Tháng Sáu. Sen vào mùa. Tôi lại sắp được thưởng trà sen từ anh Hoan, người bạn sống ở Phú Thượng gần Hồ Tây nhưng cũng có cả hồ sen ở khu Ao Cá phía Nam, Hà thành. Sen ướp xổi và tách nhẹ những cánh hoa đến đài và nhị hoa vàng, trà khô cho vào bông rồi vuốt cánh hoa khép lại. Lạt buộc túm ở cuống hoa, vài ngày sau thì có thể nhấm nháp hương sen đậm vị rồi. Nhớ lần mua sen bán dạo của gánh hàng rong ở đầu đê Yên Phụ, chị bán xe hoa rong đang rất mực niềm nở thì một bà đi chợ sàng ngang, nhắc khéo tôi, “hết mùa sen rồi!” Về thì mới biết đã bị mua lầm sen thành quỳ. Cái bó quỳ ấy cứ gật gù trong bình suốt cả tuần, tự ái chẳng thèm nở. Về sau, cứ chắc ăn là tôi mua sen ở chợ hoa Quảng An. Có lúc thì ghé chợ Xuân La buổi sớm rinh bó búp sen về kết tủa cảm xúc tha hương!
Trong nhiều ngôi nhà xưa theo nếp cũ ở Hà Nội vẫn có những bình hoa sen gỗ thếp vàng. Sen là cái nét còn lưu giữ ở đất này chừng nào mà Hà Nội vẫn còn nhiều những ao hồ.

phi-lo-doi-thuong9

Không thuộc tuýp có xu hướng ngủ Hè, 5 giờ sáng đã phăm phăm tay ga đến chợ Quảng An chụp cảnh chợ hoa chồm hổm. Tránh được lớp cá mòi còi xe, “mát giời” thì chợ hoa…đã vãn. May  còn vài sạp hoa vẫn tươi rói những búp sen mập mạp. Giấc đêm bắt đầu từ lúc 12 giờ tới 3-4 giờ sáng là giấc dành cho người mua buôn, sau đấy là người mua thường. Cái giờ của những làng hoa bên Gia Lâm, Tây Tựu, Mê Linh, Nhật Tân tụ tập về đây giao cho các tiểu thương chợ đầu mối. Và từ những tiểu thương bán hoa ở chợ này, từng chiếc xe tải nhỏ lại được giao hoa khắp các tiệm hoa lớn nhỏ quanh vùng. Sen được bán theo bó chỉ có bông hay là bó có cả đài sen.

Đã là sen thì chẳng đáng để bù đắp cho mọi mùi hôi thối lẩn khuất của ao đầm. Mùa của chị em Hà thành xúng xính yếm đào chụp ảnh sen ao hồ.

phi-lo-doi-thuong8

Có chút Hà Nội trong tâm hồn thì khó thể không yêu sen. Mốt chơi sen mini thì vẫn chưa thoái trào, nên sen vẫn cứ từ ao đầm mà an nhiên trong các bình gốm, bát, ảng nước làm cây cảnh. Người thì chơi hoa, nấu chè, hàng rong thì gói bánh cốm lá sen… Trong ảnh là một trai Hà thành cưỡi con “Lờ X” (LX) mua sen về ướp trà.

phi-lo-doi-thuong7

Ở cái xứ sở mà vị mặn mồ hôi cứ vô tư vô mắt rồi rớt xuống bờ môi, vậy mà vẫn hiếm dân local đội nón hay đeo kiếng mát. Mấy cái mũ rộng vành tôi hay điệu đà ở Mỹ thì có vẻ lạc điệu ở đây, cả những chiếc nón lá duyên thầm Việt thì ngày càng hiếm xuất hiện trên đầu mấy tây du lịch. Tôi giờ quên mất cái tính chất gốc của váy đầm, cứ quần lửng áo phông mà nhẹ nhàng cho qua cái mùa bị nhểu đầu nước đái ve.

Hình tác giả ở một hàng bán nón mũ ở Lò Sũ. Cái mũ xộc xệch giá 200 ngàn mà được chào bán là hàng VNXK (Việt Nam Xuất Khẩu) thứ thiệt. Xu hướng hàng nhái vẫn phổ biến với thời trang Việt từ Nike, Adidas, Puma, True Religion, Supreme… chỉ cần thêm phong cách Hàn xẻng là hút hàng.

