn mua-bán vàng, từ công nhân hay chủ tập đoàn to lớn, người đi rừng hay người đi biển …
Tôi thử gõ hai câu “Cái nghề này bạc lắm!”, “Cái nghề này như làm dâu trăm họ…” vào thanh tìm kiếm của các trang web/mạng xã hội, hằng hà sa số những bài than thở hiện lên trước mắt tôi. Hầu như 10 người thì hết 9 người rưỡi đã cảm thấy mệt mỏi với nghề mà bản thân chọn, và nghề của họ là nghề bạc bẽo nhất trên đời. Tôi vô tình lướt thấy cuộc thi “Nghề của tôi” hồi 2015, hầu như các bài viết được gửi dự thi và đoạt giải đều có tiêu đề “thống thiết”:
* Kỹ sư máy bay: “Nghề này bạc lắm, bạc như mái đầu của bố tôi”
* Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc
* Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu
* Nghề tạp vụ: Mong được sự tôn trọng
* Nghề Telesale: Những giọt nước mắt tủi thân khi cầm điện thoại

Nghề tổng thống cũng “bạc bẽo” dữ lắm, không tin thì đi hỏi mấy ổng! – Nguồn: AFP
Cái bài phân tích về nghề nghiệp bạc bẽo nhất cũng được báo chính thống và người dùng mạng xã hội mổ xẻ rất nhiều, bài nào tôi cũng thấy… có lý. Vì tôi tin, nghề nào cũng có khó khăn của nó, ngay cả các phú bà, các người đẹp không làm nghề nào, chỉ ngồi xài tiền gia đình hoặc chồng tạo ra cũng than thở cuộc sống khổ sở, mệt mỏi mà … Ngay cả những nghề phải bỏ tiền ra mới chạy vào “làm dâu trăm họ” được, tôi nhìn họ cau có, nhìn họ nịnh bợ cấp trên chà đạp cấp dưới cũng thấy khổ sở giùm…
Nghe người ta nói làm tổng thống Mỹ cũng là một nghề vất vả, trên đe dưới búa. Cứ coi hình các ông tổng thống trước và sau nhiệm kỳ của họ là hiểu. Làm chức vị tương tự nhưng ở các nước độc tài thì đỡ hơn một chút, nhưng không đáng kể. Chính con tim các vị vua cũng đầy hoài nghi và mệt mỏi vì những tiếng oán than, họ sẽ tự già cỗi còn hơn mấy ông tổng thống chịu nghe chửi công khai bên xứ tân tiến.
Có huyện kể vui rằng: Kim Chính Ân (lãnh đạo xứ Bắc Triều Tiên) quyết định vi hành trong thành phố để xem công dân mình sống như thế nào. Ông vào rạp chiếu bóng. Đầu chương trình, người ta tấu lên Quốc ca Bắc Triều, còn trên màn ảnh xuất hiện hình ảnh to lớn của Kim Chính Ân. Tất cả mọi người đứng dậy và bắt đầu hát, vừa hát vừa rưng rức khóc – ngoại trừ Kim Chính Ân vẫn tiếp tục ngồi, cười mỉm, tự thỏa mãn. Một phút sau có một khán giả hàng ghế sau hướng đến Ân và thì thầm vào tai chàng: “Nghe này, đồng chí, tất cả chúng ta ai cũng cảm nhận được điều ấy, nhưng hãy tin tôi, cứ đứng dậy và khóc đi là an toàn nhất.”
Ai dza, tôi bỗng nhớ ra: làm dân cũng khổ, cũng bạc bẽo, chén cơm bằng chén muối chứ không dễ.

Nghề nào cũng bạc, cũng làm dâu trăm họ… – Nguồn: Facebook
Ở webtretho.com, có một bài viết của @phongtomchiengion với tiêu đề giật gân: “6 nghề bạc bẽo nhất VN – Nếu có kiếp sau, xin đừng đi theo ngành nghề ấy”. Đó là 6 nghề:
* Bác sĩ
Lý do: Toàn nói lương cao, trong khi người muốn theo nghề phải học 7-8 năm. Không ai để ý, không ai biết được y học Việt Nam tiến bộ như thế nào. Nhưng nếu cũng là những bác sĩ này phẫu thuật nhầm chân phải thành cắt chân trái (xảy ra rồi), thì xác định là sống không yên thân. Mà nghề này mang tính đặc thù nữa chứ, có chuyện chẳng lành và muốn đổi nghề cũng không biết làm gì đâu.
