Tôi không biết ai đã nói cái câu “Người Mỹ là một động vật có bốn … bánh.” Câu nói có vẻ ngộ nghĩnh nhưng xem chừng thì hữu lý lạ thường. Ðời sống người Mỹ hình như gắn chặt với cái xe hơi từ nhỏ trong cái “car-seat”, chết đi trong cái xe tang “funeral car,” và suốt đời thì không rời cái xe ngày nào!

Chẳng nơi đâu xa, ngay trên đất Cali, tiểu bang Vàng (Golden State) này có hai mươi lăm triệu dân thì đã có mười tám triệu cái xe chạy long nhong trên đường phố, trên “free-way” mỗi ngày và trong 24 giờ đồng hồ làm việc, ăn ngủ, nghỉ, di chuyển, liệu những ai có may mắn chỉ ngồi trong xe trước tay lái chỉ có vài giờ đồng hồ. Những người làm nghề lái xe có thể ngồi trên xe suốt ngày và những người có nơi làm việc xa phải lái xe đi về vài ba tiếng là việc thường tình, không có gì phải than trách. Dù ít, dù nhiều thì đời sống của mỗi người Mỹ hình như đã gắn chặt với cái xe hơi.

Bạn mới đến Mỹ có phải là sau khi lo nơi ăn chốn ở xong đã vội nghĩ đến việc học lái xe và kiếm một cái xe, và từ đó cuộc đời bạn gắn bó lấy thói quen “bước một bước lên xe.” Người ta nói di dân đến Mỹ không biết nói tiếng Anh là … câm, thì không biết lái xe hẳn nhiên là … què. Và chiếc xe đã theo con người qua từng giai đoạn thăng tiến của cuộc đời … lưu lạc.

Mới đầu lúc mới định cư, lúc chưa ổn định đời sống thì bạn nghĩ đơn giản rằng cái xe là cái chân, miễn sao có chân đi, xấu tốt gì cũng được. Sau đó vài ba năm thì bạn nghĩ phải kiếm một cái xe kha khá cho khỏi mất công sửa sang, khỏi nằm đường, xe cũ phải vào tiệm sửa xe hoài thì đâu cũng vào đó.

Lúc lên ông, lên bà thì chiếc xe là cái thể diện cho xứng đáng với địa vị, chức tước, sự giàu có và cái “có thể dễ làm ăn” thì bạn lại nghĩ đến cái xe đời mới nhất mang các nhãn hiệu Mercedes, Cadillac, Lexus, Jaguar, BMW hay độc đáo hơn là một chiếc Hummer H2. Ðời người có nhiều bậc thang, chốn xe hơi có nhiều đời, đời nào cũng có người trọng dụng cả.  Xe đời từ 78 trở về trước ngày mất nước, bạn có chê thì đã có những bà con cùng khổ mới tới đây, tôm cá ngoài chợ giá nào cũng có người mua. Cái câu nói nhái theo “Hãy chỉ cho tôi cái xe hơi bạn đi, tôi sẽ biết bạn là người thế nào,” hóa ra mà đúng. Không thế thì các “dealer” xe hơi đã chẳng quảng cáo: “You are what you drive.”

Nhưng bạn làm sao nghĩ ra được có anh chàng ăn mì ly trừ cơm, share phòng hai trăm bạc nhưng tiền trả xe hàng tháng lên đến năm, sáu trăm vì muốn lái một chiếc SUV hạng sang.

Ở Mỹ áo quần chẳng còn là vấn đề nên chẳng có cảnh “chó cắn áo rách” hay “y phục xứng kỳ đức” nhưng chắc ngày nay sẽ có “xa mã  …  xứng kỳ đức”. Nhà ở ít khi ai đến viếng, áo quần thì mùa Hè nhà giàu còn mặc áo thun, đi dép, vậy thì vấn đề còn lại chỉ là cái xe, cái vỏ bên ngoài của con người.

Ở trong cộng đồng người Việt, nếu bạn thấy có vị bác sĩ, luật sư, dược sĩ… nào đi cái xe cỡ Toyota Camry hay cái Honda Accord đời 2000 thì bạn vui lòng bảo cho tôi biết nhé! Còn như tình cảm gắn bó giữa “người và xe” sẽ diễn ra như thế nào?

Buổi sáng tinh mơ ra nổ máy, xe đi làm mà xe nằm một đống thì còn khổ tâm hơn con nhức đầu sổ mũi, vợ cảm cúm ho hen nữa. Sức khỏe bệnh tật của vợ con là chuyện thường còn xe hư là chuyện cấp bách. Bỏ sở hay đến trễ quả còn bao nhiêu chuyện phiền hà rắc rối quan hệ đến cái “pay check,” mà cuộc đời ở đây cái tấm giấy này quyết định tất cả, tôi chẳng nói quá lời đâu. Cho nên nhà dột còn nán được, thiếu quần áo giày dép còn nhịn được, không du hí chẳng sao, nhưng chiếc xe hư thì phải liệu gấp không trễ được một ngày, vì vậy bệnh viện đôi lúc vắng khách chứ tiệm sửa xe hơi không lúc nào ngớt người đem xe đến.

