Mùa Thu đã về trên góc phố. Đêm qua mưa bão nhiều nơi. Ở thành phố Garland của xứ đồng cỏ này, kẻ làm thơ gầy như xác ve mùa Thu đang nghĩ tới ly café latté thơm môi miệng người yêu nhiệt đới.

Nên chăng như Apollinaire: Je pense à toi mon Lou / ton coeur est ma caserne …Tôi nghĩ tới em, ôi Lou, trái tim em là nơi đồn trú của tôi.

Ồ, cũng muốn lắm đấy chứ nhưng làm sao được. Người đã xa người. Bây giờ, đang mùa ôn dịch, có muốn cùng ngắm trăng, cũng phải đứng cách nhau một bức tường. Mà mưa gió đầy trời, cuốn hồn đi biết tới phương nao.

Như cùng nhịp với mùa Thu bão tố, trời ở Dallas trong mấy đêm vừa qua cũng mưa gió sấm chớp ù ù. Lòng người viết thì, ôi thôi, đầy bão rớt. Bao nhiêu hình bóng, từ tiền kiếp tới hiện sinh, làm cuộc diễn hành thầm lặng mà om sòm trước mắt. Có hình bóng thằng học trò bé nhỏ là tôi ngày ấy, mang chiếc áo tơi lá nặng trịch, đi trên con đường mưa gió qua khu Tòa Khâm tới trường. Ðường Hàng Me đầy lá me, vàng úa bay. Có em, tóc ướt vai ướt, về trong buổi chiều nghe tin bão. Có bao nhiêu là bông cau rụng, trái bưởi rụng trong khu vườn nhà ở Vương phủ đêm bão rớt. Và rồi Cẩm Nhân, Bắc Thái, Thanh Chương…  – con đường kiếp nạn chập chùng trong nắng cháy, mưa xiên, gió thốc. Năm ấy, 1979, Nguyễn Trung Dũng kể, bão kéo tới Thanh Chương-Nghệ Tĩnh, và mưa núi những trận lớn gây ra lũ, nước dâng ngập trại tù, khiến những hình hài ốm đói của địa ngục phải kéo nhau lên đồi đốt lửa qua đêm. Và, trong khi đó, ở Phú Sơn Bắc Thái, gió cuốn mưa cuồng làm kho đụn bị ngập, thế là đội lò gạch của kẻ này được lệnh đi cứu gạo. Những thân xác gầy xanh lội trong nước ngập tới thắt lưng, vác từng bao gạo tới chỗ an toàn, khô ráo. Gió xô, mưa quất, ướt và lạnh đến teo cu teo dái. Ðói lả. Về, được trại cho bồi dưỡng mỗi tên hai muỗng bo bo rang. Trời ạ. Có những sự thật như thế, bạn Huy Phương ơi, có nhớ?

Bão Noul ở Huế – nguồn Báo Hải Quan 

Ðêm mưa gió, hồn này trôi giạt về thấu tận đất đai quê nhà. Tin trên lưới ghi nhận: Sau 2 ngày di chuyển trên Biển Ðông, bão số 5 (bão Noul) đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế sáng 18/9 với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sau khi bão quét qua, Thừa Thiên – Huế hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề với 4 người chết, 92 người bị thương, 10 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, hơn 21,000 ngôi nhà bị tốc mái. Gió bão cũng quật đổ hơn 400 cột điện, 15,000 cây xanh và khiến 43 tuyến cáp quang bị đứt tại địa phương này.

Xem thêm:   Lửa và ánh nến trong kiếp phù sinh

Nguyễn nhìn trên màn hình mà lòng đau thắt. Những ngọn cây vật vã trong mưa gió mù trời. Những bụi chuối rách tả tơi. Nhà ai có phải nhà em thuở xưa tốc mái. Những bức tường gãy sập. Ai chạy xe quanh cây phượng trốc gốc nằm trên đường với những chùm hoa đỏ xác xơ. Không thấy ngọn khói chiều bốc lên. Ðêm về không ánh lửa. Con đường lên Thiên Mụ cây đổ ngổn ngang. Các em bé làm sao đi học. Tựu trường rồi đâu còn tiếng trống vang âm như thuở nào. Nghĩ tới các em miền núi càng xót thương. Nhiều năm qua, như báo chí còn ghi lại, để có thể đến trường, học sinh của một trường tiểu học ở miền núi tỉnh Quảng Trị hàng ngày phải lội qua sông, bất kể thời tiết và dòng nước cuốn trôi nguy hiểm. Báo Dân Việt còn ghi thêm, hàng ngày, hơn 80 em học sinh thuộc hai điểm trường A Vương và A Ðăng, trường Tiểu Học Tà Rụt tại xã Tà Rụt, Ðakrông, Quảng Trị, phải lội qua sông Ðakrông rộng chừng 100 mét. Nhiều học sinh lội sông đến trường bị té ngã, nước cuốn trôi và vô vàn nguy hiểm khác. Cũng theo báo Dân Việt, trường Tiểu Học Tà Rụt có 3 cơ sở, tổng số 490 học sinh. Trong đó, hai điểm trường A Vương và A Ðăng có hơn 80 học sinh sống ở bên kia con sông Ðakrông. Ðể đến lớp học, hàng ngày các em phải liều mình lội qua sông, đối diện với việc bị té ngã ướt hết quần áo, sách vở, thậm chí là nguy cơ bị nước cuốn trôi…Thường từ Tháng Chín đến Tháng Mười Hai mưa lớn, nước sông chảy mạnh, phụ huynh học sinh phải bơm lốp xe hơi làm phao, cho con ngồi lên rồi kéo qua sông đến trường. Các em bỏ quần áo đi học vào bao nilong, qua được sông mới mặc vào. Tại một số địa phương, trước đây người ta từng thấy học sinh phải đu dây qua sông hoặc chui vào trong bao nylong nhờ người lớn kéo qua sông nước chảy xiết. Một số cầu treo được xây dựng với tiền viện trợ của ngoại quốc lại còn bị xà xẻo ăn bớt nên phẩm chất tệ hại, lại không được bảo trì, sử dụng rất nguy hiểm.

Xem thêm:   Phạm Quỳnh Anh. chào Việt Nam

Ôi, mưa gió đầy trời. Các em rồi về đâu. Hồn tôi rồi về đâu…

Nguồn Hoa Học Trò

TN