Tháng Bảy rồi đó. Đã tới ngày lễ Vu Lan với bao âm vọng.

Tháng Bảy. Ở quê nhà, mưa của đất trời đang rơi trên cõi người. Hôm nay, nhân mùa trai đàn chẩn tế, dưới bầu trời tháng Bảy mưa thu, nên chăng chúng ta cùng đọc lại đôi đoạn đôi khúc trong Chiêu Hồn Ca Thập Loại Chúng Sinh (CHCTLCS) của Nguyễn Du. Đọc và nhìn lại những chặng đường u minh lịch sử vừa qua và những mảnh đời tan tác dưới trời mưa ngâu.

Với CHCTLCS, một lần nọ Nguyễn đã viết: Để mở đầu cho bản trường ca bi thảm và nhân ái này, Nguyễn Du hạ bút: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô / Não lòng thay, buổi chiều thu / Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng… Đường bạch dương bóng chiều man mác / Ngọn đường lê lác đác mưa sa / Lòng nào lòng chẳng thiết tha / Cõi dương còn thế nữa là cõi âm… Và lập tức, cánh cửa thiên thu mở ra – cõi trường dạ tối tăm trời đất… – những hồn oan phiêu bạt trở về tìm ánh lửa nhân gian.

Chưa bao giờ chúng ta thấy văn chương của Nguyễn Du – như ở đây, dù đối tượng là những linh hồn của cõi âm – lại gần với đời sống đến thế. Tố Như tiên sinh vẽ ra trước mắt chúng ta khuôn mặt u buồn của thập loại chúng sinh – nói là chúng sinh nhưng ở đây chỉ thấy những mặt người, và gọi là thập loại nhưng có đến mười mấy hạng người trong xã hội được gọi hồn về. Với chúng ta, cộng đồng người Việt đã trải qua những biến động kinh hoàng của lịch sử và chiến tranh tàn khốc, để rồi phải bỏ nước ra đi tìm đường sống, đọc lại CHCTLCS của Nguyễn Du, chúng ta đặc biệt xót thương những cô hồn xiêu tán.

Trước hết là những người lập chí cao – chí những lăm cất gánh non sông… – nhưng gặp “thế khuất vận cùng, mưa sa ngói lở” để rồi “máu tươi lai láng xương khô rụng rời…” Với chúng ta ngày hôm nay, đó là những vị tướng như Nguyễn Khoa Nam… đã vị quốc vong thân. Tiếp đến là những cấp chỉ huy trong quân ngũ – Khi thất thế tên rơi đạn lạc / Bãi sa trường thịt nát máu rơi… Và rồi thời gian lạnh lùng trôi qua – Mênh mông góc bể chân trời / Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?

Xem thêm:   Người đi về hướng gió...

Hơn thế nữa, xót thương biết mấy, vong hồn của những chiến sĩ vô danh trong cuộc chiến dài gần hai chục năm ở quê nhà. Những người từng “Nước khe cơm vắt gian nan / Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời / Buổi chiến trận mạng người như rác / Phận đã đành đạn lạc tên rơi / Lập lòe ngọn lửa ma trơi / Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.”

Mặt khác, CHCTLCS của Nguyễn Du còn nhắc tới số phận oan khốc của những người tù: “Cũng có kẻ mắc đường tù rạc / Gửi mình vào chiếu rách một manh…” Đọc đến đây, chúng ta không thể nào không thương tưởng tới hàng trăm ngàn anh em của chúng ta sau 1975 đã phải chịu cảnh ngục tù Cộng Sản và nhiều người đã gởi nắm xương tàn nơi ven rừng, dốc núi.

Cũng vậy, khi Nguyễn Du tả những hồn oan chết sông chết biển – Cũng có kẻ vào sông ra bể / Cánh buồm mây chạy xế gió đông / Gặp cơn giông tố giữa dòng / Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê – chúng ta nghĩ tới hàng trăm ngàn người chạy trốn CS, chấp nhận cái chết giữa muôn trùng sóng dữ… Trong mùa trai đàn, cúng tế này, xin dâng tuần nhang, bát nước cho những hồn u khốc ấy.

Quả thật CHCTLCS đã gợi ở chúng ta biết bao tưởng nhớ và xót thương. Và thời tiết tháng Bảy mưa ngâu cũng là thời điểm để trở về với quá khứ bi thương của dân tộc, nghĩ tới những anh em đồng đội đã nằm xuống trên khắp nẻo đường đất nước và trong các trại tù CS, nghĩ tới những thuyền nhân đã đắm chìm ở Biển Đông… Làm sao quên được. Vâng, đúng vậy. Ngày hôm nay, chúng ta được sống ổn định sung túc trên xứ sở tự do này, chúng ta không thể nào tự cho phép mình quên anh em đồng đội và đồng bào ruột thịt. Chính quá khứ đã làm nên hiện tại. Quên quá khứ là quên hồn, quên xác. Chúng ta lẽ nào quên…

