Nguyễn Đức Quang ra đi mới đó mà đã hơn mười năm.

Nhớ hôm Nguyễn Đức Quang vừa nằm xuống, mình có viết một bài tiễn đưa mở đầu như sau: Chiều nay, chủ nhật 27 tháng 3. 2011, mở Truyền Hình Hoa Thịnh Đốn ra xem và nghe Nguyễn Đức Quang ôm đàn hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ nước mắt rưng rưng. Ôi, chúng ta sống và nhìn bạn bè ra đi. Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện rồi Nguyễn Đức Quang… Trước nữa là Mai Thảo, Nghiêu Đề, Lê Uyên Phương, Mai Chửng, Mai Trung Tĩnh, Duy Năng, Hoàng Anh Tuấn, Trần Đông Phong… Còn ngọn lửa nào để thắp lên sưởi ấm anh em trong chiều cuối đông lạnh giá này.

Bạn ơi, xin hãy nói giùm tôi.

Ôi, Quang ra đi đã hơn mười năm. Quãng thời gian đó dài thật nhưng chúng ta còn nghe đâu đây ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Quang, nhất là trong những sinh hoạt anh em đông người ở ngay thành phố Garland này.

Xin nhắc lại:

Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang sinh năm 1944 tại Sơn Tây, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, định cư tại Ðà Lạt năm 1958. Anh tốt nghiệp đại học Ðà Lạt, phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, khóa 1. Anh bắt đầu sáng tác năm 1961. Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam Việt Nam vào năm 1963, Nguyễn Ðức Quang viết ca khúc về đất nước. Ðến năm 1964 anh chuyển hẳn sang viết cho tuổi trẻ, quê hương, dân tộc.

Mùa hè năm 1965, cùng với một số bạn đồng môn là cựu học sinh trường Trần Hưng Ðạo (Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Thái Lĩnh), Nguyễn Ðức Quang thành lập Ban Trầm Ca – một ban nhạc không chuyên nghiệp. Trong hai đêm 19 và 20 tháng 12 năm 1965, ban nhạc này đã chính thức ra mắt tại giảng đường Spellman – Viện Ðại học Ðà Lạt cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Phương Oanh – giọng hát dân ca tài năng nhất của miền Nam thời đó. Năm 1966, Ban Trầm Ca đã cùng với nhạc sĩ Pham Duy đi lưu diễn ở một số tỉnh thành ở miền Nam.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Ðược sự hỗ trợ của một số huynh trưởng hoạt động thanh niên tại Sài-Gòn, Nguyễn Ðức Quang và Ban Trầm Ca đã tổ chức 8 khóa Thanh ca Tác động nhằm đào tạo hạt nhân để phát triển phong trào. Cuối năm 1966, Phong trào Du ca Việt Nam được chính thức thành lập như một tổ chức thanh niên tự nguyện với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng. Ðinh Gia Lập – một hướng đạo sinh, cựu học sinh Trường Trần Hưng Ðạo, cũng là một thành viên của Ban Trầm Ca mặc dù không tham gia trình diễn, đã trở thành Chủ tịch lâm thời của Phong trào Du Ca Việt Nam.

Năm 1979, Nguyễn Ðức Quang định cư tại Hoa Kỳ, bắt tay làm tờ Người Việt cùng với Ðỗ Ngọc Yến trong một nhà chứa xe, và từ đó hoạt động liên tục trong ngành truyền thông ở California.

Nguyễn Trung Tín viết về Nguyễn Ðức Quang như sau: “Bốn mươi năm trước, có những người tuổi trẻ lên đường hát cho quê hương, mang danh hiệu Du Ca. Nguyễn Ðức Quang là một du ca vừa soạn nhạc, vừa hát. Bài ca đem lại hồn dân tộc, bài ca làm cả nước anh hùng. Một thời du ca trở thành con đường lý tưởng của thanh niên…”

Trong không khí bi lụy và mù mịt chiến tranh một thời, nhạc của Nguyễn Ðức Quang chứa đựng một tình yêu tràn đầy về quê hương và hy vọng cho những ngày đang tới. Ðó được xem như những khúc hoan ca cho thấy một Nguyễn Ðức Quang tích cực trước cuộc sống. Và với Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Nguyễn Ðức Quang đã ở trong trái tim mọi người.

