Cách đây vài năm, tại một tiệm phở quen, tôi thường gặp một ca sĩ khá nổi tiếng thường đưa bà mẹ già của cô đến đây dùng bữa. Tôi đã nhìn thấy cảnh cô mở cửa xe, dìu mẹ đi từng bước chậm chạp, đỡ cánh cửa cho mẹ, kéo ghế ngồi cho mẹ. Nhìn cách cô chăm sóc bà cụ một cách chu đáo trong lúc ăn, tôi bỗng nhớ đến bà mẹ tôi đã qua đời, và tôi ước ao phải chi tôi cũng còn mẹ. Nhưng phải hổ thẹn để nói thêm rằng, nếu còn mẹ, tôi có chịu khó dắt mẹ tôi, một khi đã đi đứng khó khăn, run rẩy ra ngoài, vào tiệm ăn như cô ca sĩ kia đã làm không, hay chọn cách để bà ở nhà và mang về cho bà một món ăn “to go” cũng gọi là đã quá hiếu thảo. Tôi biết bà mẹ già kia hẳn lấy làm vui được cô con gái đưa đi ra ngoài, nhìn cảnh phố xá và sinh hoạt như một người trẻ tuổi, khoẻ mạnh. Tôi chưa gặp lần nào cô đi với bạn trai hay bạn gái đến tiệm ăn này mà lúc nào cũng gặp cô đi với bà mẹ già. Mấy ai đã làm được điều đó. Chúng ta thường thấy trong các tiệm ăn, cha mẹ dắt bế con nhỏ theo, có ghế cao dành cho trẻ, choàng khăn vào cổ cho con, đút cho con từng muỗng cơm hay phở, chịu cảnh đổ tháo vương vãi mà vẫn vui vẻ, nhưng ai đã chịu săn sóc cha mẹ già trong tình huống như thế.

Con người có hai giai đoạn yếu đuối nhất là lúc trẻ thơ và lúc đến tuổi già. Tuổi thơ không có kinh nghiệm sống và sống theo bản năng, chưa có trí tuệ, không biết hồi tưởng. Tuổi già có kỷ niệm, có cuộc đời đã trải, thiếu thốn biết đau khổ vì có sự so sánh và cũng yếu đuối, đôi khi trở thành ngờ nghệch như đứa trẻ: “người già bằng ba con nít” và cũng thật thà: “ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con nít.” Cả hai đều đáng cho xã hội lo âu chăm sóc, vì vậy mà chúng ta có nhà giữ trẻ, hay viện dưỡng lão. Trên xe bus, xe lửa có chỗ cho người già, các tiệm buôn giảm giá cho các vị cao niên. Cổ nhân có câu: “kính lão đắc thọ” vì tuổi già là nơi chúng ta sẽ đến, không ai tránh được, đạo lý ấy rất đáng được cho chúng ta lưu tâm. Ông Mạnh Tử thì lại có câu: “Người tóc bạc không phải đội nặng ở ngoài” (Ban bạch giả bất phụ đái ư đạo lộ hĩ).

Một đứa trẻ đói, lạnh hay gặp điều bất như ý không cảm thấy khó chịu và khổ tâm bằng người già, nên người già đáng được xã hội quan tâm hơn con trẻ, và tôi thà có một tuổi ấu thơ nhọc nhằn hơn là một tuổi già vất vả, nghèo đói và khổ tâm. Chúng ta đã thấy cảnh những bà cụ già ở Việt Nam vào tuổi 80 còn buôn thúng bán bưng, vất vả ở vệ đường hay khuya sớm mò cua bắt ốc, tội nghiệp và xót xa biết chừng nào. Ðó là hoàn cảnh những người già neo đơn trong một xã hội chưa có điều kiện hay thiếu sót sự quan tâm đối với lớp người già. Ông bà cũng phải cấy cày mửa mật ra mới có cái ăn trong bài hát của nhi đồng miền Bắc: “Cháu lên ba. Cháu vô mẫu giáo. Cô yêu cháu vì cháu không khóc nhè. Không khóc nhè để mẹ trồng cây trái, ba vào nhà máy, ông bà vui cấy cày. Là lá la la.”

Là người, ai cũng được dạy dỗ phải biết thương yêu, dạy dỗ và bảo vệ con cái, tượng trưng là con gà mẹ kiếm mồi nuôi con, xoè đôi cánh để bảo vệ sự tấn công của con diều hâu hay cảnh con chim mẹ tha mồi về tổ mớm cho con, nhưng không có thấy hình ảnh đẹp đẽ nào  để nói đến con cái lo chăm sóc cho cha mẹ đã già cũng yếu đuối không thua gì trẻ thơ. Cổ nhân thường nói “nước mắt chảy xuôi” để diễn tả hoàn cảnh này. Người đời ai cũng thương yêu con, nhưng phải là người có giáo dục, văn hóa lắm mới biết hết lòng, chiều chuộng cha mẹ. Người phương Ðông có đạo hiếu, nhưng người Tây phương không có chương mục nào nói đến chuyện con phải có bổn phận đối với cha mẹ.

