Vừa nhận được cuốn ‘Mai Thảo. Bài viết ở trang cuối’ của Trần Hoài Thư gởi biếu. Sách dày 200 trang, in đẹp, do Trần Hoài Thư thực hiện, với dòng chữ ghi ở bìa sau: Ấn hành để tặng bạn đọc yêu thương tạp chí Thư Quán Bản Thảo.

Nhìn bìa sách rồi lần dở những trang trong đọc qua mà lòng bồi hồi. Ôi, Trần Hoài Thư vừa qua cơn stroke, đang cố gắng hồi phục, các ngón tay còn lóng cóng. Vậy mà…

Xin đọc lời thưa ở đầu sách: “Ðây là một tập hợp gồm 32 bài tùy bút của nhà văn Mai Thảo được chúng tôi sưu tập từ tuần báo Khởi Hành đăng ở trang cuối trong ba năm 1969, 1970 và 1971. Với tâm nguyện gìn giữ và bảo tồn những viên ngọc văn chương hiếm hoi quý giá -mặc dù với hoàn cảnh khắc nghiệt hiện tại chúng tôi đã cố gắng đánh máy, trình bày, lựa giấy, in, cắt đóng, làm sao cho cuốn sách trở thành món quà văn nghệ sáng sủa, dễ đọc ở hình thức và giá trị ở nội dung… Sách này không bán, chỉ phổ biến đến thân hữu của tạp chí TQBT như là một phụ ấn bản đặc biệt tháng 5. 2021.”

Ở trên có nói qua hoàn cảnh khắc nghiệt của Trần Hoài Thư khi thực hiện ‘Mai Thảo – Bài viết ở trang cuối’. Cần nói thêm là Trần Hoài Thư ngoài cơn đột quỵ vừa trải qua còn phải chăm lo cho vợ là Nguyễn Ngọc Yến đang ở trong Nursing Home. Và cũng xin mời độc giả đọc bài viết phong phú đầy thân tình của Ngô Thế Vinh tựa đề ‘Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến với con chim chằng nghịch và nỗi nhớ quê’ đăng trên trang blog Phố Văn. Ở đây chỉ xin trích lời của Trần Hoài Thư về quá trình hoàn thành cuốn sách: Trong một eMail mới gửi cho Ngô Thế Vinh, Trần Hoài Thư viết:

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

“Bạn bảo tôi là típ người “ghiền làm việc / workaholic”. Vâng, chính vậy. Nếu không có việc làm chắc tôi buồn mà chết sớm quá. Dù quá bận rộn mà vui. Vui như những trái hỏa châu được bắn lên trong cõi đêm của đời xế bóng. Chỉ trong vòng 2 tuần nào in: “Mai Thảo – Bài viết ở trang cuối.” Nào là chuẩn bị bài vở viết bài cho Thư Quán Bản Thảo số 93 sắp tới. Nào scan, layout, thực hiện toàn bộ tập san Chính Văn… Nào làm thơ, viết văn… không ngưng nghỉ. Thực phẩm nuôi dưỡng tinh thần khiến tôi bận rộn cả ngày. Còn thực phẩm nuôi dưỡng thân xác thì có gì mà cần bận tâm chứ. …

Dĩ nhiên “ghiền làm việc” không phải là làm khi cảm thấy tay chân thừa thãi, nấu nướng cũng là một nghệ thuật, làm ngon cái miệng, sao lại không ham. Lại đi ham đánh máy bằng hai ngón tay 32 bài tùy bút của Mai Thảo, mang khổ nhọc vào thân. Nhất là bị ảnh hưởng nặng nề sau trận stroke.

Ngón tay điều khiển khó khăn, muốn đánh được một chữ đúng thì đôi khi phải sửa đi sửa lại 4, 5 lần. Hay mỗi khi thực hiện một flipbook, phải scan chụp cả cuốn, layout lại, đổi size lại cho đúng kích thước, tìm cách làm giảm sức nặng mỗi trang từ cấp MB, giảm xuống vài trăm kilobytes, kẻo memory không “kham nổi.”

Bạn làm sao hiểu ở trong những con chữ mà tôi đánh máy ấy có sức nam châm kỳ lạ, khi ta đánh máy một bài văn ta ưa thích, chữ không còn là một hình phạt mà là niềm vui nở búp nở hoa! Bởi vì nó tỏa ra cái đẹp, đó là nghệ thuật. dụ khi tôi đánh máy câu sau đây của Mai Thảo trong bài tùy bút Quán Bệnh:

“Ðêm tháng tám bên ngoài bát ngát sao.

Trong những lùm cây xôn xao, gió múa những thuyền đầy.”

Tôi không khỏi ngây ngất cùng với những chữ trong câu “gió múa những thuyền đầy”, Gió mà biết múa sao? Thưa bạn, tại mình không biết đấy thôi. Giờ ông MT đã nói cho chúng ta biết. Cho tôi biết. Chính vì cái muốn biết ấy đã giúp một lão già sắp 8 bó này phải đánh máy miệt mài, không nghỉ, không mệt và bây giờ cũng in miệt mài, không nghỉ một cuốn sách dày 200 trang để tặng đời!

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Ôi, những trang sách để tặng đời. Còn gì quý bằng. Mong đời đón nhận với lòng trân quý. Ở đây xin chỉ điểm qua những bài viết của Mai Thảo in trong sách. Sách như đã nói gồm 32 bài viết của Mai Thảo trên những trang cuối của báo Khởi Hành. Ở mỗi bài viết Mai Thảo ghi lại, kể lại những sự việc, những cảnh đời cùng với bao ý nghĩ chợt như chim bay đến, hát ca… Khởi đầu là bài kể lại ngày đầu tiên Mai Thảo đến miền Nam -đó là một ngày của tháng 7 năm 1954. Ðến trên một chiếc vận tải cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Bài cuối ghi lại niềm hy vọng cuộc sống bình yên trở lại thành phố sau thời gian chiến tranh đổ vỡ đã quá dài. Mai Thảo viết: Ðọc những tờ báo mỗi chiều lấy lên từ mặt sạp, đã thấy những tin chiến sự tám cột lui dần vào ba cột những trang trong. Có phải thế là đài khí tượng thời thế báo tin những ngày đẹp trời sắp tới? Có phải thế là những tiền đồn sắp biến thành nhà vườn ươm. Những rãnh chiến hào sắp là những luống cày? cái nắp lô cốt oan khiên kia sẽ là cái mái ngói đỏ tươi của một ngôi trường tiểu học mới?… Từ bài đầu 1954 đến bài cuối 1971 tính ra là 15 năm trôi qua. Biết bao buồn vui, ước mơ và đổ vỡ, nắng lên rồi nắng tắt mưa rơi, lá xanh rồi vàng úa rụng rơi trong cơn gió dữ. Những ảnh hình và suy tưởng ấy tuôn ra dưới ngòi bút của Mai Thảo. Mà văn Mai Thảo thì như chúng ta đã biết. Như tiếng thơ. Như âm đàn. Mới và đẹp. Do đó mà cần lưu giữ lại. Và Trần Hoài Thư đã làm cho chúng ta. Ðọc những trang viết kể lại của Ngô Thế Vinh  sao nước mắt rưng rưng. Trần Hoài Thư & Nguyễn Ngọc Yến một cuộc đời nhiều ý nghĩa nhưng cũng lắm oan khiên, với một tình yêu đẹp và những cống hiến quý biết nhường nào.

Tác giả Trần Hoài Thư

TN