Saigon dạo này nắng nóng trở lại. Những cơn mưa không còn dai dẳng. Thay vào những giọt nước mưa trôi qua má, ngập đôi chân là những giọt… mồ hôi mẹ mồ hôi con được dịp phát… tán mỗi buổi chiều. 

Một chiếc xe ở Đài Loan in chữ Việt và Thái để tìm người “chạy trốn” khi qua nước này “xuất khẩu lao động” (hình từ Facebook)

 

Khi người người tan sở, tan học, sau nửa ngày làm xong 1/3 bổn phận con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn nếu bạn … rảnh rang vào thời điểm đó, đi bộ ra đầu ngõ, bắt điện thoại lên, rủ hai, ba người bạn cà phê cùng. Vừa nhìn … kẹt xe, vừa nghe bạn kể chuyện đời…

Thú thật, mỗi lần nghe bạn kể chuyện xong rồi tôi lại … ủ rũ. Vì bất kể câu chuyện chúng tôi mở đầu như thế nào, kết thúc ra sao thì các câu chuyện buồn cũng sẽ thành chủ đề “hot” hoặc chúng sẽ chiếm phần lớn thời gian trò chuyện. “Những dối trá, lừa lọc của con người trong xã hội Việt Nam hiện nay sao mà đông quá!” Nhiều lần tôi thốt lên như vậy, không phải vì bản thân thánh thiện hay tốt đẹp gì. Mà tôi sợ hãi thật sự !

Khi phân tích, chúng tôi nhận thấy rằng, có những người, ngoài chọn đi làm các công việc lừa đảo kia, họ chẳng biết phải làm gì. Vì họ không có bằng cấp, gia thế, mối quan hệ nhưng lại có một quá khứ “dữ dội”. Ðừng nghĩ rằng xã hội này đã văn minh như vậy nhưng tại sao con người ta lại hẹp hòi với nhau chuyện quá khứ mà không nghĩ đến tương lai. Cuộc sống mà, khi lòng tin trong xã hội chỉ còn trong… mơ thì những đạo lý khác cũng dần bớt… quan trọng.

Cũng đừng nghĩ rằng không có tiền sao không về quê, chăn bò, trồng rau nuôi cá… Như mấy lời hăm doạ của các bậc phụ huynh hồi nhỏ khi con em của họ ham chơi hơn ham học: Không học mốt cho mày đi chăn bò. Hay mấy lời chán nản của cậu sinh viên mới ra trường đừ người khi không kiếm ra việc làm phù hợp, hay một người đi làm lâu năm đang vật vã với những “deadline”: thôi về quê làm ruộng, nuôi cá rồi trồng thêm rau…

Hiệp “khùng”, ông chủ nhà trọ giá rẻ bị cháy (Zing)

Thời xưa tôi không rành, nhưng bây chừ: Muốn bỏ hết những giành giựt, chạy đua ở đất khách quê người để về sống cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên với đồng ruộng vườn tược. Muốn bỏ hết tất cả những bon chen, nhọc nhằn của thành phố sau lưng để tìm kiếm một “vùng trời bình yên”, nơi có chim hót, trăng thanh, tiếng ve sầu mê mệt. Thì đầu tiên, bạn cần có… tiền. Khoảng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng để “sắm” đất, xây nhà, mua vườn, mua ruộng, xây chuồng heo, chuồng gà, chuồng bò, rồi mua heo mua bò mua gà về thả vô… – Thứ mà nếu có nó, bạn có thể sẽ không đi lừa đảo (hoặc lừa đảo ở mức độ cao hơn), không phải đi xin việc mà là đi mua việc, không phải khóc “deadline” vì bạn sẽ là người trả tiền cho những người chạy “deadline” đó…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Về quê. Nếu mần ruộng thì ngoài có tiền mua ruộng, một năm bạn phải  xắn quần xuống ruộng 2 lần. Một lần 3 – 4 tháng, một lần vào mùa lạnh nhất và một lần vào mùa nóng nhất trong năm. Nuôi gà phải đề phòng cúm H5N1; nuôi heo thì phải phòng dịch heo tai xanh; nuôi cá, trồng rau thì phải lo nguồn nước; nuôi bò phải đi chăn… Thay vì đi làm, đi… lừa thì cuộc sống “bình yên” của bạn sẽ phải đối mặt với phân, cám, nắng, gió, mưa… đối mặt với thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường… Trừ khi bạn mướn được người mần, làm một “ông/bà cai” thong thả. Mà như vậy thì bạn vẫn phải có… tiền!