Người phương Tây đến tuổi hưu rồi vẫn còn chịu khó đi làm việc cũng như những đứa trẻ mới qua tuổi  mười tám đã muốn ra khỏi gia đình, cả hai đều có tinh thần tự lập, không muốn dựa vào ai. Con cái thì không muốn nhờ cha mẹ, ông bà già thì không muốn nhờ đến con, mà cả hai có muốn nhờ cũng không được. Cha mẹ lo cho con cái đến 18 tuổi là hết bổn phận, cũng như con cái chẳng có bổn phận gì với cha mẹ già. Vứt con dưới 18 tuổi ra đường là ở tù tức khắc, nhưng bỏ cha mẹ ra đường cũng chẳng có tội gì. Gần đây có một gia đình ở Mỹ bị truy tố về tội bỏ bê một bà mẹ già, không được tắm rửa, không được săn sóc cho ăn uống đầy đủ. Nhưng điều này có nghĩa gì đối với vấn đề đạo lý, khi chúng ta biết rằng ở xứ này, bỏ đói một con chó, làm nó gầy trơ xương, ghẻ lở, cũng bị đưa ra toà, đâu cần đến việc đối xử tệ bạc với một bà mẹ già! Việc này chỉ có nghĩa là gia đình ấy lãnh tiền trợ cấp của bà mẹ nhưng không dùng số tiền ấy cho việc ăn uống, sinh sống của bà.

Cách đây vài năm một ông bạn vong niên có gởi cho tôi một bài thơ tiếng Anh, không có tên tác giả. Bài thơ của một bậc cha mẹ nào đó viết cho con, bằng những lời lẽ đơn giản, rất chân tình không có ý trách móc nhưng bàng bạc trong đó dấy lên một nỗi xót xa, buồn phiền không sao giấu được. Bài thơ viết với những lời mộc mạc, rất dễ hiểu, nói về ngày thơ ấu khi con thơ đang còn măng sữa, yếu đuối cha mẹ hết lòng lo cho con, nhưng khi cha mẹ già, trở lại với thân thể và cả trí tuệ của những đứa trẻ, thì con cái thấy đó là một gánh nặng phiền hà cho mình.

Bây giờ các con thường than phiền về việc cha mẹ ăn uống đổ tháo, vụng về nhưng không nhớ thời mình ấu thơ. Bây giờ con cái than phiền cha mẹ lẩm cẩm, nói dai nhưng quên ngày còn nằm trong nôi, chúng đã bắt bà mẹ kể đi kể lại từng đêm và nhiều đêm, lặp đi lặp lại mỗi cái chuyện Tấm Cám hay Cô Bé Choàng Khăn Ðỏ. Bây giờ mỗi lần phải chỉ dẫn cho cha già việc sử dụng máy móc như máy computer, thấy cha chậm hiểu thì đâm ra gắt gỏng, khó chịu mà không nhớ ngày cha ngồi bên chúng cầm tay nắn nót từng chữ thuở ban đầu hay kiên nhẫn sửa cho con những chữ đọc sai. Bây giờ cha mẹ có khó khăn phải nhờ con, ở chung dưới mái nhà của con, thì xem đó là một gánh nặng, khiến cha mẹ tủi thân, mang mặc cảm chịu cảnh “ăn đậu, ở nhờ”, không nhớ ngày nào “nhà của cha mẹ là nhà của con”.

Ngay bên Tàu, ca tụng tấm lòng con đối với cha mẹ, ngoài “hai mươi bốn câu chuyện hiếu” (nhị thập tứ hiếu) còn có nhiều gương hiếu tử như của Mẫn Tử Khiên hay chuyện thầy Tử Lộ đội gạo nuôi cha mẹ, nhưng ngày nay, nhất là qua nửa thế kỷ dưới chế độ Cộng Sản, nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, người ta phải dùng đến biện pháp hành chánh để trừng phạt những đứa con bỏ bê cha mẹ.

Bây giờ ngày lễ Vu Lan, bắt chước người Nhật cài hoa cẩm chướng trong ngày Mother’s Day, mới gần nửa thế kỷ nay, chúng ta có tập tục cài hoa hồng lên áo. Ai còn mẹ thì cài bông hồng đỏ, ai mất mẹ thì mang bông hồng trắng. Nhưng còn mẹ đó, còn được mang bông hồng đỏ thì chúng ta sẽ làm gì cho mẹ vui, để khi mẹ đã qua đời, chúng ta không có điều gì phải hối hận. Hay mới ở chùa đọc nghìn câu kinh trở về nhà, thấy mẹ vụng về ra mở cửa, nói những lời không vừa ý, chúng ta đã có điều phật ý, chau mày.

Bây giờ ngày lễ Vu Lan lại về, nếu ngày lễ này là ngày để cho chúng ta nghĩ đến mẹ, thì cô ca sĩ tôi nói chuyện ở đầu bài hẳn nhớ đến mẹ rất nhiều, nhất là mỗi lần có dịp trở lại tiệm ăn này. Thỉnh thoảng tôi vẫn trở lại đây, nhưng đã lâu tôi không hề gặp cô. Tôi nghĩ là mẹ cô đã qua đời hay đã lúc mê lúc tỉnh trong nhà dưỡng lão.

HP