Nguyễn tôi đã hơn một lần viết về ngọn đồi Charlie. Gần đây nhất, hồi năm rồi khi xem một video có tựa đề ‘Ðồi Charlie. Hát Cho Những Người Nằm Lại’ do một người bạn gởi đến. A, cuộc chiến Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972 trên vùng núi đồi Dakto Tân Cảnh. Video quay lại hình ảnh cây rừng bao la trùng điệp, con đường đi lên đỉnh ngọn Charlie cheo leo hiểm trở. Tất cả gợi dậy trong lòng Nguyễn nhiều cảm xúc. Ðỉnh đồi Charlie, đây là nơi nằm lại của Trung tá Nguyễn Ðình Bảo và đồng đội thuộc Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù trấn giữ biên cương. Với Nguyễn hình ảnh Trung tá Nguyễn Ðình Bảo là rất đỗi thân thương. Trung tá là anh của Nguyễn Ðình Tín, bạn cùng dạy học với Nguyễn ngày xưa ở Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho. Ôi, Trung tá Nguyễn Ðình Bảo và các chiến sĩ Dù trấn giữ đồi Charlie. Công sự phòng thủ còn đó với những dấu tích. Qua năm mươi năm vẫn còn nhắc lại thiên sử ca của một thời. Những tấc đất, những ngọn cỏ dãi dầu sao trông thân yêu, gần gũi thế. Cách ngọn đồi Charlie chừng 30 cây số xa xa là Eo Gió, tức vùng Tam Biên mà Nguyễn và Kim Tuấn cùng các phóng viên đã đến thăm nơi các chiến sĩ Thiết Giáp trấn đóng vào mùa hè 1973. Ôi đâu rồi những bông cỏ hồng ngày xưa trong nắng gió ngút trời.

Ðồi Charlie, ngọn đồi linh thiêng ấy, gần đây lại được báo chí và những trang mạng nhắc tới. Nguyên là trên ngọn đồi này, không biết từ bao giờ, người dân đã dựng lên một cái miếu thờ với tấm bia đề Vị Quốc Vong Thân có con đại bàng tung cánh. Gần đây, facebook Lina Nguyen/RFA ghi: Một ngôi miếu được cho là thờ cố Trung tá Nguyễn Ðình Bảo của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trên đồi Charlie, huyện Ðắk Tô, tỉnh Kon Tum, nghi bị phá hoại ngay dịp Tết Nguyên Ðán trong khi Nhà nước Việt Nam kêu gọi hoà giải dân tộc để xây dựng đất nước. Lina Nguyen (người Úc gốc Việt) đến viếng miếu vào ngày 28/1 (mùng 7 Tết Quý Mão), ngôi miếu đơn sơ nằm giữa ngọn đồi bị đập phá thành những mảnh vỡ nằm ngổn ngang. Người ta vẫn còn nhận ra tấm đá có in huy hiệu Binh chủng Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa với con đại bàng sải cánh và cánh dù phía đằng sau, cùng với dòng chữ “VỊ QUỐC VONG THÂN.”

Không rõ miếu thờ bị phá hoại từ khi nào nhưng vào ngày 06/1, Facebooker “Ngọc Thúy Bitin’s” cùng một nhóm du khách đi viếng đồi Charlie và tấm ảnh chụp lưu niệm khi đó cho thấy miếu thờ nêu trên vẫn còn nguyên vẹn.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Facebooker Lina Nguyen trong video của mình, cho biết bà phải nhờ người dùng xe máy chở trên quãng đường đèo dốc hiểm trở dài khoảng 15 km đến nơi ngôi miếu toạ lạc. Người lái xe trên quãng đường này chỉ có thể gài số một để chạy. Do đường sá khó khăn như vậy nên bà loại trừ khả năng miếu bị đập phá bởi trẻ con, bà nghi ngờ “có một bàn tay phá hoại” trong việc phá miếu thờ.

Miếu thờ trên đồi Charlie  

Bình luận về việc miếu thờ Charlie bị đập bỏ, cựu tù nhân chính trị – nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cho rằng có hai khả năng: hoặc miếu bị phá huỷ bởi cá nhân hay nhóm nào đó không liên quan đến chính quyền, hoặc do chính quyền Việt Nam chủ trương phá bỏ. Ông nói với Ðài Á Châu Tự Do vào ngày 07/2:

“Nếu đây là chủ trương của nhà cầm quyền, thực sự nó không đáng để họ làm điều này… Việc họ phá hoại ngôi miếu này là rất tồi bại, không có tính nhân bản của một thể chế đang cầm quyền. Nó là một vết nhơ, cho thấy cái hoà hợp hoà giải dân tộc chỉ là trên môi miệng.”

Nhà báo Tuấn Khanh cũng đã cùng một số người trẻ lên thăm đồi Charlie. Trong bài báo tháng 12.2020 sau khi nhìn thấy cảnh hoang tàn của ngọn đồi lịch sử, đã viết xuống: “Ký ức thường rồi dần sẽ phai mờ, sự khốc liệt của chiến tranh, máu và nước mắt rồi cũng khô cạn. Nhưng anh hùng tử, khí hùng bất tử, cái chết vì chính nghĩa bảo vệ miền đất tự do của những thanh niên miền Nam Việt Nam quyết bảo vệ vùng đất của mình vẫn được nhớ đến, vẫn phảng phất trong hương gió núi vùng Dakto, trong lời hát, bất ngờ hiện ra vào chiều sẩm tối ở đồi Charlie, khiến chúng tôi gai người – sự linh thiêng của núi sông là đây, của cha anh là đây, của nghịch cảnh tương tàn vì tham vọng cơ đồ là đây.

