Sáng nay, trời Garland âm u, có tiếng sấm dội từ xa và mưa thưa đây đó. Chợt nhớ những trận mưa ở quê nhà. Và nhớ những hồn xa.

Vâng, những hồn xa trở về tìm hơi lửa ấm. Xin nhắc lại ở đây một đoạn văn đã viết: Tháng Bảy, Vu Lan, mình sẽ đi mua một lồng chim mở cửa thả chúng bay lên trời, rồi đi chùa Già Lam thăm bố mẹ, rót rượu lên cỏ cho những bạn bè đã nằm xuống… Chuyện ảo hay thật? Em nhé, đêm nay trời sẽ mưa, hứng giùm anh đôi giọt nước từ trời. Ðể anh mường tượng lại Tháng Bảy ở quê nhà. Tháng Bảy nước nhảy lên bờ… Tháng Bảy mưa sa mù mịt những cánh đồng… Ðó là thời tiết ở quê xưa vào khoảng thời gian này. Nó làm cho bầu không khí trở nên u trầm, buồn bã,  khiến ta nghĩ đến những giọt nước mắt của vợ chồng Ngâu. Truyền thuyết Trung Hoa về tình yêu trắc trở của tiên cô dệt vải (Chức Nữ) và tiên cậu chăn trâu (Ngưu Lang) không ai là không biết. Do lỗi của hai người mải yêu nhau mà biếng nhác công việc, mỗi năm chỉ vào ngày 7 tháng 7 Ngọc Hoàng mới cho họ gặp nhau một lần. Bước trên chiếc cầu, gọi là cầu Ô Thước – do đàn quạ đen nối nhau mà thành- hai vợ chồng không nói nên lời, nước mắt rơi xuống sông Ngân… Do đó, Tháng Bảy được gọi là tháng Ngâu (Ngưu) vầy.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Ờ, phải rồi. Tháng Bảy ngâu vầy, do trời làm cho đôi lứa phải cách xa ngàn dặm, làm cho những người yêu nhau không thấy mặt nhau. Chuyện trong thần thoại mà cũng chuyện trong cuộc đời. Tuy nhiên, nói như vậy, dường như chưa trọn ý: trong cõi đời này, đôi khi chính người đã làm cho người xa nhau.

mua-thang-bay-mua-trong-coi-nguoi

Cuocsong365day.com

Thì chế độ ở quê ta bây giờ đấy, nó đã gây ra cuộc phân ly lớn trong lịch sử. Nó làm cho cả triệu người bỏ nước ra đi, khiến cả trăm ngàn người chết trên rừng trên biển không một nấm mồ để tưởng nhớ. Trong khi đó, ở trong nước, các thành phần đảng viên và cán bộ ăn trên ngồi trốc, nắm hết mọi tài sản và quyền lợi, đẩy quần chúng xuống hàng chó ngựa. Chúng bắt bớ, đánh đập, giam cầm những người nghĩ và sống khác chúng. Chúng chia cách người mẹ và các con nhỏ như trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy và các cháu bé Nấm, Gấu, Tài, Phú, Katie…

Cũng trong mưa Tháng Bảy, mưa trên cõi người, nhà văn Phan Thị Như Ngọc ngày nào đã viết:

“Cuối Tháng Bảy, tivi truyền suốt ngày hình ảnh lụt lội, kiếp người trôi dạt, chiến sự bùng lan… Khắp thế giới lòng người sưng tấy cuồng nộ, ruộng đồng rách nát, sa mạc sần sùi kẽm gai hầm hào, thành phố sụp đổ hấp hối. Trong bối cảnh như vậy, cần vô cùng một mùa Vu Lan báo hiếu. Trời đất bắt đầu ngập ngừng thu, lòng người chùng thấp… Tầm này hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng đây. Sài Gòn không như đất Bắc có mưa dầm sùi sụt, có gió may hiu hắt dặm đường lê nhưng Sài Gòn vẫn có những giọt nước mắt con cái dành nhớ tưởng song thân đã khuất, nhớ tưởng – và cả cầu siêu – cho bao người vong hồn uổng tử. Nguyễn Du viết Văn tế xưa kia chỉ kể thập loại chúng sinh mà đã khiến người nghe buồn đau tê tái. Bây giờ thập loại nọ nào thấm thía gì! Trái đất như con quái vật khát nước đói ăn, hàng ngày há miệng uống máu người, nuốt thịt người không chán. Mà cũng chính nó- chao ơi- từng là đất mẹ nuôi cây cối, sông suối, con người… hiền hòa biết mấy!

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

“Tháng Bảy này ai xá tội cho ai, xá bao nhiêu cho đủ, đọc Văn tế thập loại chúng sinh nữa ư, đọc nơi đâu, cho ai nghe giữa tiếng gào khóc, sóng nước trào dâng?

“Tôi không muốn tìm câu trả lời trong những cơ sở tôn giáo. Một mình tìm ra ven đồi cỏ, rưới cà phê, nằm xuống, sấp mặt rưng rưng, lời ủ hương hoa hồng trắng ‘Song thân ơi, bạn bè ơi, chúng sinh ơi… chén đắng trên cỏ xanh này một mình xin uống. Kiếp này và muôn kiếp về sau. Nguyện cầu…’

Vâng, xin nguyện cầu cho những hồn xa.

TN