Ông Tô Thùy Yên,

Hôm nay (26 tháng 8. 2019) đánh dấu 100 ngày ông ra đi. Tôi muốn làm người hành giả phương Ðông ngồi bên đường kể lại chuyện về những bài thơ của ông ở nơi này nơi khác, tại quê nhà cũng như ở đây.

Vâng. Chúng ta biết nhau hồi còn rất trẻ khi đăng những bài thơ đầu tiên trên Ðời Mới, Thẩm Mỹ. Ðó là  những năm 53, 54. Chúng ta viết thư cho nhau, bàn luận về văn chương. Ôi, thật ngây thơ và cũng thật đẹp, những năm tháng đầu đời ấy. Rồi tôi vào Sài Gòn, chúng ta gặp nhau. Ở nhà Ðinh Cường, ở tiệm sách, quán cà phê trên phố. Không biết do ai giới thiệu. Ông bắt đầu nổi tiếng trong nhóm Sáng Tạo. Bài thơ Tội Nghiệp ông làm cho một người con gái nào đó khiến tôi nhớ mãi:

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị

Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô

Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão

Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru

Thật tuyệt vời. Rồi Ðãng Tử, rồi Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ, rồi Ngọn Gió Lạ Thường Sẽ Thổi Tới…  Còn nói gì hơn nữa. Thơ đẹp hơn đời sống.

Vẫn đang thời chiến tranh. Tôi vào lính trước ông. Gặp Mai Trung Tĩnh, Ngô Kha, Huy Phương, Chinh Yên ở đó. Ông đi Khóa 17, sau tụi này một khóa. Ra trường, ông về Cần Thơ đáo nhậm đơn vị. Chiến tranh vào hồi khốc liệt. Qua Sông, Anh Hùng Tận, Chiều Trên Phá Tam Giang, Trường Sa Hành. Mãi không quên những câu thơ

Ðò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện

Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa

Con đường đáo nhậm xa như nhớ

Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò

Quán chật xanh lên rừng lính ướt

Mặt bơ phờ dính gió bao la

Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét

Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa

Vang lên những địa danh huyền hoặc

Mỗi địa danh nồng một xót xa

Giặc đánh lớn – mùa mưa đã tới

Mùa mưa như một trận mưa liền

Châu thổ mang mang trời nước sát

Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên

Ai qua sông. Ông, tôi, mọi người dân Miền Nam. Hào hùng và bi tráng. Nhưng rồi chiến tranh chấm dứt trong tức tưởi, nghẹn ngào. Chúng ta gặp nhau trong trại tù Long Giao rừng cao su mịt mịt. Làm sao quên đoàn xe molotova nửa đêm chở tù xuống Tân Cảng. Lúc qua cầu xa lộ tôi còn thấy ánh đèn ở khu Thanh Ða nơi đó có nhà tôi. Nước mắt ơi, đừng rơi. Thế rồi trải qua ba ngày ba đêm con tàu Sông Hương đưa anh em ra Bắc. Khốn nạn, trên tàu phải nín đái nín ỉa. Tàu đỗ bến Hạ Lý Hải Phòng. Anh em được lùa vào một cái hangar của Pháp để lại. Ngủ trên nền đất. Tắm vũng trâu đằm. Vậy mà chuyện trò như pháo Tết. Tôi thấy Hà Thượng Nhân và ông ngồi giữa đám đông thành một vòng tròn. Hà Thượng Nhân mặc bộ bà ba nâu hùng hồn thuyết giảng. Anh em chung quanh ngồi lắng nghe.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Rời Hạ Lý lên xe lửa lúc trời sụp tối. Anh em mỗi người được phát một trái chuối và nắm cơm. Chúng nhét tù vào những toa chở hàng. Kẻ thù nhốt chúng tôi trong toa súc vật / trời khuya bít tiếng kêu (NXT). Ðây là chuyến tàu được ông tả trong bài Tàu Ðêm sau này.

