Nguyễn này là người yêu hoa hướng dương. Và từng nhiều lần viết về loài hoa này trong các bài tản mạn cũng như thơ. Nguyễn gọi nó là hoa quỳ hay dã quỳ. Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An trong lần đầu gặp nhau ở cà phê Ly Thơ thành phố Atlanta, đưa ra nhận xét: Anh viết về hoa dã quỳ hay quá, văn thơ anh nhiều hoa dã quỳ tới độ phát ớn luôn. Ui chao, lời của nàng khiến Nguyễn này choáng váng, nhưng rồi không cách gì bỏ được tình yêu hoa hướng dương. Cứ cầm bút viết hay gõ phiếm còm-pu-tờ là thấy hiện trước mắt một bông hướng dương rực rỡ. Giờ đây, ngắm nhìn hình ảnh các nàng chiến binh Ukraine khi cầm súng ra trận còn cài trên mái tóc một bông hướng dương vàng rực. Như thế bảo làm sao Nguyễn không mê bông hướng dương cho được.

Nhưng hãy gượm để Nguyễn nói về những bông hướng dương trong văn mình. Trong một bài viết đăng trên blog Phovan ngày nọ, Nguyễn đã có lời tự tình với hướng dương: “Hoa quỳ cũng nhắc ta nhớ đến câu chuyện tình ở tận bên vùng Provence miền Nam nước Pháp. Ở đó, trong một chung cư, có hai người trẻ tuổi yêu nhau rồi chia xa. Khi người con trai lên đường nhập ngũ, chàng hái tặng cô gái đóa quỳ vàng, hẹn rằng khi mùa hoa quỳ nở chàng sẽ trở về. Thế rồi bao mùa hoa quỳ đã qua, chàng trai vẫn không trở về cho đến một hôm người con gái nhận được tin người yêu tử trận. Từ đó, cứ mỗi mùa hoa quỳ nở, cô gái lại hái những bông quỳ vàng rắc đầy lối đi, để tưởng nhớ… Nói tới vùng Provence miền Nam nước Pháp, Nguyễn lại nhớ những bông hoa quỳ trong tranh của Van Gogh. Hình như có tất cả là 12 bông, vàng rực rỡ và đau đớn. Ấy là những năm cuối cùng trong cuộc đời nhà danh họa.

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Này hoa quỳ! Hoa quỳ thân yêu. Mi còn đưa ta trở về với con đường Hàm Nghi ở Ðà Lạt -con đường từ khu Hòa Bình lên chùa Linh Sơn rồi nối liền với đường Võ Tánh nơi có Quán Nhạc nổi tiếng. Ở đó, một thời cũng đã có một mối tình thật đẹp. Hoa quỳ nở suốt dọc đường đã làm chứng cho hai người. Và tiếng hát của những bông hoa quỳ, vừa rực rỡ vừa đau đớn, sẽ còn mãi mãi ngân vang. Cho dù về sau tình tan vỡ thì cũng đã có một thời nơi đây tình đẹp với hoa quỳ. Từ những bông hoa quỳ ở Ðà Lạt, tôi đi. Qua những thành phố, thị trấn, thôn làng. Trong mưa, nắng cháy và dưới trời hoa tuyết bay. Ði để rồi gặp lại. Gặp lại người, gặp lại mình, gặp lại hoa quỳ. Trong một truyện ngắn viết cách đây nhiều năm, lấy khung cảnh những ruộng dã quỳ trên đường từ Oklahoma đi Kansas, cũng do định mệnh, nhân vật chính của tôi đi tìm người yêu xưa đã lạc vào không gian màu vàng của dã quỳ và không về nữa.

A, trí óc của Nguyễn này lại như vượn chuyền cành, nhảy từ nơi này sang nơi khác. Xin bạn đọc hiểu giùm và tha thứ cho. Chỉ còn một thắc mắc cuối cùng xin gởi đến hoa quỳ. Này dã quỳ ơi, tôi đã đi từ ngày xưa những con đường của Ðà Lạt để tới thành phố Garland này, trải qua bao biến dịch có tiếng cười tiếng khóc, cả cái sống và cái chết, để gặp lại hoa quỳ nơi đây. Vậy phải chăng hoa quỳ bây giờ cũng là hoa quỳ ngày xưa, và tôi bây giờ cũng là tôi bao năm trước. Hoa dã quỳ ơi, xin nói giùm tôi!”

