(Phần 1)
Người trẻ ở trong nước luôn thích tạo ra những phong trào để so kè độ hiểu biết, sắc đẹp và tài lượm lặt. Có vẻ như không có gì dễ nên phong trào bằng những nội dung bắt chước thời đã qua: Chụp ảnh/trang điểm/làm phim/đóng tiểu phẩm theo phong cách xưa…
Ðó là những nội dung dễ tìm tư liệu trên mạng và cũng dễ thiện cảm với đa số và dễ bắt chước vì dễ khiến người cao niên nhìn tóc pha sương mà nhung nhớ tuổi xanh, khiến người trẻ nhìn những vàng son rực rỡ mà hoài niệm ngày cũ theo cách của riêng mình (trên cơ sở giáo dục riêng từng người nữa, vì có những thứ kỷ niệm không được quyền nhắc lại ở các kênh truyền thông chính thống trong nước). Một trong những thứ người trẻ thích bây giờ là bu đông bu đỏ trong các quán cà phê mang phong cách xưa, hoài niệm, thậm chí là các quán cà phê lâu năm, rất hiếm hoi còn sống ở Sài Gòn. Hãy cùng Du Uyên đi tới một quán cà phê 70 năm tuổi ở Sài Gòn, tìm hiểu những thứ quanh nó nhé.
Ông Lù, thứ Ba trong nhà nên chết tên Ba Lù. Ông Ba Lù là người gốc Hải Nam (Trung Quốc), từ nhỏ đã khăn gói qua Việt Nam lập nghiệp, do tánh thiệt thà và chịu khó mà năm 1942 ông Ba Lù được ông chủ nhượng lại cho xe cà phê đi bán dạo quanh chợ Thủ Đô – một ngôi chợ “nhà giàu” thuộc khu phố người Hoa tại khu vực Chợ Lớn.
Ban đầu, ông Ba Lù chỉ đẩy xe cà phê bán quanh chợ. Sau đó, vào 1953, ông tự chế ra cách xào cà phê độc lạ và xào ngay trước nhà. Nhờ sự độc lạ này mà quán cà phê Ba Lù trở nên nổi tiếng, đặc biệt suốt 70 năm, nuôi 11 người con của ông Ba Lù nên người, chưa giàu ba họ nhưng cũng có cái nghề truyền tay nhau nên không đến nỗi khổ cực.
Cách “xào” cà phê độc đáo này tôi sẽ để dành kỳ sau, đầu tiên xin nói về những thứ đập vào mắt khách đường xa khi tìm tới cà phê Ba Lù, đó là những cái siêu sắc thuốc ngay trên quầy pha chế. Ngoài ra, dụng cụ pha chế gồm ấm nấu nước, chiếc vợt bằng vải.
Nói về cà phê, người ta có vô vàn những câu nói thơ mộng, ví dụ như: “Mỗi giọt cà phê rơi, thời gian như ngừng hẳn lại.” Ý tả cảnh người uống ngồi hồi hộp chờ từng giọt cà phê lắng đọng rớt xuống ly từ cái phin chật ních nước sôi và cà phê, nhưng cà phê Ba Lù khác biệt với dòng chảy hào sảng, không từng giọt thơ mộng như cà phê phin (cái nồi ngồi trên cái cốc).
Pha cà phê bằng ấm hoặc siêu thuốc rồi ngâm cho nở, sau cùng lượt bằng vợt vải là cách pha cà phê rất đặc trưng được nhiều quán cà phê xưa còn lại ở Sài Gòn tin dùng.
Ở Việt Nam, mỗi thứ đều có thể “gây tranh cãi”, ngay cả việc uống cà phê. Có hàng trăm group được tạo ra chỉ để người ta cãi nhau coi nên uống cà phê pha phin hay cà phê pha máy, cà phê nào mới là “real”. Vì vậy, khi tôi đăng một khảo sát nhỏ lên mạng coi có ai thích uống cà phê Ba Lù hoặc nghĩ gì về cà phê Ba Lù. Đa số cư dân mạng cho rằng họ không uống được cà phê ở đây vì vị không đậm đà như cà phê phin và cũng không cầu kỳ như cà phê pha máy. Cà phê Ba Lù được nấu sôi và lọc bằng vợt nên khá loãng chứ không sánh đặc như cà phê phin, cà phê Ba Lù cũng được “xào” theo một công thức đặc biệt nên có mùi đặc trưng và có vị đắng nhẹ theo kiểu cà phê của người Hoa ở Chợ Lớn thường uống, nên không hợp với đa số cũng là chuyện bình thường.
Theo một số lời khuyên không nên uống cà phê trứng ở đây nếu bụng không tốt, Du Uyên đã kêu một ly cà phê trứng để thử thách bản thân và bảo vệ thanh danh cho tiệm cà phê 70 năm này. May mắn là tới giờ bụng tôi vẫn ổn, cà phê trứng ở đây thì không hợp với khẩu vị của tôi, nhưng người bạn đi cùng lại rất thích. Nhiều người khách lớn tuổi ở đây thích uống cà phê nóng và bạc xỉu (sữa đặc pha nước sôi, chế một lớp cà phê mỏng lên trên miệng ly.)
Không biết do muốn giữ vững phong cách hay không muốn bày vẽ thêm, quán Ba Lù luôn giản dị và hơi cũ kỹ, lúc nào cũng như thế. Y như lịch sử ngôi chợ mà Ba Lù đã trú ngụ và những vị khách theo đuổi cà phê ở đây dầu đã qua 3 đời chủ. Người chủ khai sanh quán Ba Lù qua đời, khách vẫn tiếp tục uống tiếp dầu quán thay đời chủ thứ 2 rồi đời chủ thứ 3 như một thói quen. Khách cũ ra đi thì khách mới tới, có khi khách mới là con/cháu của khách cũ, nói chuyện một hồi cái thành quen biết từ đời cố lũy hết trơn.