Nguyễn Đức Quang, một trong những người sáng lập Du Ca, những ngày đầu đã là người của công chúng – nhacsileminh.wordpress.com

Sau một thời-gian lâm trọng bệnh sau khi bị tai biến mạch máu não, ông từ trần lúc 04:00 sáng ngày 27 tháng 3 năm 2011 tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Một thời của sách

Du ca Nguyễn Quyết Thắng đã viết tiễn đưa Nguyễn Ðức Quang:

Anh Nguyễn Ðức Quang quý mến,

Không có một điều gì đau buồn hơn là phải nói lời vĩnh biệt nhau, chỉ mới vài tháng trước đây mình chỉ nói lời chia tay và hẹn gặp lại nhau thôi mà, suốt hơn 3 tuần lễ ngày và đêm bên nhau, em đã được nghe anh nói, nghe anh hát, nghe những lời tâm sự thật thầm kín thật quý báu mà dường như anh chưa thổ lộ với ai, mình đã hứa với nhau những điều phải làm, và anh đã hứa với em những công việc sẽ phải thực hiện trong năm nay, giờ anh nằm thờ ơ, lặng lẽ, làm bộ quên…

Anh Quang kính, biết anh qua tiếng hát trên đài phát thanh, với những bản nhạc “Anh Em Tôi – Ðường Việt Nam-Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của những năm 1965, với 16 tuổi đời em chẳng biết yêu nước là gì thế nhưng em đã theo anh từ đó. Lần đầu tiên từ chốn xa trở về, được nhìn và nghe anh hát từ một góc nhá nhem tối với “Nỗi buồn nhược tiểu” lòng em đã chùng xuống bởi tiếng kêu gào thống thiết của tình yêu-thân phận và quê hương mãi mãi vẫn đen tối không lối thoát. Bất chợt nước mắt tự đâu rơi xuống, em đã cảm thông với anh …

Nguyễn Minh Nữu cũng ghi lại

Anh Quang kể về chuyến thăm nghĩa trang Arlington, và anh hết sức xúc động khi nhìn những hàng mộ bia đều dặn, giống hệt nhau từ ông Tướng, cho đến hàng binh sĩ, những tử sĩ của thời Nam-Bắc chiến tranh, họ được mang về đây, nằm cạnh bên nhau, và cùng được ngợi ca là Anh Hùng, cùng được Tổ Quốc Ghi Công.

Anh Quang hát cho tôi nghe một đoạn ca khúc đó, và khuyến khích tôi nên đến thăm, và viết về Nghĩa trang Arlington này, hãy đặc biệt dành suy nghĩ về nhân vật tướng Lee.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Một xúc động tức thời, nhưng những gửi gắm trong đó, anh Nguyễn Ðức Quang đã dành hơn sáu tháng sau để viết bài hát “Trên đồi Arlington”.

Này bạn, mang găng trắng,

bồng súng gác trên đồi Arlington

Chiều nay trời sẽ mưa hay sương gió lạnh lùng

có còn vững đôi chân?

 

Chào tay nhìn thẳng nhé!

Ðập gót cho oai hùng!

Hồn dưới kia hả dạ, xác thân này đã chết

Cho một đất nước chung…

Nguyễn Xuân Hoàng sinh thời cũng viết về Nguyễn Ðức Quang:

“Tôi hiểu âm nhạc của Nguyễn Ðức Quang phải gắn liền với xã hội, con người, quê hương, đất nước của chúng ta. Âm nhạc của anh phải được đập theo nhịp đập của những trái tim sôi nổi của một tuổi trẻ không bằng lòng với hiện tại. Âm nhạc của anh phải được vang lên trên vỉa hè thành phố từ Bắc chí Nam, vang lên trên các sân trường đại học, trên cánh đồng, trong khu rừng bập bùng ánh lửa, ở những nơi mà đồng bào ta cần những bàn tay, những cánh tay…”

Và giờ đây ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đã vang lên trong vòng tay sinh viên Sài Gòn những ngày bùng lên ngọn lửa nhiệt tình chống Trung Quốc vừa qua.

Riêng Nguyễn cũng đã nhiều lần cùng với nhiều người hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Ðức Quang. Hát bên lửa trại trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị ở Ðà Lạt năm nào. Hát trong ánh đèn tù mù của trại tù Thanh Chương Nghệ Tĩnh năm Trung Quốc đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc. Và mới đây cùng với bạn bè hát ở nhà Nhật Hoàng tại thành phố Garland Texas này.

Nhân cách, hào khí và nỗi đau cũng như hy vọng của Nguyễn Ðức Quang nằm trong Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Ca khúc ấy sẽ còn sống mãi chừng nào còn nghèo đói, áp bức, còn có những thế lực “bẻ chân tay, đeo tội ác cho người” Nghĩa là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Nguyễn Ðức Quang sẽ sống lâu dài hơn chế độ đang ngự trị trên đất nước ta.

TN