Xem thêm:   Cái chuông gió

Thôi cứ mải lan man với dã quỳ, bây giờ xin trở lại với những bông hướng dương của vùng đất Ukraine khói lửa. Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc trong bài đăng trên trang facebook, đã đưa lên hình những bông hướng dương rực rỡ và viết như sau: “Những tấm ảnh này chụp đã khá lâu. Nay mới biết hướng dương là quốc hoa của Ukraine, một trong những biểu hiệu của đất nước và dân tộc này.

Trước những biến cố đang xảy ra hiện nay, tôi là một lão già tám chục, tuổi gần đất xa trời, đang sống ở một đất nước nhỏ bé sát bên nước Nga khổng lồ. Chẳng biết làm gì hơn là vụng về trưng lên tấm ảnh này để chúc lành cho một dân tộc đang bị bạo lực của lân bang ngụy biện giày xéo, áp bức, tàn phá, chẳng khác gì đất nước mà tôi sinh ra đời cũng thường xuyên chịu đựng những áp lực tương tự của một lân bang to lớn ở phương Bắc.

Vì đã trải qua một số  kinh nghiệm, và cũng được chứng kiến ở nhiều nơi khác nữa mà suy nghĩ để có thể giản dị hiểu sự khác biệt rõ rệt trong cuộc sống dưới một chế độ dân chủ tự do với một chế độ độc tài toàn trị, tâm hồn tôi đứng bên các bạn.”

Và sau đây là câu chuyện thật về hoa hướng dương ở Ukraine được các trang mạng ghi lại. Một phụ nữ người Ukraine trong khói lửa của chiến trận gần đây đã tiến tới giáp mặt một người lính Nga, trao cho gã một nắm hạt hoa hướng dương và bảo: Hãy bỏ vào túi để “chúng có thể nảy mầm trên đất Ukraine sau khi tụi mày ngã xuống chết”. Tờ Independent hôm 25-2 cũng đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh tượng này tại thành phố cảng Henichesk của Ukraine khi người phụ nữ trong trang phục áo ấm với mũ trắng đang trao nắm hạt hướng dương cho binh sĩ Nga.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Ðoạn video được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và nhận được sự đồng cảm từ hàng triệu người đang hướng về Ukraine. Người phụ nữ Ukraine sau đó được ca ngợi vì sự dũng cảm, đã bất chấp nguy hiểm đối đầu với những người lính Nga được trang bị vũ khí.

Ôi, xứ sở Ukraine và những bông hướng dương đã gợi lên trong lòng này biết bao cảm xúc. Ðôi mắt của Nguyễn này chợt mờ đi khi nhìn những tấm ảnh chụp những đôi tình nhân người Ukraine chia tay nhau đi vào khói lửa. Hay hình những trẻ em khóc khi cha chúng từ giã lên đường ra chiến trận. Và Nguyễn cũng đã vô cùng xúc động khi đọc thơ của Nguyễn Ngọc Tú Anh đăng trên trang Văn Việt:

Những chiếc xe tăng tiến vào thành phố

khói lửa ngập trời

hoảng hốt chia xa

đứa trẻ mắt nhìn ngơ ngác

tuổi thơ em bom đạn lạc loài

khi người cha ôm súng biên phòng

khi người mẹ hoang mang giữa ngày tao loạn

những giọt nước mắt tiếc thương

những giọt máu rơi trên mảnh đất Ukraine phía bên kia quả địa cầu

mà sao lòng đau như cắt

nỗi buồn của em, nỗi buồn của tôi

hay nỗi buồn nhân loại

cả thế giới bùng lên những lời ai oán

tôi thương em đã mất nụ cười

tôi mong người giữ mãi lòng tin

giữa những kinh hoàng lửa đạn

hãy trả lại em những bình yên buổi sáng

hãy trả lại em cuộc sống giữa đời thường

có mẹ có cha và vòng tay nhân ái

Ôi. Yêu biết bao đất nước và con người Ukraine. Chắc chắn hoa hướng dương vẫn nở rực rỡ trên mảnh đất anh hùng này.

TN