Vì quán nằm trong chợ Thủ Đô, nơi được xem như “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, nên khách lâu năm chắc cũng chứng kiến mấy triệu đời… heo, gà, bò, vịt được truyền tay từ tiểu thương tới thực khách.
Vị khách hơn 90 tuổi này là người khá được “trọng vọng” ở quán cà phê Ba Lù. Ông có rất nhiều dịp hiện diện tại các bài báo, video quảng cáo về quán cà phê này dầu ông chỉ là một vị khách quen của quán. Người ta cảm phục sức khỏe và sự minh mẫn của ông, còn ganh tỵ với độ ăn chơi (mỗi ngày ông đều hút thuốc nhiều và uống cà phê hai cữ) và nhiều… vợ của ông (3 đời vợ). Nhiều người tin, sống như ông mới là sống(?)
Cô Chung Thị Hoàn, con của ông Ba Lù, người chủ đời thứ hai của quán cà phê Ba Lù rất vui tánh và dễ thương. Cô chủ động lại nói chuyện với tôi, tỏ lòng tự hào với nguồn gốc cà phê lẫn cách chế biến công phu mà cha của cô để lại. Ngoài ra, cô cũng hơi buồn vì con cháu bây giờ không chịu nối nghiệp ông cha bởi làm cà phê kiểu Ba Lù quá cực. Khi tôi hỏi thêm về chợ Thủ Đô, nơi quán Ba Lù đã cắm rễ hơn 70 năm, cô giải thích chợ này xưa ở ngay rạp Thủ Đô, kế bên rạp Thủ Đô thì có khách sạn Thủ Đô bự lắm nên dân tình ở đây gọi chết tên là chợ Thủ Đô dầu chánh quyền đặt tên mới là chợ Phùng Hưng. Cô còn chia sẻ kỷ niệm: “Rạp Thủ Đô ngày xưa là rạp Eden Chợ Lớn đó con, hồi cô còn trẻ rạp này toàn chiếu phim kinh dị Mỹ, cũng có diễn tuồng cải lương thay vào những ngày không chiếu phim. Sau 1975 thì chiếu hí kịch, cải lương, hát bội… từ từ không còn chiếu nữa”.
Theo google, người chủ rạp hát Thủ Đô tên là Nguyễn Tấn Đức, quê quán thuộc tổng Long Hưng, Trung Quận, Chợ Lớn, xuất thân là nha sĩ du học bên Pháp về. Ông Đức cùng thời với vợ chồng bác sĩ Lương Phán – bác sĩ Nguyễn Thị Lợi và ông Trần văn Khê ,nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ông Đức và bà Lợi là chị em ruột. Ông Đức còn là chủ rạp Tân Việt trên đường Đồng Khánh. Rạp Thủ Đô (Eden Chợ Lớn) có trước rồi xây rạp Tân Việt sau này. Ông Đức còn là chủ chung cư Canberra (cho lính Úc thuê nên gọi là Canberra) và khách sạn Thủ Đô.
Sau năm 1975, mọi thứ thay đổi, kể cả quyền sử dụng tài sản của ông Đức. Và Rạp Thủ Đô ngày nay đã trở thành Nhà hát Nghệ thuật hát bội. Tuy Rạp Thủ Đô đã xuống cấp quá nhiều, nhưng nó vẫn may mắn hơn hàng trăm Rạp hát từng lừng lẫy khác ở Sài Gòn trước 1975 – giờ chỉ còn là những cái xác khô, có nơi thì thành khách sạn, nhà hàng, quán bar, nơi giữ xe, thậm chí là những tiệm cà phê, ăn uống vỉa hè nhếch nhác ngoài rạp vốn chỉ còn lại tên rạp xưa.
Sau khi ngồi nghe lỏm bà chủ Ba Lù nói chuyện về Rạp Thủ Đô, tôi về tìm kiếm thử quá khứ của rạp này và vô tình đọc được một đoạn khá thú vị, xin mượn để kết phần một về quán “cà phê xào” này: “Có thể nói, đặc điểm nổi bật của xi-nê Sài Gòn thời xưa là có nhiều rạp chiếu ‘thường trực’ (permanente), thường từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Khán giả có thể mua vé vào xem bất cứ lúc nào, xem chán thì ra. Vì thế, có người lợi dụng những rạp máy lạnh để đánh một giấc ngủ trưa. Thật là một công được cả đôi việc. Ngủ chán, thức dậy xem tiếp! Tuy vậy, chiếu thường trực cũng có điều bất tiện nếu bạn vào rạp giữa lúc phim đang chiếu đoạn cuối. Đối với loại phim trinh thám, nếu không vào rạp từ đầu phim sẽ mất đi sự hồi hộp nếu biết trước đoạn kết. Cũng có trường hợp vai chính lúc bạn vào xem khúc cuối có thể bị cụt chân nhưng lại hoàn toàn không biết rõ ‘lai lịch’ tại sao chân lại bị cụt. Chẳng khác nào chỉ thấy ngày 30-4-1975 thiên hạ chạy giặc, di tản chiến thuật một cách rầm rộ mà không biết xưa kia người Sài Gòn sống, làm việc và ăn chơi ra sao! Tất cả chỉ vì không vào đúng lúc bắt đầu phim.” – Từ vietstamp.net
DU
Bà Tám ở Sài Gòn