Viết ở quán cà phê là một cái thú thời thượng chăng hay một đam mê? Nguyễn tôi muốn hỏi các bạn văn thân quen của mình. Như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Đinh Cường, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn… Nhưng hỡi ơi, các anh đã rong chơi sang những miền khác, chỉ còn Nguyễn Đình Toàn thì giờ này đang nằm một chỗ trên căn gác lãng quên, không tiếp xúc với ai. Thôi đành tự nói chuyện với mình và những trang văn trên lưới.

Nhớ lại, Tim Nguyễn cũng có lần ngồi viết ở một quán Starbucks trong Barnes & Noble vùng Hoa Thịnh Ðốn. Lúc bấy giờ mưa phùn bay bay qua đường phố và những mái nhà. Bài thơ Phố Cổ được nghĩ và viết ra ở đây. Ôi, bây giờ đã quá xa. Nguyễn vì lý do tuổi tác và sức khỏe, cộng thêm mối liên hệ đã dần nhạt phai, sẽ không bao giờ còn có dịp đặt chân tới quán sách và quán cà phê ấy nữa. Thôi thì hãy bằng lòng sống với hoài niệm quá khứ qua sách báo.

Ðã lâu lắm rồi, tại Melbourne, thủ phủ cà phê của Australia, người ta tổ chức hẳn các đợt sáng tác tại quán cà phê. Trung tâm thơ ca Australia đã công bố chương trình “Cà phê thơ ca”, nơi các nhà thơ tiêu biểu từ nhiều vùng khác nhau được chọn làm khách trong các quán cà phê tại thành phố trong vòng 6 tháng. Họ được cung cấp trà và cà phê miễn phí để sáng tác. Chương trình đã nhận được 100 đơn xin tham dự của các tác giả trên khắp Australia. Và mặc dù Mr. Tulk là quán cà phê chính được lựa chọn nhưng hiệu quả của sáng kiến này đã lan sang cả các hàng cà phê khác trong và ngoài thành phố.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Nhưng liệu quán cà phê có phải là một nơi quá ồn ào, nhộn nhạo để sáng tác? Liệu các nhà văn có bị phân tâm? Ðó chính là vấn đề chủ yếu. Nhưng nhiều nhà văn thực sự thích những nhân tố gây gián đoạn, kiểu như vai trò của cô gái xinh đẹp đối với Hemingway. Beauvoir cũng thường xuyên thoải mái, vui vẻ với các cô gái điếm tại quán Cafe de Flore.

Quán cà phê Mr. Tulk Melbourne – nguồn weekendNote  

Viết ở quán cà phê là một tiểu xảo ít tốn kém, Julia Cameron, tác giả cuốn The Right to Write, nói: “Với tôi, tiểu xảo ở đây chính là tìm được một nơi nào đó vừa đủ không khí bận rộn để viết vừa đủ thái độ tôn trọng lẫn nhau để mình vẫn có thể làm việc”. Nghĩa là nhà văn cảm thấy mình là một phần của thế giới bận rộn chứ không bị cô lập.

Bạn còn có thể sử dụng sức hấp dẫn của các quán cà phê để dụ mình ngồi vào bàn viết. Nhà văn Natalie Goldberg, tác giả cuốn Writing Down the Bones, chia sẻ kinh nghiệm. Bà lấy ví dụ, bạn đến một quán cà phê có món bánh chocolate rất ngon. Hôm sau bạn tự nhủ với mình rằng, nếu mình tiếp tục đến đó để viết, mình sẽ được ăn hai cái bánh. Cứ như vậy, nếu viết, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Bất cứ lúc nào nhìn thấy một người trẻ tuổi vào quán cà phê với một cuốn sổ, phổ biến hơn ngày nay là chiếc laptop, tôi đều hy vọng, mình đang được chứng kiến một Helen Garner hoặc Tim Winton tương lai. Tất nhiên là có thể họ chỉ vào đó để cập nhật thông tin trên Facebook. Nhưng ai mà biết được.

Hemingway đã làm được rất nhiều thứ tại quán cà phê ở Place St Michel. Ông không chỉ viết truyện ngắn mà còn viết cả một đoạn về việc sáng tác ở quán cà phê trong cuốn tiểu thuyết A Moveable Feast.

Cafe de Flore. Photo: Getty Images

Và ở Caffe Trieste…

Caffe Trieste có một lịch sử. Lịch sử ấy bắt đầu từ đâu, không quan trọng: từ cái anh chàng thanh niên ngư dân nghèo Giovanni Gianni của vùng Trieste ở Ý, mười lăm tuổi đi học hát opera, hay từ gã lau chùi cửa kính ở San Francisco những ngày đầu di cư qua Mỹ… Cái tên lịch sử này toạ lạc ở số 601, trên góc phố Vallejo/Grant, là tiệm cafe espresso & cappuccino đầu tiên mở ở bờ biển phía Tây California năm 1956 (nay vẫn còn hơi ấm hồi tưởng của cái bàn nơi Francis Ford Coppola ngồi nhiều tháng trời đẽo gọt kịch bản The Godfather, cũng là nơi một thời từng trở thành “phòng khách” của Jack Kerouac, Allen Ginsberg và những nhà thơ beatniks bạn bè, nói cách khác, của cả một Beat Generation). Từ khi khai trương cách nay hơn nửa thế kỷ, Caffe Trieste đã nổi tiếng với cách kết hợp từ phong vị nước Ý cổ xưa, đến thơ ca Bohemien, âm nhạc và nghệ thuật. Caffe Trieste đã đi vào nhiều tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ danh tiếng thế giới như Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky… Sau đây là Brodsky và Caffe Trieste:

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Tôi đã trở lại góc phố Vallejo

và Grant như một tiếng dội

với đôi môi giờ đây

thích nụ hôn hơn chữ nghĩa

Ở đây chẳng có gì thay đổi.

Kể cả bàn ghế kể cả thời tiết…

(Joseph Brodsky-Café Trieste: San Francisco, 1980).

Cafe Trieste nguồn indie on the move

Caffe Trieste… Ông chủ Papa Gianni nay không còn nữa. Caffe Trieste đã 65 tuổi. Tất cả những nhà thơ danh tiếng (Tutti poeti -theo cách nói pha tiếng Ý của Papa) ngày xưa thường ngồi đây, trong những đêm đọc thơ, trình diễn nhạc jazz và nhạc cổ điển… Xưa vốn thế và bây giờ e vẫn thế… Ngồi ở đây, trong hơi gió biển từ vịnh San Francisco thổi về mà như nghe những tiếng động của nhịp bước thời gian. Ôi, tiếng đàn thùng… Tim tôi những ước mong một ngày kia được ngồi ở đó và viết bài thơ Caffe Trieste, tiếp nối Brodsky… Cũng là lãng du dưới trời lưu xứ.

TN – Tổng hợp