Chúng ta đã bước qua tháng chín. Tháng chín nhiều nơi có mưa thưa. Tháng chín cũng là mùa tựu trường. Ngồi buồn chợt nhớ lại những kỷ niệm về tựu trường trong sách vở và trong đời mình. Đây xin mời bạn đọc còn mang chút lòng nostalgia cùng theo dõi.

Tháng Chín, mùa tựu trường. Những từ này bỗng có vang âm kỳ lạ. Từ khoảng tối của ký ức, bỗng hiện lên những khuôn mặt trẻ thơ nơi thôn ổ, cùng mùi rơm rạ và khói bếp, những mái nhà những con đường trong sương sớm hay nắng chiều, bóng mẹ ngồi khâu cho ta tấm áo hay bóng cha đi làm về tiếng chuông xe đạp leng keng. Ấu thời, với sách vở bạn bè, vui buồn sướng khổ, đã về đây cùng ta. Khi nghĩ tới tựu trường, bạn có cảm nhận những điều vừa nói không, hỡi các bạn của tôi đang lưu lãng bên trời này. Cho đi lại từ đầu / Chưa đi vội về sau… (Phạm Duy)

Làm sao đi lại từ đầu, bạn nhỉ. Chuyến tàu khởi hành từ sân ga ngày ấy vẫn cứ nhả khói băng băng về phía trước… Một nhà văn gần đây đã viết trên lưới như thế này: “Tháng Chín, mùa tựu trường của cả nước Mỹ, tôi không còn nhớ đến Thanh Tịnh với đoạn văn vượt không gian và thời gian, mà trong tôi là bùi ngùi những câu thơ của Trần Mộng Tú: Tôi đứng trong sương nhìn chuyến bus / Sáng nay vừa đậu ở bên đường / Những em áo đẹp tay cầm sách / Tóc tung trong gió cùng đến trường…

A, những chiếc buýt màu vàng. Tim tôi đã có dịp nói đến những chiếc xe buýt chở học sinh này trên những trang viết của mình, và mới cách đây mấy hôm đã nhìn thấy lại trên các đường phố của Garland cùng với những khuôn mặt trẻ thơ tươi cười rạng rỡ chen chúc trong xe. Ở những câu thơ trên, Trần Mộng Tú có nói đến những em học sinh “tay cầm sách” và “tóc tung trong gió”. Thật ra đó là lối tả ước lệ, mặc dù nghe rất gợi cảm, rất thơ. “Tóc tung trong gió” thì có thể tuy ai cũng biết trẻ em Mỹ thường đội nón đi học, còn “tay cặp sách” thì không vì các em đều có backpack. Ngay cả cậu bé của Anatole France cách đây dăm bảy chục năm cũng đã đi tới trường với cặp sách trên lưng. Trẻ em Việt Nam ở Sài Gòn ngày nay cũng vậy, không đứa nào còn cắp sách mà chúng “hiện đại” lắm rồi với những cái túi đựng sách vở đeo trên lưng hoặc những cái carrier nhỏ có bánh xe kéo đi trên vỉa hè hay hành lang trường. Còn cắp sách đi học thì chắc chỉ có ở thời cậu bé của Thanh Tịnh và thời nhỏ của Tim Nguyễn này.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Thời đó, Tim đi học – đi bộ chớ không có xe – một tay ôm sách vở, một tay cầm lọ mực. Ngôi trường Tim học có tên là Thế Dạ nằm bên sông Hương. Bên kia sông là ánh mặt trời. Xanh xanh bãi mía nương ngô… Trước mặt trường là cánh đồng. Xế bên kia là biệt thự Mai Trang, nơi có người con gái mắt to khiến sau này bao chàng làm thơ (trong đó có cả Nguyễn này, hihi…). Thời ấy, chưa có chuông điện. Ðể báo giờ vào học, ra chơi hay tan lớp, bác cai trường dùng dùi đánh vào cái trống lớn. Tiếng trống vang tới dòng sông, vang qua cánh đồng và những con đường đất trong xóm. Những năm yên bình ấy, chưa có honda, xế nổ hay xe hơi ồn ào như bây giờ, cho nên tiếng trống trường vang đi rất xa. Mỗi sáng Tim tới trường, chẳng khác nào cậu học trò trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: Xuân đi học coi người hớn hở / Gặp cậu Thu đi ở giữa đường / Hỏi rằng sao đã vội vàng / Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi… Tiếng trống thời thơ dại ấy còn vang vọng cho tới bây giờ.