* Cán bộ nhà nước
Lý do: Từ lâu xã hội đã gán cho nó cái mác “ăn của dân” rồi. Ta nói bất kể làm trong cơ quan thuế, kho bạc, phường xã, hay làm công an, cảnh sát… gì thì cũng bị coi là “tiêu cực” cả. Một phần là do cũng có “ăn của dân” thì không nói. Nhưng kể ra cũng khá bạc bẽo thiệt. Nhiều khi là gia đình ép con theo nghề vì người già còn quan niệm theo kiểu “cả họ làm quan”. Theo nghề này thì họ hàng, người thân bạn bè họ tỏ vẻ “coi trọng” trước mặt chứ coi thường và chửi sau lưng á. Nói chung là không cần biết bạn thích hay không thích, có ăn hay không có ăn, cỡ nào cũng bị chửi rủa hà. Làm nghề này khó sống lắm, chẳng ai ưa hết, từ đồng nghiệp đến dân chúng bởi vậy hãy cân nhắc cho kỹ.
* Nhà văn/nhà báo
Lý do: Nghề này bị chửi nhiều là đúng. Nhưng mà chửi thì chửi một số thôi chứ tại sao cứ hễ một người làm sai bắt cả dòng họ chịu tội? Nhiều khi nghề này đưa nhiều tin hay tin tốt cho mọi người thì chả có con ma nào khen. Tới khi sai gì đó, lỗi chính tả thôi đã chửi người ta không còn ra con người. Nghề này nhiều người vì đam mê nên theo chứ có thu nhập cao đâu. Thấy mấy ông tác giả xưa, toàn chết rồi mới được ghi nhận tác phẩm thôi. Bởi vậy, tôi mà có con, dứt khoát không cho con theo nghề này.
* Bảo hiểm
Lý do: Lúc trước, một người quen theo nghề này kể tôi nghe nó bán một tháng vài hợp đồng bảo hiểm dễ như chơi, không cần gọi tìm khách cũng mò tới. Vì lúc đó người ta quý người làm nghề này lắm, giúp đỡ biết bao nhiêu người có số vốn trị bệnh, bồi thường tiền cho tai nạn, tai ương. Nhưng hiện giờ, người dân chỉ nghe báo đài đưa tin xấu đâu chịu nghe những tin tốt đâu, nghe tin tốt thì bảo là quảng cáo ngay. Riết giờ nghề này thất thế trầm trọng. Người mua bảo hiểm thì không có mà dân bán bảo hiểm thì lại đông. Ngày gọi trăm cuộc điện thoại bị chửi hết 50 cuộc, từ chối hết 40 cuộc, 9 cuộc còn lại không nghe máy, chỉ có 1 cuộc nghe hết mà cũng chưa chắc đã mua. Bạc bẽo vô cùng.

Nghề “tham nhũng” cũng bạc, nhưng là bạc… tỷ Nguồn: Ndiep/danviet.vn
*Ngân hàng
Lý do: Không ai khen những lúc mình tư vấn mở thẻ cho họ, tư vấn gói dịch vụ, giúp họ chuyển tiền, giúp họ sinh lãi mà tới khi bị sơ suất của hệ thống, lỗi máy móc… là chửi “thối đất thối cát”.
*Xây dựng
Lý do: Tai nạn thì nhiều mà bảo hộ lao động thì ít vô cùng. Tai nạn trên cao, rồi cháy nổ, giật điện, tiếng ồn, độ cao, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ánh sáng quá sáng hoặc quá tối, khói bụi… quá trời nguy hiểm cho các công nhân xây dựng. Thế mà có ai thấu chăng?
Còn tác giả Nguyễn Đoàn thì viết ở báo Dân Trí lại cho rằng có một nghề bạc nhất trong mọi nghề. Lý do: Sắp tới, người làm nghề này phải nghỉ hưu khi chỉ 20 -21 tuổi, thậm chí vừa bước vào hành nghề cũng đã phải nghỉ rồi…” Đó là nghề kiểm lâm – do là không còn “lâm” để “kiểm” nữa!
