Em đến như từ trong cổ tích

Hay từ giấc mộng bông tường vi

Những ngày gần đây một hình ảnh thật đẹp, trong sáng và đầy chất thơ xuất hiện trên các trang báo giấy báo mạng, và trên trang facebook dưới danh xưng mới lạ Thi Khôi. Ðó là em Alexandra, 18 tuổi, là người Mỹ gốc Việt, thế hệ thứ nhì (hay thứ ba?), sống tại thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California. Em cũng là tân sinh viên của đại học Stanford University. Trong buổi chung kết đêm Thứ Năm 20/5/2021, Alexandra Huynh – tên Việt là Thụy An – đã thắng giải «2021 National Youth Poet Laureate» — Nhà Thơ Khôi Nguyên Giới Trẻ Hoa Kỳ 2021.

Trả lời phỏng vấn của báo chí và truyền thông, Alexandra Huỳnh nói rằng đối với em thơ cũng là một khí cụ để giúp đối phó với các thách đố của đời sống. “Em tự hào vì em có thể đại diện người Việt trẻ nhận được vinh dự này ở ‘đấu trường’ văn thơ Hoa Kỳ,” Alexandra nói. Em cũng bày tỏ: “Tiếng Việt tự nó đã là ngôn ngữ giàu chất thơ. Trong văn hóa Việt Nam, em cảm thấy thể như chúng ta đàm đạo thơ trong đời sống hằng ngày.” Alexandra bắt đầu viết lời các bài hát từ khi 7 tuổi, và thực sự ưa thích làm thơ khi vào trung học, nhất là sau khi đã đọc thơ trước công chúng và cảm thấy sức mạnh của chữ nghĩa khi được trình bày. Em còn cho biết ông ngoại em cũng là một nhà thơ. “Cách nay hai năm, khi em thắng giải nhì trong cuộc thi thơ đầu tiên em tham gia ở trường Mira Loma High School, lúc đó mẹ kể rằng ông ngoại chính là thi sĩ Duy Năng,” Alexadra cười nói. Em tự hào vì mình có thể ‘kế thừa’ tố chất thơ văn của ông ngoại, rằng “cứ như thể thơ đã chảy  trong máu vậy.”

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Em được chọn trong bốn nhà thơ vào chung kết, đại diện cho bốn khu vực, để được trao danh hiệu vốn đã lần đầu tiên được trao cho nhà thơ Amanda Gorman. Gorman được cả thế giới biết đến hồi Tháng Giêng năm nay, sau khi đọc bài thơ của cô tại buổi tuyên thệ nhậm chức của Tổng Thống Joe Biden, và trở thành niềm khích lệ cho Alexandra.

Alexandra nói sự kiện cô Gorman được đón nhận nhiệt thành đã thay đổi điều em nghĩ về những gì một nhà thơ có thể đạt được, giúp em có những ước mơ lớn hơn. Thêm nữa, Alexandra nêu tên Ocean Vương và Diana Khôi Nguyễn là hai nhà thơ trong số những người cô ngưỡng mộ, và cũng bày tỏ hy vọng là sẽ có tác phẩm để được ấn hành và rồi chuyển dịch sang Việt Ngữ, “ngôn ngữ mẹ đẻ” của em.

Thi Khôi – Alexandra Huynh – nguồn Người Việt

Sự xuất hiện của Alexandra Huỳnh đặc biệt được các nhà văn nhà thơ Việt ở hải ngoại đón nhận. Nhã Ca, Nguyễn Thị Thanh Bình, Vương N Minh, họa sĩ Ann Phong, Phan Tấn Hải, Trần Kiêm Ðoàn, Nina Hòa Bình, Sam Nguyễn… Riêng Trần Kiêm Ðoàn và Nguyễn Thị Thanh Bình đã viết hai bài tản văn đặc sắc ca ngợi Alexandra Huỳnh. Còn Nina Hòa Bình, ái nữ của Trần Dạ Từ và Nhã Ca, thì đã dịch thơ Alexandra ra tiếng Việt.

