Một đêm thu gần lễ hội Halloween, ngồi nhìn những giọt mưa qua khung cửa kính bay bay trên ngọn đèn đường, như thấy bóng Jack-O’-Lantern cầm chiếc lồng đèn quả bí đi lang thang. Rồi lần mò lên net, tình cờ đọc được câu chuyện sau đây, bỗng cảm thấy hơi thở ấm áp của cuộc nhân sinh, bèn ghi lại chia sẻ cùng người.

Lời của một nhà văn do Hiền Trang ghi trên trang văn học của báo trong nước.

Tôi tìm đến ngôi nhà của Kurt Vonnegut vào một chiều thu tháng 10. Số 800 đường North Van Buren, thành phố Iowa, tiểu bang Iowa.

1. Không một biển báo nào cho thấy đây là nơi nhà văn vĩ đại bậc nhất nước Mỹ thế kỷ 20 từng sống và viết tiểu thuyết Slaughterhouse-Five kinh điển (tựa tiếng Việt: Lò sát sinh số 5).

Tôi chỉ gặp một người đàn ông già đang nhặt hạt dẻ trong vườn. Khi biết tôi là một nhà văn tham gia chương trình lưu trú International Writing Program (IWP) của Trường đại học Iowa, ông vui mừng đề nghị tôi giả bộ tạo dáng như được hồn ma Vonnegut nhập và khải thị cho một tác phẩm lớn lao, còn ông sẽ chụp một tấm ảnh cho tôi.

Ở Iowa City, nơi đầu tiên trên nước Mỹ được UNESCO công nhận là thành phố văn chương, với 17 cây bút từng đoạt giải Pulitzer, ta có thể bắt gặp tình yêu văn chương ở bất cứ đâu: không chỉ trong hiệu sách nơi nhiều nhà văn đoạt giải Nobel từng ghé, mà còn trong câu chuyện của một người nhặt hạt dẻ, trên những nắp ống cống vỉa hè khắc thơ ca, trên biển hiệu một quán sushi (quán Soseki, theo tên văn hào Nhật), thậm chí vào thứ năm hằng tuần, một cửa tiệm pizza sẽ trích một phần hóa đơn bữa ăn của bạn cho thư viện thành phố.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

“Không phải cây súng, mà là cây bút” – đây là tựa đề một bài báo nói về hai nhà đồng sáng lập IWP, nhà văn gốc Hoa Nieh Hualing và chồng bà, nhà thơ Paul Engle.

Trong 55 năm qua, IWP đã từng đón chào Orhan Pamuk, Mạc Ngôn, rồi Tàn Tuyết, John Banville, Minae Mizumura, Han Kang, Kim Young Ha… Engle và Nieh đã được đề cử Nobel hòa bình năm 1976 nhờ nỗ lực đưa các nhà văn từ các thể chế chính trị ngồi lại cùng nhau. Tinh thần ấy vẫn còn đến hôm nay, dù Engle đã mất còn Nieh đã ở tuổi 97 với trí nhớ bị bào mòn.

2. Trong 33 nhà văn tới Iowa năm nay, có nhà thơ Palestine sống ở Dải Gaza và nhà văn Israel; có nhà văn từ Trung Quốc đại lục và nhà văn đến từ Ðài Loan; có nhà văn tới từ Venezuela.

Hầu như tất cả đều nói về văn chương một cách rất đời thường. Trong một buổi thảo luận về “Những xung đột khi là một nhà văn hiện đại”, nhà thơ người Ba Lan Krystyna Dabrowska nói về việc khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, cô chợt cảm thấy mọi thứ mình viết đều vô nghĩa, nhưng rồi cô nhận ra những thứ nhỏ bé phi chính trị ấy là cách để người ta chạm tới tự do. “Tôi bị đau răng, tôi đói, tôi cô độc” – đôi khi thơ ca chỉ cần nói ra những điều giản dị như thế.

Ngôi nhà của Kurt Vonnegut nơi ông đã viết cuốn sách Slaughterhouse-Five – nguồn Facebook

3.Trở lại ngôi nhà của Vonnegut, sau khi chụp cho tôi tấm hình lưu niệm, người nhặt hạt dẻ liền bảo tôi nhất định phải tới khu Black’s Gaslight, nơi Vonnegut, Philip Roth, John Cheever từng hay lui tới. Ðó là một nơi yên tĩnh, giấu mình sau những tán lá đỏ mùa thu. Không có bóng dáng ai, chỉ có một con mèo ngồi bên cửa kính.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Có lẽ bạn đã đoán ra, bên cạnh nó là vài số tạp chí văn chương. Trong phút chốc, tôi nghĩ về triết lý trên hành tinh Tralfamadore mà Vonnegut sáng tạo trong Slaughterhouse-Five, rằng “Mọi khoảnh khắc, quá khứ, hiện tại và tương lai đều đã luôn tồn tại, và sẽ luôn tồn tại”.

Cái bóng của văn chương hiện diện trong từng giây phút ở đây, dù chẳng cần có mặt của Vonnegut, hay Roth, hay Cheever, dù chỉ có một con mèo. (Hiền Trang-tin Internet)

Ðọc những lời trên, Nguyễn tôi không khỏi sinh lòng cảm khái. Còn nhớ ngày nào mình đã có thơ:

hành giả. cô đơn

một thời

có gã làm thơ. mắt sâu. bụng đói

ngày ngày. đạp xe đi dạy học. chui

đêm về

nhìn vầng trăng. trên ngọn cây dầu

ăn củ khoai lang. nguội

đọc bài thơ. cố xứ

mà nước mắt rơi

Chẳng khác nào nhà thơ nữ Ba Lan Krystyna Dabrowska nói về việc khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, chợt cảm thấy mọi thứ mình viết đều vô nghĩa, nhưng rồi cô nhận ra những thứ nhỏ bé phi chính trị ấy là cách để người ta chạm tới tự do. “Tôi bị đau răng, tôi đói, tôi cô độc”.

Rồi ước mơ thành phố văn chương Iowa mọc lên ở nhiều nơi, nhất là trên mảnh đất quê hương Việt Nam chúng ta. Ðiều này nhà thơ Bùi Minh Quốc ở trong nước đã từ lâu mơ ước, rằng những anh em từng xa cách nhau như Nguyễn Quang Thiều, Trần Mạnh Hảo, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên… và cả Bùi Minh Quốc sẽ ngồi lại với nhau, tại một nơi nào đó ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc thơ cho nhau nghe mà không hề sợ hãi. Ôi, giấc mơ của thi sĩ đẹp biết bao nhiêu.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

TN – Tổng hợp