Bạn nhỏ thân mến,
Phạm Chi Lan ra đi mới đó mà đã 15 năm. Mau thiệt. Lan ra đi vào ngày 21 tháng 9. 2009. Ôi. Thời gian như nước chảy qua cầu.
Chiều nay, tại thành phố Garland này, trời nắng nhưng gió thổi mạnh, làm bay chiếc khăn quàng cổ trên vai. Đi trong trời gió, Tim chợt nghĩ đến Phạm Chi Lan. Không riêng gì Tim mà còn có Đinh Trường Chinh, Nguyễn Phước Nguyên và nhiều người nữa.
Mới đây, Đinh Trường Chinh nhắc lại bài viết ngày Phạm Chi Lan ra đi, gợi lên mối thân tình của hai người: “Với tôi, PCL là người chị trong một quan hệ thân tình lâu dài cho đến ngày chị không còn sức để chuyện trò nữa. Mấy tháng trước, chúng tôi vẫn chat với nhau gần như mỗi ngày – cho đến một hôm, PCL nói rằng không còn sức để gõ máy chữ nữa. Tôi biết vậy, và cũng chẳng thể chờ cái tên PCL hiện lên «available”. Nhưng tôi vẫn thường nhắn tin ngắn ngủi: mong chị khoẻ , như nhắn tin vào hư vô. Đã quá lâu, tôi linh cảm biết, phép lạ chắc sẽ không đến.
Và chuyện đã kết thúc như thế.”
Nguyễn Phước Nguyên gần đây cũng tưởng nhớ Phạm Chi Lan và đã post lên lại những số Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng do PCL chủ trương. Nguyên đã thực hiện được 30 số và hứa sẽ tiếp tục cho tới số 561 là số cuối cùng.
Riêng Tim tôi, những ngày gần đây khi trời trở gió bỗng nhớ tới Phạm Chi Lan, nhớ ơi là nhớ, bèn đăng lại bài viết ngắn đã viết cho Lan mười mấy năm trước.
Khởi đầu là mấy câu thơ của Phạm Chi Lan:
Người đi đi mãi về hướng gió
Cứ nghĩ về một đốm lửa
Ai nhóm hắt hiu
Những câu thơ được đọc lên trong hoàng hôn đầy gió trời …
Nhưng, trước hết xin nói rõ một điều: Những câu thơ trên trích từ bài Calica của Phạm Chi Lan viết tặng Nguyên Nhi nhân một chuyến đi năm 2000. Vừa qua, Phạm Chi Lan bị sốt nặng, phổi đầy nước thở rất khó, phải vào bệnh viện giải phẫu. Tỉnh lại, Lan mừng khôn xiết, càng thấy yêu cuộc sống này hơn bao giờ cả. Mấy hôm sau, cảm thấy trong người khỏe hơn, Lan ngồi viết một bài văn dài nói về những giấc mộng của mình gởi đến bạn bè. Trong thư, Lan kể:
“Nhi nói tối nay sẽ mang mền gối vào ngủ ở bệnh viện cạnh tôi. “Anh có chỗ nằm rồi, đây này, cái ghế này ngả ra sẽ thành một cái giường thoải mái. Được nằm ngủ cùng phòng cạnh em cả đêm còn gì bằng. Anh không thể chợp mắt một giây khi về nhà một mình, Căn nhà trống trơn, lạnh lẽo không có em… Nhìn chỗ nào anh cũng thấy bóng dáng em… Anh sẽ mang sách và thơ vào đọc cho em nghe, tối nay anh sẽ đọc thơ tình cho em ngủ…” Tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Nhi ơi, anh là người yêu dấu nhất đời, có ai đọc thơ cho em nghe hay hơn anh đọc đâu …
Và đúng như dự tính, tối thứ Tư, 12/17/2008, 10g tối, Nhi ngồi cạnh tôi, với cuốn Quái Phong trong tay, anh lần giở đọc những bài thơ tình cho hải đăng, những bài thơ lúc nào cũng làm tim tôi như nghẹn lại vì cảm động, thơ đầy ắp kỷ niệm, chúng tràn về làm tim tôi nghèn nghẹn. Chúng tôi như đang đi lại trên những con đường hạnh phúc ngày nào … Giọng anh ấm và êm, anh đọc sang sảng như nhập vào lời thơ. Nước mắt tôi ứa ra, “đọc nữa đi anh, cái bài thơ nào có nhắc đến kỳ mình ghé đỉnh hải đăng ở Point Reyes miền nam California, rồi kỳ mình đáp xe lửa từ Cerebes đi Barcelona đó …”
Trở lại với những câu thơ của PCLan. Người đi đi mãi về hướng gió… Đi đâu vậy cà? Đi về phía đền thờ bên biển Castellina hay về phía hoàng hôn trên đại vực Grand Canyon? Hay đi về phía vịnh Tây Tử nơi có những đống lửa cháy trong đêm, sưởi ấm những mối tình đồng tính.
