Tháng Ba rồi tháng Tư… Bao nhiêu hình ảnh hiện về trong trí óc anh em. Xin cùng nhau nhớ lại để xót thương và mơ tưởng.

Tháng Ba Gãy Súng

Với nhiều người Việt, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa thì tháng 3 năm 1975 đánh dấu sự bắt đầu một khúc quanh lịch sử, với Ban Mê Thuột rơi vào tay bộ đội cộng sản ngày 10 tháng Ba, sau đó là di t ản từ cao nguyên về Nha Trang, từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn để rồi dẫn đến một ngày cuối tháng Tư đau buồn.

Xin trở lại với Tháng Ba Gãy Súng

Tác phẩm “Tháng Ba gãy súng” được xuất bản năm 1985, sau khi tác giả vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1983.

Cao Xuân Huy nhập ngũ năm 1968, khi vừa tròn 21 tuổi, theo lệnh tổng động viên được ban hành ở miền Nam sau các đợt tấn công của cộng sản vào Tết Mậu Thân.

Ðây là cái nhìn về những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam qua con mắt của một sĩ quan trẻ thuộc một đơn vị được coi là tinh nhuệ nhất của quân đội Cộng Hòa, của cựu trung úy Ðại đội phó Ðại đội 4, Tiểu đoàn 4 Thuỷ quân Lục chiến.

Trong lời mở đầu, tác giả viết: “Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ.”

Câu chuyện được Cao Xuân Huy ghi lại là khoảng thời gian từ 15 tháng Ba, lúc tác giả đang nghỉ phép ở Sài Gòn và tìm cách trở về đơn vị hiện đóng quân ở cây số 23 phía bắc Huế, cho đến ngày 27 tháng Ba, khi ông theo đoàn tù binh gồm những người lính VNCH vừa bị bắt sau một cuộc rút lui vô cùng ngỡ ngàng theo lệnh cấp trên.

25 tháng Ba, 1975 Huế rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Những người lính không được lệnh bảo vệ mà phải rút lui, trong đó có đơn vị của trung úy Cao Xuân Huy đang nằm chờ ở bờ biển để được di tản vào Ðà Nẵng. Ðêm 26 rạng ngày 27 tháng Ba, ông và những người lính còn lại của đơn vị bị bắt làm tù binh.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Ðược dẫn đi dọc Quốc lộ 1 từ Huế về hướng bắc và trên đoạn đường đó nhiều tù binh đã bị bộ đội xử bắn tại chỗ. Cao Xuân Huy thoát chết là nhờ số mệnh, nhờ ông ngoại phù hộ như tác giả đã kêu cầu nhiều lần khi đối diện với tử thần.

Ông đã sống để kể lại những gì mình chứng kiến trong 12 ngày đêm ở tuyến đầu miền Nam Việt Nam qua cách viết chân thực, trong đó rổn rảng những tiếng chửi thề, ngập hơi rượu, tình đồng đội và những cái chết nhẹ tựa lông hồng là điều rất thực về người chiến binh trong đơn vị của ông.

Những kinh hoàng của cuộc triệt thoái – hay rút lui, di tản chiến thuật – được kể lại bằng ngôn ngữ thật nhất. Máu, thịt vương vãi. Ðầu chẻ làm hai. Người chết dưới xích xe tăng, chết giữa thành sắt của những con tàu. Những người lính bất tuân lệnh bị xử bắn ngay tại chỗ. Những người lính Thuỷ quân Lục chiến can trường không muốn để bị địch bắt làm tù binh, trên đường rút lui không còn hy vọng, vì biết đã bị bỏ rơi, nên cứ ba bốn người ôm nhau rồi cho nổ lựu đạn để cùng chết.

Cao Xuân Huy và tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng”

Âm vang từ biển xưa

Biển Xưa của Nguyễn Mộng Giác là một truyện ngắn hay. Anh viết cách đây đã lâu, có lẽ từ ngày gặp người lính Thủy Quân Lục Chiến Cao Xuân Huy. Truyện kể về một cuộc gặp gỡ với người vợ của một sĩ quan tên Tâm cùng đại đội với người xưng tôi. Lúc bấy giờ, những tháng đầu năm 1975, tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang rút khỏi Huế về hướng biển Thuận An.

“Bây giờ tôi không nhớ “chuyện đó” bắt đầu xảy ra ở đâu, lúc nào, nhưng hình như chạy khỏi bãi tắm Thuận An độ một giờ, thì bắt đầu có người tách khỏi đoàn, đến ngồi bệt gần mé nước. Một lúc, thêm một người tách đoàn đến ngồi bên người trước. Rồi người thứ ba, người thứ tư. Họ ngồi quây tròn, lặng lẽ. Một tiếng lựu đạn nổ. Ðoàn người khựng lại một chút, rồi tiếp tục chạy. Một lúc sau, một người khác tách đoàn, đến ngồi bên mé nước. Và vòng người kín dần, thành hình. Lại một tiếng nổ… Tâm đã vỗ vai vĩnh biệt tôi lúc gần đến cửa Tư Hiền, để làm một trong những người đầu tiên lập vòng mới!”

