Ngày tựu trường của các cháu của Nguyễn: Anh Đào, Nguyệt Quỳnh và Nguyệt Cầm. Nhìn các cháu và những bé khác mang backpack bước lên những chiếc buýt màu vàng để tới trường, lòng Nguyễn không khỏi bồi hồi xúc động. Chợt nhớ lại bao mẩu chuyện về ngày tựu trường trong sách vở và trong đời mình. Đây xin mời bạn đọc còn mang chút lòng nostalgia cùng theo dõi.

Thời gian này ở quê nhà, trên các đường phố Sài Gòn và ở các sân trường, phượng đã tàn, chỉ còn lác đác vài bông bay bay dưới cơn mưa và ánh đèn. Mùa bão đã đến và trời nổi gió, thổi về hun hút trên sông, qua những mái nhà, hàng cây… Phượng đã tàn. Và mối tình của chàng thi sĩ học trò về đâu, hoa phượng đỏ trong chiếc giỏ xe về đâu, hả ông Ðỗ Trung Quân?

Vâng. Về đâu, những bông phượng tàn dưới cơn mưa? Trong khi đó, ở bên này bán cầu, thời tiết trái ngược hẳn. Cho dẫu tháng Tám rồi mà vẫn còn nắng chói chang. Và khi hoa hải đào bắt đầu tàn rụng bay theo gió thì những chiếc buýt màu vàng chở học sinh cũng xuất hiện để báo hiệu mùa tựu trường ở nước Mỹ đang bắt đầu.

Mùa tựu trường. Trước mắt, bỗng hiện ra những khuôn mặt trẻ thơ, cùng mùi ổ rơm và khói bếp, những mái nhà những con đường trong sương sớm hay nắng chiều, bóng mẹ ngồi khâu cho ta tấm áo, hay bóng cha đi làm về tiếng chuông xe đạp leng keng. Ấu thời, với sách vở bạn bè, vui buồn sướng khổ, đã về đây cùng ta. Khi nghĩ tới tựu trường, bạn có cảm nhận những điều vừa nói không, hỡi các bạn của tôi dưới trời này.

Nói tới tựu trường, không thể nào không nhắc tới những đoạn văn của Thanh Tịnh, Anatole France và Edmond de Amicis mà chúng ta đã thuộc nằm lòng từ ngày còn nhỏ. Những khúc giáo đầu này không thể nào thiếu được trong hòa tấu khúc mùa tựu trường.

Nào, các bạn của Nguyễn, chúng ta hãy tới với ngày khai trường của Thanh Tịnh: “Hằng năm, cứ vào độ cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên làm sao được buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Tựu trường của Thanh Tịnh là như thế – có lá vàng, có sương Thu và gió lạnh, có con đường làng và bóng mẹ…Bây giờ là ngày khai trường của Anatole France. Nhà thơ Nguyên Nhi sinh thời có kể: Cách đây khá lâu, hồi Phạm Chi Lan còn mạnh khỏe khi hai người chuẩn bị đi Pháp chơi vào lúc trời chớm Thu, một người bạn tên Ðinh Quang Anh Vũ có nhờ Nguyên Nhi chụp cho một tấm ảnh của vườn Luxembourg. Ðể làm gì? Ðể anh bạn sống lại không khí ngày tựu trường trong cuốn Le Livre de Mon Ami của Anatole France. “Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe, et les feulles qui jaunissent dans les arbres qui fissonnent… Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của mùa Thu, những bữa cơm chiều đầu tiên dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười, khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ vai trăng trắng của các pho tượng… Ðiều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ là một bóng hình. Ðó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm.”

Edmond de Amicis trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (bản dịch Hà Mai Anh) cũng có những trang về tựu trường và đi học được Nguyên Nhi nhắc lại trong một bài viết. “An Di ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc lắm. Mẹ con nói phải đấy, cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với dáng điệu quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn.” Và Edmond de Amicis kể rằng cũng vào quãng giờ này, trên khắp thế giới (đây là Châu Âu) tất cả các trẻ em đều đi học. Chúng đi trong nắng sớm hay sương mai, lội trong tuyết hay trong bùn lầy. Chúng có thể đi bộ hay cưỡi ngựa, cưỡi la, đi thành hàng lũ lượt. “Cố lên, tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi, lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là thù địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con hãy phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.”

