Ông Tô Thùy Yên

Tôi viết tiếp. Nói là chuyện của ông nhưng cũng là chuyện của tôi và các bạn khác nữa.

Năm 1979. Trung Quốc mở cuộc tấn công vào biên giới phía Bắc nước ta. Lãnh đạo CS Việt Nam bắt buộc phải cho di chuyển các trại tù ở Cẩm Nhân, Yên Bái. Ông, tôi và Huy Phương và anh em được đưa về Bắc Thái. Ở đây gặp Huy Trâm, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Cử… Một thời gian lại có lệnh chuyển trại. Lần này di chuyển ra Miền Trung.

Ðoàn xe dài, tới Ngã Ba Ðồng Lộc thì ngừng lại. Các bạn tù được chia làm hai.

Còn nhớ, một buổi xế chiều năm 1980, xe tù đưa Nguyễn và bạn bè về đến Thành Ðá Xanh (tên do Nguyễn đặt) thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ Tĩnh. Ðây là vùng đất nắng cháy và gió Lào. Gió nóng đến ngây hồn làm cho con nai đực không buồn tìm con nai cái (ý này của Nguyễn Tuân?). Chưa rũ hết bụi đường, tai đã nghe tiếng chày trên cối vang rân, tưởng là tiếng đập lụa lúc Thu về trong thơ Ðỗ Phủ. Hỏi ra mới biết là tiếng chày giã bắp (ngô). Chẳng là trại phát bắp ăn thay cơm hàng ngày, nhiều anh em đã rụng hết răng, nhai khó khăn phải giã nát với tí muối để nuốt cho trôi. Ôi, những ngày ấy biết bao thương khó. Vẫn còn như vết cháy trên da thịt này…

Trại Thanh Chương do người Pháp để lại được xây bằng đá núi. Ngày Nguyễn và bạn bè tới, bên cạnh trại còn một ngọn núi đang phá dở. Tiếng mìn phá núi vang lên trong ngày; những hòn đá bay đi rất xa, đôi khi rơi trên mái trại khiến tù hoảng hốt. Bạn Dực hiện ở San Jose là người tham gia phá núi tích cực. Ở Thanh Chương, lao động hàng ngày gồm trồng chè, hái chè, đốt rừng làm rẫy, ra sông Giăng chở gỗ, chở cát về xây nhà. Sau một ngày lao động vả mồ hôi, tứa máu, buổi chiều anh em ngồi lại bên nhau ở hội trường.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Phải nói ở Thanh Chương anh em thân nhau, không khí thoải mái. Bởi vì anh em đông và đoàn kết nên không còn sợ cán bộ nữa. Người Nguyễn gặp ở Thanh Chương trước hết phải kể Nguyễn Trung Dũng. Ôi Dũng đang bệnh nặng, hiện nằm trên bờ sống chết. Hồi ấy, Dũng lê cái chân què, sáng chiều cầm chổi quét sân trại. Nguyễn Trung Dũng và Hà Thượng Nhân thân thiết nhau như bố con. Trước 1975, mình không hề quen Hà Thượng Nhân, chỉ biết tiếng ông. Phải đợi đến khi vào tù bây giờ mới thật sự gặp được nhau.

