Ðã qua rồi ngày trùng thất. Mưa ngâu đang rơi xuống nhiều nơi ở quê nhà. Mưa tháng Bảy. Ðành là mưa của đất trời nhưng cũng là mưa trên cõi người. Những tiếng mưa buồn dội xuống mái âm dương, nơi dân gian tin rằng những hồn chết trở về thăm chốn cũ. Nhiều nơi ở quê xa lập trai đàn chẩn tế. Và thơ chiêu hồn từ đó thấm cái lạnh nghìn trùng của những giọt mưa rơi. Mà nói tới thơ chiêu hồn là phải nói tới trường thi Chiêu Hồn Ca Thập Loại Chúng Sinh (CHCTLCS) của Nguyễn Du.

Năm 1979, ở Thành Ðá Xanh, trại tù thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ Tĩnh, trong không khí của Chiêu Hồn Ca tôi viết Thảo Nguyên, trong có mấy câu:

cha đã đi qua vùng thảo nguyên

những năm ấy. trời làm đói khổ

kẻ sống người chết đều trơ xương

lại thêm khắp bốn bề giặc giã

muôn oan hồn dấp dúi lang thang

nương trăng. nơi đầu sông cuối bến

ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn

đường bạch dương. chiều không quán trọ

hành nhân. hành nhân. đêm thu phân

Đinh cường

Tất nhiên, người đọc cũng thấy tôi đã mượn mấy chữ “đường bạch dương” của Nguyễn Du trong CHCTLCS. Có thể nói, Chiêu Hồn Ca là tuyệt tác của Tố Như, bên cạnh Ðoạn Trường Tân Thanh. Nó còn gần với dân tộc hơn, và mang tinh thần nhân bản của Phật Giáo. Ðời sau, các thi sĩ khi viết tả không khí bi thương ảm đạm của mùa Thu, nơi âm dương chập choạng, kẻ chết và người sống chừng như đã hẹn nhau để chu tất những món nợ ân tình từng mang theo xuống lòng đất -trong bầu khí thê lương mưa thu lạnh buốt ấy, ít ai không nghĩ tới thơ chiêu hồn của Nguyễn Du.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Hôm nay, nhân mùa trai đàn chẩn tế, dưới bầu trời tháng Bảy mưa thu, chúng ta sẽ cùng đọc lại đôi đoạn đôi khúc trong CHCTLCS. Ðọc và nhìn lại những chặng đường u minh lịch sử vừa qua. Và nhìn vào hiện thời để thấm thấu đức hiếu sinh của trời đất.

Ðể mở đầu cho bản trường ca bi thảm và nhân ái này, Nguyễn Du viết:  Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô / Não lòng thay, buổi chiều thu / Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng… Ðường bạch dương bóng chiều man mác / Ngọn đường lê lác đác mưa sa / Lòng nào lòng chẳng thiết tha / Cõi dương còn thế nữa là cõi âm… Và lập tức, cánh cửa thiên thu mở ra –cõi trường dạ tối tăm trời đất...- những hồn oan phiêu bạt trở về tìm ánh lửa nhân gian. Chưa bao giờ chúng ta thấy văn chương của Nguyễn Du -như ở đây, dù đối tượng là những linh hồn của cõi âm- lại gần với đời sống đến thế. Tố Như tiên sinh vẽ ra trước mắt chúng ta khuôn mặt u buồn của thập loại chúng sinh -nói là chúng sinh nhưng ở đây chỉ thấy những mặt người, và gọi là thập loại nhưng có đến mười mấy hạng người trong xã hội được gọi hồn về. Với chúng ta, cộng đồng người Việt đã trải qua những biến động kinh hoàng của lịch sử và chiến tranh tàn khốc, để rồi phải bỏ nước ra đi tìm đường sống, đọc lại CHCTLCS của Nguyễn Du, chúng ta đặc biệt xót thương những cô hồn xiêu tán. Trước hết là những người lập chí cao –chí những lăm cất gánh non sông…- nhưng gặp “thế khuất vận cùng, mưa sa ngói lở” để rồi “máu tươi lai láng xương khô rụng rời… “ Và chúng ta nghĩ ngay đến những vị tướng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng…  đã vị quốc vong thân. Tiếp đến là những cấp chỉ huy trong quân ngũ –Khi thất thế tên rơi đạn lạc /Bãi sa trường thịt nát máu rơi… Và rồi thời gian lạnh lùng trôi qua – Mênh mông góc bể chân trời / Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào? Hơn thế nữa, xót thương biết mấy, vong hồn của những chiến sĩ vô danh trong cuộc chiến dài gần hai chục năm ở quê nhà. Những người từng “Nước khe cơm vắt gian nan / Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời / Buổi chiến trận mạng người như rác / Phận đã đành đạn lạc tên rơi / Lập lòe ngọn lửa ma trơi / Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!… “ Mặt khác, CHCTLCS của Nguyễn Du còn nhắc tới số phận oan khốc của những người tù: “Cũng có kẻ mắc đường tù rạc / Gửi mình vào chiếu rách một manh …” Ðọc đến đây, chúng ta không thể nào không thương tưởng tới hàng trăm ngàn anh em của chúng ta sau 1975 đã phải chịu cảnh ngục tù Cộng Sản và nhiều người đã gởi nắm xương tàn nơi ven rừng, dốc núi. Cũng vậy, khi Nguyễn Du tả những hồn oan chết sông chết biển –Cũng có kẻ vào sông ra bể / Cánh buồm mây chạy xế gió đông / Gặp cơn giông tố giữa dòng / Ðem thân chôn rấp vào lòng kình nghê– chúng ta nghĩ tới hàng trăm ngàn người chạy trốn CS, chấp nhận cái chết giữa muôn trùng sóng dữ… Trong mùa trai đàn, cúng tế này, xin dâng tuần nhang, bát nước cho những hồn u khốc ấy.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Quả thật CHCTLCS đã gợi ở chúng ta biết bao tưởng nhớ và xót thương. Và thời tiết tháng Bảy mưa ngâu cũng là thời điểm để trở về với quá khứ bi thương của dân tộc, nghĩ tới những anh em đồng đội đã nằm xuống trên khắp nẻo đường đất nước và trong các trại tù CS, nghĩ tới những thuyền nhân đã đắm chìm ở Biển Ðông… Làm sao quên được. Vâng, đúng vậy. Ngày hôm nay, chúng ta được sống ổn định sung túc trên xứ sở tự do này, chúng ta không thể nào tự cho phép mình quên anh em đồng đội và đồng bào ruột thịt. Chính quá khứ đã làm nên hiện tại. Quên quá khứ là quên hồn, quên xác. Chúng ta lẽ nào quên…

Hơn thế nữa nhìn vào thực trạng của đất nước hiện nay trong cơn dịch lệ ta thấy lòng mình dâng lên bao nỗi xót xa. Những ngày này mưa ngâu có rơi trên phố xá vắng tanh. Ở đâu đó cái đói cái lạnh trùng trùng vây hãm. Rồi dịch bệnh cái chết với thân người bó trong bao nylon chở đi trên những chuyến xe không quay về lại. Những bó rau, bát cơm, ổ bánh, ly nước, tấm chăn và bình dưỡng khí có tới được những anh em đồng bào xấu số đang chờ đợi. Rồi những đoàn xe ngày đêm tháo chạy có tới được nơi bình yên mong muốn. Oan này còn một kêu trời nhưng xa… Cũng đành xin mượn tuần nhang bát nước và thơ chiêu hồn cầu nguyện.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

TN