“Đừng tưởng Sài Gòn không có bão, đừng ỷ y ở Sài Gòn lâu lâu có gió mạnh ngã cây là ghê gớm lắm rồi. Bão Sài Gòn có khi là một phạm trù khác, chết người cũng không hiếm, bị thương cũng khá nhiều.

Cơn “bão” Satria   – Nguồn: Facebook

Tuần trước ở xóm tôi cũng có một  thanh niên kia bị bão “dập” chết, cô bạn gái ảnh thì bị gãy 2 chưn. Nghe nói cơn bão đó tên là Satria, có xuất xứ từ Nhựt Bổn”. (Hà Hồng Sơn)

Khi đọc câu chuyện trên, người hiểu thì cười hì hì vì nó mỉa mai, châm chích vào hiện thực xã hội quá. Nhưng cũng có nhiều người lại không hiểu tác giả muốn nói gì. Nhất là những người ở hải ngoại hoặc những người không thường xuyên lên mạng xã hội. Vì theo lý thường, ai ở Sài Gòn hay có chút “quen biết” Sài Gòn đều thấy “có gì đó sai sai” ở câu chuyện trên liền. Sài Gòn làm gì có bão, cùng lắm là lâu lâu có vài cơn Áp thấp nhiệt đới “ghé chơi” rồi “về”. Nói ở Sài Gòn… lụt thì dám có người tin hơn, tại cỡ chục năm gần đây tình trạng mưa rớt mấy hột là đường sá bỗng hóa sông quá nhiều.

Nên xin “bật mí” (với những người “théc méc”, chưa hiểu) về một chi tiết ở câu chuyện trên, nghe xong bạn biết ngay là Sài Gòn quả tình có bão (mà chữ bão này phải bỏ vô dấu ngoặc kép). Ðó là chi tiết “cơn bão tên Satria, có xuất xứ từ Nhựt Bổn”, và “Satria” ở đây thực ra là tên một hãng xe gắn máy hai bánh của Nhật.

“Bão” ở Sài Gòn chính là từ lóng do “dân chơi” trẻ tuổi đặt cho “bộ môn” đua xe vô phép giữa xa lộ (hoặc những đoạn đường thưa xe), lúc đêm về. Và, Sài Gòn mà, đem lượng xe lúc thưa ở đây so với các thành phố khác thì vẫn là đông. Nên tai nạn không thể nào tránh khỏi, khi những kẻ “tay lái lụa” phải vừa tránh nhau, vừa tránh người lái xe thông thường khác. Báo cáo của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam là một minh chứng. – Theo báo cáo này, trong 10 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15-12-2019 đến ngày 14-10-2020), toàn Việt Nam xảy ra ít nhất 11,653 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 5,300 người, bị thương hơn 8,600 người. Những cơn “bão” bằng xe cộ đã “đóng góp” không ít vào các con số kinh khủng khiếp trên. Không những đi một cách lén lút, từng nhóm mà mỗi lần ở Việt Nam có sự kiện nào đó là họ kêu gọi công khai cùng nhau ùn ùn kéo ra đường đi “bão” luôn. Trước đây tôi cứ nghĩ đi “bão” đông sẽ đồng nghĩa với đi chậm, sẽ ít vụ tai nạn hơn, nhưng tôi đã lầm. Những ngày giới trẻ đổ ra đường đi “bão” mừng U23 Việt Nam thắng trận, mạng xã hội Việt Nam ngập tràn hình ảnh tai nạn giao thông… Vậy tại sao biết là sai trái, biết là nguy cơ trùng trùng mà các thanh niên vẫn đi “bão”? Có trời mới biết được!

Nữ đại biểu quốc hội Ksor H’Bơ Khăp – Nguồn: vtc.vn

Giống như ở chính trường Việt Nam, không bao giờ thiếu những câu phát biểu ngu xuẩn và khó hiểu, những nghị định kỳ cục, những bản án bất nhân. Ðó cũng là lý do khiến lâu lâu lại có một/hai Ðại biểu nói hay như tiểu thuyết trước Quốc Hội, vạch thẳng ra vài thứ “sai sai” rành rành của mấy ông Quan này tướng nọ. Sau đó, những vị “đại biểu dũng cảm” này bỗng thành “anh hùng dân tộc thời đại mới”, được dư luận tung hô rùm trời. Trở thành “hiện tượng mạng” luôn!

