Thanh Minh trong tiết tháng Ba / Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh…

Câu thơ của Nguyễn Du, học thuộc lòng từ thời thơ ấu ở Vỹ Dạ, bất chợt có lúc hiện về trong tâm trí, như tia chợp bật sáng giữa bầu trời. A, năm nay Thanh Minh nhằm ngày 5 tháng 4 gần kề Lễ Phục Sinh khiến lòng ai càng thêm bồi hồi tưởng nhớ.

Vâng, từ bao đời nay, với người Việt Nam, ngày Tết Thanh Minh gắn với nghi lễ tảo mộ, để sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Vì thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất.

Trong dịp Thanh Minh, các gia đình thu xếp thời gian ra nghĩa trang, mang theo dụng cụ để chăm sóc mộ phần. Với những ngôi mộ còn chưa xây, mọi người dùng xẻng, cuốc để đắp lại cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, tránh để trâu bò đến quấy hoặc ngăn rắn, chuột đào hang làm tổ, quấy rối sự yên nghỉ của người đã khuất. Những ngôi mộ đã xây thì được quét tước, dọn dẹp. Sau đó, những người tảo mộ bày hương hoa lễ vật, thắp hương làm lễ, sau đó đốt vàng mã.

Không khí các nghĩa trang trong dịp Thanh Minh thường nhộn nhịp vì cả trẻ con cũng được cho đi theo để nhận biết phần mộ tổ tiên, học hỏi về lòng kính ngưỡng gia tiên và cách thực hành các nghi lễ truyền thống. Những người sống xa quê cũng thường thu xếp về tảo mộ, không nhất thiết phải về đúng ngày Tết Thanh Minh mà có thể chọn bất kỳ ngày nào thuận tiện, rảnh rỗi trong dịp này.

Tinh thần nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong dịp Thanh Minh qua giúp sửa sang, quét tước cho những nấm mồ vô chủ, hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.

Đinh Cường và Bửu Chỉ trước mộ Bùi Giáng – nguồn Nguyễn Thị Nguyệt Mai 

Phải rồi, sắp qua tháng Ba ta rồi đó. Thanh minh trong tiết tháng Ba… Lễ là tảo mộ… Nhưng đi viếng mộ ai bây giờ? Nắm tro tàn của mẹ cha thì giờ đây đã nương gởi ở Chùa Già Lam. Còn mộ vợ, chỉ là hũ tro gởi nhà thờ để thỉnh thoảng ghé thăm. Thôi thì… đi viếng mộ bạn vậy. Ôi, nghĩ tới những nấm mồ không hương khói, có khi không cả bia đề, nằm đâu đó trên một ngọn đồi, mà cảm thương đến lạnh người. Gần đây đọc một bài tạp ghi của Phan Lạc Phúc nói tới việc viếng thăm những người bạn đã khuất, lòng riêng cũng muốn làm một cuộc… tảo mộ tưởng tượng nhân tiết Thanh Minh.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Nhà thơ Trần Tiến Dũng ở Việt Nam, năm 2006, có làm một cuộc đi viếng những nấm mộ như thế, không phải viếng mộ bạn mà đi thăm những nấm mồ hoang lạnh của các chiến sĩ VNCH sau năm 1975 bị bắt đi cải tạo rồi chết chôn trong núi rừng Yên Bái ở Miền Bắc Việt Nam. A, Thác Bà – Yên Bái với rừng trầm thủy và những con đường núi cheo leo… thì Nguyễn có biết vì đã ở đó hơn một năm lúc đi tù cải tạo Miền Bắc. Bài viết của Trần Tiến Dũng có tựa đề ‘Núi Lạnh, hành trình tìm về những nấm mồ hoang’. Trần Tiến Dũng tới thị xã Yên Bái đi xe ôm lên Ðồi Trăn rồi Ðồi Cây Khế tìm những ngôi mộ của sĩ quan Miền Nam ở đây – cái còn bia, cái đã bị nước cuốn trôi đi. Và những câu chuyện dân chúng kể lại có thể làm rơi nước mắt người nghe. Chúng ta hãy theo chân Trần Tiến Dũng: “Trở lại đồi Cây Khế, tôi nhờ anh xe ôm mua tí lễ vật, hương nến. Giữa trưa, tôi và vợ chồng bác Huyến, anh xe ôm cùng mấy đứa trẻ chăn trâu thắp nén hương dâng lên những linh hồn người lính năm ấy dù nay có còn tên hay đã mất tên. Những đốm lửa rất nhỏ không đủ ấm đồi Cây Khế!..” Kết thúc bài “Núi Lạnh”, nhà thơ Trần Tiến Dũng viết: “Cầu nguyện cho các vong linh còn ẩn khuất được sớm trở về nhà. Chúng tôi tin, chỉ khi nào những linh hồn của các bên liên quan trong cuộc chiến tranh cũ thất lạc về được trong vòng tay hương khói của gia đình, chừng ấy bao nỗi oan khiên sẽ tan. Sẽ không bao giờ có sự bình an đúng nghĩa cho một cá nhân, một dân tộc nếu cho đến tận hôm nay đêm đêm vẫn còn những linh hồn khóc giữa núi lạnh. Người lính VNCH cũng ra đi vì lý tưởng yêu nước chân thành của mình. Một dân tộc cao thượng không có núi lạnh.”

