Chúng ta đang trong thời gian Lễ Thanksgiving. Mùa Thu đã hạ cánh. Không khí se lạnh của mùa Thu cũng chợt ấm lên với những cuộc họp mặt bạn bè và thân nhân. Nhưng Thanksgiving, trong ý nghĩa sâu xa của nó, không chỉ có tụ họp ăn uống mà còn hàm ý tạ ơn và tưởng nhớ. Tạ ơn trời đất và tạ ơn người. Bên cạnh đó là sự tưởng nhớ.

Còn nhớ dạo nào về New Orleans, Nguyễn tôi được dịp đi dạo chơi trên phố Bourbon và  ngắm tượng đài di dân bên dòng sông Mississippi. Ngày ấy, Nguyễn ghi lại như sau: Buổi chiều thật đẹp, hải âu bay trên công viên, đáp xuống các thảm cỏ. Một con hải âu đậu ngay trên đỉnh tượng đài Di Dân – Immigrants, cất tiếng kêu. Tại sao kêu, phải chăng kêu vì vui chung trong niềm vui của người tứ xứ về đây nghe nhạc Jazz đêm hồng,  hay kêu vì nhớ đất trời rộng lớn còn đọng trên đôi cánh? Chợt nghe mình hát lời du tử: chiều nay biết về nơi đâu …

Về đâu? Về đâu?… Nguyễn ngước nhìn lên tượng đài. Bố mẹ và hai đứa con – một con còn bồng ẵm trên tay mẹ, một con bố dắt đi sát ngay bên cạnh và là một cậu trai. Họ đến từ đâu vậy cà? Từ nước Pháp hay Ðức hay Ăng Lê? Họ có bị truy bức không hay chỉ vì muốn đi tìm một chân trời mới, khoáng đãng hơn và nhiều cơ hội hơn? Bản thân mình cũng là di dân cho nên dễ thông cảm với những người mẫu của tượng đài.  Ôi, thời của rào cản của những đường ranh và những biên thùy có chó săn và súng đạn.

Ngước mắt nhìn tượng đài, Nguyễn có thể hình dung thấy, ở những ngày đầu tiên trên nước Mỹ này, đôi vợ chồng kia đều phải lao vào công việc. Chồng làm trong garage sửa xe hơi chẳng hạn, và vợ thì làm ở một hãng assembly, còn cậu con trai được đi học ít lâu rồi cũng nhảy ngang ra đi làm -bồi bàn nhé- để phụ giúp bố mẹ. Chỉ cô bé (?) còn bế trên tay là được học hành đầy đủ, để rồi sau này cô nhập vào dòng chính và trở thành nổi tiếng (như Leyna Nguyễn), phải không? Rồi thời gian trôi qua, tới thế hệ thứ hai thứ ba, tất cả sẽ trở thành Americans như bao gia đình người Mỹ ta gặp chung quanh.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Tim tôi gần đây cũng đã được xem ảnh chụp một tượng đài thuyền nhân ở Cali gồm vợ chồng con cái rách nát tả tơi, đưa bàn tay tuyệt vọng về phía chân trời. Tượng đài gây nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người chúng ta. Trên freeway số 5 ngày nào, từ San Diego đi Santa Ana, CL đã được nhìn thấy tấm bảng vẽ một gia đình Mễ “vượt biên thùy sống chết”, gồm vợ chồng và đứa con gái dắt tay nhau chạy qua đường băng. Sao khốn khổ và liều lĩnh đến thế, nhưng suy cho cùng cũng là vì sự sống thôi (hình như bây giờ cũng vậy?). Cũng như các thuyền nhân Việt Nam đã tạo nên một khúc quanh lịch sử của đổ vỡ, chia ly. Ôi, Việt Nam, từng là nỗi đau xé trong tôi / Sao tôi khóc lúc ra đi / Phương đỏ một lời yêu dấu cũ / Là lúc chia xa… Và rồi, chúng ta đứng lên. Từ những mảnh vỡ, chúng ta đứng lên.