Cái xe quan trọng đến nỗi có người ngoa ngoắt nói rằng: “Người ta có thể cho mượn vợ chứ không ai cho mượn xe,” và người ta lý luận rằng cho mượn xe, lỡ người ta lái đụng phải Mercedes, lại làm gãy hai bàn tay vàng của một ông bác sĩ đỡ đẻ đang ngồi trên đó thì phải bán gia sản ra mà … đền. Ðó là nói đến “người có tóc”, còn kẻ vô sản thì đừng lo chẳng ai nắm “anh trọc đầu,” xin anh em cứ yên trí lớn. Cái xe nó gắn chặt với đời sống Mỹ đến mức độ như vậy, nên nhìn quanh bạn thấy hầu hết mọi sự trên đời đều có dính líu xa gần đến cái xe.

Ra đến đường, bạn thấy đèn xanh, đỏ, “phu lục lộ” đang sửa đường kẻ hai ba lằn “lane” cho xe, đang trải nhựa, mở rộng đường cũng chỉ để phục vụ cho xe hơi. Freeway ngang dọc, hàng năm tốn vài ba tỉ đồng cũng vì cái “động vật có bốn bánh” ấy. Rồi hàng tỉ gallons xăng nhớt. Rồi kỹ nghệ thép sắt, nhựa, cao su, rồi hàng nghìn xưởng sản xuất ra máy, ra vỏ xe, ra bánh, ra đèn. Bạn cứ nghĩ đến cái đám đông phục vụ cho cái xe hơi trên nước Mỹ này cũng đủ lạnh người. Rồi cái xe hơi sinh ra những tai nạn chết người. Người ta ước tính số người  chết trong chiếc xe hơi nhiều hơn số người chết trên giường. Con số 45 nghìn người tử nạn xe hơi mỗi năm không phải là con số nhỏ! Bao nhiêu hãng bảo hiểm sống nhờ cái xe hơi trên nước Mỹ này.

Rồi bao nhiêu ông luật sư, bác sĩ kiếm đồng tiền nhờ cái xe hơi. Rồi bao nhiêu “auto body shop”, bao nhiêu tiệm sửa máy xe, bao nhiêu tiệm bán đồ “parts,” bao nhiêu dealer bán xe cũ, xe mới. Rồi bao nhiêu tiệm bán, sửa “alarm, radio, cassette,” … nhằm thêm tiện nghi cho chính xe hơi. Cái quần thể loài người phục vụ trực tiếp, gián tiếp xa gần cho chiếc xe hơi quả là kể không xiết.

Nói về nghề nghiệp, ngoài các nghề chính thức có “licence” liên quan đến cái xe hơi, cuộc đời còn nảy sinh ra lắm nghề nhờ xe hơi như nghề … vẽ sơn “parking”, nghề lau kính xe 50 cent, nghề …   đụng xe nghề … chạy mối … đụng xe, như các bạn đã thấy: “Hit me, I need money”! Ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Mỹ thì cái “garage” luôn luôn nằm hiên ngang ngay trước mặt nhà, nhưng cũng có điều trái cựa là người ta thường dùng “garage” để làm nhà kho, và chiếc xe trái lại nằm ngang ngửa trong sân, ngoài đường … không ở đâu là vắng bóng cái xe, vật bất ly thân, người bạn chung thủy của mỗi người Mỹ. Nhà đã là nhà của nhà băng thì xe cũng là xe của nhà băng.

Down tiền mua một cái xe đời mới nhất, rồi sau đó è cổ ra trả góp cho nhà băng trong vòng ba bốn năm mới hết nợ xe. Lỡ ra thất nghiệp, mất job thiếu tiền trả thì chỉ mấy hôm sau có nhà băng đến phá cửa nhà để xe ra lôi nó đi …  để bán đấu giá cho người khác. Khổ một nỗi, là khi trả hết nợ xe thì cái xe đã thuộc loại xe đời cũ, chưa thuộc loại cổ lỗ sĩ, thì cũng đã tàng tàng vài chục nghìn miles, trông trước trông sau chẳng hợp thời chút nào, có lẽ lại phải “trade in” vào dealer để kéo một cái xe đời mới khác thôi.

Ðược như vậy mới đích thực là sống theo lối … Mỹ. Người Việt Nam ngày trước nói đến sang giàu là phải dùng đến hình ảnh “nhà lầu, xe hơi.” Nay sang Mỹ thì nhà lầu là hạng tồi, mà xe hơi thì đầy dẫy, bắt buộc chứ không còn là chuyện chọn lựa thích thú lôi thôi gì cả. Nước Mỹ mà không có xe hơi, không có xa lộ thì nước Mỹ chẳng còn là nước Mỹ nữa. Và mỗi người Mỹ mỗi ngày không còn đi trên hai chân nữa mà phải chạy trên bốn bánh. Ở Mỹ, không ra khỏi quy luật, chúng ta cũng đã trở thành các “động vật có bốn bánh” mất rồi.

HP

Orange County, CA.