Ði trong đoàn có hai sư thầy trẻ, vừa là bạn tín ngưỡng, vừa là người đồng chí hướng. Nhang được đốt lên, hoa được đặt xuống mặt đất bằng. Chai rượu trắng được rót xuống cùng những lời cầu nguyện khác nhau. Anh V., đứng thẳng dáng gầy, tay chắp nhang ngang mày im lặng. Sự tôn nghiêm của anh làm hơi rượu như nồng hơn, sẻ chia như những vần thơ của Tô Thùy Yên:

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chén rượu hồng đây xin rót xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

Giờ thì không có ai là kẻ thù, cần diệt trừ và không có nơi chốn nào, cần phải bị giải phóng. Chỉ có những con người nằm lại với nhau, xương thịt nằm lại trên cùng một mảnh đất, cùng ngửa mặt lên bầu trời đêm của ngọn đồi Charlie để thấy thương đau là tên gọi chung của tất cả. Tất cả thịt xương Việt Nam đã đến, đã hư không, chỉ còn linh hồn ở lại.

Miếu thờ bị đập phá

Chắc chắn rồi chúng tôi sẽ trở lại, rót rượu cho mọi người, không phân biệt là ai. Vì như có một lời hứa âm vang trong tim với những con người đã đến, thân xác ra đi nhưng linh hồn mãi mãi ở lại Charlie. Những người anh em Việt Nam đã chết trên đất nước, đem lại những điều quý giá. Có những người dạy cho thế hệ sau biết chính nghĩa quốc gia là gì, và có những người lại dạy cho chúng tôi biết cuộc tương tàn ấy đau đớn thế nào trong tham vọng chủ nghĩa.”

Nguyễn Ðình Phúc của trang Biển Xưa trong bài viết đầu tháng 2.2023 sau ghi lại trận chiến đẫm máu đồi Charlie với cái chết của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo và các chiến sĩ Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù cùng lớp lớp lính sư đoàn 320 quân BV, đã hạ bút viết:

“Hận thù của cả hai bên đã bị san bằng và xóa tan trên ngọn đồi Charlie và câu chuyện về nó đã được ghi vào lịch sử của đất nước.

“Chuyện tưởng như đã được khép lại sau gần 50 năm trôi qua nhưng vết thương vẫn chưa lành và đang bị chảy máu. Thật chua xót. Người dân Việt của bên thua cuộc thì chỉ muốn lưu lại một chứng tích thật đơn giản, thật đơn sơ và thật khiêm tốn, đã chọn một chỗ ở ven đồi hoang lạnh đơn độc và chả có ai để ý để lập ra một cái miếu nhỏ với một cái bình hương và một tấm bia cũ ghi chữ Vị Quốc Vong Thân với hình con đại bàng, huy hiệu của lính dù VNCH.

“Trong tập tục dân gian Việt Nam, nó giống như những cái miếu nhỏ lập ra ở đầu thôn để thờ thần làng hay ở một ngã tư nào đó nơi xảy ra một tai nạn chết người để thờ người chết. Không hơn không kém.

Trung Tá Nguyễn Đình Bảo , miếu thờ và cảnh bị đập phá

Chuyện đã qua và đã qua thật lâu nhưng mọi người khi nghe đến và nhìn thấy, họ vẫn không hiểu người CS sao lại có thể hận thù những người lính miền Nam đã chết trên ngọn đồi này mà thân xác không còn nguyên vẹn, không biết nằm ở đâu và không có được một nấm mồ chôn, một dòng di tích, một dấu thánh giá cho dù vô danh hay khi hài cốt được tìm thấy.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Một người viết khác là Phương Quý trong trang viết ngày13 tháng 2, 2023 cho biết Ngôi miếu vừa được dựng lại. Ngay sau khi có tin ngôi miếu nhỏ thờ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên đồi Charlie bị phá hỏng, rồi đến ngày 11 Tháng Hai được người của chính quyền huyện Sa Thầy, Kontum đến kiểm tra và cho dựng lại, số người đi đến đồi Charlie để viếng đã tăng đột ngột. Bà chủ quán nước, đối diện với đường vào đồi Charlie cũng ngạc nhiên và nói số người đi lên đồi bằng xe máy nhiều đến bất thường. “Người đi viếng nhiều, thường là vào Tháng Tư, nhưng không hiểu sao từ đầu Tháng Hai, đã có rất nhiều nhóm đi viếng chỗ thờ ông Bảo”, bà nói.

“Sự kiện miếu thờ bị đập phá đã làm dấy động sự quan tâm khắp nơi. Ðặc biệt là ở Việt Nam, nhiều người lâu nay vẫn im lặng hay không bày tỏ chính kiến đã không kềm chế được, buông ra rất nhiều lời chỉ trích chính quyền hiện tại. Trên các trang Facebook cá nhân và diễn đàn khép kín, hàng ngàn biểu tượng ủng hộ bản tin xuất hiện cùng hàng trăm bình luận. Trong đó, có những người của thế hệ tiếp nối, năm nay mới chỉ chừng hơn 30-40 tuổi, nói họ đã khóc khi thấy cảnh ấy.

“Có sự kiện miếu đổ, mới thấy tấm lòng người dân miền Nam tự do dành cho chế độ VNCH vẫn luôn âm ỉ. Người dân luôn theo dõi, tìm đến và cùng nhau âm thầm bảo vệ những gì còn lại của nước Việt Nam tự do hôm qua. Chế độ đã mất, nhưng con người vẫn còn, và dường như truyền qua các thế hệ, niềm kiêu hãnh và gìn giữ các giá trị của Việt Nam Cộng Hòa, là điều vẫn được nuôi giữ.”

Ngọn đồi Charlie với hình bóng của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo và các chiến sĩ Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù giờ đây đã trở thành di tích lịch sử và nằm trong tâm khảm mọi người.

TN – Tổng hợp