Với những người đi phát báo, Tim tôi có nhiều cảm tình thân thiết. Bởi vì chính bản thân cũng từng ôm chồng báo đi giao dưới trời mưa hay tuyết phủ. Ngoài ra bạn bè của Tim có nhiều người vừa ra báo vừa đi phát báo. Nguyễn Trung Hối, Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng… Ôi, học hành đỗ đạt, tiếng tăm ông nọ bà kia, để rồi “trời làm một trận lăng nhăng…” Riêng ông Nguyễn Trung Dũng (ôi, Dũng ơi, Hải Phương vừa cho tôi biết giờ này bạn nằm liệt giường, ăn toàn chất lỏng) vừa đi phát báo giùm thiên hạ vừa phát flyers, bị chó rượt táp rách ống quần.

Thật ra, trong làng báo Việt ở đây, ngoài những ông chủ báo giàu có mới không phải làm công việc ôm từng chồng báo vào giao tại các khu thương mại hay đem báo tới nhà những người quen thân thường cộng tác viết bài. Một trong những ông trong nghề từng đi phát báo khiến thiên hạ quen mặt là bạn Trần Nghi Hoàng hồi còn làm tờ Lẽ Phải ở Virginia. Cứ mỗi Thứ Năm trong tuần là người ta lại thấy một anh chàng để tóc dài búi tó củ hành, mặt mũi bặm trợn, ôm một chồng báo lớn đi vào khu thương xá Eden. Chỉ một lát sau là chồng báo hết sạch, lại thấy bạn ta vào Phở Xe Lửa ngồi uống cà phê, tán láo với Toàn Bò và Giang Hữu Tuyên.

A, nói tới Giang Hữu Tuyên lại phải xin phép thằng cha Tâm Hư, bởi đây là thuộc bản quyền của hắn ta, loạng quạng là sẽ bị búa ngay. Vậy, bạn hiền vui lòng cho dùng tài liệu của bạn nhé. Tuyên là dân Hải Quân hồi xưa, trôi dạt tới đây và dựng tờ Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo. Ngoài làm báo, Tuyên còn mê làm thơ. Thơ, báo trói chân người lữ khách / Giữa đời son sắt được bao lâu…(phỏng theo thơ Tạ Ký) Không, Tuyên là người sắt son, trước sau như một. Với Tuyên, thơ và báo là tất cả, là đời sống và hơi thở của Tuyên. Anh đúng là người của chữ nghĩa và của bạn bè. Anh yêu bạn, hết lòng vì bạn. Nhiều vị kiệt hiệt trong làng văn làng báo -như Hoàng Khởi Phong,  Vũ Ánh, Nguyễn Xuân Hoàng… – những ngày đầu tiên mới qua Mỹ, chưa có công việc làm nhất định, đều ghé đến Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo của Tuyên. Cánh cửa luôn mở, và anh em lúc nào sướng khổ cũng có nhau. Nhưng cảm động hơn cả là tấc lòng của anh với nước non. Anh từng ước nguyện đem theo về với đất “Chút tình hệ lụy núi sông xưa”. Chuyện làm thơ làm báo của Giang Hữu Tuyên đúc kết lại trong bài thơ Trời Mưa Ði Phát Báo. Thú thiệt, Tim tôi mỗi lúc nhọc nhằn với nghề, nhất là những hôm trời mưa tuyết mà phải lặn lội thân cò đem báo đi giao, lại nhớ mấy câu thơ của Giang Hữu Tuyên, nhớ đến se lòng:

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Mười mấy năm làm tên phát báo

Lòng buồn theo thành quách xa xưa

 …

Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi

Sáng chưa đi chiều lại mưa về

Mưa ngã năm từ năm bảy ngả

Ngả nào cũng mưa và mưa thôi

Khi Giang Hữu Tuyên đột ngột qua đời vì suy tim, tên bạn cùng nghề và cùng nghiệp với Tuyên là Trần Nghi Hoàng đã khóc bạn bằng thơ:

“Bây giờ Tuyên không còn đi phát báo

Mưa vẫn mưa, tôi đứng giữa đời

Tôi đứng mà nghe thành quách cũ

Bỗng xạc xào mưa ở trí nhớ vơi”.

Trời mưa đi phát báo. Tuyết rơi đi giao báo. Buồn chết được, phải không bạn. Thôi, chấm dứt bài Tứ Ðại Oán đi, cha ơi! Ta đi tìm những khúc điệu vui hơn. Sau đây, Tim Nguyễn xin cống hiến các bạn vài mẩu chuyện đi phát báo, giao báo thời xa xưa cách đây dăm bảy chục năm, đọc thấy trong tạp chí Reminisce.

Cùng chú chó nhỏ

đi giao báo

Hồi đó, những năm 1942-1946, tôi làm nghề đi giao báo trong thành phố quê nhà-thành phố Elkhorn, Wisconsin. Phần của tôi là 50 tờ, cứ mỗi tờ tôi nhận được 1 xu vào ngày thường, 3 xu vào Chủ Nhật.