Như một đêm bên ánh lửa vùng nhiệt đới
Người mê đắm một vùng ngực trần
Quyện mùi chocolate và tiếng reo của khát vọng
Như thế đó những chuyến đi về hướng gió của một người, để rồi trên chặng hành trình diễm phúc thay, còn gặp một vùng ngực ấm.
Tuy nhiên, có những chuyến đi về hướng gió, không được may mắn như thế. Này bạn hãy nghe
cũng một đêm nào như đêm nay
khi những chiếc trực thăng. di tản thương binh. về hậu cứ
trong quán cà phê. mờ đốm lửa
em gục đầu trên vai anh
nhủ thầm. bình minh. bình minh
anh khóc với bình minh
Một cuộc chia tay thời chiến. Khi bình minh lên ở chân trời cũng là lúc xa nhau, anh lên đường về hướng gió, và có thể bị một viên đạn ầu ơ bắn vỡ toang lồng ngực. Như Y Uyên ở tiền đồn Nora. Như Vũ Đạo Ánh trong thơ Thanh Tâm Tuyền
Có những chuyến lên đường về hướng gió như thế đó. Và, bạn nhỏ ơi, trên đường đi đôi khi ta gặp một nỗi buồn lớn. Như năm nào đã xa, thật xa, trong chiến tranh Việt Nam, đi trên đường biên giới, chợt nhớ bài thơ yêu em ngày nào đã viết / lúc còn phố vui. mái ngói. và lũ chim…Còn nữa… Sau chiến tranh, cũng một đêm trời nổi gió, và mưa, những chiếc xe molotova bít bùng chở tù về hướng Tân Cảng. Khi xe chạy ngang cầu Sài Gòn, nhìn qua khu Thanh Đa, ủ ê những chấm đèn, lòng nhớ vợ con và mái nhà xưa rưng rưng nước mắt… Thế đó, người đi đi mãi về hướng gió… Thật sự, cũng có đôi lúc đi trong chiều thanh thản. Như Hồ Dzếnh, ngỡ hồn mình là rừng / ngỡ hồn mình là mây / nhớ nhà châm điếu thuốc / khói xanh bay lên cây… Hay như Lê Văn Ngăn, đốt điếu thuốc nghiêng nghiêng chiều lửa đỏ / ngày trên cao reo mấy ngọn bạc hà…
Và, người đi mãi trên con đường của gió mùa, đi qua cuộc tử sinh. Về chưa… Về chưa… Cháy trong vườn lãng quên / chiều hoe. đốm lửa / người tù xa lâu năm trở về / bên mái nhà và bờ ao / mùa thu tàn ố / khòm lưng. nấu bát cháo ngoài hiên / nấm mộ đá ong / dế khóc…
Bạn nhỏ ơi, tôi viết những dòng này đặc biệt gởi về bạn. Bởi lẽ, cuộc za-zu qua trần thế đầy bụi, máu, mồ hôi và nước mắt, rồi cuối cùng cũng tới nơi một điểm hẹn. Là đâu vậy hả bạn nhỏ, có phải là Kennesaw không?…
vẫn chiếc áo sờn cổ
đôi giày của gã lãng du
tôi đi. với mảnh trăng mùa đông
này bạn văn xưa
còn không những nét dao trên đá
về số phận. của một người. một đời
và đốm lửa
tôi nghe thơ anh cùng tiếng chuông ngân
giã từ
giã từ
những mùa của quỷ
Có phải không, đi mãi về hướng gió, nghĩ về những đốm lửa hắt hiu là như thế. Cảm ơn Phạm Chi Lan và những câu thơ để Tim này có dịp nhìn lại cuộc hành trình của đời mình, của bạn bè. Và của lịch sử.
TN