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Hôm rồi tôi tình cờ xem video của báo Thanh Niên có tựa đề “Nữ đại biểu tranh luận khiến quốc hội sôi động: “Nghe Bộ trưởng phát biểu thấy sai sai” được “lọt” vào hàng “Top trending” của  Youtube tại Việt Nam.
Những video đạt “Top trending” (top thịnh hành) của Youtube mỗi nước là những video mới có nhiều lượt xem, like và bình luận nhất trong tuần đó. Nếu được “rơi” vào “Top trending”, chứng tỏ video của bạn đã được xem/được chia sẻ/được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội và tiếp tục sẽ được như vậy. Những tài tử, Vlogger, Youtuber… túm lại là ai làm video đăng lên Youtube cũng đều mong muốn được một (đống) lần Youtube xếp video của mình vào “Top trending” này.  Nhiều ca sĩ, diễn viên khi ra sản phẩm nghệ thuật còn kêu gọi “fan” (người hâm mộ) “câu view” cho họ, để nhanh lên “Top trending”. Bởi vậy, không biết nên mừng hay lo khi video “Nghe Bộ trưởng phát biểu thấy sai sai” ghi lại cảnh nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) trực tiếp chất vấn thẳng thắn với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường về diện tích rừng, “xử lý” pin năng lượng mặt trời, thủy điện… là video liên quan đến thời sự, chính trị hiếm hoi được nằm “chen lấn” giữa các gameshow ca nhạc đang “hot” và các video pha trò nhảm nhí (những thứ luôn “chiếm vị thế” ở “Top trending” của  Youtube tại Việt Nam).

Nhưng rốt cuộc thì sao, sau những lượt xem, những bình luận ủng hộ nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, hay những mộng tưởng về một nền chính trị đầy những vị “quan” dám nói thẳng nói thật (“nói” thôi, chứ người ta chưa dám mơ đến “làm”). Thì mọi thứ vẫn “u như kỹ” (y như cũ), những lời phát biểu “dũng cảm” lẻ loi kia chả xi nhê chút nào với hiện thực tàn khốc. Các ông Bộ trưởng không chỉ “dám” nói “sai sai” thôi mà mấy ổng còn có quyền (chữ có quyền in đậm và được lặp lại ba lần) làm “sai sai”, sau mỗi phát biểu trái chiều thì những việc làm “sai sai” kia không những không ít đi mà ngày càng nhiều hơn.

Như để “trải đường” cho năm sau, lại có bài phát biểu hay hơn, động lòng người hơn, của một vị đại biểu “thẳng thắn” nào đó. Vì sự thực thì nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp không phải trường hợp «cá biệt», những năm trước thì chúng ta từng hồ hởi chia sẻ video của bà Phạm Thị Minh Hiền, bà Ðặng Thị Phương Thảo hay ông Trương Trọng Nghĩa v.v.

Video “Nghe Bộ trưởng phát biểu thấy sai sai” được “lọt” vào hàng “Top trending” của  Youtube tại Việt Nam, đứng số thứ 7. – Nguồn: Chụp từ Youtube

Bạn có thể lên Youtube xem lại những phát biểu của họ. Tuy không biết họ góp ý, tranh luận có thật tâm hay không, nhưng quả tình những phát biểu của họ rất đáng xem và luôn luôn… mới. Ðáng xem vì tuy họ nói y chang “giọng điệu” của “bè lũ phản động” nhưng vẫn không bị gì, còn được tung hô, chúng ta nên xem và “nghiên cứu” lý do cho sự “vi diệu” này. Luôn luôn mới bởi vì những điều họ nói tuy ai cũng biết hết rồi nhưng nó chưa bao giờ là «quá khứ» cả, nó luôn xảy ra, lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi bữa.

Xem thêm:   Chó...

Con số hàng triệu lượt xem của các video có nội dung “phản động” (của người dân) và “phản trắc” (của các đại biểu quốc hội có tiếng nói trái chiều) nếu ở nước nào đó thì có lẽ sẽ trở thành bàn đạp để thay đổi những cái “sai sai”. Nhưng ở Việt Nam, tất cả chỉ là con số, giống như những con số kinh khủng trong báo cáo về tai nạn giao thông hàng năm mà tôi có nhắc “sương sương” ở đầu bài. Còn các ông Bộ trưởng thích nói “sai sai”, làm “sai sai” thì y như những “tay lái lụa” tưởng mình ngầu đời, không bao giờ chịu chủ động ngừng cuộc vui sanh mạng (của chính mình và người khác) dầu biết nó là sai trái, xấu xí. Vì họ tin rằng, trừ khi bị lọt vào danh sách “củi tươi”, “củi ướt” của các “ván cờ” chính trị, chứ không thì họ cứ ung dung sống cho đến khi an tâm “về vườn”, làm “người tử tế”.