Bởi đời không như là mơ, nên cho dầu hiện nay nhiều “vlogger” nổi tiếng, được mến mộ vì những video họ làm đều hướng đến một cuộc sống thôn dã, trồng rau, nuôi cá, gà, heo… Nhưng nếu đi đến các vùng nông thôn trên cả ba xứ Bắc/Trung/Nam, bạn sẽ thấy đa phần chỉ còn những người già, phụ nữ còn bám trụ với ruộng vườn. Hoặc những người thành đạt về làm khu du lịch kiểu ”thiên nhiên”. Hơn 70% những người trẻ đi các thành phố lớn lập nghiệp, số còn lại thì vào các công ty, sống đời công nhân. Cũng sẽ có rất ít người trẻ chọn ruộng đồng, vì sự thật là vì họ không có sự lựa chọn. Do gia cảnh, do học vấn, do nhiều thứ khác…

Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG (hình từ RFA)

Vì sao? Vì tài nguyên cạn kiệt, đất lành trở thành đất xấu, thời tiết, môi trường biến đổi bởi tác động con người. Vùng đất giàu phù sa như miền Tây nay phải đối mặt với việc cây chết hàng loạt không nguyên do. Miền Trung thì cá chết hàng loạt. Miền núi thì lũ lụt, cháy rừng…

Người ta nói “thời thế tạo anh hùng”. Mà anh hùng ở thời đại này là những người có tiền. Có tiền rồi thì bạn sẽ thuê được người trồng rau, người chăn bò, người nuôi cá để bạn rảnh rang mà tận hưởng sự bình yên của mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” vài ngày trong một tháng rồi lại tiếp tục với bon chen. Có tiền rồi bạn có thể cũng sẽ lừa gạt, nhưng lừa gạt được nhiều… tiền hơn. Có khi còn được xã hội trọng vọng, kêu bằng ông này bà nọ. Có tiền rồi thì bạn có quyền không có quá khứ, hoặc có quá khứ thì từ quá khứ xấu cũng thành quá khứ đẹp. Cho dầu quá khứ xấu không thể biến thành quá khứ đẹp, thì ai vạch trần sự không đẹp đó bạn cũng có thể cho hắn là… “phản động”.

Xem thêm:   Ham & hố

Một ví dụ đơn giản. Trong vụ án về “thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG”, Phạm Nhật Vũ (em trai ông chủ tịch Vingroups – Phạm Nhật Vượng) – người được nhà chức trách khẳng định hưởng lợi số tiền hơn 5,800 tỷ đồng. Ngoài ra, ông này còn hối lộ cho Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông: ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD và ông Trương Minh Tuấn 200 ngàn USD. Hối lộ cho Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch MobiFone) 2.5 triệu USD và Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) 500 ngàn USD. Vụ này được cho là “gây thiệt hại tài sản Nhà nước lên đến 6,500 tỷ đồng”. Mà cái gọi là  “tài sản nhà nước” từ đâu mà ra? Từ trong túi “của chủ đất nước” chứ đâu!

Chuyện gì cũng có lý do cả… (Hình từ Facebook)

Nhưng sau nhiều phiên tòa, Viện kiểm sát Tối cao cho rằng cần xem xét “chính sách hình sự đặc biệt” và quyết định mức hình phạt giảm nhẹ cho Phạm Nhật Vũ. Có một trong ba nguyên nhân của việc giảm nhẹ hình phạt này rất hài hước (hai nguyên nhân kia được cho là do ông này .. thành khẩn khai nhận và “bù đắp thiệt hại), xin trích nguyên văn:

“Bị can Phạm Nhật Vũ được nhiều tổ chức Phật giáo Việt Nam đệ đơn trình bày ông Vũ từng có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua việc trùng tu di tích lịch sử văn hóa và trong lãnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo… Các đơn đề nghị của những tổ chức Phật Giáo Việt Nam xin cho bị can Phạm Nhật Vũ được hưởng khoan hồng”. Bên cạnh đó là hàng loạt bài báo, bài viết về những chương trình “thiện nguyện”, xây chùa, cất miếu và cuộc đời “ẩn dật” như một tu sĩ của ông này…

Chúng ta có thể thấy được, khi sống trong một xã hội, không chỉ nhà báo, quan chức, “bần nông” hay phú thương, mà ngay cả những người được cho là rũ bỏ hết “phàm trần” cũng làm nghề… tôn giáo bởi vì chữ tiền. Thì việc con người ta tìm mọi cách, mọi cơ hội để kiếm tiền, đổi đời không phải là một ý nghĩ sai trái, chỉ là quá nhiều người dùng cách sai mà thôi. Ðó cũng là lý do sau bao nhiêu năm, từ 1975, sau khi cả thế giới biết đến Việt Nam qua câu chuyện thuyền nhân (boat people) thì nay Việt Nam lại nổi tiếng lần nữa, qua câu chuyện thùng nhân (container people). Dẫu ý nghĩa khác nhau, nhưng mục đích đều như nhau…