Ở Thanh Chương, Nguyễn được bổ sung vào đội thợ xây, ngày ngày đi xây tường, làm nhà. Một buổi chiều Chủ Nhật, Tô Thùy Yên và Xuân Bích đưa Hà Thượng Nhân cùng vài anh em khác sang chơi phòng Nguyễn. Bữa đó, Nguyễn chuẩn bị một nồi trà nóng và ít bưởi bòng do đổi chác linh tinh ở ngoài trại mang về; anh em đã có được những phút giây thư giãn, chuyện trò hào hứng. Dịp này, Nguyễn đọc thơ cho Hà Thượng Nhân nghe, và ông đặc biệt thích bài Thảo Nguyên, đi đâu cũng mang bài thơ theo trong túi. Một buổi trưa, ông xách qua cho Nguyễn một lon gô chè đậu xanh, nói là biếu thi sĩ ăn bồi dưỡng. Làm sao Nguyễn tôi quên được những thâm tình ấy. Ông Hà Thượng Nhân ơi! Còn nhớ một buổi cán bộ bắt bày hàng để kiểm tra đồ đạc của tù. Bọn chúng bắt được bài Thảo Nguyên trong túi áo Hà Thượng Nhân. Cầm bài thơ trong tay, một tên hỏi: “Thảo Nguyên là gì?” Ông Hà trả lời tỉnh bơ: “Thảo Nguyên là thảo nguyên.” Tên cán bộ hỏi tiếp: “Anh làm thơ hả?” Hà Thượng Nhân trả lời: “Vâng, tôi làm thơ. Thi sĩ là nghề của tôi.” Tên cán bộ lại hỏi: “Anh biết thằng Ðỗ Phủ không?”

Xem thêm:   Một thời của sách

Vũ Ðức Nghiêm và Nguyễn là chỗ quen biết cũ hồi làm việc ở Ðà Lạt. Hai anh em cùng ở trên đường Nguyễn Trường Tộ, cư xá của Tòa Ðại Biểu. Vũ Ðức Nghiêm viết nhạc và có tiếng từ hồi đó – bài Gọi Người Yêu Dấu. Ở trại Thanh Chương, lần đầu tiên Nguyễn được Nghiêm hát cho nghe một ca khúc làm trong tù của Thục Vũ. Anh ở đây / bạn bè anh cũng ở đây / áo rách xác xơ vai gầy… Hỡi ôi, Thục Vũ đã chết ở một lán trại mịt mùng nào đó. Những ngày ở trong tù, Vũ Ðức Nghiêm và Nguyễn có nhiều dịp chuyện trò thân thiết với nhau. Nghiêm là người phổ nhạc thơ Nguyễn nhiều nhất. Trong số đó, Ðiệu Hoài Hương XanhGiả Sử, Mai Ta Về là đặc sắc hơn cả. Cũng chính Vũ Ðức Nghiêm, ở trong tù, đã cho Nguyễn mượn cả Old và New Testament. Nhờ đó, Nguyễn tôi đã đi ngược đường về thời Cựu Ước rồi trở lại với những bài giảng trên núi của Chúa Giê Su. Ðặc biệt, bài Psalm 137 đã làm Nguyễn xúc động từ đó gợi hứng để viết CHIỀU BÊN SÔNG GIĂNG: Bên bờ sông Babylon / Ta ngồi ta khóc / Nhớ về Zion / Ta treo cây đàn cầm trên cành liễu / Và hỡi ơi / Kẻ thù đem chúng ta giam cầm nơi đây / Và bắt chúng ta hát khúc hát về Zion / Ôi Zion / Làm sao ta có thể hát một khúc hát về Zion cho kẻ thù nghe ở nơi xứ lạ này…

Bảo Huân

Thời gian này Tô Thùy Yên viết bài Tàu ÐêmMùa Hạn, được anh em chuyền tay nhau đọc. Một đêm tại lán mình, Nguyễn đọc Tàu Ðêm cho anh em nghe:

Xem thêm:   Cái chuông gió

Tàu đi lúc đó, đêm vừa mỏi

Lúc đó, sao trời đã ngủ mê

Tàu rú . Sao ơi, hãy thức dậy

Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi

Thức dậy, những ai còn sống đó

Nhìn ra nhớ lấy phút giây này

Tàu đi như một cơn giông lửa

Cuồn cuộn sao từ ống khói bay…

Bài Mùa Hạn cũng là một bài đặc sắc, mạnh mẽ và khốc liệt

Ở đây, địa ngục chín tầng sâu

Cả giống nòi câm lặng gục đầu

Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt

Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau

 

Bước tới, chân không đè đá sắc

Vai trần chín rạn gánh oan khiên

Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc

Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng

 

Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc

Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!

Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt

Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn…

(đọc tiếp kỳ tới)