Sản phẩm của mấy cái dòng hàng nhái này, dễ làm tôi liên tưởng đến YOLO đang là cái từ  “sành điệu” – You only live once: that’s the motto nigga, YOLO! (Bạn chỉ sống có một lần thôi)

phi-lo-doi-thuong6

Selfie và chụp ảnh mẫu. Phụ nữ, từ tuổi ô mai đến tuổi sồn. Thời của “nhanh-đẹp-lướt” – một sự chuyển dịch văn hóa “cultural shift” lớn nhất có tính phổ quát trong thời đại mà chủ nghĩa ái mộ bản thân lên ngôi. Thị trường máy ảnh dẫu đang giảm nhường cho nhiếp ảnh di động bởi những tín đồ smartphone, nhưng vẫn không thiếu những ekip phó nháy DSLR chụp ảnh dạo khắp chốn Hà thành. Phố cây Phan Đình Phùng, vườn hoa Con Cóc, khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc… Nếu yêu ảnh “nhuốm màu thời gian” thì đến đường ray xe hỏa cầu Long Biên, mùa nào hoa nấy thì đừng lỡ hẹn với Thung lũng hoa Hồ Tây. Tôi thấy Facebook và Instagram sẽ còn sống khỏe ở Việt Nam dài dài. Selfie luôn là chân lý!

phi-lo-doi-thuong5

Sách cũ “80 ngày vòng quanh thế giới”. Cuốn sách cũ đã tróc bìa nằm chung trong lô sách cũ bán theo ký ở một chợ phiên sách cũ. Tôi chẳng còn hào hứng đọc sách cũ giấy đã ố màu và các tên riêng được Latin hóa hoàn toàn theo âm vị của tiếng Việt như Ốt-xờ-tờ-rây-li-a!

phi-lo-doi-thuong3

Chuyện bà bán xôi vừa lướt iPhone vừa bán xôi, đến các chị bán rau, anh chở xe thồ bán cam hay cả những nhóc đánh giầy vỉa hè cũng có thể thả tim trên Facebook. Những cụ già thì vô tư mở điện thoại mà nghe BBC tin tức đủ mọi chiều hỗn loạn, từ tình tay ba giới showbiz đến chuyện Trịnh Xuân Thanh thành củi nhóm lò.

Lão thị là chuyện của cái kính lão. Còn bác gái Hà Nội đây thì mắt vẫn phải hấp háy để mà còn biết xài xì-mát-fôn!

phi-lo-doi-thuong4

Cũng vẫn là chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc. Hội chơi chim tụ tập hàng tuần ở phía đầu con đường Cổ Ngư, chếch lên phía trên là một địa chỉ của mấy em bánh bèo hay sống ảo selfie. Cứ thứ Bảy thì chào mào, Chủ Nhật thì chích chòe hay vành khuyên, họa mi gì gì đó. Bên này bãi đất là quán cà phê mà ông chủ quán cũng là một dân chơi chim, nên mới xuất hiện một cái dàn treo ở ngay không gian công cộng chỉ mấy anh em trong hội nuôi chim Hà Nội cứ cuối tuần lại xách lồng chim cưng đến giao lưu, tắm nắng và học hót. Không chỉ ở ven hồ Tây mà ở ngay hồ Ha Le cũng có một chốn mà hội chơi chim tụ tập.

Một lão ông “tám” với tôi rằng ông rất thích chơi chim cũng vì “ông con rể, từ lúc biết chăm chim hơn chăm vợ thì đã bớt hẳn những món lô đề, cắm xe, cá độ đá banh”.

phi-lo-doi-thuong2

Chó xù Bắc Hà trong hội dân nuôi chó ở vườn hoa Quảng An, gần khu tắm ao Hồ Tây của dân Hà Nội. Đây là một giống chó thuần chuẩn Việt với cái nick “sói lửa Bắc Hà”, dường như vừa được khai sinh và phổ biến trong giới nuôi chó ở Hà Nội. Việt Nam chỉ có ba giống chó bản địa là chó Lài, Mông cộc và chó Phú Quốc, giờ được biết thêm là có cả chó xù Bắc Hà của vùng “cao nguyên trắng” Lào Cai. Với các thiếu gia Hà Nội thì chó cảnh đã lỗi mốt mà giờ phải là dòng chó lớn, chó vệ sĩ như bầy linh ngao của Chu Cửu Chân “cẩu xực” trọng thương Vô Kỵ trong Kim Dung kiếm hiệp vậy.

phi-lo-doi-thuong1

Khu chợ Đồng Xuân xưa kia từng nổi tiếng với băng giang hồ “Khánh trắng”. Căn gác nhỏ tối như cái hũ nút. Một đại ca xăm mình rồng phượng đã phủi tay gác kiếm ẩn mình. Giang hồ cộm cán, chỉ còn là những vết xăm của quá khứ…

phi-lo-doi-thuong