Chúng ta từng xúc động trước hình ảnh một em bé Syria mới 3 tuổi nằm chết trên bờ biển khi cùng với gia đình cha mẹ chạy trốn chiến tranh, vượt biên sang Châu Âu tị nạn. Em bé xấu số đó là Aylan Kurdi, mặc chiếc áo màu đỏ, quần jeans, nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân mình, úp mặt xuống cát. Nhìn Aylan giống như một thiên thần nhỏ đang say ngủ. Nhưng thiên thần nhỏ sẽ không bao giờ tỉnh lại. Tấm ảnh đã lan truyền cực mạnh, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho những hành trình tị nạn đầy khắc nghiệt. Thảm kịch tị nạn này chẳng những rộng lớn (đã có hàng chục ngàn người tìm cách vượt biên trong năm nay) mà còn đặt ra vấn đề nhân đạo trước lương tâm nhân loại.

Trong ý hướng đó, gần đây có một dự án nghệ thuật lớn mang tên The Walk (cuộc hành trình) được thực hiện. Những người chủ trương mong muốn đánh thức lòng nhân ái của con người trước thảm kịch tị nạn đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới nhất là ở Âu Châu. Nhân vật chính và duy nhất của dự án là con búp bê Amal. “Amal là một cô bé 9 tuổi người Syria. Cô bé là trẻ tị nạn, phải rời bỏ quê hương và đang trong một chuyến hành trình phi thường”. Ðây là lời giới thiệu về sáng kiến nghệ thuật “The Walk” và Amal là một con búp bê khổng lồ sẽ thực hiện quãng đường 8,000km tới nhiều nước để kêu gọi ủng hộ người tị nạn, nhất là cho trẻ em.

Búp bê Bé Amal (nghĩa là “hy vọng” trong tiếng Ả-Rập) cao tới 3.5m, là nhân vật trung tâm của “The Walk”, khởi động ngày 27.7.2021 tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. The Walk là hành trình xuyên lục địa dài 8,000 km qua 8 nước Châu Âu, gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp,Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Ðức, Bỉ và Vương quốc Anh. Mục tiêu của ban tổ chức chương trình là nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra trên thế giới và kêu gọi sự ủng hộ tài chính, để trẻ em trong các trại tị nạn được học tập. Cô Claire Bejanin, nhà sản xuất chương trình “The Walk” cho biết: “The Walk là hành trình của bé Amal, một đứa trẻ tị nạn Syria đi tìm mẹ – người đã ra ngoài kiếm kế sinh nhai và không bao giờ trở về. Giờ đây, Amal phải tìm cách trở lại trường học và bắt đầu một cuộc sống mới.”

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Theo cô Carole Breukel, đồng sản xuất chương trình “The Walk”: Nhiều phụ nữ trong Tổ chức của chúng tôi đã bị thất lạc con cái trong quãng đường chạy trốn chiến tranh. Có những người may mắn hơn, tìm được con. Nhưng họ cũng vẫn phải đợi hàng năm trời để được đoàn tụ cả gia đình. Cô búp bê Amal được lấy cảm hứng từ những câu chuyện như vậy. Một cô bé tị nạn, trong chuyến hành trình khắp Châu Âu để tìm mẹ.”

Little Amal ở Paris vào ngày 15 tháng 10. Ảnh: Rafael Yaghobzadeh / AP

Cuộc hành trình của búp bê Amal trải qua nhiều tình huống, thử thách. Bé được nhiều nơi đón nhận nồng nhiệt. Trên hành trình của Amal có khoảng 100 hoạt động giáo dục và nghệ thuật do các nghệ sĩ nổi tiếng địa phương, các viện văn hóa lớn, các nhóm cộng đồng và các tổ chức nhân đạo thực hiện. Vì thế, “The Walk” còn được coi là một liên hoan nghệ thuật, trong đó “niềm hy vọng sống” là chủ đề bao quát toàn bộ chương trình. Ngoài ra, búp bê Amal cũng sẽ được cùng người dân ở mỗi quốc gia trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: khám phá thành phố Athens (Hy Lạp), tham gia biểu diễn với hàng trăm vũ công ở Naples (Ý), trò chuyện cùng người già ở Cologne (Ðức). Trên đường đi, chương trình đã đến thăm các trại tị nạn và tổ chức các buổi cho trẻ tị nạn sáng tác. Ở Gaziantep, tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, nơi bắt đầu chuyến đi, trẻ tị nạn làm những chiếc đèn lồng để chào đón Bé. Trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, Bé dõi theo dấu vết những đôi giày bị bỏ rơi bên bãi biển, hình ảnh của hàng ngàn người tị nạn đã chết đuối khi cố vượt biển. Ở Ý, Bé Amal đến Vatican được Giáo Hoàng nồng nhiệt tiếp đón. Ở Brussels, hàng ngàn trẻ em viết thư cho Bé, nói rằng hình ảnh của Bé buộc chúng phải nghĩ về những gì phải trải qua nếu chúng là đứa trẻ tị nạn.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Quả thật Công ty Handspring đã tạo con búp bê Amal có biểu cảm mãnh liệt, cao trên đám đông, quan sát mọi thứ trong khi giao tiếp với trẻ em, biểu lộ niềm hạnh phúc, nỗi tức giận, và đôi khi nét đau đớn, mọi cảm xúc mà một đứa bé 9 tuổi có thể trải qua. David Lan, cựu giám đốc nghệ thuật của rạp Young Vic, nói: “Nó rất to, vì thế mọi người đều thấy nó, và mọi cử động của nó được sắp xếp rất xuất sắc, rất tao nhã. Nó được ca ngợi, và điều đó có tác động rất lớn.”