Xem thêm:   Quán Phố Hoài. và những người của một thời

Vâng. Chúng ta lẽ nào quên. Hướng về tháng Bảy ngày rằm, nhà văn Phan Thị Như Ngọc ở quê nhà cách đây nhiều năm khi ngồi quán cà phê bên đường cùng nhà báo Anh Tuấn từ Pháp về đã viết một bài đoản văn gởi cho Nguyễn tôi. Ở những dòng này, ta thấy hiện lên không khí Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du trong đó có mưa dầm, ngọn đường lê và có lẽ cả “một đóa trăng tàn lẩn lút bay”, như trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Ôi, lòng ta đã nới rộng tới vô biên và đụng tới đáy hồn nhân loại rồi chăng? Ôi, Như Ngọc.

Tượng Thi Hào Nguyễn Du

“Tôi xin lỗi chàng (nhà báo Tây Âu), cầm tách trà đứng dậy, nhường chỗ cho thằng nhỏ mặc chiếc áo thun xanh chen vào bứt cỏ, đút vô hộp dế. Vạt cỏ ven đường hẻm chỗ thằng nhỏ hí húi, nở đầy hoa xa trục thảo khiêm tốn nhưng óng ánh vàng như mặt trời mới mọc. Tôi nhìn nó cho dế ăn hàng ngày quen mặt. Hôm nay thằng nhỏ hái nhiều cỏ, Nó bảo con mèo ở nhà đau bụng, mẹ nói hái cỏ về cho mèo ăn với…

“Thằng nhỏ đi với bố. Bố nó không giúp con hái cỏ, không bắt chuyện với ai, ngồi với ly đen ngút khói. Gọi thêm cái đen nữa. Không uống. Nhưng rưới chậm rãi xuống cỏ. Mặt buồn hơn ngày mùa đông ở rừng. Chủ quán và tôi từng thấy nghi thức này. Mấy năm nay một kiểu như vậy, vào một ngày nhất định. Tay nhà báo về từ Tây Âu hất mắt ra ý hỏi.Tôi vắn tắt: Cho các bạn ông ấy. Chết rồi sao? Không, nhưng ở bên kia. Thì cũng coi như chết chứ gì… Vạt cỏ lúc nãy thằng con hái những đọt non nuôi dế, chữa bệnh mèo, bây giờ nhớp nháp, lấp xấp cà phê đen. Cỏ chắc vẫn sống. Nhưng lòng người đau gì dai dẳng lạ. Mỗi năm một lần, tháng Bảy âm lịch, như kiểu người ta xá tội vong nhân.

Xem thêm:   Đêm nghe quạ kêu

Tháng Bảy… Trời đất bắt đầu ngập ngừng thu, lòng người chùng thấp… Tầm này hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng đây. Sài Gòn không như đất Bắc có mưa dầm sùi sụt, có gió may hiu hắt dặm đường lê nhưng Sài Gòn vẫn có những giọt nước mắt con cái dành nhớ tưởng song thân đã khuất, nhớ tưởng – và cả cầu siêu – cho bao vong hồn uổng tử. Nguyễn Du viết Văn tế xưa kia chỉ kể thập loại chúng sinh mà đã khiến người nghe buồn đau tê tái. Bây giờ thập loại nọ nào thấm thía gì! Trái đất như con quái vật khát nước đói ăn, hàng ngày há miệng uống máu người, nuốt thịt người không chán. Mà cũng chính nó – chao ơi – từng là đất mẹ nuôi cây cối, sông suối, con người…hiền hòa biết mấy!

“Tháng Bảy này ai xá tội cho ai, xá bao nhiêu cho đủ, đọc Văn tế thập loại chúng sinh nữa ư, đọc nơi đâu, cho ai nghe giữa ầm ì đạn pháo và tiếng gào khóc, rú hét điên dại???

“Tôi không muốn tìm câu trả lời trong những cơ sở tôn giáo. Một mình tìm ra ven đồi cỏ, rưới cà phê, nằm xuống, sấp mặt rưng rưng, lời ủ hương hoa hồng trắng. Song thân ơi, bạn bè ơi, chúng sinh ơi… chén đắng trên cỏ xanh này một mình xin uống. Kiếp này và muôn kiếp về sau. Nguyện cầu…”

Lời nguyện cầu trong mùa Vu Lan chân thành và nhân ái biết bao, vậy mà vừa qua, gia đình Phan Thị Như Ngọc gặp cảnh tang tóc bi thương. Cha và em trai đều từ giã ra đi. Và Như Ngọc mới viết thư cho kẻ này: “Hiện nay và về lâu dài, em phải bỏ viết lách, khóa cửa nhà riêng ở Bà Rịa-Vũng Tầu để về Đà Lạt trông nom hương khói cho ba và em trai (chết cách nhau 3 tháng!), đồng thời chăm sóc mẹ (bị lẫn).”

Ôi, mưa ngâu tháng Bảy sao mà buồn lắm vậy.

TN