“Bi kịch của họ không phải là nghèo. Bi kịch của họ là có tiền mà không có tương lai”. Ðó là câu nói tôi thích nhất trong những phân tích, tranh cãi, phán xét, thương hại, định tội của cộng đồng mạng về “39 con người chết cóng trong thùng xe container đang vượt biên vào Anh”. Tuy đến giờ phút tôi viết bài viết này, chưa có bất cứ thông tin xác tín nào khẳng định trong 39 con người đó có bao nhiêu người từ Việt Nam. Nhưng qua vụ này, dầu có hay không có người VN thì chúng ta vẫn nhìn rõ mồn một được một sự việc mà lâu nay rất nhiều người ở Việt Nam cho rằng chỉ là tin đồn: nạn buôn người. Trong đó, những người bị buôn là những người đồng ý và khao khát được người ta đem buôn. Những câu chuyện về hành trình của những “thùng nhân” cũng lần đầu tiên được nói một cách rõ ràng dưới “ánh mắt trời” từ miệng các “người trong cuộc” chứ không phải qua các cuộc điều tra, phóng sự âm thầm nữa. Họ ra đi chỉ với một khát vọng: Rời khỏi Việt Nam và tìm cho bản thân và gia đình một “quá khứ” khác.

Thực ra, ở quê hay thành phố đều không quan trọng, quan trọng là đừng ở… Việt Nam nếu bạn muốn bình yên (Hình từ facebook)

Tại sao là một quá khứ khác, cứ nghĩ đến câu chuyện “lịch sử” về “thanh niên Nguyễn Văn Ba”. Giờ đâu ai dám nói ổng đi vượt biên lậu đâu, mà nói “ra đi tìm đường cứu nước”. Cũng giống như những người vượt biên lậu bằng container kia, nếu thành công họ sẽ thành Việt Kiều, khúc ruột ngàn dặm, người đi “xuất khẩu lao động”, là những đồng tiền ngoại hối, là “người đi trước”, tấm gương sáng cho cả làng, cả xã, cả tỉnh họ đáng sống, thậm chí cho một nửa đất nước VN này… chứ không phải như cư dân mạng nói, họ là “nỗi nhục quốc thể”, là những kẻ “ngu”, những kẻ tham lam, bỏ tiền ra để mua cái chết cóng nơi đất khách! Khi đọc những bình luận này tôi rất buồn, con người ta ác với nhau quá.

Xem thêm:   Chó...

Ðịa ngục hay thiên đường, phải đi đến cùng mới hiểu được. Lúc những cư dân mạng buông lời độc ác trước những số phận kia, họ cho rằng mình cao cả hay sao? Không, chúng ta, dầu ra đi hay ở lại, dầu giàu có hay nghèo khổ thì chúng ta vẫn là những con người đáng thương nhất! Vì chúng ta dứt mãi không được hai chữ độc tài. Không phải từ bộ máy nhà nước, mà nó đã ăn sâu, bén rễ, nẩy mầm trong tâm hồn chúng ta rồi.
Bởi vì vậy, không ít những nghi ngờ được đặt ra, rằng người Việt Nam có làm được như vậy hay không? Khi người Anh ở khắp nơi cầu nguyện cho 39 nạn nhân xấu số ngay khi sự việc xảy ra, chẳng cần biết 39 nạn nhân đến từ đâu. Còn một số người Việt, ban đầu là cầu nguyện cho trong số 39 người đó toàn là người Trung Quốc, đừng có người Việt. sau đó, nghe phong phanh có người Việt thì mới bày biện đau thương…

Bởi vậy, ngay cả khi biết ngoài 39 người chết trong container kia thì đã có hàng ngàn người đã chết tương tự như vậy, người ta vẫn quyết ra đi, bất chấp rủi ro. Xin kết thúc bằng một câu chuyện tôi “lượm” được từ mạng xã hội:

“Tiếng cửa sắt va đập khiến nạn nhân choàng tỉnh, hoảng hốt hỏi:  Ðây là đâu? sao tôi lại ở đây?
– Ðây là địa ngục. Ngươi gặp nạn trên đường đi vượt biên, nên bị bắt xuống đây.

Nạn nhân thở phào: Hết hồn! Cứ tưởng bị bắt về nước”

DU

Saigon