Em Alicia Minardi, người dân Pháp bày tỏ: Khi trông thấy Amal, cháu vừa vui nhưng cũng vừa buồn. Vui vì với cháu và các bạn, cuộc sống thật yên bình. Buồn vì vẫn còn quá nhiều trẻ em trên thế giới có cuộc sống khó khăn.”

Buhrin, người dân Thuỵ Sĩ chia sẻ: Chúng tôi cảm thấy được đắm chìm vào chương trình nghệ thuật và thực sự cảm thấy Amal như một con người thật, dù biết rõ đây chỉ là một con búp bê. Ðó quả là một khoảnh khắc đẹp đẽ.”

Theo cô Carole Breukel, đồng sản xuất chương trình “The Walk”: Với những người nghệ sĩ như chúng tôi, việc có thể khơi gợi được cảm xúc của người xem là một sự thành công lớn. Chúng tôi đã kêu gọi trẻ em trên khắp hành trình, viết và gửi những lá thư chia sẻ tình cảm đến cộng đồng trẻ tị nạn như Amal. Hy vọng đó sẽ là một động lực để thay đổi cục diện.

Theo lời của những người làm chương trình, “The Walk” tựa như chuyến phiêu lưu vượt lên mọi biên giới, chính trị và ngôn ngữ, giúp chúng ta không quên rằng có hàng triệu trẻ em phải di tản mỗi năm. Và giống như mọi trẻ em trên thế giới, những đứa trẻ tị nạn này cũng cần có cha mẹ, đến trường và xây dựng cuộc sống mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp nhận được, cuộc hành trình của búp bê Amal cũng gặp sự chống đối ở nhiều nơi. Ở Hy Lạp, khi Bé đi qua đường phố, nhóm biểu tình cực hữu ném đủ thứ vào Bé, các nghị viên thành phố bỏ phiếu cấm Bé đến thăm ngôi làng của tu viện Chính thống giáo, và các cuộc biểu tình ở Athens buộc Bé phải đổi lộ trình. Tại Pháp, thị trưởng thành phố Calais phản đối sự hiện diện của Amal. Cuộc hành trình 8,000 km xuyên Châu Âu của bé Amal đã cho thấy rõ sự thù địch mà người tị nạn nhiều năm nay đã gặp trên cùng một tuyến đường từ biên giới Syria đến Anh quốc. Dẫu vậy, theo  nhà sản xuất David Lan cho biết công trình này đã buộc hàng ngàn người dọc trên tuyến đường phải nghĩ lại về thái độ của họ đối với người tị nạn, cụ thể là đối với hàng trăm ngàn trẻ em phải bỏ nhà ra đi vì xung đột trong thập niên qua. Và mọi người sẽ lưu ý đến những gì đã xảy tới cho những người bị gạt ra bên lề một cách tàn nhẫn. Ðó là lòng nhân ái. Ðó là cơ hội để mọi người đồng cảm và hình dung nếu họ là Bé Amal thì sẽ ra sao”.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Tóm lại, dự án đạt nhiều mặt tích cực hơn tiêu cực, như lời đạo diễn nghệ thuật Zuabi nói: “Chúng tôi gặp rất nhiều tấm lòng quảng đại. Chúng tôi làm dự án này để tôn vinh lòng nhân ái mà chúng ta đều có. Chúng tôi đã gặp những người sẵn sàng mở rộng tấm lòng và thành phố của họ và suy nghĩ khác đi về vấn đề này. Một cách giải quyết dễ dàng là nói, ‘Chúng ta hãy dựng hàng rào, tách mình ra, rời khỏi khối Châu Âu.’ Nhưng chúng tôi muốn mọi người nghĩ về cách họ có thể chào đón những người tị nạn này để họ không bị gạt ra ngoài lề. Ðứa bé khổng lồ 9 tuổi, cao ba mét rưỡi của chúng tôi đã mang lại niềm vui lớn. Sau gần hai năm Covid, người ta đang đổ xô đến để gặp Bé – mà cũng là để ở bên nhau, và điều này thật cảm động.”

Ước mong những cuộc chiến tranh chia lìa chủng tộc và ý thức hệ sẽ ít đi và rồi biến mất trên hành tinh này. Mọi người sẽ yêu thương nhau hơn và mở rộng vòng tay cho nhau. Sẽ không còn vượt biên tị nạn và nằm chết trên các bờ biển như bé Aylan và mẹ bé.

TN – Tổng hợp