Trong phim thường nói “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”, nhiều người cũng đem chuyện như vậy áp dụng ra ngoài đời. Nhưng, đời không như là phim. Có một sự thật thú vị, cách đây mười năm (2010), có một vị đại biểu quốc hội cũng từng “làm mưa làm gió” trong lòng dân chúng, vì ông dám thẳng… miệng chất vấn thủ tướng VN (lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng) về vụ vỡ nợ 80 ngàn tỷ của Vinashin. Dưới video lời phát biểu của ông, người ta bình luận/tung hô rất nhiều. Nhiều người cho rằng “Với phong cách ăn nói ngắn gọn thẳng thắn, hợp lý, Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã làm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bẽ mặt trước các đại biểu cũng như các cử tri cả nước”.

Và thật ngẫu nhiên, vị “Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết” này cũng là người tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của người dân và báo chí mấy tháng gần đây, đa phần là chất vấn, thậm chí là chửi bới. Vì Giáo Sư kiêm Tiến Sĩ Nguyễn Minh Thuyết chính là vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 (Bộ Cánh Diều). – Bộ sách đang “làm mưa làm gió” từ trên mạng đến học đường, đến mỗi gia đình có con nhỏ ở Việt Nam hổm rày. Bộ sách được nhiều người gọi là Bộ sách thảm họa. Như nhà báo Nguyễn Tiến Tường mô tả:

Video “Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng trong vụ Vinashin” 10 năm trước – nguồn youtube

“Cuốn sách này viết những câu chuyện hoàn toàn nhạt toẹt, vô duyên. Nhiều câu chuyện khó hiểu đến mức IQ của phụ huynh giáo viên cũng không hiểu gì, chưa nói đến học sinh lớp 1. Sách được viết bằng rất nhiều từ địa phương. Thay vì dùng từ phổ thông chuẩn, nhóm biên soạn sử dụng ngôn ngữ địa phương Bắc bộ. Thậm chí chỉ khu trú trong một vài vùng nhỏ Bắc bộ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Ví dụ: Thay vì viết “không” thì viết “chả”. Thay vì viết “nhai” thì viết “nhá” cỏ, “nhá” dưa. “Gà con” lại viết thành “gà nhép”, “gà nhí”. – Con thỏ thì “nhá” cỏ, “nhá” dưa, con cò thì “chén” con cá. Ngôn ngữ rất thô tục!

Tựa câu chuyện kể về “cua cá cò”, nhưng không thấy con cua ở đâu. Chỉ thấy cò lừa cá, để… ăn con cá. Thậm chí, họ còn xào nấu văn của Lev Tolstoi, kể về con ngựa lười biếng xúi bạn trốn làm việc. Khác nào xúi trẻ con trốn học?

“Thỏ và rùa”, một câu chuyện dân gian có giá trị lâu dài trên toàn thế giới cũng bị xào nấu. Câu chuyện trở nên lởm chởm, tào lao không chịu được. Ở cuối chuyện, họ đẻ thêm ra một con quạ đậu trên cây kêu “quà quà”. – Con quạ có tên là quạ, vì tiếng kêu của nó, tương tự con chim cuốc. Cha ông ta đặt tên theo nguyên lý đó. Bây giờ kêu “quà quà” thì con quạ trở thành con “quà” trong mắt bọn trẻ. Mà cái tiếng kêu ấy, mới thô bỉ tham lam làm sao!

Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện nữa. Cuốn sách này đang dạy trẻ em sự ráo hoảnh, trí trá lọc lừa. Tựu trung, đó không chỉ là những hạt sạn, mà thật sự cuốn sách này là một uế phẩm được viết ra bởi những người hạn chế về trình độ, lười biếng và vụ lợi.

Lâu lâu người cộng sản cũng nói thiệt – Nguồn: Chụp màn hình báo VN

Ngôn ngữ chính là cánh cửa của tâm hồn. Hãy tưởng tượng những đứa trẻ sẽ có nhân cách đầu đời như thế nào nếu tiếp nạp cuốn sách này. Ngôn ngữ cũng chính là vẻ đẹp của một dân tộc, cuốn sách này đang làm băng hoại điều đó.

Nhóm biên soạn, chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, hội đồng thẩm định và nhà xuất bản phải giải thích cho nỗi đau khổ của phụ huynh và học sinh về cuốn sách tai quái này. Ðương nhiên, trách nhiệm cao nhất thuộc về Bộ Giáo dục. Phải thu hồi ngay cuốn sách để những đứa trẻ không bị cưỡng ép tiếp nạp thứ ngôn ngữ rẻ mạt và những bài học xiên xẹo trong đó.

Ðối với tôi, dù vô tình hay hữu ý, giáo sư Thuyết và các cộng sự đã tạo ra một thảm hoạ quốc gia».

Bởi vậy, người ta thường nói: “Chính trị là con điếm, nó ngủ với bất cứ ai trả tiền cho nó”. Chưa chắc ai chê “đồng chí” họ “sai sai”, thì khi có cơ hội, họ sẽ không “sai sai” cho “bằng chị bằng em”.

DU