Với Nguyễn, thời bé dại ấy, ngày tựu trường không được mẹ nắm tay dẫn đi như cậu bé trong văn Thanh Tịnh. Ngày đầu tiên bước vào ngôi trường Thế Dạ ở bên bờ sông Hương, Nguyễn đi cùng với mấy nhóc con ông chú, bà cô. Tuổi nhỏ ngây thơ khờ khạo, chỉ biết học hành, vui chơi. Buổi học đầu tiên rộn ràng, nhưng hãi quá vì gặp ông thầy quá dữ – thầy Bửu Vụ. Thầy cao lớn, mặt đỏ, tiếng nói vang vang, lại thêm cây thước dài cầm trên tay, khiến mấy chú nhóc ngồi dưới mặt mũi xanh lè. Còn nhớ cứ bốn chú nhóc ngồi chung một bàn, mặt bàn hơi xuôi, có chỗ để bút và lọ mực bằng sành, gọi là godet. Mùi giấy vở và mùi mực lẫn mùi vôi và sơn tỏa nhẹ trong lớp. Những đôi môi chúm chím, những cặp mắt mở lớn nhìn thầy. Buổi học đầu tiên êm ả trôi qua. Và rồi năm học bình yên kết thúc. Ðiểm vào những ngày tháng bình lặng ấy là những buổi trưa lội sông sang Cồn Hến trộm bắp, hay những lúc nghịch phá bị thầy bắt quỳ cả lớp, dùng roi mây quất lên lưng khiến có thằng té đái. Với Nguyễn, còn thêm một hình ảnh nữa, đó là đôi mắt như mắt Ðức Mẹ của cô bé lớp bên. Trường Thế Dạ, ôi ngôi trường thân yêu buổi đầu đời, mà nhà văn Trúc Chi yêu quá muốn đặt cho cái tên Trường Ðại Học Thế Dạ. Ôi, nay còn đâu.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Sau Thế Dạ, được lên trung học là một biến cố trọng đại trong đời chú nhóc là tôi. Ngày đầu tiên tựu trường, Nguyễn ôm theo cả chục cuốn tập, kèm thêm mo cơm và lon nước mẹ bới cho. Ði bộ từ Vương phủ, qua Ðập Ðá, đi dưới hàng cây của Tòa Khâm. Lòng hồi hộp, nhưng rộn ràng, vui sướng. Và suốt mấy năm đầu trung học, Nguyễn tôi vẫn cứ chân trần, mùa mưa mang áo tơi lá lội qua Ðập Ðá, đi dưới những vòm mù u, vòm bút bút tới trường. Ðây là những năm bắt đầu làm quen với sách vở, văn chương, khởi đầu từ Truyền Bá, Sách Hồng, qua sách Lá Mạ của Nhà Ngày Nay, rồi tới tiểu thuyết và thơ nổi tiếng đương thời. Nếu nhà văn Anatole France yêu quý cái bóng của ông, chú nhóc qua vườn Luxembourg buổi đầu Thu, thì tôi đây cũng yêu cái bóng của mình dưới hàng cây bút bút ố vàng trên con đường dọc sông Hương, qua khu phố Tây cổ kính.

Tháng chín tựu trường… Năm vừa qua do dịch bệnh Nguyễn không còn thấy bóng dáng những chiếc xe buýt màu vàng chở học sinh đi học như ngày nào. Các cháu của kẻ này cũng ngồi nhà học online. Nói tới việc học online ta không thể bỏ qua cảnh các học sinh Mexico City với những “lớp” học trên đường phố. Ngôi trường mang tên “Little Corner of Hope” (tạm dịch là Góc nhỏ của Hy vọng). Trường nằm ở ngoại ô Mexico City và là dự án giúp những đứa trẻ không có khả năng tiếp cận phương pháp học từ xa qua tivi, theo Hãng tin AFP ngày 5-9-2020. Trường có độ khoảng 70 trẻ em đủ mọi lứa tuổi tham gia. Mỗi sáng, sau khi rửa tay, các em đeo khẩu trang sẽ ngồi vào bàn học được để sẵn phía sau một chiếc xe bán tải cũ đỗ bên đường để học. Lớp học cũng diễn ra trong sân của một cửa hàng bán tạp hóa hay bên trong một xưởng rèn. Trường học do các giáo viên tình nguyện đứng lớp, những nhà hảo tâm quyên tặng trang thiết bị điện tử, chủ một xưởng rèn cho mượn xưởng và một tiệm bánh cho xài “ké” Internet. Những lớp học bên đường phố là một hiện tượng buồn thảm của mùa dịch Corona virus vừa qua.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Bây giờ xin hãy nhìn về đất nước chúng ta. Những ngày đầu tháng 9.2020 niên học mới mở cửa. Mở cửa cùng với những cơn mưa tầm tã trút xuống vai học sinh đi học với khẩu trang và tâm trạng lo âu vì cơn dịch Covid 19.

Nhà văn Tưởng Năng Tiến bạn của Nguyễn trong một bài viết cũng ghi nhận những hình ảnh nhìn vào thắt cả ruột gan: Con đường đến trường cho những đứa bé ở xa đô thị quá là vất vả. Chúng bị ngăn trở bằng nhiều cách nên phải vượt sông, vượt suối, hoặc lội bùn (với đôi chân trần cùng cái bụng trống không) mới đến được những mái tranh trống hốc/trống hoác được gọi là trường học. Ôi, những bàn chân trần của các em giẫm trên gai nhọn, sỏi đá, lội qua bùn lầy nhìn mà đau xót. Lại còn những em phải đu dây qua suối, hay lội băng qua con nước đục ngầu, chảy xiết, với quần áo cặp sách đội trên đầu.

Xin đọc và rơi nước mắt với thơ Khánh Minh:

Em đi học, để đến trường

Em phải bơi qua sông

Tôi nhai cơm như muối xát trong lòng

 

Em đến trường

Áo quần sũng nước dâng mùa lũ

Gói tập vở trong bao nhựa để trên đầu,

Giữ cho khô những con chữ

Em bơi qua mạng sống em,

Để được học thêm một chữ

Rồi em sẽ bơi một đời nước ngược

Để học thêm bao nhiêu nữa nỗi đau?

Ôi. Tháng chín, tựu trường…. Nhìn về quê nhà những ngày này lòng càng chua xót. Cô bé Lộc Hưng với chiếc áo đỏ và túi đựng sách trên lưng e vẫn còn ngồi đó chờ. Chờ gì, chờ đến thiên thu. Bệnh dịch đang hoành hành, đường phố rào kẽm gai, nhà nhà đóng cửa cách ly, các em đâu còn tới trường học hành như thuở nào. Ôi, Sài Gòn, ôi Việt Nam. Tựu trường đó lòng tôi vừa bắt gặp. Chỉ còn gặp nỗi buồn thôi.

TN

*Câu thơ trong bài Tựu Trường của Huy Cận