Những năm nào chiến tranh đã quên…* Có thật vậy không? Đành rằng chiến tranh đã lùi xa ngoài bốn mươi lăm năm, nhiều cuộc đời đã đổi khác -hoặc đã héo hắt tàn phai (như Nguyễn và các bạn ta) hoặc mập béo phây phây (như mấy cha nội ở quê nhà)- và lớp người trẻ sinh sau chiến tranh nay đã bước vào đời với những bước chân bất định… Vâng, đành rằng là thế, nhưng rải rác đây đó vẫn còn dấu tích của một thời đã qua, và một khi cơn giông kéo đến trên bầu trời làm bật lên những gốc rễ từ trong lòng đất, thì lòng người bên này và bên kia bờ sóng còn dấy lên những u hoài.

A, những năm nào chiến tranh đã quên… Con mắt đen… Niềm im lặng… Câu thơ của Thanh Tâm Tuyền viết về chiến tranh chứa nhiều tầng ý nghĩa mang nội dung siêu hình. Con mắt kia là cái nhìn lịch sử. Còn niềm im lặng kia có phải là sự lãng quên hay nó là ý thức bị dìm xuống. Ðã quên, hay tưởng rằng đã quên, nhưng mãi mãi sẽ không bao giờ chúng ta quên được cuộc chiến của một thời mà chúng ta đã tham dự. Nó vẫn còn đó, trong tim trong óc mỗi người, trong cái trở mình của đêm hay thức giấc của bình minh đợi chờ cơn bão.

Nhà báo Seth Mydans – nguồn linkedln

Nhà báo Seth Mydans trên tờ The New York Time ngày nào đã viết rằng lớp trẻ ngày nay hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh cách đây hàng chục năm. Nhận định đó không hoàn toàn đúng. Có thể giới trẻ ở trong nước, do bị bưng bít và xuyên tạc, hoặc mải mê theo cuộc sống thực dụng và những bóng ảnh phù hoa, chỉ có một hình ảnh lờ mờ về thời chinh chiến đã qua. Nhưng ở hải ngoại thì khác. Ở đây có cộng đồng và các bậc phụ huynh chăm lo truyền thụ và giáo dục con em, cho nên lớp trẻ lớn lên biết ít nhiều về cuộc chiến đấu dũng cảm của quân dân Miền Nam cùng những đóng góp đáng hãnh diện của cha ông chúng. Ở đây, cần phải ghi nhận công lao của báo chí và văn nghệ trong việc kiến tạo tinh thần của lớp trẻ. Chương trình “Lá Thư Từ Chiến Trường” của Asia là một thí dụ. Chính nhờ tất cả những nguồn ảnh hưởng tốt đẹp vừa nêu trên, những người trẻ như anh Phùng Trọng Kiệt mới hiểu rõ hơn cha anh của mình. Anh Kiệt viết như sau trên DCV Online:

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

“Ba ơi, hàng năm vào ngày này [30 Tháng Tư], con thường nghĩ đến sự hy sinh cao cả của Ba, của các Cậu Chú Bác trong gia đình và của toàn thể các Cô Chú Bác trong quân lực VNCH. Các vị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để bảo vệ tự do cho miền Nam. Sau cuộc chiến, CS đã áp dụng một sự trả thù tàn độc trên thân xác và tinh thần của quý vị trong những nhà tù; và nhiều vị đã phải bỏ mình vì không chịu nổi… Một vài dịp khi Ba hàn huyên với bạn bè anh em, con cũng được nghe một vài câu chuyện về những năm tháng dài đăng đẳng khổ lao, những lần vượt ngục kiểu Steve Mc Queen trong phim ‘The Great Escape’ và những lần trốn hụt và bị bắt lại. Vì Ba thường kể với giọng điệu hài hước chế giễu những tên cai tù nên con không cảm nhận được những đau đớn thể xác và tinh thần mà họ đã dành cho Ba sau những lần đó. Sau này, khi đọc được những chứng từ của những tù nhân, con mới cảm nhận được sự bất khuất của Ba. Ngày 30/04, con cũng nghĩ đến sự hy sinh của Má, của những bà Mẹ, những người vợ đã hy sinh cả cuộc đời để lo cho con, nuôi chồng trong những trại tù khắc nghiệt. Có lần Má đã dẫn anh chị con đi thăm Ba (con không được đi cùng vì còn nhỏ) trong một nhà tù nằm sâu thẳm trong rừng và đã bị lạc trong rừng với hai trẻ nhỏ. Muỗi rừng đã đốt anh chị con đến làm độc. Khi đến được trại tù thì người ta nói Ba không còn trong trại tù, và nói Má cứ yên tâm về lao động sản xuất nuôi con. Má tưởng Ba đã chết và bắt đầu ngã bệnh, năm đó Má chỉ còn 29 kg.

Hình không ảnh Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

Con xin nghiêng mình ghi ơn sự hy sinh cao cả ấy…”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Những năm nào chiến tranh đã quên. Con mắt đen… Không, hãy nhìn vào đôi mắt của hạ sĩ Lê Văn Nào. Nhà báo Seth Mydans ghi: “Ðôi mắt của hạ sĩ Lê Văn Nào bị đục thủng trên bức chân dung bằng sứ trong Nghĩa trang Quân đội của miền Nam bị bỏ hoang. Những con bò lang thang gặm cỏ, nơi mà những mẫu đất với những tấm bia nghiêng ngả, nhiều tấm bị vỡ vụn và bị phá nát, nhiều tấm bị bật tung lên nằm bên cạnh những ngôi mộ trống.”

Bi thảm như thế đó. Và ghê thay cho sự thù hận, tàn ác của kẻ thù. Xin đọc tiếp Steth Mydans để có câu trả lời – dù là hư vô, để cho quên và nhớ:

“Ở trên đỉnh đồi nhìn xuống Nghĩa trang bị bỏ hoang của miền Nam, có một đền thờ đầy cỏ dại. Những cơn mưa hè và rêu phong gần như bào mòn những chữ khắc oai hùng ‘Vị quốc vong thân’. Những chân hương cắm ngổn ngang trên mặt đất. Trên một tấm đá khắc kỷ niệm một người nào đó dùng mực xanh ghi lên vài chữ ‘thành kính’.

Trong những buổi trưa hè oi ả, một thanh niên tên là Nguyễn Minh Quang thích ngồi nghỉ dưới bóng mát của ngôi đền. Anh là người lao động cho những xưởng làm gạch nhỏ. Họ đào những tảng đất vàng chung quanh các ngôi mộ để nung gạch. Anh Quang chỉ mới 24. Anh nói chẳng bao giờ anh để ý đến chuyện lịch sử của ngôi đền mà anh đang trú nắng, hoặc những ngôi mộ chung quanh. Nhưng anh bảo thỉnh thoảng cũng có người đến quỳ trước các tấm bia mộ tỏ lòng thành kính.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Một vài người, có lẽ là những người Việt ở bên kia đại dương trở về thăm viếng, đôi khi trả tiền cho những người thợ làm gạch để gìn giữ những ngôi mộ của một người anh hay một người con. Thực ra, người thanh niên kể cha anh là một thương binh từng là hạ sĩ trong Lực Lượng Ðặc Biệt của miền Nam, mỗi năm cũng ghé vào đền vài lần để cầu nguyện.

‘Bố tôi thích lên đây thắp hương. Tôi chẳng biết để làm gì,’ anh ta nói. ‘Tôi thấy bố tôi đến thắp hương. Ông nói với tôi rằng ông đã từng chiến đấu cùng với người Mỹ. Tôi chẳng bao giờ hỏi bố tôi tại sao’.”

TN