Không phải mỗi ta, mà Tây, Mỹ, Tàu đều than thở về nghề nghiệp của mình. Xin kết bài bằng một câu chuyện từ Discover Unknown, do Trang Nguyen dịch:
Bob là một thợ lặn chuyên nghiệp cho Global Divers ở Louisiana. Anh ta thực hiện các công việc sửa chữa dưới nước trên các giàn khoan dầu ngoài khơi. Dưới đây là một email anh ấy gửi cho chị gái của mình. Sau đó, cô ấy đã gửi nó cho đài phát thanh 103.5 FM ở Indiana, nơi đang tổ chức cuộc thi về trải nghiệm công việc tồi tệ nhất. Không cần phải nói, cô ấy đã thắng. Đây là lá thư của Bob:
~Chào Sue,
Lại là một ghi chú nữa từ người em trai sống dưới đáy biển của chị. Tuần trước, em đã có một ngày làm việc tồi tệ. Em biết gần đây chị đang cảm thấy chán nản ở chỗ làm, vì vậy em nghĩ mình sẽ chia sẻ rắc rối của mình để chị thấy rằng công việc của chị không quá tệ đâu. Trước khi em có thể kể cho chị nghe chuyện gì đã xảy ra, em phải làm phiền chị một chút với vài chi tiết kỹ thuật về công việc của em.

Đôi khi, làm người tử tế cũng khó khăn, nên người ta hay chọn làm ác cho… dễ – Nguồn: Facebook
Văn phòng của em nằm dưới đáy biển. Em mặc một bộ đồ để làm việc. Đó là bộ đồ lặn ướt. Thời điểm này trong năm, nước khá lạnh. Vậy nên, những gì chúng em làm để giữ ấm là như thế này: Chúng em có một máy sưởi công nghiệp chạy bằng dầu diesel. Thiết bị trị giá 20,000 đô la này hút nước từ biển. Nó làm nóng nước đến một nhiệt độ tuyệt vời. Sau đó, nó bơm nước xuống chỗ thợ lặn qua một ống nhựa được dán vào ống dẫn khí.
Nghe có vẻ là một kế hoạch khá tuyệt vời, và em đã dùng nó nhiều lần mà không có phàn nàn gì. Điều em làm, khi xuống đến đáy và bắt đầu làm việc, là cầm ống và nhét xuống lưng của bộ đồ lặn. Nước ấm tràn vào khắp bộ đồ của em. Cảm giác như đang làm việc trong một bể Jacuzzi. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp cho đến khi đột nhiên mông em bắt đầu ngứa. Vậy nên, tất nhiên là em đã gãi. Điều này chỉ khiến tình hình tệ hơn. Trong vòng vài giây, mông em bắt đầu bỏng rát. Em rút ống ra khỏi lưng, nhưng thiệt hại đã xảy ra. Trong cơn đau, em nhận ra chiếc máy nước nóng đã hút lên một con sứa và bơm nó vào trong bộ đồ lặn của em. Bởi vì lưng em không có lông, nên con sứa không bám vào được, nhưng khe mông của em thì không may mắn như thế. Khi em gãi cái mà em nghĩ là ngứa, thực chất em đang cọ xát con sứa vào khe mông của mình.
Em đã báo với giám sát thợ lặn về vấn đề của mình qua máy liên lạc. Hướng dẫn của anh ta không rõ ràng vì thực tế là anh ấy, cùng với 5 thợ lặn khác, đều đang cười như điên. Không cần phải nói, em đã phải hủy bỏ cuộc lặn. Em được chỉ dẫn phải thực hiện ba lần “dừng nén khí”, cùng với cảm giác đau đớn (ở mông) dưới nước, tổng cộng 35 phút trước khi em có thể lên mặt nước để bắt đầu quá trình nén khô trong buồng. Khi em lên đến mặt nước, em chỉ còn mặc mỗi chiếc mũ lặn. Khi em leo ra khỏi nước, y tá – với những giọt nước mắt cười lăn lộn trên khuôn mặt, đã đưa cho em một tuýp kem và bảo em bôi vào mông ngay khi vào buồng nén. Kem đã dập tắt cơn đau, nhưng em không thể đi vệ sinh trong 2 ngày vì mông em bị sưng kín.
Vì vậy, lần tới khi chị có một ngày tồi tệ ở chỗ làm, hãy nghĩ xem nó sẽ tệ thế nào nếu chị có một con sứa kẹt trong mông…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn