Lại sắp đến Noel.

Mỗi năm, cứ đến Mùa Giáng Sinh mọi người lại được nghe những âm thanh rộn ràng, vui tươi của những khúc nhạc Giáng Sinh quen thuộc. Một trong những khúc nhạc đó là bản Giáng Sinh Trắng (White Christmas). Nó đã trở thành một trong những ca khúc truyền thống trong Mùa Giáng Sinh hàng năm bên cạnh những ca khúc truyền thống nổi tiếng khác như Silent Night – Holy Night (Ðêm Thánh Vô Cùng), Jingle Bells v.v.

Vâng. Sắp đến Noel. Và Nguyễn cũng như nhiều người khác đang mơ một Noel tuyết trắng. Không phải để có một cuộc tình trên tuyết như trong Dr Zhivago hay Love Story! Mà chỉ vì đẹp, và lãng mạn. Nguyễn thầm nhủ: Không biết cách đây 2020 năm, đêm Chúa sinh ra đời nơi hang Bê Lem ấy, ngoài trời có tuyết rơi không, không ai có cách gì xác nhận được, nhưng chắc tiết trời lạnh lắm. Ðêm Ðông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời Lạnh, nhưng không chắc đã có tuyết rơi. Vậy mà, theo truyền thống của châu Âu, Noel thì phải có tuyết phủ. Có lẽ đó là đặc tính của thời tiết vào mùa Giáng Sinh bên ấy. Nhưng, như có một tác giả (quên tên) nói, Giáng Sinh Trắng không phải là dạng thời tiết hiển nhiên của mùa Ðông Mỹ, mùa Ðông Giáng Sinh Trắng đòi hỏi phải có tuyết rơi nhiều hơn, trắng hơn. Let it snow, man! Hãy để cho tuyết rơi, ông ơi! Không chỉ là mong muốn của đám trẻ em mà còn cả những người lớn – như một hy vọng điềm lành cho năm mới.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Như thế đó. Như một hứng khởi chợt đến, ta nghĩ về Giáng Sinh tuyết trắng trong White Christmas. Tác giả ca khúc này là một đồng hương của nhân vật chính đêm Noel – Ðức Jesus. Ông ta cũng gốc người Do Thái có tên Irving Berlin.

Như mọi người đã biết, ca khúc White Christmas được Bing Crosby lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng là vào ngày 25/12/1941, trên đài phát thanh NBC. Rồi nó được dùng làm nhạc chính của cuốn phim Holiday Inn năm 1942. Cùng đóng với Bing Crosby trong phim là Fred Astaire. Từ đó, “White Christmas” trở thành đĩa đơn bán chạy vượt thời gian, nó đứng đầu bảng tổng sắp trong suốt 11 tuần lễ liền của năm 1942, cuối cùng thì nhạc phẩm này đoạt giải Academy Award cho bài hát hay nhất năm 1942.

Berlin đang đánh đàn năm 1938, Alice Faye, Tyrone Power và Don Ameche – nguồn long island press 

Lời ca nguyên thủy của White Christmas như sau:

“I’m dreaming of a White Christmas

Just like the ones I used to know

Where the treetops glisten

and children listen

 

To hear sleigh bells in the snow

I’m dreaming of a White Christmas

With every Christmas card I write

May your days be merry and bright

And may all your Christmases be white…”

 

(Tạm dịch: Tôi đang mơ về một Giáng Sinh Trắng

Giống như bao mùa Giáng Sinh tôi đã biết

Với những ngọn cây lấp lánh

và những đứa trẻ lắng tai nghe

Nghe những tiếng chuông xe trong tuyết

Và mơ một Giáng Sinh Trắng

như những tấm thiệp Giáng Sinh tôi viết

Chúc các bạn có những ngày vui tươi sáng

Và tất cả những Giáng Sinh của các bạn đều mang màu trắng… )

Trong Thế Chiến II, “White Christmas” càng trở nên nổi tiếng hơn, và bài hát mang thông điệp yêu thương và hòa bình này đã giúp mọi người có thể có một chút lạc quan vào những ngày tháng đen tối nhất của chiến tranh.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

The sun is shining

The grass is green

The orange and palm trees sway…

Bing Crosby và Fred Astaire trong White Christmas – nguồn southern living

Chỉ đơn giản có thế. Nhưng lại là những không gian yên bình rất gần gũi. Này nhé, mặt trời toả sáng rực rỡ – cỏ xanh non và những cây cam cùng những cây cọ màu vàng đong đưa dưới trời… Tất cả trở thành những biểu tượng rất đỗi thân quý, giúp người ta có thể tìm thấy những khoảnh khắc thăng bằng giữa máu lửa, bom đạn của Thế Chiến II.

Chỉ bởi lẽ “I’ve never seen such a day…”

Ðiều đó có thể mãi là một ước mơ.

Ðược biết trong bất cứ cuộc biểu diễn nào cho quân đội trong suốt cuộc chiến tranh, Bing luôn được yêu cầu hát bản “White Christmas”. Và Giáng Sinh Trắng đã làm rơi lệ các chiến binh. Mọi người đều muốn thưởng thức những cảm giác an bình, dù chỉ trong vài khoảnh khắc, tạm quên đi cái ác liệt của chiến tranh trong thực tại. Ðiều này không chỉ đúng ở Mỹ mà cả ở châu Âu, chuyến lưu diễn của Bing Crosby năm 1944 đã chứng minh rất rõ. Ðĩa đơn “Giáng Sinh Trắng” của Bing được bán hơn 30 triệu bản và được ghi nhận là đĩa đơn bán chạy nhất trong lãnh vực âm nhạc suốt hơn 50 năm qua. Kỷ lục này chỉ dừng lại vào năm 1998, khi Elton John dâng tặng Công nương Diana tuyệt phẩm Ngọn Nến Trong Gió – Candle in the Wind.

Một kỷ niệm như vết thương trong tâm hồn chúng ta: Bản White Christmas được phát đi phát lại nhiều lần trong thời điểm Tháng Tư 1975. Tại sao đang giữa mùa Hè mà đài Mỹ lại phát thanh một bản nhạc Giáng Sinh (vô lý) như thế ? Phải chăng đó là ám hiệu gì của người Mỹ ? Cùng với thắc mắc đó, người ta đã thấy những sự di chuyển nhộn nhịp bất thường của người Mỹ trong thành phố. Những chuyến xe buýt chở đầy người Mỹ và nhân viên sở Mỹ đổ xô về phía phi trường Tân Sơn Nhất. Những chiếc máy bay vận tải cơ khổng lồ của Mỹ bay đến rồi bay đi đầy ắp người. Rồi hàng chục những chiếc trực thăng bay vần vũ trên bầu trời Sài Gòn đáp xuống, bay lên đón người ra đi tấp nập. Ðến lúc đó thì họ đã hiểu rằng, người Mỹ đã và đang “Goodbye Vietnam!”. Giấc mơ “Giáng Sinh Trắng” của họ chẳng qua chỉ là giấc mơ hồi hương cho những người Mỹ mà Bing Crosby đã hát.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Buồn ơi là buồn, phải không các bạn của Nguyễn?

TN –  Tổng hợp