Mùa Ðông năm 1942-1943, bạn và là đồng nghiệp giao báo với tôi là Philip Jones bị cảm cúm, mẹ anh ta yêu cầu tôi đảm nhận phần của Phil.

Phil có một con chó lớn tên là Pal thường đi theo anh ta trên đường giao báo. Mùa Ðông, tuyết phủ dày, xe đạp của tôi không đi được, do đó tôi cho báo vào một thùng carton buộc vào một chiếc xe kéo rồi bắt con Pal kéo đi. Tôi không thông thuộc các địa chỉ trên con đường giao báo của Phil, nhưng con Pal biết, và nó ngừng đúng ngay trước những ngôi nhà phải giao báo, ngay cả vào những hôm Chủ Nhật khi có thêm một vài địa chỉ phụ.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Ðúng là một con chó thông minh và tận tụy. (theo lời kể của Donald Van Scotter, ở Arkansas)

Bảo Huân 

Thằng em tôi

không nặng lắm

Ông anh Artic của tôi lãnh công việc giao báo ở thành phố Teaneck, New Jersey, vào những năm 50. Tôi phụ với anh ở một vài khu vực. Thằng em út nhỏ xíu của tôi là Walt cũng thường đi theo tôi. Nhưng qua một hai dãy phố thì chân cu cậu bắt đầu mỏi, và cậu ta ngồi bệt xuống đất. Thế là tôi phải cho thằng nhóc vào bao đựng báo vác đi. Khỏe re! (theo lời kể của Harry Hamer ở Florida)

Đi giao báo, xe đạp bị

tuột xích giữa đường

Trong hơn mười năm trời, từ 1933 đến 1944, anh em nhà chúng tôi lãnh giao tờ Vincennes Sun-Commercial ở thành phố Hazleton, Indiana. Anh tôi phụ trách con đường đi qua các ngọn đồi. Chị Helen của tôi thì đi giao ở khu downtown. Còn tôi, mới lên 6, tôi lãnh phần đưa báo ở hai khu phố gần bưu điện là nơi chúng tôi lãnh báo. Tôi đi giao bằng xe đạp.

Một hôm, vừa rời bưu điện và bắt đầu lấy trớn đạp tới, vượt qua cổng chắn xe lửa, và bắt đầu leo lên đồi, thì bỗng chiếc xe đạp của tôi bị tuột xích. Tôi bay khỏi xe đạp, té nằm chỏng gọng trên đường cái, váy tốc lên tận vai. Càng bối rối và mắc cỡ hơn nữa khi tôi thấy ông Barnes, hiệu trưởng trường tôi, chạy tới đỡ tôi lên!

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Làm nghề đi giao báo, cũng có những nỗi khổ tâm, chẳng hạn như phải rời một tiệc sinh nhật sớm trước khi kem và bánh được dọn ra, hầu có mặt đúng giờ ở bưu điện cho kịp lãnh báo. Nhưng nhờ biết trách nhiệm và tận tụy với công việc mà dần dần chúng tôi trưởng thành. (theo lời kể của Ruby Lane ở Indiana)

Đi giao báo cũ

Năm lên 5 tuổi, tôi sống ở Ecorse, Michigan. Mỗi sáng thấy thằng bé newsboy đi qua, tôi nghĩ  việc đi giao báo chắc là vui lắm.

Thế là tôi đi xuống hầm nhà, lấy chồng báo cũ ra, xếp lại từng tờ. Và sửa soạn đi giao báo. Tôi chất báo lên chiếc wagon kéo đi.

Ði ngang mỗi nhà, tôi thảy tờ báo trước cửa, rồi vui vẻ đi tiếp. Cho tới khi một gã mập ú cúi nhặt tờ báo lên, hắn ta gãi trán rồi kêu tôi: “Này, nhóc tì. Cái gì thế này. Ðây là tờ báo cũ cả tháng rồi.” Một bà ở nhà kế bên cũng nhặt tờ báo lên, rồi cười lớn nói với gã mập: “Leo ơi. Lấy đồ che phủ khu vườn lại. Mai có tuyết đấy nhé!”

Gã Leo bước xuống các bậc thềm. Hắn lấy tay chỉ vào trang đầu tờ báo và nói: “Xem ngày đề trên báo đây nè.” “Tôi chưa biết đọc.” Tôi làu bàu đáp. Khi hiểu ra rằng tôi chỉ đóng chơi vai người giao báo, gã Leo nhấc cái xe wagon của tôi lên, quay ngược trở lại, bảo “Về nhà nói với ba mày là tao đã có nhiều báo cũ rồi nhé, thằng nhóc!”

(theo lời kể của Tom Mzurek, Michigan)

Ðến đây tạm ngưng chương trình tạp lục. Tim Nguyễn xin hẹn với các bạn một kỳ khác, nhé.

Bảo Huân

TN