Tượng đài Di Dân tại New Orleans 

Cũng như những người hành hương Pilgrims, chúng ta đến từ một vùng đất bị ruồng đuổi và đầy bóng tối đe dọa. Nhiều người đã chết giữa biển, không bao giờ được nhìn thấy đất hứa. Những người sống sót cặp được bến bờ tự do, nhưng những ngày đầu tiên trên đất Mỹ cũng là những ngày khó khăn, đầy thách thức. Sử ký còn ghi: Những di dân người Việt định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây cùng với các gia đình bảo trợ, với các họ Ðạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Rồi những năm tháng sau đó, bằng nỗ lực và trí tuệ, chúng ta đã có được công ăn việc làm để từ đó gởi những thùng quà về cho bà con trong nước, làm hồi sinh cuộc sống trên miền quê xưa. Những bánh xà phòng, những thước vải, những ống kem đánh răng, những hộp thuốc tây và cả những tờ đô la nặng tình, được cất giấu rất kỹ… Tất cả  đã được gởi về. Và cứ như thế dưới nhiều hình thức những con gà Tây của Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Những năm tháng tiếp theo sau là những năm tháng ổn định và khởi sắc. Ðể đến hôm nay, hầu hết chúng ta đã có được những gì muốn có. Từ hai bàn tay trắng của buổi đầu, chúng ta đã dựng lên cơ nghiệp trên đất này. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ quên Thanksgiving đầu tiên ăn miếng gà Tây quay thơm lừng và bánh bí đỏ cùng gia đình ông bà bảo trợ và các họ đạo.

Cho tới ngày hôm nay, sau hơn 40 năm, thế hệ nối tiếp của những người di dân gốc Việt đã có mặt trên đất nước Hoa Kỳ. Những người ra đi lúc còn bé dại nay đã trưởng thành và gặt hái thành công – những người như Andrew Lam – chính là gạch nối với tương lai. Từ một cuộc viễn hành gian khổ đầy ác mộng, và từ bóng tối của quê hương đọa đày, họ đặt chân tới vùng đất mới, tâm tư còn lưu giữ một số hình ảnh và kỷ niệm. Nhưng rồi họ mau chóng lớn lên, nhập vào đời sống Mỹ, văn hóa Mỹ. Họ trăn trở rất nhiều để tìm ra chân dung đích thực của mình. Nhà văn Andew Lam tâm sự:

“Với tôi, Việt Nam đã trở thành điểm chia tay, đôi khi là điểm đến và là mối ưu tư, nhưng không còn là quê hương.

Ngày xưa còn bé, tôi hát bài quốc ca ở sân trường Sài Gòn, mắt đẫm lệ, nhưng người đàn ông đang viết những dòng chữ này đã bớt dần cảm giác dân tộc xưa ấy.

Ðứa bé ấy tin rằng biên giới, giống như Vạn lý trường thành, là đường phân ranh có thật, và ta không thể tranh cãi về sự toàn vẹn của nó.

Người đàn ông phát hiện ra rằng các đường biên giới bao giờ cũng có lỗ thủng.

Ðứa bé ấy ngày nào tức tưởi vì bi kịch của dân tộc, căm giận lịch sử vì nó đã cướp đi quê nhà và bản sắc dân tộc.

Người đàn ông, dù ghen tị với những cảm xúc của thằng bé, đã cứng cỏi hơn vì quá trình tìm kiếm bản ngã của cá nhân.”

Tất nhiên, như lời Andrew Lam nói, quá khứ đầy âm thanh và cuồng nộ, đẫm nước mắt và máu – cái quá khứ ấy giờ đã trôi qua. Nó không còn là điều duy nhất ám ảnh tâm trí những người trẻ bây giờ. Thế nhưng khi nhìn lại những tượng đài di dân, những con thuyền được phục chế, những tranh ảnh của một thời, hay đọc những trang thơ bài văn còn lưu trữ, nghe những bản nhạc như Ðêm Nhớ Về Sài Gòn… lòng nào không cảm thương và đau xót.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Mùa Thu, mùa lễ Tạ Ơn nằm trong ý nghĩa ấy.

Tượng đài Thuyền Nhân tại Little Saigon – nguồn Saigon Times

TN