Gần đây, nghe tin chính quyền thành phố Ðà Lạt ra quyết định đập phá khu Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng để xây khu thương mại cao tầng, lòng Nguyễn bỗng đau thắt và dậy lên niềm phẫn uất.

Về sự kiện này, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã ghi nhận: Ngày 15.3.2019, Ðà Lạt đã chính thức công bố bản ‘Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng’. Bản đồ án ‘khu thương mại phức hợp’ cao tầng thay cho một khu Hòa Bình đầy dấu ấn lịch sử, ký ức đô thị, không những tạo ra sự bất an nơi những cư dân trong khu vực bị chi phối, cư dân quan tâm đến lịch sử văn hóa Ðà Lạt mà còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Vừa qua lại có tin Ðà Lạt ngập lụt khiến lòng người thêm lo âu, buồn nản.  Ðó cũng là do bê-tông hóa quá mức, cộng thêm tầng tầng những nhà kính khắp nơi. Nhìn cảnh đường phố chìm trong nước thấy lòng buồn vô hạn. Còn đâu bóng dáng và dấu chân của tôi và những tình nhân một thời đã đi qua những nơi này. Rồi đây tất cả sẽ không còn dấu vết khi lớp lớp nhà cao tầng mọc lên xóa sạch những hàng thông và cỏ cây bóng núi.

Ðà Lạt bây giờ còn là Ðà Lạt của rác. Ngay chung quanh khu Hòa Bình chứ không đâu xa. Nhìn những tấm hình chụp sau lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và sau Tết Nguyên Ðán vừa rồi mà thấy ớn lạnh. Bản tin trên mạng ghi lại: “Trong 3 ngày nghỉ lễ dài, nhiều du khách lựa chọn Ðà Lạt là nơi để nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với lượng khách đổ về đông đột ngột khiến thành phố ngập trong biển người cùng với đó, sau nghỉ lễ, Ðà Lạt ngập tràn trong rác bởi sự vô ý thức của nhiều người. Anh Tâm Huỳnh một cư dân Ðà Lạt viết “Sao những lúc vui chơi ăn uống như vậy, họ không nghĩ đến môi trường họ đang sống, sẵn sàng xả những thứ rác mà mình không cần thiết xuống mặt đường? Chỉ sau một đêm họ vui chơi, ăn uống, mua sắm thì sáng hôm sau một thành phố yên bình bỗng dưng trở thành một thành phố ngập trong rác. Và những người công nhân môi trường, những người Ðà Lạt là người phải gánh chịu hậu quả này…”

Với Nguyễn và bạn bè từng gắn bó một phần thanh xuân của đời mình trên khu phố Hoà Bình và những con đường quanh Ðà Lạt thì quyết định xây khu thương mại cao tầng của nhà cầm quyền thành phố là những vết roi quất vào ký ức. Bao nhiêu tiếc thương và nhung nhớ. Ôi làm sao quên.

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Mình đến Ðà Lạt lần đầu tiên vào năm 1957. Ði cùng với Phan Thanh Thư. Hai thằng (lúc ấy hãy còn trẻ lắm) đáp xe đò đến Ðà Lạt vào lúc chiều tối. Thuê xe đưa tới một khách sạn nhỏ (không nhớ tên) nằm trên đường Hàm Nghi, gần khu Hòa Bình thì hỡi ơi khách sạn hết chỗ. Hai đứa đang đứng lớ ngớ, bỗng một người đàn ông đứng tuổi đi tới. Mình và Thư mừng quá bèn hỏi thăm kiếm chỗ ở trọ. Người đàn ông –tên là Trại- nói: Cuối năm, khách sạn thường không còn chỗ. Thôi hai cậu về nhà tôi ở tạm, tôi không lấy tiền đâu. Hai thằng mừng quá bèn vội vàng xách túi đi theo bác Trại xuống mấy bậc tầng cấp vô nhà bác. Bác dành cho hai đứa một buồng có chăn gối ấm áp.

Những ngày ấy hai đứa đi dạo chơi khắp Ðà Lạt, nhất là quanh khu Hòa Bình. Nhớ buổi uống cà phê trong Kiosque trên đường tới rạp Ngọc Lan. Cô chủ quán còn rất trẻ. Có thêm một cô bạn nữa đẹp ơi là đẹp, ngồi đan len trong quán. Ra về mình cứ nhớ mãi cho tới bây giờ:

em ngồi đan áo rét

mưa tuôn suối. dạt bờ

hoa ven đồi. nở trắng

như mùa xưa. trong thơ

Lần thứ hai lên Ðà Lạt là đi chấm thi ở trường Trần Hưng Ðạo, mùa Hè năm 1960. Ði bằng xe lửa. Trên chuyến xe gặp chị Phạm Bá Ngọc Hường cùng học Quốc Học ngày xưa. Ngồi trên Wagon Restaurant uống cà phê, nhắc lại bao kỷ niệm với thầy và bạn cũ, vui ơi là vui. Tới Tháp Chàm thì đổi tàu, chị Ngọc Hường về thẳng Huế, mình lên Ðà Lạt chấm thi. Chia tay lòng bùi ngùi. Những ngày chấm thi ở Ðà Lạt trôi qua, buổi chiều rảnh rỗi cùng các bạn Tài, Võ, Nhơn… đi dạo phố. Nhớ cô bán hàng một tiệm bán đồ lưu niệm trên đường Duy Tân gần Khu Hòa Bình. Cô tên là Hương, khá xinh.  Cô tình nguyện ra bến xe tiễn đưa Tim này hôm giã từ Ðà Lạt. Không hiểu tại sao hôm đó mình từ chối, để rồi sau này cứ tiếc mãi.

Xem thêm:   Một thời của sách

Lần thứ ba đi cùng với Dung qua tuần trăng mật. Ði bằng xe lửa để nhìn thấy những cảnh quan diễm lệ và rừng thông bát ngát. Ôi, không thể nào quên được mùi nhựa thông khi xe lửa bắt đầu leo lên những độ cao đi tới thành phố. Ðêm ngụ tại khách sạn Kinh Ðô, ngày đi thăm các thắng cảnh: Hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, Hồ Than Thở… Trong 5 ngày ở Ðà Lạt, hai đứa đi dạo khắp khu Hòa Bình và những con đường chính: Duy Tân, Hàm Nghi, Minh Mạng, Phan Ðình Phùng…  Có thể nói hai vợ chồng đã ăn khắp các quán ăn trong thành phố. Và cố nhiên không thể nào quên cà phê Tùng với khung cảnh trí thức và hương vị cà phê đậm đà. Những ngày tháng thật đẹp chỉ có một lần trong đời.

Ôi, Ðà Lạt. Sẽ không bao giờ còn nhìn thấy những ảnh bóng ngày xưa.

(còn tiếp)

TN