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Thú thật, Nguyễn đọc đoạn này lòng chợt thấy buồn bã lạ thường. Và xót thương vô hạn. Sau cuộc chiến, có biết tới cái chết tuẫn tiết của nhiều chiến sĩ VNCH, trong đó người bạn học cũ của Nguyễn là Trung Tá Nguyễn Ðịnh Chi cầm súng bắn vào đầu ngay trên bàn làm việc. Nhiều cái chết anh hùng và thương tâm, chứng tỏ quân đội ta xứng đáng với sự ngưỡng mộ và tưởng nhớ của mọi người.

Vâng, Nguyễn có biết về những cái chết dũng cảm nhưng là của từng cá nhân, còn tự sát nhiều người một lúc thì chưa nghe thấy mãi tới khi đọc Nếu Ði Hết Biển của Trần Văn Thủy (than ôi, phải đợi tới “một người bên kia” viết ra mới thấy -tôi ơi, ngu ơi là ngu!). Trần Văn Thủy thuật lại ngày 30 tháng Tư 1975, có những người lính Nhảy Dù rủ nhau vào trong một con hẻm rồi nổ lựu đạn chết tập thể!

Ôi, một quân đội có những người con như vậy, thật đáng tự hào biết bao. Tiếc rằng lịch sử đã không dành cho chúng ta một số phận khác! Khoa Hữu ơi, anh nói một câu thật đáng để đời.

Ai ra đi mà quên trời xưa được sao…

Ai ra đi mà quên trời xưa được sao. Xin mượn ca từ bài hát của Trần Ðình Quân (có sửa một chữ) để diễn tả lòng mong ước ngày về. Nhưng với Nguyễn và một số đông bằng hữu thì vấn nạn đã được đặt ra: Có thể nào về lại được không? Cho dù có vài kẻ đã về và ở lại luôn bên ấy. Mà những người trở về này được biết đến nhiều nhất là giới ca sĩ. Có lẽ họ nghĩ rằng là chim thì hót ở đâu cũng được – Ðông hay Ðoài thì cũng rứa rứa xêm xêm. Ðã không biết ấm lạnh thì thôi, mặc kệ họ thôi.

Riêng Nguyễn và bạn bè thì e rằng không thể nào về lại được, khi trên tiền trường sân khấu còn bóng quỷ dữ (xin mạn phép độc giả nhắc lại một câu đã viết cách đây dăm năm -em còn nhớ hay đã cố tình quên đi?). Thân xác không thể trở về nhưng hồn mộng đêm đêm vẫn tìm bếp lửa ngày xưa. Trong tập tạp bút Nắng & Hoa, Cao Huy Thuần có thuật một câu chuyện khá cảm động: Chị bạn của Thuần tên Hà (tên này do Nguyễn đặt ra, vì không nhớ tên nhân vật trong câu chuyện). Chị Hà ở Mỹ, anh của chị ở Pháp, một cô em gái ở Ðức, một cô em nữa ở Ðan Mạch. Hằng năm, họ lấy ngày giỗ cha để họp mặt anh chị em. Chị Hà kể: “Anh em gặp nhau vui quá, nhưng nhìn mười đứa nhỏ chơi với nhau, đứa thì tiếng Mỹ, đứa tiếng Pháp, đứa tiếng Ðức, đứa líu nhíu tiếng Ðan Mạch, chẳng đứa nào nói được tiếng Việt với đứa nào, tôi tự hỏi không biết hương hồn ông nội ông ngoại chúng nó có buồn không. Tứ chiếng giang hồ, đúng là gia đình chúng tôi giang hồ tứ chiếng!” Rồi chị Hà nói tiếp, vẫn giọng nói dễ thương: “Nói gì thì nói, nhưng ví thử tôi chết đi, xuống địa ngục, Diêm Vương hỏi tôi muốn đầu thai thành người gì, tôi sẽ móc túi đút cho nó năm bảy cây để năn nỉ xin làm lại người Việt Nam. Tôi mà đi giữa đường đụng xe, nhắm mắt một cái là hồn bay một mạch về Huế liền.” Gặp nhau ở sân bay sửa soạn về Mỹ, chị Hà ký một tấm check đưa Cao Huy Thuần nhờ chuyển về giúp Huế. Thuần cám ơn và hứa sẽ mua cái gì đó thật xứng đáng với trái tim của chị Hà. Chị nói chính chị phải cám ơn Huế vì nếu không có Huế để chị nghĩ tới thì chị đâu còn biết mình là cái gì.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Riêng Cao Huy Thuần, trong những chuyến về thăm nhà, biết được ga Huế đang cần một cái đồng hồ cho khách đi tàu (bọn cán bộ nay đã giàu sụ, giàu một cách vô liêm sỉ, đâu cần nghĩ tới cái đồng hồ cho một nhà ga quê nhà).

Chị Hà thì nay không còn nữa (chị chết vì ung thư) nhưng trái tim chị đã biến thành cái đồng hồ điểm thời gian trên sân ga Huế.

TN – tổng hợp