Tỉnh dậy vào lúc 3 giờ sáng rồi không ngủ lại được. Ngoài trời, trăng hạ tuần tháng Giêng đã gác non đoài, à không, đã treo trên nóc nhà hàng xóm. Cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ. Kẻ này chợt hỏi bâng quơ: Ờ, chắc tuyết ở Ngũ Ðại Hồ giờ này cũng đang yên giấc, nhưng sóng – ở bờ Ðông và bờ Tây – có ngủ không mà lòng này cứ như thủy triều xô giạt. Và Lara của thiên tình sử đã chết, em có ngủ không mà gió trên đỉnh ngọn Wuthering Heights cứ mãi thở than. Nghĩ ngợi vẩn vơ rồi chợt có ước muốn ngông cuồng: muốn được lái xe vào một giờ khuya khoắt như lúc này, chạy dọc theo bờ biển của Florida hay bờ biển Cali ngang qua vùng San Juan Capracino nơi những bông giấy đỏ và những con chim én cũng đang trong giấc sầu…

Tỉnh dậy vào lúc ba giờ sáng, bật đèn trong phòng study lên, bật còm-pu-tờ rồi tự rót cho mình ly rượu đỏ (may mà chiều hôm qua nhớ vào Tom Thumb mua chai rượu). Thấy hơi đói bụng bèn mở tủ lạnh lấy miếng cheese Camembert còn sót lại đem ra nhắp cùng với vang. Vị béo của cheese quyện cùng cái chát thơm của rượu làm cho trí tuệ chợt sáng lòa lên trong giây lát, không còn mơ mơ trong cơn mộng du nửa thức nửa ngủ. Ô kìa, trên website của ông (hay cô) Mỹ Linh vừa gởi đến có tựa đề quá hay của một bài văn – Xin Thầy Hãy Dạy Con Tôi…- được Abraham Lincoln viết cách đây đã 200 năm. Vốn ngưỡng mộ Abraham và nhớ ra rằng xưa kia mình cũng từng là nhà giáo – đồng hội đồng thuyền giáo gian giáo dở với Nguyễn Thạc, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Minh Diễm (ôi bạn đã ra đi rồi)… do đó mà vội vàng lấy bài văn xuống và hăm hở đọc. Chu cha, bài văn hay ác. Ðọc và thấy rằng Abraham Lincoln quả là một nhân cách vĩ đại đồng thời cũng là một nghệ sĩ của đời sống. Kẻ này tâm đắc nhất ba điều: Thứ nhất, Abraham xin thầy giáo dạy con mình “Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực; bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm…”  Ôi, kẻ này thành tâm mong muốn cuộc đời đúng thật như Abraham Lincoln phác họa – có lẽ nó đã như thế cách đây 200 năm – nhưng những cuộc biển dâu dồn dập trong thời gian qua đã phơi bày ra cho thấy hình như kẻ vô lại thì ngày một nhiều và chúng đang nắm hết quyền hành và của cải trong thiên hạ mà người chính trực lại bị tù đày oan khốc.

nguồn twitter

Ðiều thứ hai mà kẻ này tâm đắc, đó là: “Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn.” Ðiều này thì quá đúng. Riêng với kẻ này, hình như chưa có một con người đích thực nào là kẻ thù của mình – có thể có khá nhiều người ghét vì nói nào ngay ngu tôi đôi lúc hành xử không theo những mẫu mực đã định chuẩn, nghĩa là có hơi cà chớn – nhưng kẻ thù thì chưa thấy mà bằng hữu đệ huynh thì quá nhiều. Có một người đi từ thành Jerusalem đến thành Jericho… Vậy ai là anh em ngươi? (Lc. 10, 26-37)* Xin thưa: Tôi muốn mọi người là anh em tôi, và tôi mở lòng ra… Bởi vì, bắt chước Jaques Prevert, kẻ này muốn gọi tất cả những người gặp trên hè phố là anh em. Và bắt chước cụ Phan Bội Châu, để kêu lên cùng thế giới: Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ / Thiên hạ hà nhân bất thức quân… Thế đấy, và tự thấy lòng mình rất yên ổn.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Ðiều thứ ba tâm đắc từ lá thư của Abraham Lincoln gởi thầy hiệu trưởng: “Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh…” Tuyệt vời. Dường như với kẻ này – và tất nhiên với nhiều bạn khác nữa – sách và thiên nhiên mở ra cho chúng ta những thế giới vô cùng kỳ ảo, và kẻ này xin được an trú ở đó mãi mãi, cho đến ngày… cho đến ngày về ngắm sao trời từ trong lòng đất (như ông Mai Thảo).

TN

*trích theo đề từ bài viết trúng giải nhất năm nào của báo Trẻ – bài Ai Là Anh Em Tôi?