Những ngày này, tình hình chiến sự ở Ukraine vẫn sôi sục, quân Nga -hậu thân của quân đội Sô Viết thời xưa- tiếp tục đánh chiếm các thành phố của Ukraine, dội bom bắn phá các khu dân cư khiến người dân ở đây phải dắt díu bồng bế nhau chạy trốn, bỏ lại nhà cửa cơ ngơi xây dựng cả một đời. Tất cả gợi cho người viết nghĩ tới cuộc chiến ở nhiều nơi khác và ở quê nhà ngày xưa. Để tâm trí bớt căng thẳng, Nguyễn tìm đọc lại những trang báo Phố Văn đã thực hiện cách đây nhiều năm và bắt gặp bài viết có tựa đề như trên, xin ghi lại sau đây.

Sáng nay trời Garland có sương mù. Tình cờ đọc một bài báo có tựa đề You Can Go Home Again, lòng bỗng chùng xuống như bầu trời trên mái nhà. Chúng ta có thể trở về mái nhà xưa ư? Dẫu về với “màu gió ngày lang thang” hay với “ánh trăng chiếu lạnh lùng” như trong ca khúc Come Back To Sorrento lời Việt của Phạm Duy? “You Can Go Home Again” là câu chuyện kể kèm theo hình ảnh. Nhà văn Priit Vesilind của xứ Estonia nói rằng ông từng nghĩ là quá khứ đời ông không thể nào phục hồi lại được. Khi quân đội Sô Viết chiếm đóng Estonia thì ông còn là một đứa bé. Ngôi nhà của gia đình Vesilind ở Tallinn, do ông nội của Priit xây năm 1926, bị Cộng Sản chiếm và cải biến thành 7 căn apartment. Trong dịp về thăm lần đầu khi đã trưởng thành, ông Priit thấy toàn khu gia trang đã suy sụp thê thảm vì bị bỏ phế. Ðiều này ông thuật lại trong một bài báo tựa đề Return to Estonia đăng trên tờ National Geographic số tháng tư 1998.

Xem thêm:   Một thời của sách

Chế độ dân chủ được phục hồi ở quê nhà đã trả lại cho nhà văn ngôi nhà cũ với 14 mẫu đất vốn thuộc về dòng họ Vesilind. Bà Leonora Lukanenok người cư ngụ đứng bên cửa sổ trong một tấm hình nói xưa kia đây là căn phòng tuổi nhỏ của Priit. Cùng với người em trai, Priit đã có kế hoạch trùng tu ngôi nhà. Ông nói, “ngôi gia trang sẽ là nơi tưởng niệm ông nội của tôi, nhất định là phải như vậy.” Quả không ngờ là định mệnh đã mỉm cười với ông Priit Vesilind. Câu chuyện đã khiến người viết bồi hồi. Ðâu rồi căn nhà lộng gió bên bờ sông Thanh Ða ngày cũ? Chúng ta bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng Sản, biết bao người đã phải để lại sau lưng ngôi nhà thân yêu của mình? Những ngôi nhà hương lửa. Biết đến bao giờ chúng ta mới có cái diễm phúc như ông nhà văn xứ Estonia trở về trùng tu cơ nghiệp. Và nhà thơ của tôi ơi, bao giờ mới đặt chân trở lại ngôi nhà ở số 3 Nguyễn Trường Tộ nhìn xuống Hồ Xuân Hương Ðà Lạt bây giờ chỉ còn trong trí tưởng tượng thôi:

Một em bé tị nạn bế em khi đến thị trấn biên giới Zahony, Hungary trên chuyến tàu từ Ukraine. photo Christopher Furlong / Getty Images 

đi qua

đi qua

chiều

trước thềm ngôi nhà ấy

những cánh hồng. khô

của tháng tư. ai vừa đốt

cháy lên

màu nắng. còn đau. ký ức tôi

hay đi qua

khu chung cư trên đồi thông. những bậc đá. và cỏ lau

số 3. nguyễn trường tộ

thấy trên con dốc

ngọn đèn. ai thắp lên trong chiều

bông quỳ. ôi

đã chết

Không. Sẽ không có ngày về cho đến hết đời tôi đời bạn khi Cộng Sản còn ngự trị trên phần số dân tộc chúng ta. Trở lại với hàng triệu người Ukraine phải bỏ nước ra đi để lại cơ ngơi đã đổ mồ hôi xây dựng. Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái trong bài điểm tin sáng ngày 28 tháng Tư vừa qua đã cho biết theo đài CNN thì từng đoàn người Ukraine đã bỏ các thành phố miền nam ra đi, để lại sau lưng nhà cửa, tài sản một đời. Họ ra đi để thoát khỏi bàn tay tàn ác của quân đội Nga. Họ băng qua những cánh đồng, những khu rừng, dòng sông của quê nhà, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ. Trong đêm tối những đoàn người ấy bằng xe hơi, xe đạp, xe cút kít hoặc đi bộ đến các sân ga, bến tàu với ước vọng vượt thoát. Như vậy đó. Nhưng cũng như nhà văn Priit Vesilind của xứ Estonia, biết đâu mệnh số sẽ dành cho họ một cơ hội trở về mái nhà xưa. Vì quân Nga không thể nào chiếm được Ukraine. Còn chúng ta ư, bóng tối còn phủ đầy trên đất nước thân yêu. Biết đến bao giờ…

“Chúng cháu muốn về nhà” đó là mong ước của các em nhỏ trú ẩn trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, Ukraine. Trích đoạn từ các video do Tiểu đoàn Azov phát hành từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 4. Credit…Azov Battalion

TN