Bao nhiêu năm qua rồi, những vang và bóng của ngày tựu trường, như vừa kể, vẫn còn trong trí nhớ mù sương của người viết và bằng hữu đồng thời. Tới đây, có bạn sẽ hỏi: đó là ngày khai trường trong sách vở, còn ngày tựu trường của cha nội và các khứa lão khác ra sao, sao không thấy kể? Ấy, ấy… xin đừng vội. Sau đây, Nguyễn sẽ nói tới, chẳng riêng về tựu trường và việc đi học của kẻ này, mà còn về những vị khác nữa.

Xem thêm:   Một thời của sách

Với Nguyễn,  thời bé dại ấy, ngày tựu trường không được mẹ nắm tay dẫn đi như cậu bé trong văn Thanh Tịnh. Hay cũng có mà thuở ấy hãy còn nhỏ nhít, trí nhớ không ghi lại được. Ngày đầu tiên bước vào ngôi trường Thế Dạ ở bên bờ sông Hương, Nguyễn đi cùng với mấy nhóc con ông chú, bà cô. Tuổi nhỏ ngây thơ khờ khạo, chỉ biết học hành, vui chơi. Buổi học đầu tiên rộn ràng, nhưng hãi quá vì gặp ông thầy quá dữ – thầy Bửu Vụ. Thầy cao lớn, mặt đỏ, tiếng nói vang vang, lại thêm cây thước dài cầm trên tay, khiến mấy chú nhóc ngồi dưới mặt mày xanh lè. Còn nhớ cứ bốn chú nhóc ngồi chung một bàn, mặt bàn hơi xuôi, có chỗ để bút và lọ mực bằng sành, gọi là godet. Mùi giấy vở và mùi mực lẫn mùi vôi và sơn tỏa nhẹ trong lớp. Những đôi môi chúm chím, những cặp mắt mở lớn nhìn thầy. Buổi học đầu tiên êm ả trôi qua. Và rồi năm học bình yên kết thúc. Ðiểm vào những ngày tháng bình lặng ấy là những buổi trưa lội sông sang Cồn Hến trộm bắp, hay những lúc nghịch phá bị thầy bắt quỳ cả lớp, dùng roi mây quất lên lưng khiến vài thằng té đái. Với Nguyễn, còn thêm một hình ảnh nữa, đó là đôi mắt như mắt Ðức Mẹ của cô bé lớp bên. Trường Thế Dạ, ôi ngôi trường thân yêu buổi đầu đời, mà nhà văn Trúc Chi yêu quá muốn đặt cho cái tên Trường Ðại Học Thế Dạ.

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Sau Thế Dạ, được lên trung học là một biến cố trọng đại trong đời chú nhóc là tôi. Ngày đầu tiên tựu trường, Nguyễn ôm theo cả chục cuốn tập, kèm thêm mo cơm và lon nước mẹ bới cho. Ði bộ từ Vương phủ, qua Ðập Ðá, đi dưới hàng cây của Tòa Khâm. Lòng hồi hộp, nhưng rộn ràng, vui sướng. Và suốt mấy năm đầu trung học, Nguyễn tôi vẫn cứ chân trần, mùa mưa mang áo tơi lá lội qua Ðập Ðá, đi dưới những vòm mù u, vòm bút bút tới trường. Ðây là những năm bắt đầu làm quen với sách vở, văn chương, khởi đầu từ Truyền Bá, Sách Hồng, qua sách Lá Mạ của Nhà Ngày Nay, rồi tới tiểu thuyết và thơ nổi tiếng đương thời. Nếu nhà văn Anatole France yêu quý cái bóng của ông, chú nhóc qua vườn Luxembourg buổi đầu Thu, thì tôi đây cũng yêu cái bóng của mình dưới hàng cây bút bút ố vàng  trên con đường dọc sông Hương, qua khu phố Tây cổ kính.

Ôi tuổi ấu thơ và ngày tựu trường, đã cười vang vang hay khóc những giọt lệ đầu nơi nao trên đôi vai ngày tháng?

TN