Tàu đi. Lúc đó đêm vừa mỏi

Lúc đó sao trời đã ngủ mê

Tàu rú. Sao ơi hãy thức dậy

Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi

Toa tàu chật cứng những thân tù. Tối om không đèn đuốc. Không cả không khí để thở. Một bạn tù đã chết gục trong toa. Tàu đi qua ruộng đồng đang ngủ, những thôn xóm im lìm. Sáng ra tàu tới ga Yên Bái. Ðoàn tù tả tơi, mệt lả người, một đám chờ qua sông đi Sơn La, số còn lại trong đó có ông, Tô Thùy Yên ơi còn nhớ, và kẻ này được molotova chở đi. Tới Thác Bà thì xuống xe chờ qua phà rồi cuốc bộ tới xã Cẩm Nhân. Thác Bà mênh mông với những thân cây trầm thủy, có cả một nóc nhà thờ nhô lên từ biển nước.

Trại tù ở xã Cẩm Nhân nằm bên một ngọn núi cao, cạnh một con suối. Ở đây có ông, tôi, Huy Phương, Lâm Chương (mà mãi sau này qua Mỹ tôi mới biết). Ở trại Cẩm Nhân này tôi và ông chúng ta có nhiều kỷ niệm với nhau. Xin đọc bài thơ tôi vừa viết khi nhớ lại những ngày ở trại tù dưới chân núi ấy.

Tô Thùy Yên – Tranh sơn dầu Đinh Cường

Sáng nay

nghe tiếng chim

ngoài cửa sổ

nhìn nắng lên

lại nhớ. những năm

nơi lán trại mịt mùng

tiếng con sơn ca

hót. trên ngọn cây

đầu suối

ngày của những hạt bo bo

màu tím

đêm chờ trăng lên

đọc câu thơ. nguyệt xuất kinh sơn điểu*

bụng đói

chim ơi

bao giờ về lại

khu vườn xưa

vương phủ

* Câu thơ Nguyệt xuất kinh sơn điểu là do ông đọc cho tôi nghe khi hai người ngồi hút thuốc trên bãi cỏ cạnh lán nhìn trăng lên đầu núi. Trăng lên khiến con chim núi hoảng sợ. Thơ cổ của Vương Duy bài Ðiểu Minh Giản (Khe chim kêu). Ngoài ra ông còn chép cho tôi bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ của Trương Nhược Hư. Ôi, những ngày đã xa mà tưởng còn đâu đây.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Trại tù Cẩm Nhân nằm ngay dưới chân núi, cạnh  một con suối. Ngọn núi và dòng suối này đã để lại nhiều dấu vết ấn tượng trên thân tù. Mỗi ngày, ông và tôi và bạn tù đều phải leo qua núi để sang bên kia. Mệt bá thở. Nhất là sau cơn mưa, đường dốc trơn. Lên tới đỉnh, tôi và ông và Bình (vốn là Ðại đức Tuyên úy) ngồi lại trên một tảng bàn thạch lớn dưới bóng một cây đại thụ mà trong một bài tản mạn tôi gọi là cây thụ cầm vì một khi gió thổi qua đỉnh ngọn phát ra tiếng nhạc. Thấy tụi này ngồi, một tên vệ binh thét lên: Mấy anh kia đứng dậy đi. Bình nói: Tôi muốn ngồi đây luôn, không về nữa. Tên cán bộ bèn gí súng vào lưng đẩy đi. Bên kia núi ít dốc hơn, nhiều cỏ tranh. Tù đốn cây, phạt cỏ, đào hốc trồng sắn, đánh vồng trồng khoai, bắp. Những hôm khác thì đi đốn giang nứa hoặc đi gánh gạo từ dưới bến phà. Nói chung là những công việc cực nhọc. Buổi chiều về tới trại thân mình ướt đẫm mồ hôi và bụi đất. Thế là nhào xuống suối tắm. Mùa đông nước lạnh buốt, thân tù mặc tới 5, 6 lớp áo mà cũng phải cởi ra hết. Nhúng mình trong nước suối lạnh cắt da đứng lên người bốc khói. Ôi những tháng năm ở trại tù Cẩm Nhân làm sao quên được! Ông và tôi đã sống ở trại này. Và đây cũng là nơi khởi đầu của những bài thơ của ông và bạn bè.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

(xem tiếp kỳ tới)