Nguyễn này đặc biệt chú ý tới em Alexandra còn vì một lý do khác: Em là cháu ngoại của bạn thơ Duy Năng. Nguyễn và Duy Năng là bạn trong quân đội ngày xưa và là bạn thơ cùng xuất hiện trên trang báo Ðời Mới của Trần Văn Ân. Ðã từng gặp nhau, đến chơi nhà nhau ở Nha Trang và Ðà Lạt. Một lần cách đây nhiều năm khi Nguyễn tới San Jose giới thiệu thi phẩm Tôi Cùng Gió Mùa, Duy Năng đã tới gặp và đọc tặng bài thơ làm cho Nguyễn. Nhiều năm trôi qua, Duy Năng giờ đã ra đi sau làn mây trắng. Trong mối thân tình đặc biệt đó, Nguyễn cảm thấy yêu Thụy An Alexandra như yêu các cháu nội của mình, hay như yêu Vivi và Larkie cháu của Duyên Tùng hay Như Tranh Như Thơ cháu của Ðinh Cường. Ước chi một ngày nào đó được gặp Alexandra sẽ đọc cho cháu nghe bài thơ của ông viết về hoa tường vi. Vì cháu cũng là một bông tường vi mang hồn thơ Việt trên đất nước này.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Bây giờ, để kết thúc bài viết, Nguyễn mời các bạn đọc bài thơ Autumn Prayer của Alexandra Huỳnh được Nina Hòa Bình dịch ra tiếng Việt.

TN – Tổng hợp

Lời nguyện cầu mùa Thu

 

đây là nơi tôi nhận mọi thông tin,

mẩu tin xưa cũ của thế giới

chẳng của riêng tôi

nhưng phảng phất mùi cảm thông

 

từ một ông già

với lòng cảm thông thương hại

ông giảng cho tôi

về bài học tên gì số mấy

& tôi nuốt xuống

 

cho đến khi ông nhắc đến Việt Nam

(cuộc chiến)

khi đó

tôi bắt đầu thật sự lắng nghe

nếu tôi không thể là người hùng

tôi mang tên người di dân gương mẫu

 

     ôi những chiếc thuyền

     & những người trên những chiếc thuyền ấy

     can đảm biết bao & khác xa

     đám tỵ nạn đương thời chúng ta nợ họ

 

Tôi ngậm chặt lưỡi

nghe âm thanh

thân thuộc gần như nhà mình

khi tên Dương Thu Hương mất đi dòng sông

trong miệng lão thầy

và chẳng ai buồn hỏi vì sao

mặt tôi giàn giụa.

& nhớ đến chiếc bàn buồn bã,

trong góc xó lớp học

tôi viết lời nguyện cầu

cho lũ trẻ sắp vào chật lớp này:

hãy để đám trẻ được xưng tên chúng như mẹ chúng đã từng gọi thế.

hãy để điệp khúc được xướng lại hay cố gắng & cố gắng như thế.

hãy để những câu chuyện không pha chất trọ trẹ

& giữ lại thanh âm không phiên dịch.

hãy để lũ trẻ điền vào khoảng trống bằng ký ức.

 

     ừ thì rau ngò. ừ thì tơ lụa. ừ thì tiếng giậm chân. căn nhà đôi. mật ngọt.

     tràng hạt. ừ thì nhựa đường. tiếng trống. những đôi giày. những lọn tóc.

     ừ thì nén hương. bánh mì. dây xích. đồng kẽm. ừ thì những ngôi sao.

     những ca khúc. những xôn xao trên truyền hình dây cáp, dòng sông. ừ thì

     những số nhân. số nhiều. ừ tình yêu. tình yêu.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

 

hãy để ký ức được kể lại bằng những khối u mọc trong tim

hãy cho lũ trẻ biết tên gọi thực thụ của nỗi buồn.

hãy để chúng kết âm thanh thành hy vọng.

& rút tỉa từ những bi hùng ca của tổ tiên.

hãy để danh dự không bắt chúng làm con tin.

hãy để huyết thống chúng trở thành nguyên bản.

hãy để những gì mắt thấy tai nghe trở thành ngôn ngữ chính.

Alexandra Huynh

Hòa Bình Lê phỏng dịch