Tôi yêu Sài Gòn. Ôi sao lời nghe đẹp như một ý thơ. Với Nguyễn tôi, tình yêu Sài Gòn sẽ sống mãi cho tới ngày… Có lẽ tại vì mình đã sống ở đó những năm tháng thanh xuân, và đã ra đi từ đó. Lại nữa, Sài Gòn chính là Việt Nam trong tim Nguyễn.

Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa

Vâng, qua bên này nghe ca khúc Đêm Nhớ Về SàiGòn của Trầm Tử Thiêng lại càng nhớ da diết.

Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa

Ôi, nhớ lại… Những năm tháng ấy, khi từ Huế bước chân tới Sài Gòn sao thấy cái gì cũng đẹp cũng mê. Lòng hớn hở, trí chưa muộn phiền. Và hình như cũng chưa yêu ai, chỉ là tình mơ tình vui lúc người ta hai mươi tuổi và tương lai còn phơi phới. Những ngày ấy ở xóm Nguyễn Ngọc Sương, Phú Nhuận. Ðêm theo Hồ Ðăng Tín đi phòng trà Ðức Quỳnh trên đường Cao Thắng nghe Thanh Thúy hát. Dáng gầy, tay xao dòng tóc tay vời âm thanh*, nức nở trong tiếng mưa đêm. Và dường như bài Ướt Mi của Sơn được viết ra trong hình ảnh ấy? Rồi những đêm ở cà phê Ánh góc chợ Thái Bình, cùng với Tín ngồi kể chuyện cổ tích cho mấy chị em nghe. Ngày ấy, Ánh là chị lớn còn Hồng và các em thì nhỏ xíu. Bây giờ về đâu, còn nhớ không những đêm Sài Gòn đẹp như mơ ấy?

Ðêm Sài Gòn của Nguyễn là như thế -như cổ tích Andersen. Còn ngày thì tưng bừng như hội. Ăn trưa ở quán Anh Vũ đời sinh viên nghèo nên thấy ngon và vui. Uống giải khát thì nước mía Viễn Ðông.

Sau đó vào đọc sách chùa ở Khai Trí và Xuân Thu. Nhiều lần, rất nhiều lần dạo bước trên những con đường rợp lá me xanh và cây dầu cây sao gió thổi bay bay những cánh hoa màu đỏ. Kỷ niệm đẹp và nhớ lâu nhất là trên chuyến xe buýt từ ngã ba Hiền Vương-Hai Bà Trưng về Phú Nhuận. Trên xe luôn có cô gái áo vàng (sau này biết tên là Hiền, Lệ Hiền chăng như tên người rất đẹp vẫn hát cho Nguyễn nghe ở Dallas này). Nhà Hiền ở trong một con hẻm có hồ rau muống, mình theo Hiền bước qua chiếc cầu gỗ nhưng không vào nhà (ai cho mà vào, lỡ chó rượt táp rách quần, hihi…). Sau này Hiền bước lên xe hoa về nhà chồng, mình khóc hu hu (xạo chơi vậy mà). Ðời nghèo mà vui, các bạn hỉ? Thời gian sau khi đã đi dạy ở trường Lê Ngọc Hân Mỹ Tho mới có tiền, cuối tuần đi phòng trà Mỹ Phụng, Tự Do rồi mê vũ nữ. Ôi, vẫn còn nhớ tiếng ai hát vọng ra tới vỉa hè gần bến Bạch Ðằng lẫn trong tiếng kèn saxo. Chiều xóa thành đô / Thế nhân bàng hoàng / giọng hát lời ca / Ôi sao nhịp nhàng / Dừng trên hè phố / Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi, lá rơi bên thềm nhà thềm nhà… (Bài ‘Ðường Chiều’ của Hồng Duyệt)

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Ôi, Sài Gòn của tôi ngày xưa. Còn Sài Gòn của ai nữa… Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cũng đã ghi lại kỷ niệm trên đường Duy Tân và trường Luật. “Cái tên quen thuộc đến nỗi chỉ cần nói Duy Tân là mặc nhiên động đậy đến kỷ niệm thời sinh viên Luật (và Kiến Trúc của ai nữa chăng, dù trường này có cổng ở đường khác nhưng sát hông trường Luật nên kỷ niệm chắc cũng có chút bà con). Một thời sinh viên chúi đầu vào sách vở, cho đến ngày… Bây giờ tôi đang đứng đây, nơi ngày trước là lối cổng nhỏ khiêm cung trầm lắng màu gỗ hai cánh cửa nhỏ, trên là bảng Luật Khoa Ðại Học Ðường, tôi như nghe được hơi lạnh tiếng gió thổi vào lớp học khua buồn những hàng ghế trống buổi chiều xưa, có bao nhiêu bạn bè từ chỗ ngồi ấy ra đi không về nữa? Tôi thấy qua nắng muộn ánh mắt của những cô gái hai mươi, Châu Tỷ, Liêm, Liên, Gấm, Hoa, Xuân…và tôi, nhìn nhau, biết rằng, từ hôm ấy, tin chiến sự là vết mực đen phết trên từng trang sách học.”

Sài Gòn của tôi là như thế đó, đời nghèo nhưng phố xá tưng bừng. Nay hỡi ôi còn đâu bóng ảnh xưa. Thành phố, đường sá thay tên, những cây me cây dầu đã bị đốn gục. Người dân mưu sinh đổ mồ hôi nước mắt, chỉ có bọn cán bộ và đại gia là mập ú giàu sang, xây biệt phủ như vua chúa. Ðã thế gần đây thành phố còn bị phong tỏa vì cơn dịch Cô Vy.