Đinh Cường và Bửu Chỉ trước mộ Bùi Giáng – nguồn Nguyễn Thị Nguyệt Mai

Riêng Nguyễn cũng có những người bạn nằm lại núi đồi Yên Bái, Vĩnh Phú, Thanh Chương – Nghệ Tĩnh. Xin được gọi tên nhau giữa mùa Tảo Mộ này. Thằng Tường, lúc đi tù Cộng Sản vẫn còn độc thân, đã nằm lại ở Cẩm Khê, nấm mộ đất không bia đề ẩn sau đám lau thưa. Nhớ những năm 80 khi đã trở lại Sài Gòn, đêm đi dạy chui đạp xe trên đường Nguyễn Tri Phương, ngước nhìn trăng qua hàng cây sao, chợt nhớ tới Tường và thấy ánh trăng dẫn đường đưa mình… về lại chốn xưa / mùa này cây đào cẩm khê đã trổ bông / hồn oan đêm cầm đèn gọi cửa… Cậu em trai của gia đình, cũng độc thân và kiên cường như Tường, chết ở Vĩnh Phú lúc tuổi đời chưa tới 30, nấm mộ đất giờ biết còn không… Và rồi thằng Hậu… Khoảng mùa xuân năm 1980, lúc ở trong thành đá xanh Thanh Chương, nhân đi lao động phát rẫy, bạn bè tiện tay bèn dọn cỏ bãi tha ma chôn những người tù vắn số. Lúc bấy giờ Hậu phụ trách nấu nước cho Ðội, động lòng thương xót, rót mấy bát chè xanh để trên khoảnh đất trống, gọi là tưởng tới những hồn oan. Không ngờ chỉ mấy tháng sau, chính Hậu ra nằm ở chỗ đó.  Còn nữa, những người tù đi không hết đoạn đường oan nghiệt, nhiều lắm… Như Thục Vũ. Anh ở đây bạn bè anh cũng ở đây. Thục Vũ chết trong tù. Ca từ của bài hát đã theo anh về trong núi xám. Chu A Hạnh, và thằng Duyệt… thì không chết trong trại tù, nhưng chết khi đã về lại Sài Gòn, đảo điên giữa cõi người và bụi, khói.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Bạn tù rồi tới bạn văn. Nhớ lại những năm tháng khi tóc còn xanh, mộng đời còn đầy ắp. Thanh xuân hát trên đồi cỏ tía. Không hiểu sao ngày ấy, đâu có ai rủ rê ai đâu, mà lại cùng đi vào con đường văn chương, viết lách. Những Tạ Ký, Tôn Thất Khái, Thế Viên, Joseph Huỳnh Văn, Hoàng Trúc Ly, Kim Tuấn, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Nghiêu Ðề, Lê Uyên Phương, Mai Chửng, Duy Năng, Trần Ðông Phong… Và Cao Ðông Khánh, giờ ở đâu, trong ánh trăng vịnh Frisco – Hắn đã đến / đã ở / và đã đi / trng thêm một chỗ trống… Ôi, các bạn đã lần lượt ra đi, để lại một khung trời nhiều mây trắng. Và rồi Hữu Loan, Hà Thượng Nhân, Vũ Ðức Nghiêm, Thanh Tâm Tuyền, Như Phong, Tô Thùy Yên, Ðinh Cường… Nhiều lắm. Nhân tiết Thanh Minh, Nguyễn tôi chợt nhớ chợt thương… Xin gởi đến các bạn đôi lời của một bản tang ca chưa viết trọn. Riêng với các bạn Tạ Ký, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng hiện nằm ở Gò Dưa, Thủ Ðức, hẹn về thăm các bạn khi ở tiền trường sân khấu không còn những khuôn mặt quỷ dữ.

TN