Sài Gòn ngày nay – nguồn Thanh niên

“Chính quyền thành phố và nhiều tỉnh khác vừa ra lệnh “phong thành” theo “chỉ thị 16” một cách nghiêm ngặt – cấm mở hàng quán, họp chợ, cấm bán đồ ăn mang đi, cấm xe ôm (truyền thống lẫn công nghệ), cấm taxi, xe khách… ai ra đường không rõ lý do cần thiết sẽ bị phạt tiền… Ðáng nói là, quyết định này chỉ ra sau hai ngày chính quyền bác bỏ “tin đồn” là Sài Gòn sẽ… phong thành… Một lần nữa Việt Cộng đánh úp người dân. Các chợ đầu mối đóng cửa, hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi như có bão quét qua, người dân giành giật mua tất cả những gì có thể ăn bất chấp giá cả. Ðó là nếu họ may mắn có tiền để mua.” (Du Uyên của Báo Trẻ)

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

“Ðã đúng một tuần, người không gặp người, nhà cửa hàng quán văn phòng đóng im ỉm, phố vắng lặng thưa thớt người đi. Quận cách ly quận. Phường cách ly phường. Sài Gòn vẫn nắng. Sài Gòn vẫn mưa, nhưng Sài Gòn chỉ nghe tiếng còi hụ xe cứu thương, những bộ đồ màu xanh của nhân viên y tế, những trạm kiểm soát, những dây kẽm gai, hình bóng những công an áo xanh áo vàng khẩu trang bịt mặt!…

Sài Gòn tang thương hơn 60 người chết…” Anh bạn Nguyễn Quang Chơn của Nguyễn đã ghi lại như thế.

Nhà văn Trần Tiến Dũng: “Hôm qua, một người mẹ có ba đứa con tuổi học tiểu học, đang tạm trú ở quận Tân Phú, cô điện thoại hỏi tôi rằng; Cháu bán đồ ăn sáng, nay họ không cho bán nữa, ông chồng thì trong cảnh bán thất nghiệp, cháu tính đưa các con về quê ở Long Khánh, không biết đi được không chú? Mà làm cách nào đi được, xe khách không chạy, đi xe máy thì phải có giấy thông hành, xét nghiệm…

Tôi không biết phải trả lời cô ra sao, dù là góp ý có tính an ủi, đúng là tôi cũng thật sự không biết có cách nào.”

Một nhà báo khác viết: Chạy xe tà tà theo đường Trường Sơn vào cư xá Bắc Hải, khu vực nổi tiếng với các quán cafe trải dài qua nhiều con đường, hơn tháng trước lúc nào cũng nhộn nhịp trai thanh gái lịch, nay đóng cửa im lìm như ngủ Ðông trong cơn dịch. Tôi vòng qua quán cafe Hoa Vàng của gia đình ông Phạm Thiên Thư, quán không bóng khách, bàn ghế chồng chất trong nhà. Chỉ thấy ông Phạm Thiên Thư ngồi trầm tư trước cửa, ngó mông lung lên trời, vẻ mặt thất thần như đang chìm đắm vào một giấc mơ nào đó. Nhìn ông thật cô đơn, tôi muốn dừng lại chụp một tấm ảnh để kỷ niệm hay có dịp viết bài nhưng không dám. Ông mà thấy tôi, chắc chắn sẽ gọi vào cho bằng được, bất cứ ai thấy cách của ông mời chắc chắn sẽ không nỡ lòng nào từ chối, thương lắm… Tôi đi ngang qua ông mà tâm trạng như có lỗi, mà thôi hết dịch sẽ đến thăm ông với chút quà thơm thảo, mong ông luôn khỏe.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Trần Tiến Dũng thuật lại một hoàn cảnh đáng thương: Dọn cơm tối, bật tivi xem thời sự tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, tôi nghe chồng thở dài “cả tháng nay bà Tám, ông bà Năm, ông Hai ăn cơm với mắm rồi”. Con cái của các ông bà này, người bán cá viên chiên, người đánh giày đang nằm chèo queo trong phòng trọ không có tiền gửi về. Riêng vào quận Gò Vấp sống thì dân quê mình đông lắm, anh bảo, lâu nhất chắc là ông Bốn năm nay bảy mươi tuổi bán hủ tiếu gõ hai mươi năm nay, còn ông Hai bán vé số, chị Hai gánh chè đậu ván nuôi thằng cu tai nạn nằm nhà ba năm nay không biết tính sao…

Ôi, Sài Gòn của tôi. Nay đã mất hết những nét đẹp và cơn vui rộn rã, lại còn chết chóc đói khổ lầm than. Nên chăng phóng bút viết Phản Chiêu Hồn Ca theo phong cách Nguyễn Du: Thành quách ấy. nhân dân đói khát/ Bụi mù bay dơ bẩn áo xưa / cắn xé thịt xương không lòi nanh vuốt / ai bên hè mặt mũi xanh xao… Một lũ quan tham ngu muội phá nát thành xưa, hành hạ người dân trong cơn đại dịch. Cây xanh trốc gốc, người ngủ lề đường, bà con chết trong cách ly, bó hành héo rũ, bánh mì không còn là thực phẩm đến tay người, chó mèo kêu khóc… Ôi Sài Gòn của tôi!

TN